Giải đáp 100 vấn nạn về đức tin (4)

 

100QUESTIONS-SUR-LA-FOI.jpg

 

31- Thưa cha, con buồn lòng nhận thấy rằng lễ của các vị thánh, như Lễ thánh Micae chẳng hạn, ngày càng nhạt nhẽo. Chúng ta không cần mừng lễ và khấn xin cách đặc biệt với các vị thánh quan thầy của chúng ta nữa sao?

Đúng là chúng ta không còn mừng Lễ các vị thánh cách long trọng như xưa kia nữa. Nhưng mà sự lưu tâm tái tạo cuộc sống như các thánh đã sống có thể đưa đến một phương cách hiện đại để cầu nguyên cùng các Ngài.

Tại sao bạn không đề nghị trong giáo xứ bạn, nên tìm hiểu lại đời sống của một số vị thánh được kính nhớ trong năm, và sau đó, nêu lên những ý chỉ cầu nguyện phù hợp với nếp sống của vị thánh, đã được cập nhật hóa. Chính bạn, bạn hãy ra tay hành động.

32- Thánh Phanxicô Assisi và nhiều thánh nam nữ khác đã lãnh nhận các Dấu Thánh Chúa Kitô. Hiện tượng này là gì và có ý nghĩa thế nào, thưa Cha?

Vào chính năm 1224, đang khi tĩnh tâm trên núi với vài người bạn, Thánh Phanxicô Assisi đã lãnh nhận các thương tích của Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Thân xác Ngài mang những thương tích giống như những thương tích Chúa Kitô đã chịu do đinh nhọn, mão gai và lưỡi đồng của viên đại đội trưởng.

Giáo Hội luôn tỏ ra khôn ngoan trước các biểu hiện này. Giáo Hội khuyến khích nên vượt lên trên cái dấu vẻ “kỳ lạ” hoặc “khác thường”, để thấu hiểu ý nghĩa của các sự kiện. Thánh Bonaventura, một nhà thần học vĩ đại của thế kỷ XIII, giải thích rằng các thương tích của thánh Phanxicô là dẫu chỉ hữu hình của nỗi đau xót mà thánh nhân cảm nhận trong lòng khi chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh. Những thương tích là những kinh nghiệm chân thực thiêng liêng mà các nhà thần bí Kitô giáo đã trải qua.

Tuy rằng những kinh nghiệm như thế, quả là bất thường, nhưng tất cả mọi Ki tô hữu, bằng lời cầu nguyện và bằng cuộc sống thường nhật, vẫn có thể cảm nhận được cuộc khổ nạn và tình yêu của Chúa Kitô.

33. Thưa Cha, ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng được đề cập đến từ khi nào, và buộc phải tin trong những vấn đề nào?

Ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng được công bố vào năm 1870, nhân dịp Công đồng Vatican I. Từ đó đến bây giờ, ơn này buộc phải tin duy nhất chỉ có một lần, vào năm 1950, do Đức Giáo Hoàng Piô XII, khi Ngài công bố về tín điều Đức Mẹ Hồn xác Lên Trời. Tín điều này xác quyết một điểm quan trọng trong đức tin Kitô giáo: Đức Trinh Nữ Maria, sau khi chết, đã vào Thiên Đàng cả hồn lẫn xác mà không phải chờ đợi ngày phục sinh.

Khi buộc tín hữu phải tin sự bất khả ngộ của mình, Đức Giáo Hoàng không tuyên bố theo tư cách cá nhân, mà theo phương thức long trọng (ex cathedra), có nghĩa là tuyên bố từ ngai tòa giáo hoàng, ngai tòa Phêrô. Ngài tuyên bố nhân danh Giáo Hội hoàn vũ, bày tỏ đức tin đã được loan truyền qua bao thế kỷ.

Trái với ý kiến đôi khi phổ biến trong dư luận, ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng được giới hạn vào những trường hợp rất rõ ràng. Những phán quyết thuộc diện không thể sai lầm, không nhằm mục đích đổi mới, mà xác định, làm sáng tỏ một vấn đề của sứ mệnh Phúc Âm.

Khi Đức Giáo Hoàng dung quyền bất khả ngộ của mình, thì tất cả mọi Kitô hữu đều buộc phải tin điều Ngài phán quyết “trong sự vâng phục của đức tin”.

34. Thưa Cha, con được mười sáu tuổi. Con đang học lớp mười và ao ước trở thành Linh mục. Vào tuổi con, điều này có được không, thưa cha? Con có nghe nói về ơn kêu gọi muộn. Theo Cha, có nên đợi đến tuổi ba mươi để biết chắc chắn mình được Chúa gọi không?

Thiên Chúa kêu gọi ở bất cứ lứa tuổi nào. Như vậy là không có tuổi lý tưởng để mà chờ đợi, vì mỗi ơn gọi đều độc nhất và được ghi vào lịch sử tương giao với Thiên Chúa. Nếu ngày hôm nay, con tin rằng Thiên Chúa ngỏ lời mời gọi con, thì ngày hôm nay, con nên đáp lại lời mời gọi đó.
Giáo Hội có thể tiếp sức cho con, như Giáo hội từng tiếp sức cho mỗi tín hữu khám phá ơn gọi đặc biệt của riêng mình. Điều tốt nhất, là con nên trình bày với linh mục tuyên úy của trường con hoặc với vị linh mục quen thân con nhất. Ngài sẽ hướng dẫn con suy tư và, nếu con yêu cầu, ngài sẽ tạo điều kiện cho con gặp gỡ nhiều bạn trẻ khác cũng ao ước trở thành linh mục như con.

35. Thưa Cha, có bình thường không nếu yêu cầu các tín hữu tham dự một nghi thức phụng vụ, đóng góp một số tiền, hoặc phải trả lễ an táng?

Sự quyên tiền là gì? Đó không phải là một thứ thuế, một giá biểu của một dịch vụ, đó là sự tự nguyện góp phần vào ngân sách của giáo xứ. Đồng thời, đó cũng là một lễ vật. Khi chúng ta tham dự phụng vụ Thánh Thể, chúng ta hợp thành cộng đoàn hiến dâng Thiên Chúa những lời khẩn nguyện, chúng ta dự phần vào tiệc thánh của Chúa Kitô. Đóng góp là cách biểu lộ bằng hành động cụ thể, hữu hình, việc hiến dâng này.

Việc quyên tiền này thực hiện lúc dâng lễ vật, khi mà chúng ta cùng dâng bánh và rượu trên bàn thờ. Những lễ vật trong các dịp rửa tội, hôn phối, an táng cũng có cùng một ý nghĩa đó. Thánh lễ thật vô giá! Vì vậy, nếu có điều kiện, chúng ta nên thể hiện bằng một hành động hiệp thông vào kinh nguyện của một vị chủ tế, qua việc tham gia vào các chi phí của Giáo Hội để bảo đảm công tác phục vụ.

Cộng đoàn giáo xứ không chỉ tồn tại chỉ nhờ vào sự đóng góp của giáo dân. Hằng năm, việc đóng góp còn được thực hiện dưới hình thức “tiền dâng Giáo Hội”, hay “tiền xin lễ”.

Có dư luận khá phổ biến cho rằng Giáo Hội giàu có và có lắm nguồn thu. Họ quên rằng, với đạo luật tách rời Giáo Hội và Nhà nước (tại Pháp), những nơi phượng tự không còn là tài sản của Giáo Hội nữa. Phần bất động sản nào còn thuộc quyền Giáo Hội thì không còn là nguồn thu nhập nữa, mà lại trở thành gánh nặng tài chính (bảo trì, bảo hiểm, thuế má…).

36. Thưa Cha, nếu con vào tu trong đan viện, cha mẹ sẽ không gặp lại con nữa, con có ích kỷ với gia đình và cha mẹ không?

Niềm ao ước sống đời chiêm niệm của bạn cần được thảo luận với một linh mục và bạn hãy suy nghĩ chín chắn. Tận hiến đời mình để đọc kinh cầu nguyện là một cách thông hiệp vào cuộc sống của mọi người, kể cả cuộc sống của cha mẹ và gia đình bạn.

Bạn bận tâm về những hậu quả của việc xa cách gia đình là phải.

Ngay từ bây giơ, bạn có thể bàn bạc với cha mẹ. Đó là một giai đoạn khó khăn, nhưng không sao tránh khỏi trên con đường hạnh phúc của bạn và của cha mẹ bạn.

37. Thưa Cha, con không sao gặp được một linh mục hiểu thấu tâm tư con. Không cần đợi lâu, vừa khi con nói rằng con sống đạo đều đặn, thì xem ra việc tìm hiểu của con hóa ra vô vị đối với ngài. Mỗi lần như vậy, con lại ra đi càng trống vắng hơn. Con phải làm gì đây?

Trong việc tìm hiểu, để có được sự hướng dẫn phù hợp cho riêng mình, tốt hơn hết, bạn nên gặp gỡ thường xuyên một linh mục. Bạn đừng tham vấn, giao tiếp lung tung, mà nên đào sâu những vướng mắc của bạn chỉ với một người. Cuốn sách “Nếu bạn tìm Chúa”của Jean-René Bouchet, Nhà xuất bản Cerf, có thể giúp đỡ bạn. Bạn có thể gặp ở đó những lời khuyên đầy khôn ngoan để tiếp tục tìm Chúa.

38. Trong Phúc Âm có viết : “Chúng con đừng gọi ai dưới đất là cha. Chúng con chỉ có một cha duy nhất, Đấng ngự trên trời”. Tại sao chúng ta không thực thi lệnh truyền này của Đức Kitô? Thật kỳ quặc đối với một ông lão tám mươi tuổi như tôi, lại đi gọi một linh mục trẻ đáng tuổi cháu mình là “cha”.

Không nên hiểu tiếng “cha” dành cho một linh mục là ngang tầm với tiếng “cha” dành cho người cha trong gia đình. Qua tiếng “cha” này, Giáo Hội muốn nói đến tình phụ tử thiêng liêng của vị linh mục.

Trong ngôn ngữ, cùng một số từ, nhưng có thể có nhiều nghĩa. Ví dụ, trong tiếng Pháp, “foyer” là lò lửa, cũng có nghĩa là nhà, mái ấm gia đình. Cũng vậy, khi ông gọi linh mục là “cha”, ông gán cho từ ngữ này một ý nghĩa thiêng liêng.

Khi chúng ta nói với Thiên Chúa “Cha chúng con”, chúng ta nghĩ đến một thứ tình phụ tử khác. Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha (Abba), tương tự với “papa” trong tiếng Pháp (tiếng Việt “ba” hoặc “bố”). Chúa Giêsu đã làm cho mọi người chúng ta nên con cái của Thiên Chúa. Ngài dạy cho chúng ta cầu nguyện như sau: ”Lạy Cha chúng con”. Chúng ta tin vào một Chúa duy nhất, Cha của tất cả mọi người.

Hơn nữa tiếng “cha” còn nhiều nghĩa khác. Chúng ta gọi những người thần học vĩ đạo tiên khỡi cũa Giáo Hội là “các Giáo Phụ”, gọi vị bề trên của một đan viện là Viện Phụ, người cha của đan viện.

39. Chúng tôi hiểu chưa thật sâu sát lập trường của Giáo Hội Công Giáo về sự độc thân “bắt buộc”của linh mục. Có phải tình yêu dành cho một người nữ không thể dung hòa được với tình yêu dành cho Thiên Chúa chăng?

Tình yêu dành cho một người nữ hoàn toàn có thể dung hòa được với tình yêu dành cho Thiên Chúa. Hiện nay, biết bao nhiêu đôi vợ chồng không là chứng nhân cho điều đó hay sao? Thế nhưng, Giáo Hội La tinh xem việc cam kết tuyên giữ độc thân như dấu chỉ sự gắn bó khăng khít của linh mục với Chúa Kitô và như dấu chỉ của sự hiến thân trọn vẹn để phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội.

Linh mục, tu sĩ nam nữ, là những người làm chứng về một cách thức yêu mến Thiên Chúa, tuy khác biệt, nhưng không hề giảm giá trị tình yêu hôn nhân. Chúa Giêsu nói về việc chọn lựa cách thức yêu mến Thiên Chúa này trong Tin Mừng thánh Mátthêu (chương 19, câu 12): “Có những kẻ tự trở nên hoạn nhân vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu”.

40. Thưa Cha, những lý do nào biện minh cho sự độc thân của linh mục trong Giáo Hội La Tinh?

Truyền thống linh mục độc thân phát triển trong Giáo Hội Phương Tây qua nhiều giai đoạn.
Những chứng cớ lịnh sử đầu tiên ngược về tận thế kỷ IV (năm 306), tại Công Đồng Elvire, bên Tây Ban Nha. Vấn đề độc thân của linh mục được nêu trong Công Đồng này, và được áp dụng cho Giáo Hội hoàn vũ tại Công Đồng Ni Xê vào năm 325, dù rằng các Giám Mục chưa định thành luật.

Vấn đề chưa được ban cãi trong nhiều năm tiếp sau, nhưng ngày càng trở nên bắt buộc. Chính tại Công Đồng Latran II, vào năm 1139, các Giám Mục đều tuyên bố rằng việc kết hôn của một giáo sĩ sẽ không có hiệu lực.

Ở vào một thời điểm có nhiều linh mục kết hôn, thì những lý do truyền thống của Giáo Hội về việc chọn ở độc thân căn cứ vào sự hấp dẫn của đan tu, sự dấn thân nhiều hơn nữa của các giáo sĩ, và ý muốn tách rời hàng giáo sĩ khỏi xã hội dân sự mà hàng giáo sĩ bị dìm sâu vào.

Các Linh mục phải mang đến cho mọi người một bằng chứng sống động về sứ mệnh của Chúa Kitô. Bằng lời giảng dạy, Chúa Ki tô mời gọi tất cả mọi người chúng ta sống trong tình yêu của Chúa Cha. Thứ tình yêu không san sẻ này không thể được đánh giá theo cách tính toán của loài người, đầy hạn chế, lắm thất bại.

Sau khi chết, chúng ta được mời gọi tiến vào cuộc sống vĩnh cửu. Chúa Giêsu đã hiến dâng trọn đời mình cho Chúa Cha, và bởi sự phục sinh, ngài đã chiến thắng sự chết. Các linh mục là dấu chỉ sống động của lời Chúa hứa. Trong khi chọn không kết hôn, không có con cái, các ngài chọn theo Chúa Kitô và dâng hiến trọn vẹn đời mình cho sứ vụ phục vụ Giáo hội. Việc đông con nhiều cháu của linh mục thuộc phạm vi khác với phạm vi của lứa đôi. Đó là sự đông con nhiều cháu thiêng liêng. Như vậy, các linh mục là những chứng nhân của một cách thức yêu thương khác, bằng việc hiến dâng cả cuộc đời mình cho Chúa Kitô, để phục vụ Dân Chúa.

 

 

Nguồn: conggiao.info

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072