Tin Giáo hội tuần qua (19/1/2014)

ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN NGOẠI GIAO ĐOÀN CẠNH TÒA THÁNH

 

tiếp-ngoại-giao-đoàn.jpg (640×426)

 

VATICAN. Vào lúc 11h, ngày 13.1.2014, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các vị đại sứ và đại diện 180 nước và tổ chức có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Trong buổi gặp gỡ này, Đức Thánh Cha đã gửi lời chào thăm đến tất cả các vị đại sứ và cảm ơn vị niên trưởng ngoại giao đoàn. Ngài cũng nhắc đến các vị đại sứ mới đến trình thư ủy nhiệm. Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng chia sẻ về nhiều vấn đề thiết yếu như việc bảo vệ gia đình, chấm dứt xung đột, việc bảo vệ các thai nhi và trẻ em.

Liên quan đến việc bảo vệ gia đình, người già và người trẻ, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng chúng ta nên củng cố lại các tương quan trong gia đình. Ngài vạch ra những hiện tượng bi thương đang diễn ra cho những người bị xem là vô dụng cho xã hội là người già và người trẻ. Đức Thánh Cha cũng nói đến tình hình chiến sự căng thẳng đang diễn ra tại Siria, Trung Đông, Phi Châu, Á Châu. Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng nói về nạn đói, nạn phá thai, hãm hiếm, lạm dụng trẻ em và thảm trạng tị nạn – di dân. Đức Thánh Cha nói tới là việc bảo vệ môi sinh.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nói đến hoạt động của Giáo Hội tại các nơi trên thế giới. Ngài mong muốn rằng với tinh thần hy sinh, phục vụ của các linh mục, các thừa sai và giáo dân, Giáo Hội Công Giáo có thể cộng tác đắc lực với các tổ chức để mưu cầu thiện ích cho hết thảy mọi người.

 

NGOẠI TRƯỞNG MỸ ĐẾN THĂM TÒA THÁNH

 

Ngoại-trưởng-mỹ.jpg (1024×577)

 

VATICAN. Ngày 14.1 vừa qua, ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry đã có chuyến viếng thăm Vatican và đã gặp gỡ, trao đổi với Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Cha Parolin. Trong cuộc gặp kéo dài 1 tiếng 40 phút này, hai bên đã trao đổi với nhau nhiều vấn đề quan trọng.

Ngoại trưởng mỹCha Lombardi, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho hay cuộc gặp gỡ đạt được nhiều thành tựu và bàn đến nhiều nội dung. Những vấn đề được hai bên bàn thảo nhiều nhất là về tình hình ở Trung Đông, đặc biệt là ở Siria, Hội nghị Geneve sắp tới. Đức Cha Parolin cũng bày tỏ lập trường của Tòa Thánh và chia sẻ quan điểm của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến các đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh hôm 13.1 vừa qua: mong muốn tìm thấy giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Hai bên cũng nói về cuộc đàm phán giữa Palestin và Israel, những vụ đụng độ đang diễn ra ở Suđan, vốn đang ngày càng thê thảm.

 

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO UCRAINA TỐ GIÁC CHÍNH PHỦ GIỚI HẠN CÁC HOẠT TÔN GIÁO TẠI NƯỚC NÀY

KIEV. Giáo Hội Công Giáo Ucraina nghi lễ Đông Phương tố giác chính phủ nước này đàn áp và đe dọa giới hạn các hoạt động của Giáo Hội tại nước này.

UcrainaHôm 13.1 vừa qua, Bộ trưởng văn hóa của Ucraina, ông Leonid Novokhatko đã gửi thư cho Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo Chủ Công Giáo Ucraina Đông Phương than phiền rằng 1 số linh mục thuộc Giáo Hội này đã nhất loại không tuân hành luật pháp với sự hỗ trợ của giáo quyền và 1 số tín hữu công giáo và các tín hữu Kitô khác đã dựng lều cầu nguyện tại các địa điểm biểu tình. Lá thư trên đây đươc gửi đến đức TGM Shevchuk sau cuộc biểu tình ngày 12.1 tại thủ đô Kiev của những người chống đối tổng thống Ucraina, ông Viktor Yanokovick, vì đã rút lui khỏi cuộc thương thuyết với Liên Hiệp Âu Châu.

Trong cuộc họp báo hôm 12.1 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Trưởng Chevchuk nói rằng Giáo hội đã và vẫn luôn trung thành với sứ mạng mà Chúa Kitô đã ủy thác mặc dù bao nhiêu đe dọa.

 

ĐỨC THÁNH CHA: BÍ TÍCH THANH TẨY GIÚP CHÚNG TA TRỞ THÀNH NGƯỜI MÔN ĐỆ CỦA CHÚA

VATICAN. Hôm 15.1 vừa qua, trong buổi gặp gỡ các khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô, bài giáo lý của Đức Thánh Cha tiếp tục nói về một ý nghĩa quan trong của Bí Tích Thánh Tẩy: giúp chúng ta trở thành chi thể của Đức Giêsu và của Dân Thiên Chúa.

Ngài chia sẻ rằng cũng giống như sự sống được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thì qua việc tái sinh nhờ Bí Tích Thánh tẩy, ân sủng của Thiên Chúa cũng được lưu truyền như vậy, và chúng ta là mắc xích trong chuỗi hồng ân mà Thiên Chúa ban cho con người. Ngài nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta đều là những người môn đệ và những người truyền giảng Tin Mừng, kể cả người nhỏ nhất đến người lớn nhất… Nếu chúng ta không trở thành người môn đệ, không truyền giảng Tin Mừng, chúng ta không thể lưu truyền đức tin được. Bí Tích Thánh Tẩy biến chúng ta thành môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng trong sự hiệp thông với Giáo Hội.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến những chứng nhân đức tin anh hùng ở Nhật Bản vào thế kỷ 17. Khi cuộc bách hại xảy đến trên đất nước này, các giáo sĩ bị trục xuất, các tín hữu dù bị cô lập và không được thường xuyên chăm sóc mục vụ nhưng họ vẫn giúp nhau sống và lưu truyền đức tin thật tốt. Đó là nhờ ân sủng của Bí Tích Thánh Tẩy. Ngài mong rằng từng người Kitô hữu cũng trở nên một người môn đệ đích thực của Đức Giêsu, chiếu tỏa đức tin của mình cho người khác.

 

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI

 

gesu-grano11.jpg (629×346)

 

VATICAN. Hôm 16.1 vừa qua, Đức Thánh Cha đã cho công bố sứ điệp của ngài liên quan đến ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi với chủ đề “Các ơn gọi, chứng tá cho Chân Lý”

Sứ điệp ngắn này của Đức Thánh chỉ có bốn số, trong đó, ngài nói đến việc mỗi người phải sống ơn gọi của mình sao cho sinh nhiều hoa trái và làm chứng cho Tin Mừng. Khởi đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha đã lấy hình ảnh lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít để nói lên nhu cầu cần có nhiều hơn nữa những con người phục vụ cho Nước Trời. Ngay khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta đã được mời gọi để yêu mến và phụng sự Đức Giêsu; từ đó, chúng ta cũng biết yêu mến và phục vụ anh chị em mình.

Ngài cũng mời gọi các giám mục, linh mục, tu sĩ, các cộng đoàn và Kitô hữu định hướng các kế hoạch mục vụ ơn gọi theo chiều hướng này, qua việc đồng hành với các bạn trẻ, giúp họ nhận ra và sống tốt ơn gọi Chúa dành cho mình.

 

ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN PHÁI ĐOÀN ĐẠI KẾT PHẦN LAN

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến phái đoàn đại kết Phần Lan, gồm các đại diện Tin Lành Luther, Công Giáo và Chính Thống về Rôma hành hương thường niêm nhân dịp lễ kính Thánh Enricô, bổn mạng của Phần Lan, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng mục tiêu của Phong trào đại kết là tìm về sự hiệp nhất trọn vẹn của các tín hữu Kitô. Ngài cũng đề cao tầm quan trọng của phong trào đại kết linh đạo.

Đức Thánh Cha cũng nói thêm rằng hành trình đại kết và những quan hệ giữa các tín hữu Kitô cũng đang trải qua những thay đổi đáng kể, trước tiên vì chúng ta tuyên xưng đức tin trong bối cảnh xã hội và văn hóa trong đó người ta ít nói về Thiên Chúa và tất cả những gì liên quan đến chiều kích siêu việt của cuộc sống.

“Chúng ta được mời gọi đừng từ bỏ nỗ lực đại kết, trong sự trung thành với chính điều Chúa Giêsu đã cầu khẩn Chúa Cha: Ước gì tất cả chúng ta được nên một” (Ga 17,21)

 

ĐỨC THÁNH CHA TỐ GIÁC NHỮNG TƯ TẾ HƯ HỎNG

VATICAN. Khi chia sẻ trong thánh lễ ngày 16.1 vừa qua, Đức Thánh Cha đã tố giác những tư tế đã vì không có tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa mà không sống đúng ơn gọi của mình.

Ngài chia sẻ rằng: “Lời Chúa có đi vào và thay đổi tâm hồn chúng ta hay không? Có những tâm hồn khép lại với Lời Chúa. Điều này làm chúng ta nghĩ đến bao nhiêu thất bại trong Giáo Hội. Và rồi sau khi thất bại xảy đến, người ta cầu nguyện: Lạy Chúa, làm sao điều ấy xảy ra được? Chúa đã làm cho chúng con bị các nước láng giềng coi rẽ… Chúng ta xấu hổ vì những vụ xì-căn-đan, những thất bại của các giám mục, linh mục, giáo dân. Những người này đã không có tương quan với Thiên Chúa, dù họ có một địa vị trong Giáo Hội, một địa vị quyền lực và thoải mái. Họ biện minh ‘nhưng tôi có huy chương mà, tôi có thánh giá mà!’… Đúng vậy, cũng như những người Israel xưa kia mang hòm bia giao ước vậy, nhưng họ không có tương quan sống động với Thiên Chúa!”

Ngài kết luận: “Tội nghiệp dân! Chúng ta không cho họ bánh sự sống để ăn, chúng ta không cho họ chân lý, nhưng chúng ta cho họ ăn bánh bị nhiễm độc rất nhiều lần!”

 

CÁC GIÁM MỤC ÂU MỸ KÊU GỌI GIÚP ĐỠ NHÂN DÂN GAZA

GIÊRUSALEM. Từ ngày 11 đến 16.1 vừa qua, phái đoàn các Giám Mục Âu Mỹ đã có cuộc viếng thăm Thánh Địa. Trong cuộc viếng thăm này, các Giám Mục đã bày tỏ nỗi kinh hoàng vì thảm trạng dân chúng tại Gaza và kêu gọi các vị lãnh đạo quốc tế hãy nhanh chóng hành động để dân chúng sống tại đây có thể được chu cấp đầy đủ những điều kiện sống cơ bản.Gaza

Miền đất này đang nằm dưới sự cai trị của nhóm Hamas, với hơn 1,5 triệu là dân Palestine, trong đó có 200 tín hữu Công Giáo trên tổng số 2,5 Kitô hữu, đa số thuộc Giáo Hội Chính Thống. Israel đã phong tỏa giải Gaza từ khi nhóm Hamas nắm quyền tại đây, dù năm 2010 Israel đã giảm bớt phong tỏa và 2011 Ai cập đã mở một cửa ải với Gaza.

Đã có nhiều cuộc viếng thăm của các cộng đồng Kitô nhỏ bé tại đây. Họ đến để giúp đỡ những người nghèo, không phân biệt tín hữu Kitô hay Hồi Giáo.

 

Biên tập và tổng hợp: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072