Clip suy niệm Chúa nhật 3 PS A
{youtube}6qyS5ao_DvU{/youtube}
Trang sử này của thánh Luca đã được các nhà chú giải chú ý đến rất nhiều và đã khai thác từng chữ, từng câu. Nhưng ở đây, chúng ta chỉ muốn tìm xem Chúa hành động như thế nào đối với chúng ta và muốn gì nơi chúng ta.
Ngày thứ nhất trong tuần, đối với các tông đồ, ngày này là ngày bận rộn nhất, đầy những biến cố vui buồn lẫn lộn và đầy ý nghĩa nhất vì chứa đựng nhiều sự kiện có tầm quan trọng không thể tưởng được đối với những người liên hệ, trong đó có chúng ta.
Sáng tinh sương, Maria Macđala đã tìm thấy ngôi mộ trống, Phêrô và người môn đệ Chúa thương nhìn thấy những băng vải, mọi sự đang còn mập mờ chưa rõ, Hai môn đệ thành Emmau rời nhóm môn đệ về quê vì “không thấy Thầy”. Trên đường họ trò chuyện với nhau và có người thứ ba cùng đi một hướng với họ nhập vào nhóm cho có bạn.
Người bạn đường nhận thấy dáng vẻ buồn sầu của họ, đã lên tiếng hỏi thăm. Một trong hai người là Cơlêôpat mới thố lộ tâm tình: “Chuyện ông Giêsu Nadaret…”
Và ông đã ngắn gọn tóm lại cả thân thế Chúa Giêsu, cả những biến cố của việc phục sinh. Và ông kết luận: “Chính Người thì chúng tôi không thấy”. Họ buồn khổ vì họ đã vỡ mộng. Theo ông Giêsu, “một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân”. Họ buồn nản chỉ vì mộng của họ quá to. Thầy của họ là một ngôn sứ, là một người có thế giá trước mặt Thiên Chúa và cả toàn dân, thì sau này, họ sẽ được một chỗ đứng quan trọng. Nhưng mọi sự không như họ tưởng, tất cả hy vọng kia đã bị chôn vùi dưới ngôi mộ. Thấy uy thế của họ đã thất bại thảm thương. Họ không còn gì để bám víu nữa. Người ta nói rằng Ngài đã sống lại nhưng họ vẫn không thấy Ngài. Họ nghe mà không thấy. Cũng như Tôma, nghe mà không thấy.
Người bạn đồng hành trách họ bằng một câu nặng nề nhưng đầy thân mật: “Ồ, các anh chẳng hiểu gì cả ! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Đấng Kitô lại chẳng phải chịu cực hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”Rồi bắt đầu từ ông Môsê và qua tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. Những trang sử cũ xưa hôm nay sống lại qua lời nói của người bạn đường không quen biết. Tất cả sống lại trong tâm hồn đang bị dày vò bởi những nỗi thất vọng não nề. Họ chăm chú nghe và từ từ họ thấy sáng lên những tia hy vọng đã phụt tắt. Nhưng họ chưa nhận ra người bạn đồng hành đó là ai. Thánh Gioan nói: “Mắt họ bị che phủ” bởi những tham vọng quá to của họ.
Chúng ta cũng thế. Thờ Chúa, nhưng chúng ta cứ mơ tưởng những gì không phải là Chúa. Chúng ta tìm Chúa nơi không có Chúa thì làm sao nhận ra Ngài? Hay chúng ta chỉ trông chờ những hồng ân vật chất mà không nhìn thấy những gì Chúa mang đến cho chúng ta. Mắt chúng ta cũng bị che mờ vì những tham vọng trần thế mà lãng quên điều chính yếu, điều chính yếu là Ngài. Tiên tri Isaia đã nói: “Hãy tìm Chúa khi còn tìm được”.
Đoạn đường dài hơn mười hai cây số sắp kết thúc và trời đã về chiều. Lúc ấy họ còn muốn nghe, vì họ đã sống lại những giờ phút thật thú vị. Tất cả lịch sử về Đấng Cứu Độ đã được sống lại trong tâm trí họ. Họ mới hiểu rằng sự thống khổ, thập giá mới là con đường vững chắc nhất đưa đến vinh quang. Hai ông nài xin Ngài ở lại vì người bạn đường kia muốn đi xa hơn, muốn rời bỏ họ: “Xin mời anh ở lại với chúng tôi vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn”. Ngài vào nhà và ở lại với họ”. Ngài không từ chối lời mời gọi khẩn thiết của họ. Trong sách Khải Huyền, Chúa nói: “Ta đứng ngoài và gõ cửa. Ai mở cho Ta, Ta sẽ vào và ăn tối với người ấy”. Ở đây chính các môn đệ mời Ngài và Ngài chấp nhận.
Chúng ta có mời gọi Ngài ở lại với chúng ta không? Khi tâm hồn chúng ta chỉ còn là trời chiều buồn tẻ, cô đơn? Ngài lắng nghe những tiếng nói sầu muộn của chúng ta như đã nghe những lời tâm sự thất vọng của ông Cơlêôpat. Phúc cho chúng ta vì chúng ta có một Thiên Chúa thật nhân từ, nhẫn nại, luôn lắng nghe tất cả, thông cảm tất cả những nỗi niềm đau khổ của chúng ta. Chúng ta tìm an ủi ở nơi đâu mà không đến với Chúa là Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi không từ chối chúng ta điều gì?
Đây là một quán trọ. Người ta dọn bánh và thức ăn. Các khách lữ hành đã thấm mệt. Họ cần ăn, và Chúa đã cho họ ăn một thứ của ăn họ không ngờ: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và nhận ra Người”. Ngài đã mở mắt họ bằng lời Kinh Thánh suốt con đường dài, giờ đây, Ngài mở mắt họ ra bằng một cử chỉ thân tình quen thuộc: khi bẻ bánh. Phải sống thân mật với Ngài mới có thể nhận ra khuôn mặt của Ngài dưới những hình thức khác. Họ đi đường với Ngài suốt một ngày dài, họ không nhận ra Ngài, giờ đây khi nhận ra Ngài thì Ngài đã lẫn khuất. Dù Ngài có biến đi, họ đã nhận ra Ngài, họ đã tin rằng Ngài đã sống lại thật.
Đó là sứ điệp Ngài gởi cho họ trong lúc buồn nản thất vọng.
Giáo hội hôm nay vẫn lặp lại những việc làm của Chúa: hằng ngày bẻ bánh Lời Chúa và Mình Chúa cho chúng ta. Chúng ta có thấy tâm hồn sốt nóng lên khi nghe lời Chúa nói với chúng ta không? Chúng ta có nhận ra Chúa trong tấm Bánh Tình Yêu mà Giáo hội luôn bẻ ra để nuôi chúng ta trong cuộc hành hương dài về Đất Hứa không?
Thật kỳ diệu khi chúng ta luôn có một Thiên Chúa thân cận yêu thương, luôn lắng nghe và đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc đời. Chỉ cần nhận ra Chúa trong những thể cách hiện diện của Ngài. Ngài có thể hiện diện trong những giờ phút tăm tối nhất cũng như trong những ngày huy hoàng chiến thắng, tràn trề niềm vui. Chúng ta hãy xin Ngài luôn ở lại với chúng ta nhất là trong những giờ phút chúng ta không biết phải làm gì, khi chúng ta lạc loài trong một thế giới đầy tội ác, hận thù, khi con người không còn trái tim. Xin cho chúng ta có một quả tim biết rung cảm với mọi người, để có thể đồng hành với những người anh em khốn khổ, giúp họ khám phá ra khuôn mặt khả ái của Chúa.
Chúng ta sẽ loan báo cho mọi người như các môn đệ Emmau: “Chúng tôi đã nhận thấy Thầy khi Thầy bẻ bánh cho chúng tôi”.
Lm Trầm Phúc