Nước Hằng Sống

 

 

Có một câu chuyện mang tên “Lòng cảm thông”, có nội dung như sau:

Có một goá phụ giàu có nọ phụng dưỡng một tu sĩ trong 20 năm liền.

Bà xây cho vị tu sĩ này một tịnh xá ngay trong khu vườn vắng vẻ thanh tịnh của bà. Bà cung cấp cho ông đủ mọi thứ trong thời gian ông tu niệm. Bà rất đỗi sung sướng khi nhận thấy những tiến bộ của ông trong bước đường thiêng liêng, nhưng bà vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng. Để xem 20 năm hy sinh của bà có hoài công hay không, người đàn bà này quyết chí thử lòng kẻ tu trì.

Một hôm, bà cho tìm một cô gái trẻ đẹp, trả tiền cho cô và sai cô đến cám dỗ vị tu sĩ. Nửa đêm, trong lúc vị tu sĩ này đang ngồi thiền, cô gái xông cửa bước vào tịnh xá và dùng đủ mọi lời lẽ, cử chỉ để quyến rũ ông, nhưng vị tu sĩ vẫn một mực chìm đắm trong việc tụng niệm. Đến một lúc không còn chịu đựng được nổi sự tấn công của cô gái nữa, vị tu sĩ bèn quơ cái chổi đánh túi bụi vào người cô gái và tống cô ra ngoài.

Cô gái đến gặp người đàn bà và kể lại diễn tiến câu chuyện.

Người đàn bà hài lòng về sự thánh thiện của vị tu sĩ này ư? – Không! Nghe cô gái tường thuật xong, người đàn bà liền nổi giận thốt lên:

Hắn ta không biểu lộ một sự thông cảm nào với con, hắn ta không nói được một lời để khuyên bảo dạy dỗ con, 20 năm tu niệm ăn chay của hắn quả là vô ích. Bởi vì hắn chưa đạt được điều thiết yếu trong cuộc sống, đó là lòng cảm thông.

 

Tìm đến con người

Thiên Chúa luôn đi bước trước để đến với con người. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. (Ga 1,14).

Chúa Giêsu đã đi con đường băng ngang miền Samari, và Ngài đã mở đầu câu chuyện với một phụ nữ Samari bằng việc “xin nước uống”.

Thật ra, để có nước uống, Chúa Giêsu có cần phải “xin” người phụ nữ này không, khi mà người Samari và người Do-Thái xem nhau như kẻ thù? “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Samari. (Ga 4,9) – Chắc hẳn là không! Chúa Giêsu đang đi với các môn đệ. Chắc các ông sẽ có cách lo liệu cho thầy mình qua cơn khát. Nên, việc Chúa Giêsu xin nước là để mở đầu câu chuyện trong “hòa bình”. Ngài đóng vai một người đang cần “sự giúp đỡ”, và người giúp đỡ sẽ dễ dàng đặt câu hỏi đối với người xin mình, vì họ cảm thấy mình quan trọng.

Cuộc đối thoại trong Tin Mừng hôm nay là sự trao đổi bằng những ngôn ngữ thật đẹp, thẳng thắn và chân thành, không có khoảng cách thận trọng e dè giữa đôi bên.

 

Tôn trọng con người

Thiên Chúa luôn yêu thương và tôn trọng con người, vì con người là con Thiên Chúa. “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,5).

Thái độ “xin” là một thái độ “khiêm nhượng” và “tôn trọng” người mình xin. Trong tình yêu, luôn có sự kính trọng! Thái độ “lắng nghe” Chúa Giêsu nói của người phụ nữ Samari cho thấy ranh giới “nghi kỵ, thù hận” đã được tháo bỏ trong tâm hồn chị ấy. Ngay những lời nói sả giao, người phụ nữ Samari đã thấy Chúa Giêsu, người đàn ông Do Thái này, là người “có thể đối thoại được”. Và điều ấy, cũng chính là sự mở đầu của niềm tin. – Không ai thèm nói chuyện với một người mà người ta hoàn toàn không thể tin tưởng!

Thái độ “phá bỏ cái giới hạn hẹp hòi” đã phân chia hai dân tộc anh em là người Samari và Do Thái đã tạo ra ngay trong lòng người phụ nữ “câu hỏi” đầu tiên: “người này là ai?”, vì sao là một người Do Thái lại có thể giao thiệp tự nhiên với một người Samari?

Diễn tiến câu chuyện, Chúa Giêsu đã tạo cho người phụ nữ Samari phải liên tiếp tự đặt câu hỏi về Ngài. Ta có thể suy ra những ý nghĩ trong lòng người phụ nữ này, tỷ như: Người này là ai mà biết tất cả những việc mình làm như thế? Người này là ai mà trả lời trôi chảy mọi điều mình thắc mắc như thế? Để rồi, người phụ nữ ấy đi dần đến nhận ra Ngài là một Ngôn sứ. Cuối cùng là Đức Kitô.

Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” (Ga 4,28-29).

 

Cứu chuộc con người

Diễn tiến sự thay đổi trong lòng người phụ nữ Samari luôn là câu hỏi: “Người này là ai?”. Và trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng luôn muốn con người tự tìm ra câu hỏi ấy cho chính mình. Bởi vì Niềm Tin phải là sự “nhận biết” Đấng Cứu Thế.

Chúa Giêsu hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?”. Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ. Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Si-mon thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (Mt 16,13-16).

Nhận biết Con Người là ai? Giêsu Nagiarét là ai? Con người mới có thể đi tới Đức Tin. Tin vào Đức Kitô, con người mới nhận được “Nước Hằng Sống”, thứ nước đáp ứng đầy đủ mọi “cơn khát chính đáng” của con người, những “khát vọng” mà cuộc đời không thể thỏa mãn được.

Chỉ có Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc con người, mới đem lại màu xanh sức sống cho những tâm hồn cằn cỗi kiếp nhân sinh.

Tất cả đều đến từ Tình Thương. Và Tình Thương luôn là điều cấp bách, vì con người quá thiếu.

Sẽ chẳng có câu chuyện Tin Mừng tuyệt đẹp hôm nay nếu Chúa Giêsu cũng tẩy chay người Samari, và lánh xa người phụ nữ Samari tội lỗi này, như thái độ tống khứ cô gái bằng vũ lực ra khỏi phòng của vị tu sĩ trong câu chuyện “lòng cảm thông” kể trên.

Hắn ta không biểu lộ một sự thông cảm nào với con, hắn ta không nói được một lời để khuyên bảo dạy dỗ con, 20 năm tu niệm ăn chay của hắn quả là vô ích. Bởi vì hắn chưa đạt được điều thiết yếu trong cuộc sống, đó là lòng cảm thông.

Tràn ngập trong cuộc sống con người là những nỗi lòng âm thầm đau khổ, là những bon chen trong hạnh phúc phù phiếm, là khắc khoải lo toan, là những cơn khát triền miên mà con người cố gắng tìm cách thỏa mãn với những niềm vui hụt hẫng chóng qua.

Trong điều kiện sống của người Samari, xứ sở cao nguyên và sa mạc, có được “giếng nước” là xem như có tất cả. Nguồn nước là nguồn sống. Mạch nước là mạch sống. Nên “giếng nước” rất quan trọng, đó là sự sống còn của họ.

Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” (Ga 4,11-12).

Nhưng sự vui mừng của người phụ nữ Samari thật rất cảm động, ta có thể hình dung sự vui mừng của chị ấy khi bỏ tất cả những gì đang có để reo mừng và chạy vào thành để loan báo Tin Mừng mà chị vừa nhận được.

Sự vui mừng của người phụ nữ Samari cho thấy cuộc sống của chị tuy đã có rất nhiều nhưng còn đó cơn khát vô tận. “Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” (Ga 4,15).

Không có một lời khiển trách nào đối với một người phụ nữ mà sáu người đàn ông bước qua cuộc đời chị không ai là chồng cả! Nhưng ở đây, niềm vui của chị khi đón nhận Lời Hằng Sống cũng chính là Sám Hối. Chị bỏ lại tất cả mọi thứ bên bờ giếng, cũng như bỏ lại quá khứ tội lỗi của cuộc đời mình, và đã đóng vai người đi loan báo Tin Mừng với niềm vui khôn tả!

Không có sự ngượng ngập hay hổ thẹn khi nhắc đến quá khứ đời mình, “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm”. (Ga 4,29), vì chị không để tâm gì đến nó nữa, mà trong tâm trí chị giờ đây chỉ nhớ đến một điều là loan tin về Đấng Cứu Thế. “Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” (Ga 4,29).

 

Truyền giáo

Thế giới vẫn còn đây cơn khát vô tận, dù sự khôn ngoan của con người đã lên đến đỉnh cao và cuộc sống con người đang rất giàu có.

Chỉ cần dành vài phút giây để nhìn vào thế giới hôm nay, để thấy đây đó bao cảnh thiên tai, chiến tranh, mất mát, đau thương. Để hiểu giá trị cát bụi, phù vân. Để nghe cơn khát bất tận của con người. Để chọn đâu là những chân giá trị. Để đi đúng con đường của sự sống đích thực.

Con đường Giêsu. “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6)

Có thể nhận ra trong Tin Mừng hôm nay bài học tuyệt đẹp về truyền giáo:

Truyền giáo là yêu thương. “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.”

Truyền giáo là sứ mệnh. “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”. (Ga 4,34).

Truyền giáo là cấp bách. “Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái!” (Ga 4,35).

Truyền giáo là hạnh phúc. “Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng.” (Ga 4,36).

 

Lạy Chúa,

Xin cho con một con tim giàu lòng nhân ái,

để con biết bước theo Chúa,

với một tấm lòng dạt dào yêu thương. Amen.

 

Lm Antôn Nguyễn Văn Tiếng

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072