Tông thư – Tự sắc Fidelis et dispensator prudens về việc quản lý tài sản kinh tế của Toà Thánh

 

Ngày 24.02.2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư–Tự sắc Fidelis et dispensator prudens về việc quản lý tài sản kinh tế của Toà Thánh.

Sau đây là toàn văn Tông thư–Tự sắc này.

***

Như người quản lý trung tín và khôn ngoan có nhiệm vụ chăm sóc cẩn thận những gì đã được ủy thác cho mình, Giáo hội ý thức mình có trách nhiệm bảo vệ và quản lý tài sản của mình, trong ánh sáng của sứ mệnh truyền giáo và chăm sóc đặc biệt những người túng thiếu. Một cách đặc biệt, việc quản lý các lĩnh vực kinh tế và tài chính của Toà Thánh gắn liền với nhiệm vụ cụ thể của Toà thánh, không chỉ trong việc phục vụ thừa tác vụ phổ quát của Đức Thánh Cha, mà còn liên quan đến công ích, theo quan điểm phát triển con người toàn vẹn.

Sau khi cẩn thận xem xét các kết quả công việc của Uỷ ban Tham vấn về Tổ chức kinh tế–quản trị của Tòa Thánh (x. Thư viết tay ngày 18.07.2013), và sau khi tham khảo ý kiến ​​của Hội đồng Hồng y duyệt lại Tông hiến Pastor Bonus và Hội đồng Hồng y nghiên cứu các vấn đề kinh tế và quản trị của Tòa Thánh, với Tông thư–Tự sắc này, tôi phê chuẩn các quy định sau đây:

 

HỘI ĐỒNG KINH TẾ

1. Thành lập Hội đồng kinh tế, có nhiệm vụ cung cấp hướng dẫn về quản lý kinh tế và giám sát các cơ cấu và các hoạt động quản trị và tài chính của các cơ quan của Giáo triều Rôma, của các tổ chức thuộc Tòa Thánh, và của Thành quốc Vatican.

2. Hội đồng kinh tế gồm mười lăm thành viên, trong đó tám người thuộc hàng Hồng y và Giám mục để phản ánh tính phổ quát của Giáo hội, và bảy người là những giáo dân chuyên gia thuộc nhiều quốc tịch, có năng lực chuyên môn về tài chính đã được công nhận.

3. Hội đồng kinh tế do một Hồng y điều phối viên chủ toạ.

 

VĂN PHÒNG KINH TẾ

4. Thành lập Văn phòng Kinh tế, như một cơ quan thuộc Giáo triều Rôma theo Tông hiến Pastor Bonus.

5. Bất chấp các quy định dành cho Hội đồng Kinh tế, Văn phòng Kinh tế sẽ báo cáo trực tiếp với Đức Thánh Cha và sẽ thực hiện việc kiểm toán và giám sát các cơ quan đã nêu tại điểm 1 trên đây, cùng với các chính sách và thủ tục liên quan đến việc mua sắm và sắp xếp nhân sự, đồng thời vẫn tôn trọng thẩm quyền của mỗi cơ quan. Thẩm quyền của Văn phòng này được mở rộng đến mọi vấn đề trong bất kỳ trường hợp nào thuộc lĩnh vực này.

6. Văn phòng Kinh tế do một Hồng y làm Chủ tịch; ngài sẽ phối hợp với Phủ Quốc vụ khanh. Một vị Tổng thư ký sẽ trợ giúp Đức hồng y Chủ tịch.

 

TỔNG KIỂM TOÁN

7. Một Tổng kiểm toán sẽ được Đức Thánh Cha bổ nhiệm và chuẩn bị công việc kiểm toán các tài khoản của các cơ quan nêu tại điểm 1.

 

QUY CHẾ

8. Đức hồng y Chủ tịch có trách nhiệm soạn thảo các Quy chế cuối cùng của Hội đồng Kinh tế, Văn phòng Kinh tế, và Văn phòng Tổng Kiểm toán. Các Quy chế sẽ được trình lên Đức Thánh Cha để ngài phê chuẩn càng sớm càng tốt.

Tôi ấn định rằng mọi điều thành lập ở đây có giá trị đầy đủ, lâu dài và ngay lập tức, đồng thời huỷ bỏ các quy định không phù hợp, và Tông thư–Tự sắc này được công bố trên Osservatore Romano ngày 24 tháng Hai 2014 và sau đó trong Công báo Tông Toà.

Làm tại Rôma, Đền thánh Phêrô, ngày 24 tháng Hai năm 2014, năm thứ nhất triều giáo hoàng của tôi.

 

Phanxicô

(VIS)

Chuyển ngữ: Huy Hoàng

(Nguồn: WHĐ)

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072