Bài giảng Thánh lễ ‘Cầu nguyện cho quê hương đất nước’
Bài giảng Thánh lễ ‘Cầu nguyện cho quê hương đất nước’ của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc ngày 22.05.2014 tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.
{youtube}LuZdsQNHtQA&list{/youtube}
Anh chị em rất quý mến,
1. Chúng ta tập họp nhau lại đây, khá đông đảo, để cầu nguyện cho công lý và hòa bình. Chúng ta hãy xin Thiên Chúa, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, ban Chúa Thánh Thần xuống trên cộng đoàn phụng vụ của chúng ta, trên toàn thể Giáo hội tại Việt Nam, để chúng ta có thái độ đúng đắn, khôn ngoan, trong hoàn cảnh rất tế nhị của Quê hương Đất nước chúng ta hiện nay. Cũng là dịp để chúng ta biểu lộ lòng yêu mến Quê hương Đất nước.
2. Có người sợ 2 chữ Công Lý, vì họ đồng hóa Công Lý với “sự trừng phạt”. Người khác sợ 2 chữ Công lý, vì họ đồng hóa Công Lý với sự “tranh đấu bạo động”, thậm chí với sự “khủng bố trả thù”. Nhưng dưới ánh sáng của Mạc khải, người Công Giáo không bao giờ chấp nhận một thứ “công lý báo thù” trình diễn trong phim ảnh hoặc xảy ra trong xã hội. Các sách Tân Ước cũng không đồng hóa Công lý với Trừng phạt. Trái lại Công lý của Kitô giáo là Công lý của Lòng Xót Thương, Công lý bắt nguồn từ “Lòng Xót Thương của Thiên Chúa”, Đấng mà bản chất là “Yêu thương”. Như lời thư Colôsê: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại.” (Col 3, 12). Như lời sách Phúc Âm theo Thánh Mát Thêu: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5,7).
3. Công lý Kitô giáo, là sự công chính hóa nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô (x. Rm 3,22), do ân huệ Thiên Chúa ban không; nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu (x. Rm 3,23). Theo Thánh Kinh, ai khao khát Công lý, là khát khao nên người công chính, và sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng (x. Mt 5,6). Lịch sử Cứu Độ là Lịch sử Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đấng đã sẵn sàng tha thứ cho mọi tội lỗi của loài người, và đã sai Con Một đến trần gian chịu chết để chuộc tội, hòa giải mọi người với Thiên Chúa và với nhau. Kết quả là sự Bình An mà Chúa đã hứa với các Tông đồ: “Thầy để lại Bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em Bình an của Thầy.” (Ga 14,27). Bình an là kết quả của Ơn Tha tội; vì thế Chúa Giêsu cũng như các Tông đồ đều nhấn mạnh sự tha thứ: “Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.” (Col 3,13). Đã đến lúc mọi người Việt Nam chúng ta tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau.
4. Bình an là một “Ân huệ”, nhưng cũng là một thực tế cần phải xây dựng. Đó là một trong Tám mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu rao giảng: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt 5,9). Những người con cái của Thiên Chúa là những con người của hòa bình, những sứ giả của hòa bình, đi đến đâu cũng đều rao giảng hòa bình, gieo mầm mống của hòa bình, không bao giờ muốn chiến tranh. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, giống Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là “Tình Yêu”. Chúng ta giống Thiên Chúa, khi chúng ta yêu thương. Thánh Phaolô dạy chúng ta: “Trên hết mọi đức tính, anh em hãy có “lòng bác ái”: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” (x. Col 3,14).
5. Chiến tranh là điều “vạn bất đắc dĩ”, khi không còn cách nào khác để bảo vệ Quê hương Đất nước. Đó không phải là giải pháp tối ưu, nhưng là một điều xấu không thể tránh được (malum inevitabile). Chỉ có những ai hiếu chiến, xâm lược mới coi chiến tranh là giải pháp tối ưu, và dùng sức mạnh quân sự để đe dọa những người yếu thế hơn. Những người yếu thế, thì không còn cách nào khác, ngoài sự nương tựa vào bạn bè để chống lại những “thế lực ức hiếp muốn đè bẹp mình”. Những người Công Giáo chúng ta phải biết nương tựa vào Chúa, vì chỉ có Chúa mới là thành lũy vững chắc, là “Đá tảng vững bền muôn đời tồn tại”. Một thái độ sâu sắc và hợp tình hợp lý hơn nữa là “cầu xin Thiên Chúa thay lòng đổi dạ” những người đang nắm vận mệnh thế giới. Chúa là Thiên Chúa “Sáng Tạo” cũng là Thiên Chúa của Lịch Sử. Ngài là Alpha và là Ômêga, là Khởi Nguyên và là Cùng Đích, là Thiên Chúa Toàn năng. Mọi sự đều nằm trong tay Người, và không có gì mà Người không làm được.
Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn, thứ Năm ngày 22.05.2014
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn
Nguồn: VRNs & WGPSG