Gia đình mở rộng hiệp thông
Sự hiệp thông vợ chồng tạo nên nền tảng trên đó xây dựng được sự hiệp thông rộng lớn hơn trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái, giữa những anh chị em trong nhà với nhau, giữa những người bà con gần và giữa những thành phần khác trong gia đình (số 21).
MỌI NGƯỜI XÂY DỰNG HIỆP THÔNG
Liên hệ tự nhiên ruột thịt dẫn đến sự hiệp thông nhân bản và tâm linh. Tình yêu thương là linh hồn và là sức mạnh bên trong làm cho sự hiệp thông và cộng đồng gia đình được hình thành và sống động.
Trong Kitô giáo, ơn bí tích nối kết các tín hữu với Đức Kitô và qui tụ họ lại với nhau trong sự hiệp nhất của Hội Thánh. Sự hiệp thông của Hội Thánh được bày tỏ cách cụ thể nơi gia đình, vì thế gia đình được gọi là Hội Thánh tại gia.
Mọi thành viên trong gia đình đều có ơn sủng và trách nhiệm xây dựng sự hiệp thông ngày qua ngày: chăm sóc và yêu thương các em nhỏ, những người đau yếu, những người già, phục vụ lẫn nhau, chia sẻ của cải, chia sẻ những niềm vui và những nỗi buồn.
Muốn gìn giữ và bảo vệ sự hiệp thông trong gia đình, phải có tinh thần hy sinh cao cả: yêu thương và giáo dục từ phía cha mẹ, yêu thương và kính trọng, vâng lời từ phía con cái, mỗi người biết thông cảm, bao dung, tha thứ và hoà giải với nhau.
QUYỀN LỢI VÀ VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ
Thiên Chúa Tạo hoá khi dựng nên con người có nam có nữ đã ban phẩm giá bằng nhau cho cả người nam cũng như người nữ, cho họ những quyền lợi và những trách nhiệm riêng.
Phẩm giá phụ nữ càng sáng tỏ khi Con Thiên Chúa mặc lấy thân xác từ Đức Trinh Nữ Maria, gọi các phụ nữ đi theo Người trên đường rao giảng, tỏ thái độ tôn trọng họ, hiện ra đầu tiên với các phụ nữ sau khi sống lại, giao cho họ sứ mạng loan báo Tin Mừng phục sinh cho các Tông đồ. Thánh Phaolô còn nói, trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, không còn phân biệt nam hay nữ, tất cả là con cái Thiên Chúa (Gl 3,2).
Não trạng nhìn con người như một đồ vật, một món hàng mua bán gây thiệt hại trước tiên cho các phụ nữ. Hậu quả tai hại của não trạng ấy: sự khinh rẻ nhân vị, nam cũng như nữ, tình trạng nô lệ, sự áp bức những người yếu đuối, sách báo phim ảnh khiêu dâm, nạn mãi dâm và mọi thứ kỳ thị và xúc phạm những người vợ không con, các quả phụ, những người ly thân, những người mẹ độc thân.
PHỤ NỮ DẤN THÂN VÀO XÃ HỘI
Sự bình đẳng về phẩm giá và trách nhiệm giữa người nam và người nữ biện minh cho việc người nữ dấn thân vào các vai trò xã hội, vào đời sống công cộng, chứ không phải chỉ giữ vai trò làm vợ và làm mẹ trong gia đình mà thôi. Nhưng cũng phải nhìn nhận giá trị của vai trò làm vợ và làm mẹ. Lao động ở nhà và việc giáo dục con cái mang một ý nghĩa độc đáo không thể thay thế.
Phụ nữ được quyền tham gia vào các chức năng công cộng, như nam giới, nhưng phải tổ chức lao động thế nào để những người làm vợ và làm mẹ không bị bó buộc phải đi làm việc xa gia đình.
Vì lợi ích của gia đình, của xã hội và của Hội Thánh, Hội Thánh đề cao sự bình đẳng về quyền lợi và phẩm giá giữa người nam và người nữ trong sinh hoạt Hội Thánh, trong khi vẫn tôn trọng sự khác biệt ơn gọi giữa hai phái.
CÂU HỎI GỢI Ý:
1. Tại sao có thể gọi gia đình là Hội Thánh tại gia?
2. Làm thế nào để xây dựng và mở rộng sự hiệp thông?
3. Trong đời sống, người phụ nữ thường bị thiệt thòi như thế nào?
4. Đối với người phụ nữ dấn thân vào đời sống công cộng, xã hội cần phải tổ chức lao động như thế nào để họ vẫn giữ được phái tính riêng của mình và vẫn chu toàn được các bổn phận làm vợ và làm mẹ trong gia đình.
Nguồn: tinmung.net