10 thay đổi giúp cả nhà hạnh phúc
Đừng bắt con dùng cốc, bát nhựa, không cần mua nhiều đồ chơi, quần áo cho bé… những thay đổi nho nhỏ nhưng có thể khiến gia đình bạn nhiều tiếng cười hơn.
Cuộc sống bận rộn, nhiều lo toan khiến đôi khi chúng ta quên mất chính mình chọn đưa con cái đến với cuộc sống này. Ai cũng nói làm tất cả vì con, nhưng không ai biết trẻ không cần những điều to tát trong tương lai xa mà cần bố mẹ ngay hôm nay, lúc này, ở bên mình, hiểu và tôn trọng mình.
Đôi khi những thói quen tưởng như chẳng vấn đề gì lại ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển về tính cách và tâm hồn trẻ. Hãy thử thay đổi những điều sau đây, bạn sẽ thấy cuộc sống với con đơn giản hơn và cả nhà hạnh phúc hơn.
– Đặt ranh giới rõ ràng, cái này là của con, cái này là của bố, mẹ. Khi lấy cái gì của con nhớ hỏi mượn. Con nói không, tôn trọng bé. Khi làm thế bé sẽ hiểu nếu bố mẹ nói không nghĩa là không. Nếu bạn để con dùng máy tính, đừng cáu khi con làm hỏng hay xóa mất cái này cái kia, lỗi tại bạn đã để con dùng, không phải lỗi của trẻ.
– Đừng thay đổi quyết định khi bé khóc, nếu bạn làm thế một lần, lần sau bé sẽ lại khóc khi đòi một thứ mới. Đừng cố ôm bé vào lòng, hãy ngồi đối diện, nhìn bé và nói rõ ràng nhưng dịu dàng nhất bạn có thể “Mẹ hiểu. Mẹ biết là con muốn… nhưng không được con yêu ạ” rồi đi. Bé sẽ dừng khóc khi biết làm thế không hiệu quả.
– Đừng nói “Con làm (điều gì đó) cho bố/mẹ” mà thử bảo trẻ “Quần áo bẩn thay ra để vào đâu con yêu?”, để con tự dọn dẹp sau khi ăn… Trẻ cần phải hiểu đó không phải làm cho cha mẹ. Khi bạn nói làm cho mẹ, trẻ sẽ có quyền quyết định làm hay không, và thường khi được hỏi câu trả lời sẽ là “Không.”
– Đừng ra điều kiện khi yêu cầu trẻ làm một việc gì. Thay vì bảo “Con dọn dẹp xong đi rồi mới được uống sữa”, hãy nói “Cần phải dọn dẹp sau khi chơi con ạ”. Hãy giúp con biết đó là việc cần làm, ai cũng thế, không phải mẹ yêu cầu thì con mới làm, cũng không phải làm xong sẽ được thưởng một cái gì đó. Đấy là trật tự trong cuộc sống.
– Đừng giật đồ từ tay bé. Chính bạn cũng không thích bị ai giật cái gì khỏi tay mình. Hãy giải thích cho trẻ hiểu tại sao, tại thời điểm đó, việc đó, cái đó không được làm. Trẻ sẽ hiểu, thậm chí không hiểu hết trẻ cũng sẽ muốn nghe lời nếu được tôn trọng.
– Đừng mua nhiều đồ chơi, nhiều quần áo, nhiều tất cả các thứ rồi chính bạn không quản lý được chứ đừng nói đến trẻ. Đắt hay rẻ thì cuối ngày tất cả bỏ hết vào một thùng lộn xộn chẳng đồ nào còn đủ bộ. Hãy mua cho bé một cái giá thấp 3 tầng, mỗi tầng để một đồ dùng học tập, mỗi đồ dùng một kỹ năng khác nhau. Sau một tuần, để bé tự chọn rồi đổi 3 đồ dùng khác. Bé chỉ cần có thế và cũng chỉ có thể quản lý được ngần đó để học cách giữ gìn và tôn trọng những gì mình có.
– Đừng bắt con dùng bát đĩa nhựa. Không ai muốn dùng bát đĩa cốc thìa nhựa cả. Mua cho bé đồ thật, vừa kích cỡ. Nếu có vỡ, bé sẽ học được chuyện gì xảy ra khi mình không cẩn thận (Chẳng phải đó cũng là điều xảy ra với sức khỏe, hạnh phúc hay bất cứ cái gì sau này?). Dùng bát đĩa nhựa rơi, ném thoải mái không gây hậu quả gì, làm sao bé học được bài học sâu sắc đó.
– Đừng nói “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Câu đó chỉ đúng ở thời ông bà, bố mẹ không biết làm việc nhóm. Muốn rèn tính cách, nết người cho bé, ngay từ khi bé ra đời mọi thành viên trong gia đình kể cả người giúp việc đều phải làm theo một chuẩn mực. Trống đánh xuôi kèn thổi ngược, bé sẽ chẳng nghe, cũng chẳng tôn trọng ai cả.
– Đừng để mỗi ngày của bé trôi qua một cách lãng phí. Dành cho bé ít nhất một giờ đồng hồ mỗi ngày chỉ với con, không vô tuyến, không điện thoại, không bất cứ một cái gì khác có thể làm bạn sao nhãng. Đọc một câu chuyện mới, kể cho con nghe một điều mới, làm cùng con một cái gì mới, nghe một bài hát mới, học một bài thơ mới, vẽ một bức tranh mới… bao nhiêu điều bạn có thể làm trong một tiếng để giúp con học kiến thức, kỹ năng cho cuộc sống sau này.
Đừng quên trẻ chỉ cần bạn khi còn bé, càng lớn bé sẽ coi bạn bè và các mối quan hệ trong môi trường rộng quan trọng hơn và khi đó bạn đã bỏ lỡ cơ hội xây dựng mối quan hệ đặc biệt với con của chính mình.
– Đừng nghĩ mình phải là cha mẹ hoàn hảo. Không ai hoàn hảo mọi nơi mọi lúc. Nói cho con biết bạn đang cảm thấy thế nào. “Hôm nay bố rất mệt, con nói nhỏ thôi nhé” hay “Dừng ngay lại. Con làm thế mẹ sẽ cáu đấy” khi bé vượt qua ranh giới. Gọi tên các cảm xúc cũng giúp bé hiểu và nhận biết cảm xúc của chính mình sau này nếu bé cảm thấy thế. Khi bạn sai, xin lỗi bé. “Mẹ xin lỗi con, mẹ sai rồi. Con tha lỗi cho mẹ nhé?”. Trẻ học bằng cách bắt chước. Nếu bạn chưa bao giờ xin lỗi con, làm sao bé hiểu cần phải làm gì trong những tình huống như thế.
Nguồn: tinmung.net