Tin Giáo hội tuần qua (22/2/2014)
ĐỨC THÁNH CHA THĂM GIÁO XỨ THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ
VATICAN. Hôm Chúa Nhật 16.2 vừa qua, vào lúc 16 giờ, Đức Thánh Cha đã đến viếng thăm giáo xứ Thánh Tôma Tông Đồ, gần thành phố Rôma, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập giáo xứ, dành kính thánh Tôma Tông Đồ.
Ngài đã gặp gỡ các thiếu nhi và giới trẻ trong giáo xứ. Các em này vừa xưng tội rước lễ lần đầu và vừa lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức. Ngài cũng dành giờ gặp gỡ các tín hữu trong giáo xứ, các em nhỏ vừa được rửa tội và cha mẹ, với những người già, bệnh nhân, hiệp hội các gia đình ân nhân của giáo xứ dành cho các em thiểu năng. Ngài cũng ban Bí Tích Giải Tội cho một vài hối nhân trước khi dâng thánh lễ vào lúc 18h.
Giáo xứ có khoảng 20 ngàn người. Có một nhà nguyện và khuôn viên cho giới trẻ, 1 nhóm Caritas, nơi hiến máu nhân đạo, Trung Tâm Người Già và Hiệp Hội Tôma gây quỹ giúp cho những người nghèo chung quanh và giúp đỡ cho việc truyền giáo.
ĐỨC THÁNH CHA NHÓM HỌP VỚI CÁC HỒNG Y CỐ VẤN
VATICAN. Hôm 17.2 vừa qua, Đức Thánh Cha đã có khóa họp kéo dài 3 ngày với các Hồng Y Cố Vấn. Khóa họp này do ĐHY Oscarhọp 8 hồng y Rodriguez Maradiaga, SDB, TGM giáo phận Tegucigalpa, Honduras, làm điều hợp viên. Ngoài ra, cũng có sự tham dự của ĐHY tân cử Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.
Trong phiên họp sáng ngày 17.2, ĐTC và các HY đã nghe báo cáo về tình hình tài chính. Phiên họp ngày 18.2, các vị sẽ nghe sẽ tường trình kết quả hoạt động của Ủy ban tham vấn về Viện Giáo Vụ hay Ngân hàng Vatican. Chiều thứ tư, 19.2, theo dự kiến sẽ có một cuộc gặp gỡ giữa các Hồng y cố vấn và Hội đồng 15 Hồng Y quốc tế về các vấn đề quản trị, và kinh tế của Tòa Thánh.
ĐỨC THÁNH CHA GẶP GỠ CÁC TÙ NHÂN
VATICAN. Hôm 19.2 vừa qua, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ 19 tù nhân nhà tù Pisa Pianosa, Ý, tại Nhà Nguyện Matta, trước buổi tiếp kiến chung. Đức Thánh Cha đã cầu nguyện với họ và chúc lành cho họ trước một ảnh tượng Đức Mẹ. Sau đó, ngài chào hỏi từng người và lắng nghe họ giải bày tâm tư. Ngài cũng chia sẻ với từng người trong họ những tâm tình mến yêu và tha thứ, đặc biệt là một tù nhân đã gửi cho Ngài một lá thư riêng.
Các tù nhân đang thực hiện chuyến hành hương thiêng liêng đến Rôma, do hai vị tuyên úy hướng dẫn. Vào buổi sáng, họ đã hiệp dâng thánh lễ với Tổng Giám Mục Lorenzo Baldisseri. Khi nghe nói họ đang ở đây, Đức Thánh Cha đã mời họ đến để gặp gỡ. TGM Baldisseri chia sẻ rằng cuộc gặp gỡ này rất “đẹp và cảm động”.
ĐỨC THÁNH CHA CHIA SẺ VỀ BÍ TÍCH HÒA GIẢI
VATICAN. Bài giáo lý của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, hôm thứ tư 19.2, nói về Bí Tích Hòa Giải.bí tích hòa giải
Đức Thánh Cha chia sẻ vài điểm nhỏ liên quan đến Bí Tích Hòa Giải. Điểm thứ nhất, ngài chia sẻ rằng bí tích này bắt nguồn từ sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Chúng ta không tự ban cho mình quyền tha thứ tội lỗi cho người khác, nhưng chính Thánh Thần làm việc ấy. Điểm thứ hai, ngài giải thích tại sao ta cần phải thú tội với một vị thừa tác viên của Giáo Hội chứ không thể tự mình hòa giải với Chúa. Ngài nói rằng chính cộng đoàn Kitô hữu là nơi Thánh Thần hoạt động. Tiếp tục nói về việc xưng tội, ngài đề cập đến sự xấu hổ khi đi xưng tôi. Ngài cho rằng đó là một điều tốt, vì nếu không xấu hổ, người ta sẽ không biết khiêm nhường. Tuy nhiên, sau khi xưng tội xong, ta sẽ thấy nhẹ nhõm vô cùng.
Bằng việc gợi nhắc đến hình ảnh người con hoang đoàng trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu”, ngài kết thúc bài chia sẻ của mình bằng một hình ảnh hết sức ví von: đi xưng tội cũng giống như đưa tay ra ôm lấy một người. Đó là một cái ôm thật nồng ấm.
KHAI MẠC HỘI NGHỊ HỒNG Y ĐOÀN NGOẠI THƯỜNG
VATICAN. Hôm thứ năm 20.2 vừa qua, Hội Nghị Hồng Y Đoàn khóa ngoại thường đã được khai mạc tại Vatican. Trong số các tham dự viên, có sự hiện diện của các Hồng Y tân cử. Tuy nhiên, cũng có một số vị Hồng Y không thể đến tham dự được vì lý do sức khỏe hay tuổi tác.
Đức Thánh Cha đã gửi lời chào mừng đến các vị Hồng Y và nhắc nhở họ về chủ đề của khóa họp này: gia đình. Ngài nhắc nhở các Hồng Y luôn đặt trước mặt mình nét đẹp của gia đình và hôn nhân, điều cao cả của thực tại nhân loại, vốn đơn giản nhưng cũng rất phong phú, bao hàm cả niềm vui và hy vọng, đấu tranh và đau khổ. “Chúng ta sẽ đào sâu thần học về gia đình và nhận định những đường lối mục vụ mà hoàn cảnh hiện tại của chúng ta đòi hỏi.”
ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP ĐẾN HỘI NGHỊ VỀ HIẾN CHẾ PHỤNG VỤ
VATICAN. Nhân sự kiện Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích tổ chức Hội nghị ở Rôma nhân kỷ niệm 50 phụng vụnăm ban hành Hiến Chế Sacro Sanctum Concilium của Công Đồng Vatican II về phụng vụ, Đức Thánh Cha đã gửi một sứ điệp ngắn, trong đó, ngài mời gọi các tín hữu sống phụng vụ trong tinh thần thờ phượng chân thực.
Ngài chia sẻ rằng một nền phụng vụ tách rời khỏi việc phụng tự thiêng liêng thì có nguy cơ trở nên trống rỗng, không còn tính chất đặc sắc của Kitô giáo. Ngài cũng nhắc lại lời của Đức Biển Đức 16 rằng chúng ta phải thực sự được thực tại của Thiên Chúa thấm nhập để toàn thể cuộc sống của chúng ta là phụng vụ và thờ lạy Chúa. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi đẩy mạnh việc giảng dạy và huấn luyện cho các giáo dân cũng như giáo sĩ và những người thánh hiến về phụng vụ.
NHÀ THỜ CHÍNH TÒA CÔNG GIÁO Ở UCRAINA TRỞ THÀNH BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN
KIEV. Những cuộc xung đột đẫm máu gần đây ở Ucraina đã khiến hơn 100 người thiệt mạng và 500 người bị thương. Tổ chức Caritas quốc tế cho biết họ đã dành 50 ngàn Euro để cứu trợ cấp thời các nạn nhân, cung cấp thuốc men, lương thực và cả về tâm lý cho những người bị thương năng.Ucraina
Trước tình hình khẩn cấp này, nhà thờ chính tòa Công Giáo thánh Alessandro tại thủ đô Kiev của Ucraina đã trở thành bệnh viện dã chiến để săn sóc những người bị thương. Từ ngày 18.2, Đan viện chính thống thánh Micae gần đó cũng được dùng làm trung tâm y khoa săn sóc những người bị thương. Bệnh xá của phe đối lập đã được di chuyển đến Đan viện này sau khi tổng hành dinh của họ là nhà các công đoàn bị tiêu hủy.
Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ tư và trong buổi khai mạc Hội Nghị Hồng Y Đoàn khóa ngoại thường vừa rồi, Đức Thánh Cha cũng gợi nhắc mọi người cầu nguyện cho hòa bình tại Ucraina.
ĐỨC THÁNH CHA TÔN PHONG CÁC TÂN HỒNG Y
VATICAN. Sáng ngày 22.2, Giáo Hội Công Giáo có thêm 19 tân Hồng Y. Mười sáu vị trong số này có độ tuổi dưới 80 và có quyền tham dự Mật Nghị bầu giáo hoàng theo quy định của Giáo Luật, ba vị còn lại được phong Hồng Y như một sự vinh danh vì đã có những phục sự đắc lực cho Tòa Thánh và cho Giáo Hội hoàn vũ.
Có 6 vị đến từ Mỹ La tinh. Hai vị khác đến từ Châu Á là Nam Hàn và Philippines. Hai vị đến từ Châu Phi là Burkina Faso và Bờ Biển Ngà. Một vị đến từ Haiti, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Trong số 8 vị đến từ Châu Âu, có 5 vị đến từ Ý, nhưng chỉ có 4 vị nằm trong độ tuổi có quyền bỏ phiếu trong Mật Nghị, đây là điều trước nay chưa xảy ra. Có một vị đến từ Canada, và không có vị nào đến từ Mỹ.
Với việc phong tước Hồng Y này, Hồng Y đoàn hiện có 122 vị dưới 80 tuổi trong tổng số 218 vị Hồng Y. Và đây là lần đầu tiên, có một sự cân bằng về số lượng Hồng Y có quyền bỏ phiếu trong Mật Nghị đến từ Châu Âu (61 vị) và đến từ các nơi khác trên thế giới (61 vị). Trong lễ phong Hồng Y cũng có sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Biển Đức 16.
Tổng hợp và biên tập: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ