Lịch sử hôn nhân Công giáo

 

history-marriage.jpg

 

Phần I: Hôn nhân Kitô giáo thời đầu

Có thể nói có một số những định chế, luật lệ ảnh hưởng trên định chế hôn nhân Kitô giáo. Luật La Mã cổ được xem là có ảnh hưởng cơ bản, còn các phong tục tập quán Đức cũng ảnh hưởng phần nào.

 

A. Hôn nhân trong luật La Mã:

1.Định nghĩa: theo luật La Mã, hôn nhân đích thực là sự hoà hợp, hiệp nhất phái tính giữa một người nam và một người nữ, tạo thành một cộng đồng sự sống, có một vị trí xã hội duy hất theo ý thần linh và con người.

Định chế hôn nhân này phối hợp hai người cùng một đẳng cấp xãhôị. Hôn nhân giưã một phụ nữ tự do với một người nô lệ (hoặc ngược lại) không được xem là hôn nhân (nô lệ không phải là “người” theo luật La Mã, không được thừa nhận theo pháp lý). Trong trường hợp đó, chỉ là liên hệ tình ái, không có quyền đòi của hồi môn, không có những đứa con hợp pháp.

 

2. Theo luật này, hôn nhân được thực hiện nhờ sự ưng thuận của hai bên, chỉ duy điều này thôi là cơ bản. Đây chính là nền tảng của hôn nhân kitô giáo từ xưa tới nay. Việc ăn ở vợ chồng không được nói đến trong quan niệm hôn nhân của La Mã. Sự ưng thuận trên sẽ nối kết hai con người có ý định sống với nhau như vợ chồng, và để cho mọi người thấy tình cảm hôn nhân. Cần có sự đồng ý của người cha hay người giám hộ. Đính hôn không được kể có tính pháp lý: đó chỉ là chuyện riêng tư, liên quan đến hai bên gia đình và không thuộc định chế hôn nhân.

Việc trao đổi sự ưng thuận không buộc phải có tính cách công khai, bởi vì mục tiêu đầu tiên của hôn nhân là sinh sản con cái hợp pháp. Tưởng cũng cần lưu ý rằng, luật La Mã ít quan tâm đến đời sống lứa đôi, vì đó là chuyện riêng tư không liên hệ gì đến quốc gia. Người chủ gia đình là chủ nhân ngôi nhà của họ (định chế phụ hệ).

Mối dây vợ chồng chỉ có thể được tháo cởi bởi sự đồng ý của hai bên: ngay từ lúc sự ưng thuận diễn ra, hôn nhân đã thành sự, do đó hôn nhân chỉ chấm dứt khi cả hai bân không còn ưng thuận tình trạng này. Như thế ly dị là điều thường diễn ra và được thừa nhận. Hai vợ chồng chia tay nhau có thể tiến đến một hôn nhân mới.

 

B. Hôn nhân theo các Giáo Phụ:

1.Vào thời đầu, Giáo hội ít quan tâm đến các vấn đề có liên quan đến hôn nhân gia đình nhưng dần dần nhằm thanh lọc các phong tục tập quán du nhập từ các nền văn hoá cổ, Giáo hội phải nhanh chóng lưu tâm dến vấn đề này. Theo Athenagore, mỗi người chúng ta hãy coi là vợ mình người phụ nữ chính họ đã cưới theo luật của chúng ta, với lý do duy nhất là để sinh sản con cái. Sự trung tín hôn nhân cũng được đặt lên hàng đầu. Hôn nhân vẫn là việc riêng tư không cần cử hành công khai trong nhà thờ, mặc dù thánh Inhaxiô, Giám mục thành Antiokia đòi các đôi hôn nhân “có ý kiến của Giám mục”.

Thực vậy, đạo lý Kitô giáo chỉ có do những vấn nạn và những khó khăn thực tế.

Tại Corintho, thánh Phaolô đã phải “rút phép thông công” người phạm tội loạn luân (1Cr 5,1-13). Vào thế kỷ II cũng có những hình phạt cho các trường hợp ngoại tình. Nhưng để gọi là ngoại tình, trước ht61 cần phải được xác định dần dần. Những khó khăn ban đầu có lên quan đến luật pháp đời là: luật Roma chỉ thừa nhận hôn nhân cùng đẳng cấp xãhôị. Song, Giáo hội coi tất cả mọi người là bình đẳng: tất cả những hôn nhân giữa các người đã rữa tội đều thành sự. Có nhiều ý kiến tranh cãi, thậm chí đối nghịch nhau về vấn đề này (chẳng hạn xung đột giữa Callixte và Hippolyte).

Các Công đồng đã soạn ra đạo lý về hôn nhân Kitô giáo, theo cách thực tế, khởi đi từ những vấn đề cụ thể như trên. Chẳng hạn vào năm 303, Công đồng Elvire phạt nặng ngoại tình đồng thời xác lập ưu tiên cho các cuộc đính hôn và thiết lập định chế vững chắc cho mối kết hợp hôn nhân.

Mãi về sau này, vấn đề bất khả phân ly mới được đặt ra. Khi Giáo hội phải đương đầu với những đòi hỏi theo khuynh hướng tự nhiên con người vốn được những định chế pháp luật đời ủng hộ. Điều này kéo dài hằng nhiều thế kỷ. Việc tái hôn của những người đã ly dị thường bị kết án nặng nề.

Chúng ta tự hỏi rằng vào thời kỳ đó hôn nhân đích thực là gì và đòi những điêù kiện nào?

 

2. Những cản trở cho việc thừa nhận tính Bí tích của hôn nhân: Tình yêu ít được đánh giá cao trên bình diện xã hội. Bởi vì xem ra những tình cảm thì “chóng qua mau hết, không ổn định”. Để có hôn nhân, tốt hơn hết không chỉ dựa trên tình yêu. Điều mà đòi có hôn nhân, chính là ý muốn của gia đình và những lợi ích kinh tế. Hơn nữa, do người phụ nữ vốn bị xem là thấp kém và có vai trò phục vụ, nên viêc trao đổi và đối thoại bình đẳng giữa các người phôi ngẫu không được ưa chuộng. Thánh Gioan Kim Khẩu xem ra không thực tế khi ngài nói về các đôi hôn nhân có thể đối thoại bình đẳng với nhau trên bình diện thiêng liêng: “hôn nhân thì cũng chẳng khác gì đời sống đan tu (bề dưới tuân phục bề trên)”. Vào thời Trung cổ tình trạng đó vẫn không có gì thay đổi. Làm sao chúng ta có thể hiểu Thư Epheso 5 và những chỉ dẫn liên quan đến tính Bí tích của hôn nhân.

Trên bình diện xã hội và văn hoá, những việc như trên kể là còn “chưa chín mùi”. Phải chờ đến Hugues de Saint-Victor, khoảng 1140, tình yêu giữa đôi vợ chồng mới được xem là nền tảng cho tính Bí tích của hôn nhân. Sau đó, pierre Lombard mới triển khai ý tưởng này:”sự ưng thuận hai bên có ý nghĩa là sự kết hợp giữa Đức Kitô và Giáo hội nhờ Đức Ái “

Một vấn nạn khác có liên quan đến vấn đề tính dục, đó là cái nhìn bi quan, tiêu cực về vấn đề này. Nguyên do là vì:

-Do có nhiều cuộc ly dị cũng như cách sống vô luân của nhiều đôi vợ chồng, vào thời cuối của đế quốc, hôn nhân không còn được coi trọng.

– Do nhiều trào lưu – ngoại giáo cũng như “gần Kitô giáo” loại trừ hôn nhân, coi đó là điều xấu. Chẳng hạn phái Manikê, đã coi vấn đề sinh sản là một điều xấu. Những trào lưu này ảnh hưởng đến đời sống luân lý của các Kitô hữu: họ có thể ăn ở với nhau khi muốn, miễn là không sinh sản con cái như thế sẽ không có gì xấu cả.

– Do các trào lưu triết học Nhị nguyên vốn coi trọng linh hồn hơn thân xác: phái Platon cho rằng linh hồn kết hợp với thế giới linh tượng, đồng thời , đồng thời thoát khỏi thân xác yếu hèn nhờ chiêm niệm. Potphytr (234-305), một tác giả tân Platon đã coi toàn bộ thân xác là “cần lánh xa”. Do đánh giá thấp hoạt động tính dục, Plotin (205-270) đã tiết chế khổ hạnh. Đạo lý của ông là : để dâng hiến cho việc chiêm niệm, cần phải thanh nhàn, không bận tâm đến một ai. Đối lại với muốn mình bị đánh giá thấp. Phái Khắc kỷ tìm cách hoà hợp với vũ trụ và với thiên nhiên. Về vấn đề ítnh dục, phái này theo kiểu mẫu “ của loài vật”: Thú vật kết bạn với nhau để sinh sản.

Sống trong bối cảnh văn hoá như thế, các Giáo phụ bị ảnh hưởng ít nhiều. Linh hồn có một vị trí cao hơn thân xác, cần phải loại bỏ tính dục, – văn hó thời đó tất yếu là như thế! Các Giáo phụ cũng bi quan về vấn đề tính dục. Theo như Kinh thánh, hôn nhân là tốt đẹp và được Thiên Chúa tạo dựng, cần phải được nuôi dưỡng. Theo chân phái Khắc kỷ, các Giáo phụ cũng đặt thiện ích của hôn nhân là sinh sản con cái. Và nếu hôn nhân là thiện hảo thì bậc đồng trinh lại còn cao hơn. Do đó, chúng ta thấy có nhiều bậc sống: bậc đồng trinh, bậc goá phụ, bậc hôn nhân (bài giảng của thánh Ambroxio). Như thế, tuy xác tín rằng hôn nhân là tốt đẹp, các Giáo phụ cũng không đánh giá cao hôn nhân. Nói như thế có nghĩa rằng hôn nhân – một “sự dữ” tối thiểu – chỉ là một bước mà nhiều người muốn vượt qua. (Thánh Gierônimô).

 

3. Thánh Augustino là chứng nhân rõ ràng nhất về các quan niệm của thời đại Ngài. Quan điểm của Ngài vẫn còn được áp đặt tại phương Tây cho tới thế kỷ XX, tuy đôi lúc bị áp đặt sai. Ngài có một quan niệm khá tiêu cực về hôn nhân và tính dục. Ngài không thể vượt qua được mâu thuẫn giữa: các quan niệm về tính dục vốn phát xuất từ bối cảnh văn hoá ngài với sự thiện hảo của hôn nhân theo Kinh thánh.

Ngoài ra, vẫn có những cuộc tranh luận về hôn nhân, đôi lúc mang tính bút chiến: những người theo phái Jovi kết án sự đồng trinh, phái Manike từ chối sinh sản…

Thánh Augustino thể hiện tư tưởng của mình qua ba tác phẩm: “Thiên hảo hôn nhân”(401); “Những cuộc phối hợp ngoại tình” (419); “Các hôn lễ và khát vọng” (419-420), ngoài ra còn có các bài giảng, các bài chú giải Kinh thánh có liên quan.

Thánh Augustino quy chiếu về luật La Mã: việc kết hôn là để có những đứa con hợp pháp. Ngài lấy lại quan điểm tự nhiên của phái Khắc Kỷ:việc kết hôn là để sinh sản con cái. Tình cảm yêu đương chỉ được xem như là khát vọng tình dục. Khát vọng này có tính tiêu cực vì từ khi con người phạm tội nguyên tổ, họ đã mất khả năng kiểm soát xung động tính dục. (Xc Đạo đức gởi Nicomaque VII, 12,1152b của Aristote: khoái lạc tính dục là rào cản của lý trí). Việc bất tuân phục của thân xác cho thấy con người bất tuân phục Thiên Chúa. Trong tình trạng như thế, thật khó để coi trọng tính dục.

Đúng ra, có cả một đẳng cấp các thái độ tính dục: cấp bậc cao nhất là trương quan phái tính để sinh sản con cái thì không có tội. Như thế các đôi hôn nhân phải cố kiêng cữ càng nhiều càng tốt. Rõ ràng hơn hôn nhân càng trở nên thánh thiện và có sức thánh hoá khi người ta càng ít sử dụng thính dục. Các triết gia ngoại giáo (sau này thánh Augustino theo), nghĩ rằng sự thân mật thì thiện hảo hơn là “trao đổi”. Tư tưởng của thánh Augustino càng ngày càng nhấn mạnh trên sự trong sạch trong đời sống hôn nhân, trên tình yêu bằng hữu, và đó là điều duy nhấnt làm phong phú cho đôi bạn.

Theo thánh Augustino, tính dục hay đúng hơn là khát vọng phái tính là nơi thông chuyển tội nguyên tổ. Từ đó gây ra vụ tranh luận với Julien d’Eclena cho rằng rửa tội cho trẻ sơ sinh là vô ích, vì cha mẹ chúng đã được rửa tội và chúng lớn lên trong môi trường Kitô giáo. Ý kiến này vốn nghịch với Giáo hội ngay từ đầu. Thánh Augustino đã biện minh là : nếu không ý thức về thiện ác; nhưng vì chúng sinh ra có dấu vết tội nguyên tổ, chính phép rửa tội sẽ thanh tẩy chúng. Và tội nguyên tổ được thông chuyên bởi khát vọng phái tính. Julien d’Eclena cho thấy có sự mâu thuẫn giữa thiện hảo của đời sống đôi bạn (do Thiên Chúa tạo dựng) với hôn nhân như “thao trường” của tội lỗi. Thánh Augustino tự biện minh khi viết: hiệu quả Bí Tích Rữa tội làm cho các đôi bạn kitô giáo sống trong sạch, vốn là đời sống tương lai của những người được Phục Sinh.

Thánh Augustino nói về ba thiện hảo trong đời sống của hôn nhân: lòng trung tín, con cái và Bí Tích. Sinh sản là một thiện hảo tuy vô sinh không phải là bất thiện hảo và không huỷ hoại hợp nhất đôi bạn. Sự trung tín được bám rễ trong suốt đời sống đôi bạn. Về Bí tích có liên quan đến tính bất khả phân ly, một điều tất yếu và không tranh cãi. Ba thiện hảo hôn nhân này làm cho khế ước hôn nhân trở thành một tình trạng đã có gia đình.

 

4. Nghi thức hôn nhân trong Kitô giáo xưa và việc phát triển quyền lợi của hôn nhân.

Không có một nghi thức đặc biệt riêng cho hôn nhân, chỉ theo phong tục địa phương. Tại phương Đọng sau một thời gian tranh cãi, thánh Gioan Kim Khẩu đã mặc ý nghĩa Kitô giáo cho việc đội triều thiên và đem áp dụng. Tại phương Tây, việc đội triều thiên đôi khi được thay thế bằng phủ khăn, rồi tiệc cưới, trao đổi sự ưng thuận cách long trọng, trao nhẫn, chúc lành cho đôi hôn nhân hoặc cho phòng cưới. Cũng cần lưu ý rằng tại phương Tây các nghi thức này không làm cho hôn nhân thành sự (ít ra theo luật Giáo hội), cũng không cần sự ưng thuận của người cha. Chỉ có sự trao đổi ưng thuận giữa đôi hôn nhân là quan trọng.

Dần dần Giáo hội đưa ra những quy định pháp lý cho những ngăn trở hôn nhân: ngăn trở về họ máu, tuổi, đôi lúc cấm hôn nhân hỗn hợp, ngăn trở lời khấn.

Vấn đề tháo cơỉ mối day hôn nhân được bàn thảo nghiêm túc tại phương Đông: khi một người đã kết hôn phạm tội ngoại tình, họ không thể kết hôn lại vì mối dây hôn nhân đã có. Nhưng trong thực tế luật pháp địa phương có thể châm chước điều này. Việc ly dị và rẫy vợ là không hợp pháp từ thời Constantin. Người ta nhận thấy có sự phân biệt đối xử giữa người đàn ông và người phụ nữ ngoại tình(ngược lại, các Giáo Phụ khẳng định cả đàn ông cũng như đàn bà đều có trách nhiệm, phạm tội và chịu chế tài như nhau). Việc tái hôn thời đó tuy được Giáo hội chấp nhận vẫn không được ủng hộ.

 

C. Hôn nhân theo phong tục Đức: đế quốc ngày càng lan rộng và thống nhất về chính trị và pháp lý. Luật La Mã mất dần. Giáo hội chưa có các phương tiện để thống nhất luật lệ của mình. Những người xâm lăng Đức có một quan điểm khác về hôn nhân.

Theo phong tục Đức, người chồng và người vợ tặng các món quà cho nhau. Đó là hình thúc chính thức. Hôn nhân được thực hiện qua nhiều giai đoạn:

– Ý muốn kết hôn mang lại ân huệ trong tương lai.

– Tiệc cưới, trao người vợ trẻ cho người chồng và bắt đầu một đời sống chung. Việc ăn ở vợ chồng có một tầm mức quan trọng lớn: đôi khi người vợ trẻ đó thực thụ trở thành vợ sáng ngày hôm sau sau khi việc ăn ở vợ chồng.

Tuy nhiên luật pháp Đức cũng thừa nhận một hình thức lôn nhân “thứ yếu” : cuộc hôn nhân do hãm hiếp, khôn long trọng, không hợp pháp, nhưng thành sự.

 

Phần II: Thời Trung cổ: tính cách Bí Tích của hôn nhân

A. Sự tiến triển của Giáo lý Hôn nhân

 

1. Hôn nhân vào cuối thời các Giáo phụ: vào thế kỷ thứ VII, đồng trình được coi trọng hơn hôn nhân, sinh sản con cái có giá trị, và có một số luật lệ cho đời sống đôi bạn. Giáo hội hợp pháp hoá nhiều cấm đoán về liện hệ hàng dọc. Các vấn đề bất khả phân ly, giáo dục mối dây hôn nhân vẫn còn đó. Do đó, thời Trung cổ cần nỗ lực suy tư.

Giáo hội quan tâm nhiều trên bình diện phụng vụ. Việc chúc lành không nhất thiết làm cho hôn nhân thành sự nhưng có mục đích đáp ứng lại mối bạn tâm của quần chúng. Sau cùng, Giáo hội cố đưa ra nhiều luật lệ có tương quan đến đời sống hôn nhân như mối dây hiệp thông bất khả phân ly của hôn nhân, cấm việc ruồng rẫy vợ vốn làm cho người phụ nữ trở thành nạn nhân. Luật hôn nhân của Đức tương đối dễ dàng cho ly dị, hợp pháp hoá hôn nhân do bị hãm hiếp, được Giáo hội thừa nhận miễn là bên phía nữ đồng ý.

2. Từ thế kỷ XI, Giáo hội quan tâm nhiều hơn đến hônnhân. Thời này, có nhiều tác phẩm lớn và giá trị như của P. Lombard, de Champeaux, de Saint Victor…Một cách chung, thần học hôn nhân phác học những điểm chính yếu:

• Phân biệt hôn nhân thành sự (sau trao lời ưng thuận, có thể tháo) và hoàn hợp (sau ăn ở vợ chồng, không thể tháo gỡ).

• Hôn nhân hữu hiệu và thành sự khi trao lời ưng thuận “trong hiện tại”, ngược vơí lời”trong tương lại” trong lễ đính hôn (có thể bãi miễn).

• Hôn nhân không thể bãi miễn.

• Sự ưng thuận của cha mẹ và chúc lành hôn nhân chỉ có “tính tham khảo”, không nhất thiết.

• Hôn nhân đã được đinh chế hoá trong vườn địa đàng của Adam để gia tăng “dân số”, nhưng sau sa ngã, lại có tính “chữa lành”.

• Hành vi vợ chồng là thánh thiện và để sinh sản con cái, tuy cần tiết chế khoái lạc.

• Không được phép ly dị. Hôn nhân của người ngoại hợp pháp, tuy không là bí tích.

Hơn nữa, thế kỷ XII, luật La Mã được tái khám phá với ý tưởng khế ước: hôn nhân là một khế ước.

Cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII, tính cách bí tích của hôn nhân được khẳng định, và phát xuất từ ý muốn Thiên Chúa. Hôn nhân được xác định bằng những hạn tưì Kinh viện:

• Nguyên nhân chất thể: đôi hôn nhân

• Nguyên nhân hiệu quả: Ưng thuận đôi bên và hợp nhất thân xác.

• Nguyên nhân cứu cánh: sinh sản con cái, chữa trị dục tính.

• Nguyên nhân mô thể: cử hành tôn giáo và dân sự long trọng.

 

B. Hôn nhân như một Bí tích:

Khi gán ý nghĩa Bí tích cho hôn nhân, vào thế kỷ XII, người ta muốn đặt mối tương quan với sự hiệp thông giữa Chúa Kitô và Giáo hội, mà hôn nhân là hình ảnh (Xc Eph 5).

Hugues de Sâin Victor (+1141) đã định nghĩa hônnhân như một “dấu chỉ một thực tại thánh”, diễn tả sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo hội. Vì hôn nhân có tính Bí tíhc nên bất khả phân ly. Hôn nhân là bí tích duy nhất được định chế trước khi nguyên tổ sa ngã, do đó nó không phải là một phương thuốc trị liệu cho dục vọng nơi con người. Nó thánh hoá đôi hôn nhân. Hugues đã đặt hôn nhân như là một cộng thể lên hàng đầu. Tình yêu là lý do hiện hữu của hôn nhân.

Theo thánh Thomas Aquino, vì hôn nhân là một Bí tích, nên hôn nhân là nguyên nhân của ân sủng. Một số tác giả đã bạn tâm về vấn đề ân sủng: làm thế nào chúng ta làm cho một hành vi mà thiết yếu là sự khoái lại xứng đáng để Thiên Chúa ban ân sủng? Thánh nhân trả lời: nhờ có tình yêu của cả hai phía; không có một giới lệnh nào coi hành vi vợ chồng có tội (Suppl, Q41, art, 3); trong phạm vi hôn nhân, hành vi vợ chồng là xứng hợp vì lý do công bằng, phương chi lại là lý do tôn giáo (tôn giáo theo nghĩa mội tạo vật là vinh quang Thiên Chúa). Thánh Toma quan niệm hợp nhất thân xác là thánh thiện.

Duns Scot thêm vào: Bí Tích là dấu chỉ của một thực tại thánh mang lại ân sủng.

Lối tiếp cận kinh viện (hỏi đáp) làm phát sinh nhiều câu hỏi lẻ tẻ (hôn nhân giữa Adam và Eva có tính Bí tích không?

 

C. Hôn nhân trong luật Giáo hội

1. Theo Giáo luật, có những ngăn trở truyệt đối và những ngăn trở tương đối:

– Ngăn trở truyệt đối: chưa đủ tuổi; bất lực; khấn dòng; đã có hôn nhân trước chưa giải quyết; khác biệt về tôn giáo (cấm hôn nhân với Do thái giáo, Hồi giáo, ngoại giáo hay lạc giáo).

– Ngăn trở tương đối: quan hệ thiêng liêng; quan hệ nghĩa tử; ngoại tình.

 

2. Bất khả phân ly: theo lý thuyết, hôn nhân bất khả phân ly nhưng đôi khi trong một vài trường hợp, Giáo hội chấp nhận việc đoạn họn. Thật vậy có thể đoạn hôn theo luật trong các trường hợp: khi người phối ngẫu bị cư xử như nô lệ, khi theo tôn giáo khác, khi bỏ đạo và có nguy cơ nguy hại đức tin cho bên khia…Đức Giáo hoàng sẽ tuyên bố từng trường hợp riêng biệt.

 

D. Trong thực hành: Nghi thức và những khó khăn:

1. Những nghi thức: hôn nhân như một cuộc mua bán, theo luật mọi rợ xưa đang dần biến mất. Hôn nhân do bị hãm hiếp vẫn còn khá thường xuyên, mặc dù bị kết án,vì để tránh một cuộc hôn nhân ngoài ý muốn cho các người phối ngẫu tương lai. Chung sống tự do vẫn còn. Để chống lại những thói trên, các thần học gia đã đưa ra tính chất cơ bản đó là sự ưng thuận gia đình.

Theo lý thuyết, tương giao vợ chồng bị cấm khi vẫn còn trong thời hứa hôn. Nhưng có người cho rằng thời hứa hôn sẽ đương nhiên dẫn đến hôn nhân và đó là một sự ưng thuận mặc nhiên trong hiện tại. Từ đó hình thành lý thuyết hôn nhân “đi trước”.

Trong phụng vụ: ngay từ thế kỷ VIII các công thức phụng vụ chúc lành cho hôn nhân đã có, nhưng vẫn bị hạn chế sử dụng hay ít ra không buộc.

Từ thế kỷ XII nơi một vài quốc gia đã có toàn bộ nghi thức, trước thánh lễ hôn nhân, diễn ra “tại cửa nhà thờ”. Nghi thức này gồm có một đối thoại giữa đôi hôn nhân và vị linh mục, nói lên sự tự do ưng thuận của đôi bạn và những ngăn trở cần chấm dứt, cũng có lời chúc lành , trao nhẫn, cầm tay nhau, lời chúc lành cho đôi hôn nhân. Nghi thức này đã lan rộng, nhưng sau này, nghi thức được diễn ra bên trong nhà thờ, trước bàn thờ.

 

2. Những khó khăn: nghi thức hôn nhân đã có và Giáo hội khích lệ thực hành, nhưng không có tính bắt buộc. Theo quan điểm thần học cũng như giáo luật, hôn nhan được hình thành chính do sự ưng thuận của đôi bạn, chỉ đôi bạn thôi, không cần có các nhân chứng. Từ đó, làm thế nào chúng minh rằng có hôn nhân mà lại không có người chứng hôn, dù cho có hôn thú công khai và long trọng? Do đó, luật dân sự đã dựa trên tính cách đòi buộc công khai của Giáo hội, đã khích lệ các đôi hôn nhân phải đến trước vị chưởng khế (như người chứng hôn), để bảo đảm hôn nhân của họ.

Có những cuộc hôn nhân “chui”: không có sự đồng ý của cha mẹ, lắm tương quan rắc rôí; điều này để tự do tuỳ theo thói tục. Cũng có những thanh niên quyến rũ thiếu nữ rồi lạm dụng, rồi tổ chức hôn nhân kín đáo, sau đó lại bỏ rơi cô ta và không có gì làm bằng chứng. Đôi lúc, có hoàn cảnh trái ngược: cô gái trẻ sợ không có hôn nhân, nên buộc chàng trai cưới mình cách riêng tư, kín đáo. Trong một vài trường hợp lý do đơn giản là vấn đề tài chánh.

Vào cuối thế kỷ XII, các đôi hôn nhân “chui” đã có cách giải quyết: được truyên bố công khai. Ý tưởng này nhanh chống lan rộng và Công đồng Latran thứ IV (1215) đã đưa vào giáo luật. Như thế các đôi hôn nhân “chui” vẫn thành sự theo quan điểm Giáo hội.

 

Phần III: TỪ CẢI CÁCH ĐẾN NAY: Chung quanh Công đồng Tridentino: đối phó

A. Thời cải cách:

1. Vào thế kỷ XVI, có các cuộc hôn nhân “chui”; các viên chức Giáo hội phải giải quyết nhiều vấn đề hôn nhân phức tạp, đôi lúc phải thừa nhận vô hiệu hoá hay tiêu hôn- điều vốn gây nguy hại cho định chế hôn nhân… Hơn nữa, vai trò của người phụ nữ được trân trọng hơn một chút.

 

2. Các nguyên tắc và kỷ luật của cuộc cải cách: Luther đã tấn công Giáo hội, tấn công các Bí tích không phải vì đó là Bí tích. Vì các Bí tích được xem như hành động của Giáo hội, nên Luther đưa ra một nền Giáo hội học mới. Ong cho rằng chính các bí tích không tự sinh hiệu quả, nhưng nhờ đức tin đức tin và chỉ duy đức tin mới mang lại ân sủng. Ong không đồng ý với quan niệm Bí tích của các nhà kinh viện. Theo ông hôn nhân không được nhắc đến trong Kinh thánh như một Bí tích mà Đức Kitô thiết lập. Do đó, không có tính Bí tích.

Các nhà cải cách chấp nhận ly dị trong một vài trường hợp nhưng tuỳ theo luật địa phương. Tính bất khả phân ly, theo nguyên tắc, vẫn là luật, nhưng lý do để có thể chấp nhận ly dị lại linh động hơn so với Công giáo. Lời khấn dồng không là ngăn trở. Thật vậy, luật được áp dụng khác nhau và tuỳ theo xứ sở.

Tuy nhiên Luther đánh giá cao hôn nhân. Ong khẳng định tính thánh thiện của hôn nhân, không coi hôn nhân là thấp kém so với bậc đồng trinh. Mục tiêu của hôn nhân là đôi bạn trợ giúp lẫn nhau và giáo dục con cái. Luân lý đôi bạn linh động hơn: không phê phán hành vi tính dục, sinh sản con cái không phải là mục tiêu duy nhất; mỗi đôi vợ chồng tự điều chỉnh đời sống tính dục theo ý họ.

Để tránh những bất tiện trong sự ưng thuận theo kiểu Roma (nhất là trong hôn nhân “chui”). Các nhà cải cách đưa ra phụng vụ hôn nhân:

* phải có lễ đính hôn bắt buộc, khác với lễ hôn nhân;

* có công thức riêng cho cử hành nghi lễ. Chính vị mục tử tạo ra tình trạng hôn nhân khi phối hợp đôi bạn;

* cần có sự đồng ý của cha mẹ.

 

B. Phản ứng của Công đồng: công đồng đã phản ứng lại những nha cải cách: trước hết về phương diện đạo lý (1547); thứ hai về phương diện kỷ luật (1563).

1. Về đạo lý: chống lại anh em Tin Lành, Công đồng khẳng định đạo lý Kitô Giáo về hôn nhân:

* Hôn nhân thực sự và đích thực là Bí tích của luật mới, được Đức Kitô thiết lập nhờ công nghiệp cuộc khổ nạn của Người thánh hoá và ban ân sủng cho đôi bạn.

* Hôn nhân hoàn toàn bất khả phân ly, không có luật trừ.

* Độc thân được đánh gía là cao nhất

* Có mối liên hệ giữa khế ước và Bí tích: chính Chúa Giêsu đã làm cho khế ước hôn nhân giữa các người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội được nâng lên hàn Bí tích. Như thế, giữa các người đã Rửa tội không chỉ có khế ước hôn nhân thành sự, nhưng còn là Bí tích.

2. Về kỷ luật: sắc chỉ Tamesti( 1563) đã đặt ra nhiều vấn đề: quyền hạn của Giáo hội trong các vụ việc hôn nhân, một quyền hạn vốn bị các nhà cải cách khước từ. Để loại bỏ các cuộc hôn nhân “chui”, Công đồng quyết định hôn nhân nhất thiết phải được giao kết trước một linh mục, nếu không sẽ vô hiệu và vô thành sự. Các cha sở đòi các đôi hôn nhân phải đăng ký. Tuy nhiên, sự trao đổi ưng thuận giữa đôi bạn vẫn là nguyên nhân duy nhất làm nên Bí Tích và đó cũng là nghi thức thiết yếu.

Xã hội dân sự cũng đồng ý phải có sự ưng thuận của cha mẹ, xã hội phạt nặng những người không thực hiện điều này; Công đồng cấm và khiển trách các đôi hôn nhân không có sự đồng ý của cha mẹ, nhưng không tuyên bố vô hiệu. Vấn đề thừa tác viên là vị linh mục hay đôi hôn nhân vẫn còn bị treo.

 

C. Hôn nhân từ Công đồng Tridentino tới nay:

1. Sau Công đồng Tridentino, việc cử hành hôn nhân bao gồm:

a. Tuyên bố công khai chính thức.
b. Bởi cha xứ.
c. Tại nhà thờ.
d. Công thức dành cho vị linh mục có thể thay đổi. Công đồng đề nghị: “Tôi chứng thực các bạn có hôn nhân”.
e. Buộc đăng ký, để chứng minh hôn nhân.

Ly dị bị cấm, nhưng đoạn hôn là có thể:
* Nếu trong đôi hôn nhân ngoại giáo, một người trở lại đạo, và người kai chống lại đức tin (đặc ân thánh Phaolô).
* Nếu một trong hai người trở lại đạo, khi hôn nhân chưa honà hợp (ăn ở vợ chồng).
Ngoài hai trường hợp trên, chấp nhận việc ly thân với những lý do nghiêm trọng tuy vẫn duy trì hôn nhân.

 

2. Giáo luật có tiến triển: Giáo luật 1917 nói đến hôn nhân là một khế ước – bí tích. Hôn nhân là “hành vi ý muốn qua đó mỗi người trao ban và đón nhận quyền trên thân xác nhau để hoàn tất một hành vi mà tự bản chất có mục tiêu là sinh sản con cái”. Giáo luật 1983 có tiến triển hơn. Giáo luật nhắc lại những nguyên tắc thiết yếu (khế ước – bí tích, bất khả phân ly), nhưng đưa vào quan niệm của Công đồng VaticanII: “Cộng đồng sống thân mật” dựa trên tình yêu của đôi hôn nhân, được diễn tả qua sự trao đổi ưng thuận. Hạn từ “khế ước”(contrat) được thay bằng “giao ước” (alliance).

 

KẾT LUẬN:

Bài này chỉ phác thảo sơ nét về cuộc tiến hoá của hôn nhân Kitô giáo. Điều chắc chắn là Giáo hội luôn khẳng định tính bất khả phân ly của hôn nhân, dù phải đương đầu với bao khó khăn. Tính Bí tích của hôn nhân thì có tiến triển dần. Kỷ luật vẫn còn là lối mở cho mọi thời đạ.

–––––––––
Để hiểu thêm, xin xem:
– L. GAUDEFROY: article “Mariage”, II: “Le mariage autemps des Pères”, DTC XI-2 (1927), col. 2077-2115.
– J.GAUDEMET: Le mariafe en occident, Cerf, 1987.
– G. LE BRAS: article “Mariage”, DTC IX-2 (1927): “La doctrine du mariage chez les théologiens et les canonistes depuis I’an mille”, col. 2123-1317.
– G.MATHON: Le mariage des chrétiens. I: des orgines au concile de Trente, coll. BHC n 31, Desclée 1993; II. Du concile de Trente à nos jours, BHC n 34, Desclée 1994.
– K.RITZER: Le mariage dans les Eglises chrétiennes de 1 er au XI siècle, Cerf 1970.
E. SCHILLEBEECKX: Le mariage, réalité terrestre et mystère de salut, coll. “Cogitatio fidei”, Cerf 1996.

 

Anh Phương, Thời Sự Thần Học Đa Minh

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072