Mẹ Sầu Bi
Phụng vụ Giáo Hội đã sắp xếp ngày 15/9, lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi liền sau ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, là muốn để con cái Giáo Hội hiểu rằng: Mẹ Maria là người đầu tiên đã đón nhận và suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời mình, nên mẫu gương cho mọi tín hữu thành tâm với ơn cứu chuộc. Vì những danh hiệu cao quí dành cho Mẹ Maria như “Nữ Hoàng Thiên Quốc”, “Nữ tỳ thân ái của Chúa Cha, Hiền Mẫu xinh tươi của Chúa Con, Cung Ngà Điên Ngọc của Chúa Thánh Thần” và còn bao nhiêu danh hiệu khác nữa, có thể nói, đều bắt đầu từ việc kết hiệp với Thánh Giá Chúa Kitô từ khởi sự ngày Ngôi Lời nhập thể cho đến đỉnh điểm trên Núi Thánh Calve, và còn hơn thế nữa, cho tới khi công cuộc cứu chuộc hoàn tất trong ngày cánh chung. Như thế, bao lâu hy tế Thập Giá của Chúa Kitô còn tiếp diễn trên bàn thờ cho nhân loại được cứu độ, thì bấy lâu, Mẹ Maria vẫn còn tiếp tục đau khổ cùng Con của Người.
Ngay từ đầu, khi đón nhận Ngôi Lời nhập thể, là Mẹ Maria đã đón nhận Thập Giá. Danh hiệu Ngôi Lời, Giêsu, Kitô luôn đồng nghĩa với Thập Giá, với đau khổ và cũng đồng nghĩa với tình yêu, sức mạnh để chấp nhận và vác trên vai mà đi trong cuộc đời. Chính sự trợ lực thần thiêng dành cho người hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, cho ý định của Thiên Chúa Cha được thực hiện, Mẹ Maria mới có đủ sức để cùng đồng hành với Đức Giêsu đồng hành với đau khổ, với Thánh Giá.
Quả đúng vậy, nhìn vào tương quan của Mẹ với cuộc đời Chúa Cứu Thế, Mẹ Maria không chỉ theo chân Con trên đường tiến lên núi Sọ, mà thực ra Mẹ đã đón nhận và vác Thánh Giá từ khi đáp lời “Xin vâng” để nhận lấy bao nhiêu nghi kỵ, hiểu lầm; từ việc sinh con trong nơi bẩn thỉu làm lòng mẹ xót xa; từ việc chui nhũi trốn chạy khỏi tay bạo Chúa Herode tìm giết… cho đến sự rẻ rúng, những lời đàm tiếu dành cho Con những ngày rao giảng Nước Thiên Chúa; những lời buộc tội, những hàm oan, bản án tử hình, con đường thương khó và cuối cùng tiếng búa đóng đinh tay chân con vào Thập Giá…… Tất cả là thập giá và không có thập giá nào là nhẹ nhàng đối với một Trinh nữ làm mẹ.
Kính Mẹ Sầu Bi, không phải là một lễ của lòng đạo đức tình cảm, không phải chỉ để kể lể bao sự đau đớn vất vả của một đời làm Mẹ, chịu đựng bao lịch sử cay đắng trần gian để Con mình làm nên một lịch sử mới, nhưng kính Mẹ Sầu Bi là tôn vinh Tình Yêu cao vời của một Người Nữ nhân loại dành cho Thiên Chúa Cha và chương trình của Ngài, bằng cách đón nhận mọi thập giá để Hy Lễ Thập Giá của Con mình đẹp ý Thiên Chúa Cha nhất, và viên thành ơn Cứu Rỗi cho mọi người.
Và còn hơn thế nữa…
Mẹ Vẫn Sầu Bi – Mẹ Khóc – Mẹ Hoài Bi
Hy Lễ Thập Giá đã hoàn tất. Chúa Kitô đã chiến thắng tử thần, và Phục Sinh vinh quang, để những ai Tin người thì được sống đời đời. Như thế là ơn cứu độ đã dọn sẵn cho mọi người. Chiếc cầu nối liền Trời với đất gãy nhịp năm xưa, nay đã được tái thiết nhờ Thánh Giá Con của Mẹ, trong đó có Thánh Giá của Mẹ. Chiếc cầu đã sẵn, ơn cứu độ đã sẵn, con đường về quê thật đã sẵn- tất cả đã sẵn, nhưng Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người, để việc tìm về ơn cứu độ qua Thánh Giá Chúa Giêsu mang một ý nghĩa chọn lựa hoàn toàn tự nguyện. Và Giáo Hội tiếp tục sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu, nghĩa là tiếp tục đời sống chứng nhân của một Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh để mọi người cùng đóng đinh với Chúa và được sống lại với Chúa trong vinh quang. Hy tế Thập Giá của Chúa Giêsu vẫn còn tiếp diễn trên bàn thờ mỗi ngày, cho đến khi nhân loại trở nên “một ràn chiên, một Chúa chiên”, và như thế, Mẹ vẫn tiếp tục chia với Con mình những nỗi đau vì sự khao khát, mong đợi con người đến với ơn cứu rỗi. Mẹ hoài bi.
Mẹ khóc ở nơi nầy, Mẹ khóc ở nơi kia… Mẹ hoài bi…
Khóc vì con cái Mẹ, những đứa con của Thiên Chúa giao cho Mẹ qua lời trăn trối của Chúa Giêsu trên thập giá, những đứa con mà Thiên Chúa quí yêu, nay đang trên đà sa sút. Sa sút vì tranh giành sự cả sáng với Cha trên trời; vì không những không còn rao giảng một Chúa Giêsu chịu đóng đinh, lại còn truyền bá một loại giáo lý hưởng thụ; sa sút vì mắc mưu ma quỉ tam điểm mà gây nên những chống đối, rẻ chia, bè phái, gây mất hiệp nhất trong hàng ngũ môn đệ Chúa Kitô; vì không biết rửa chân cho nhau và cũng không khiêm tốn chấp nhận đưa chân cho nhau rửa; vì tình yêu và sự hiến dâng của các con cái Mẹ cho các linh hồn không còn nồng nàn hừng hực như trái tim yêu của Chúa Giêsu Con Mẹ; vì sự quảng đại cho công cuộc cứu thế đang co rúm lại trong cái ích kỷ nhỏ nhoi của mình…
Khóc vì “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Lúa ở Nhật, lúa ở Trung Quốc, lúa ở Đài loan, và gần nhất, lúa ở Đồng Bằng Sông Cửu Long và lúa ở các vùng cao nguyên bạt ngàn, bạt ngàn…. Khóc vì có thể có người gặt, nhưng không phải “thợ” gặt – những người thợ được huấn luyện bằng chính Con Người Đức Kitô. Khóc vì đồng lúa mênh mông chín vàng và ngã xuôi theo cơn lốc xoáy của những trào lưu vong thân ngàn đời, oan uổng cho công trình cứu chuộc.
Khóc vì nhân loại đang dùng chính tự do Chúa ban, bằng lòng theo con đường trầm mình trong bóng tối sự chết, khi chỉ chọn cho mình sự sống và sự sống dồi dào ở đời nầy. Và còn nguy hiểm hơn thế nữa, ý thức vô thần đã gieo trong lòng nhân loại một sự tuyên chiến với Thiên Chúa, tuyên chiến với Thập Giá Chúa Kitô. Ý thức hệ vô thần thẩm thấu trong lòng con người hôm nay, không trừ ai, kể cả người mang danh là con cái Thiên Chúa, mang danh là chiến sĩ Chúa Kitô, kể cả người trong chế độ tư bản hay xã hội chủ nghĩa…
Lễ Mẹ Sầu Bi, cho chúng ta cơ hội nhìn lại phần đóng góp của mình vào công cuộc cứu rỗi cho chính mình và cho tha nhân, nhìn lại cách đón nhận Thập Giá cứu độ, và nhất là chia với Mẹ những nỗi đau của Mẹ, học với Mẹ bài Tình Yêu dành cho Con và cho công cuộc của Thiên Chúa Cha, qua người con dấu yêu.
Mẹ Sầu Bi, Mẹ của những ai sầu bi vì Thập Giá Chúa Kitô
Trên đường thập giá, Chúa Giêsu quay lại nhìn những phụ nữ theo Chúa thương khóc, và nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” ( Lc 23, 28). Trong những ngày này, Mẹ Maria đang thương khóc cho con cái Mẹ và cho chúng sinh, vì sự hững hờ với sứ mạng và vì tội lỗi.
Nhưng không thể dừng lại ở mức độ bi quan quá đáng cho một thế giới không Thiên Chúa, vì niềm tin vào Chúa Kitô chiến thắng khải hoàn và sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội, cho phép chúng ta có quyền tin tưởng một Thập Giá Chúa Kitô chiến thắng. Và những giọt lệ yêu thương Mẹ Maria khóc thay cho nhân loại đã cảnh tỉnh con người hôm nay, trong đó có mỗi người chúng ta. Hơn nữa, Mẹ luôn là Mẹ của tất cả những ai chọn cho mình cuộc sống kết hiệp với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, của những ai chọn đi theo con đường tiếp tục công cuộc cứu thế.
Chúa Giêsu nói : “Ai không vác thập giá mình mà theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được” (Lc 14,27). Như thế, không ai có thể tìm chọn cho mình một Chúa-Giêsu-không-có-thập-giá, và khi đã chọn Chúa-Giêsu-vác-thập-giá, thì chắc chắn sẽ gặp được Mẹ của Người mà học hỏi bao trải nghiệm quí báu của Tình Yêu, thập giá, và ơn cứu rỗi. Cùng Mẹ Sầu Bi, ta có thể có thêm sự trợ lực quí giá để biến những khổ đau trong đời thành giá trị cứu rỗi chính mình và nhân loại.
Lạy Mẹ Sầu Bi, Mẹ là mẫu gương vác thập giá cho chúng con, những người theo Chúa, xin cầu cho chúng con niềm vui đón nhận những đau khổ vì Chúa Kitô, để chính những đau khổ thập giá ấy, trở nên đường cứu rỗi cho chúng con và cho mọi người.
tinmung.net