Clip suy niệm Chúa nhật 5 MC A

 

 

{youtube}fxw5ohV2TkA{/youtube}

 

Trong hai tuần liên tiếp, chúng ta đã nghe tường thuật hai phép lạ cả thể của Chúa Giêsu: Chúa chữa người mù từ khi mới sinh và cho Ladarô sống lại. Hai phép lạ này chỉ có Gioan kể lại, các phép lạ khác đã có các thánh sử khác tường thuật, Gioan không cần phải kể lại. Và hai phép lạ này mang một ý nghĩa độc đáo và mạc khải cho chúng ta thấy khuôn mặt thần linh của Chúa Giêsu là ánh sáng trần gian và là sự sống. Hai phép lạ cùng một ý hướng như nhau: để vinh quang của Chúa được tỏ hiện. Công việc của Chúa là cứu vớt trần gian khốn khổ này, đem ánh sáng cho con người đang chập choạng trong đêm tối, mang lại sự sống và sự sống thật cho người đã chết trong tội.

Chúa Giêsu biết Ngài muốn làm gì và làm như thế nào, làm như Ngài đã có chương trình của Ngài, và Ngài thực hiện từng chi tiết, tuần tự, dẫn nó đến cùng đích Ngài muốn.

Thánh Gioan nói rõ: “Ngài quí mến ba chị em Matta”. Thế nhưng tại sao Ngài chậm trễ đến nỗi ba chị em phải đi ngang qua thử thách đau đớn như thế? Đây phải chăng là ý muốn của Ngài: “Để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa; qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”. Những người thân của Ngài đều được mời gọi thông phần vào sứ mệnh cứu rỗi của Ngài nhờ đau khổ. Chị em Matta được mời gọi bước vào chương trình của Ngài bằng đau khổ, và các môn đệ cũng bước vào con đường đó. Tất cả những người có liên hệ mật thiết với Ngài đều phải thông phần đau khổ của Ngài, chia sẻ mầu nhiệm của Ngài như Mẹ Maria, như các môn đệ sau này.

Chị Matta đã sai người đến với Chúa Giêsu và báo cho Ngài biết: “Người Thầy thương đang bệnh”. Nhưng hình như Ngài không để ý gì đến tin đó và lại nói rằng: “Bệnh này không đến nỗi chết”, và Ngài vẫn tiếp tục rao giảng ở đó thêm hai ngày mới nhắc đến tình trạng của Ladarô. Ngài cũng không nói rõ chỉ nói một cách mơ hồ: “Bạn Ladarô của chúng ta đang yên giấc”. Các môn đệ không hiểu. Lúc đó Ngài mới nói thật: “Ladarô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy không có mặt ở đó, để anh em tin”. Câu này thật quan trọng: “Thầy mừng cho anh em… để anh em tin”. Điều này chứng tỏ, Chúa Giêsu muốn dùng cái chết của Ladarô để giúp đức tin của các môn đệ, cũng như trong tiệc cưới ở Cana, thánh Gioan đã nói: “Các môn đệ tin Ngài”. Điều quan trọng mà Ngài luôn chú ý là củng cố niềm tin cho các môn đệ. Lúc này là lúc Ngài sắp bước vào giai đoạn cựu kỳ quan trọng của đời Ngài, Ngài sắp bước vào cuộc thử thách nặng nề, cần phải củng cố đức tin của các môn đệ để khi việc xảy đến, các ông sẽ vững tin hơn.

Khi Chúa đến Bêtania, thì Ladarô đã nằm trong mộ bốn ngày rồi. Matta ra đầu làng đón Ngài bằng một câu như trách móc: “Nếu Thầy có ở đây thì em con không chết”. Cuộc đối thoại diễn ra ngắn ngủi thôi, nhưng đầy ý nghĩa, tập trung vào một vấn đề duy nhất: “Con có tin không”? Tin rằng Thầy là sự sống lại và là sự sống không?

Chúng ta có tin không? Chúng ta dám tuyên xưng như cô Matta không: “Thưa Thầy, con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian”. Cuộc sống của chúng ta có thể hiện được niềm tin như thế không? Hay chúng ta nói tin mà lòng chúng ta không mấy xác tín? Thánh Phaolô cũng tin như chúng ta, đến nỗi “đối với Ngài, sống là Chúa Kitô”.

Matta trở về nhà báo tin cho Maria: “Kìa Thầy đến và gọi em”. Maria vui mừng chạy ngay vì cô cùng mấy chị em hàng xóm đang khóc. Gặp Thầy, Maria chỉ nói được một lời y như chị Matta: “Nếu Thầy ở đây thì em con không chết!” Cô òa lên khóc. Các chị em đi theo cô cũng khóc. Chúa Giêsu, đứng trước sự bùng nổ của niềm đau cũng không cầm được nước mắt. Những giọt nước mắt hiếm hoi của Thầy! Thầy khóc vì thấy Maria tiều tụy thảm thương. Ngài biết nỗi đau của Maria, nàng phải hy sinh vì vinh quang của Thiên Chúa. Ngài đã đòi hỏi sự hy sinh đó. Maria, cô con gái liếng thoáng và trầm tư đã từng ngồi dưới chân Ngài để nghe lời Ngài giảng dạy, hôm nay chỉ là hiện thân của đau khổ.

Chúa Giêsu đến trước mộ của Ladarô. Ngài khóc. Người Do Thái ngạc nhiên và cho rằng Ngài thương Ladarô đặc biệt, nhưng Ngài không chỉ khóc vì Ladarô, Ngài nhìn xa hơn. Ngài nhìn thấy Ladarô là hiện thân của một nhân loại đang tan rữa trong tội ác. Ngài khóc cho một nhân loại đang đi dần đến vực thẳm hư mất. Ngài đến là để vực dậy một nhân loại đã băng hoại trong ách nô lệ tội lỗi.

Sau giây phút mềm lòng, thái độ Chúa Giêsu thay đổi hẳn. Ngài trở nên hiện thân của quyền uy, một thứ quyền uy lạ lùng sẽ làm mọi người kinh hãi, đã làm cho bão tố im lặng, đã vực dậy chàng thanh niên con bà góa thành Na-in đã chết. Ngài ra lệnh: “Đem phiến đá này đi”. Chị Matta hoảng hốt can thiệp: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi vì đã bốn ngày rồi”. Ngài đáp với một giọng uy quyền rõ rệt: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng, nếu chị tin, chị sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Sau khi cầu nguyện, Ngài ra lệnh: “Ladarô, ra đây!” Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải…

Chúng ta làm sao hiểu được niềm vui của chị em bà Matta! Chúng ta làm sao biết được phản ứng của những người chứng kiến dấu lạ! Tất cả đau khổ, buồn sầu biến tan trong niềm vui phục sinh. Không thể nào tưởng tượng được. Một người chết đã bốn ngày, giờ đây sống lại! Một việc vĩ đại chưa từng xảy ra. Chỉ cần một lời nói, mọi sự đã biến đổi. Những hy sinh của chị em Ladarô không vô ích.

Thánh Gioan tóm gọn trong một câu: “Tất cả những người đến thăm cô Maria và đã chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều người đã tin vào Người. Đây là kết quả mà Chúa Giêsu nhắm tới khi để Ladarô chết: khơi lên đức tin của những người chung quanh.

Chúng ta tin không?

Chúng ta có tin rằng Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống không? Chúng ta sẽ còn thấy một sự lạ cả thể hơn. Chính Chúa Giêsu sống lại vinh hiển. Cái chết và sự sống lại của Ladarô báo trước cái chết và sự phục sinh của Ngài. Ngài là sự sống và là sự sống thật. Ngài ban chính mạng sống của Ngài và Ngài có quyền lấy lại. Ngài đến trần gian là để chúng ta được sống vì chúng ta đã chết trong tội, được sinh ra trong tội. Chúa Giêsu là vị cứu tinh duy nhất của chúng ta.

Tin vào Ngài, chúng ta mới được sự sống mới. Thánh Phaolô luôn nói đến sự sống mới này.Muốn được sống đời đời, phải bám vào Đấng là sự sống lại và là sự sống, phải bỏ mình, vác thập giá. Chúng ta muốn được sống không? Hay cuộc sống hôm nay đã cuốn hút chúng ta làm cho chúng ta chỉ biết lo củng cố cuộc sống vật chất mà thôi?

Hôm nay, hãy đến với Đấng ban sự sống, Đấng ban nước hằng sống. Ngài đã đến với chúng ta qua tấm bánh nhỏ nơi bàn thờ, nhưng đó chính là Bánh Hằng Sống. Ăn lấy Chúa để đươc sống và được sống dồi dào. Trần gian chỉ là tro bụi. Hãy tìm Nước Thiên Chúa, và mọi sự khác sẽ được ban cho chúng ta.

Lm Trầm Phúc

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072