Đức vâng phục giữa vợ chồng
1. Người Ấn Độ thường kể về việc Thiên Chúa tạo dựng con người có nam và có nữ như sau:
Khi đã dựng nên người nam, Thiên Chúa sực nhớ, Ngài đã sử dụng hết những chất liệu cứng. Sau một hồi suy nghĩ, Ngài mới lấy vòng tròn của mặt trăng, vẻ mảnh khảnh của hoa cỏ, tính thay đổi của gió, sự lãng đãng của mây trời, sự nhút nhát của loài thỏ, nét hung dữ của hổ trên rừng, tiếng chim hót du dương, sự chung thuỷ của một con sư tử mẹ. Gom tất cả những yếu tố ấy lại, Thiên Chúa đã dựng nên người đàn bà và trao ban cho người đàn ông.
Chỉ sau một tuần lễ, người đàn ông trở lại với Đấng Tạo Hoá và thưa với Ngài: “Lạy Chúa, người đàn bà mà Chúa đã ban tặng cho con không mang lại cho con một mảy may hạnh phúc. Nàng nói huyên thuyên và hành hạ con đủ điều. Nàng đòi buộc con phải chú ý đến nàng từng giây từng phút. Một việc không ra gì cũng đủ cho nàng than vãn. Con xin trả nàng lại cho Chúa, bởi vì con không thể sống với nàng”.
Thiên Chúa gật đầu đón tiếp người đàn bà. Nhưng cũng chỉ một tuần lễ sau, người đàn ông đã trở lại than với Chúa: “Lạy Chúa, cuộc sống của con trở thành vô vị và trống rỗng kể từ khi con mang người đàn bà trả lại cho Chúa. Lúc nào con cũng nghĩ về nàng. Lúc nào con cũng nhớ lại những lúc nàng nhảy múa ca hát. Nhất là con không thể quên được ánh mắt nàng nhìn con. Và nụ cười của nàng thì lúc nào cũng vang vọng trong trái tim con. Xin cho con được đón nhận nàng lại”.
Thiên Chúa lại trao trả người đàn bà cho người đàn ông. Nhưng không đầy ba ngày sau người đàn ông lại dẫn người đàn bà đến trước mặt Chúa và cũng lập lại một điệp khúc: “Chúa ơi, con không biết làm sao để diễn tả tâm trạng của con. Nhưng sau những kinh nghiệm trải qua với người đàn bà này, con thấy rằng, nàng mang lại cho con nhiều đau khổ hơn là hạnh phúc. Một lần nữa con van Chúa, con xin trả nàng lại cho Chúa, bởi vì con không thể sống với nàng”.
Lúc bấy giờ Thiên Chúa mới phán bảo: “Ngươi không thể sống mà không có người đàn bà”. Nói thế rồi, Ngài bỏ mặc hai người đứng đó và tiếp tục công việc của mình. Người đàn ông chỉ còn biết thốt lên: “Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi không thể sống với nàng, nhưng tôi cũng không thể sống thiếu nàng”.
2. Mượn câu chuyện dụ ngôn trên đây, chúng tôi muốn nêu bật điều mà Công Đồng Vaticanô II đã nói trong số 49 của Hiến Chế Vui mừng và Hy Vọng rằng, để có thể chu toàn trách nhiệm của đời sống hôn nhân và gia đình, người ta cần phải có những nhân đức anh hùng. Quả thực, nếu không có sự can đảm của bậc anh hùng, người ta không thể sống trọn ơn gọi của bậc vợ chồng. Chúng tôi đã nói đến hai nhân đức anh hùng trong bậc hôn nhân là khiết tịnh và khó nghèo; đến đây, chúng ta bàn đến nhân đức thứ ba là vâng phục.
Nếu có vâng phục thì chỉ có người vợ vâng phục chồng mà thôi, nếu không thì ông bà ta đâu có nói đến chuyện dạy vợ, giáo dục vợ? Thánh Phaolô chẳng nói rằng, chồng là đầu, là thủ lãnh của vợ đó sao? Vậy mà, nghĩ như thế là chối bỏ sự bình đẳng của vợ chồng và nghĩ như thế cũng có nghĩa là không lấy tình yêu thương làm dây ràng buộc giữa vợ chồng. Thật ra, sự vâng phục giữa vợ chồng mà chúng ta đang đề cập ở đây chính là sự phục vụ lẫn nhau.
Khi nói người chồng là thủ lãnh của vợ, thánh Phaolô cũng xác định rằng, tương quan ấy giống với tương quan giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Chúa Kitô làm đầu của Giáo Hội nhưng lại trao ban mạng sống mình vì Giáo Hội. Ở đây, phục vụ chính là danh hiệu mới mà thánh Phaolô muốn gán cho hai chữ vâng phục. Vâng phục là phục vụ. Thánh Phaolô đã nói về Chúa Giêsu: “Ngài đã vâng phục và đã vâng phục cho đến chết”. Thực tế, ý nghĩa sự vâng phục của Chúa Giêsu chính là phục vụ. Cái chết trên thập giá của Ngài là tột đỉnh của sự vâng phục và phục vụ. Chúa Giêsu chính là mẫu mực của sự vâng phục.
Qua bí tích Rửa Tội người tín hữu Kitô được nên một với Chúa Giêsu, họ đi lại con đường vâng phục của Ngài. Nhưng trong bí tích Hôn Phối, người tín hữu còn sống tinh thần vâng phục của Chúa Giêsu một cách đặc biệt hơn. Cộng đồng tình yêu được thiết lập qua bí tích Hôn Phối đòi hỏi hai người phối ngẫu phải thực thi sự vâng phục hơn bất cứ nơi nào. Trong quan hệ vợ chồng, không ai làm đầu hay làm bề trên, mỗi người đều là đầu của người khác. Bởi vì cả hai đã nên một trong thể xác và tinh thần.
Mỗi người là đầu của người khác, vợ là đầu của chồng, chồng là đầu của vợ. Vì thế, sẽ không còn chuyện chồng chúa vợ tôi hay phu xướng phụ tuỳ. Câu hỏi mà vợ chồng đặt ra không còn phải là: ai điều khiển hay ai làm chủ trong nhà, mà phải là: ai phục vụ ai và phải phục vụ như thế nào? Nói đến phục vụ là nói đến quên mình. Là Thầy và là Chúa, Đức Giêsu đã phục vụ như một người tôi tớ. Trong bí tích Hôn Phối, hai vợ chồng Kitô hữu cam kết làm chứng cho tình yêu và sự vâng phục của Chúa Giêsu bằng chính cuộc sống của họ. Nếu không có sự quên mình, nếu không có sự vâng phục và phục vụ nhau, làm sao họ có thể làm nhân chứng cho tình yêu của Ngài được?
Nguồn: tinmung.net