Bài giảng Chúa nhật 3 MC B
Mỗi người có nhiều đền thờ vật chất nhưng chỉ có một đền thờ thiêng liêng là thân xác mình theo lời thánh Phaolô dạy:”Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao”?(1Cr 3,16). Chúng ta có nhiệm vụ phải tôn trọng và bảo vệ cả hai loại đền thờ đó bằng bất cứ giá nào dựa vào Thánh kinh:”Lòng nhiệt thành lo việc nhà Chúa làm hao tổn thân tôi”(Tv 68.10). Hãy tôn trọng thân xác mình và đừng biến nó thành hang trộm cướp. Đừng để cho của cải vật chất chi phối tâm hồn mình. Hãy biến thần Mammon thành đầy tớ trung thành phục vụ ta, và hãy cố gắng biến thân xác và linh hồn mình thành”Ngôi Thánh Đường” của Thiên Chúa.
1. Bài đọc 1 : Xh 20,1-17.
Thiên Chúa đã dùng ông Maisen giải phóng dân Israel ra khỏi ách nộ lệ của Ai cập. Khi đến núi Sinai, Thiên Chúa ban bố lề luật cho Maisen và ông đã truyền lại cho dân chúng. Luật ấy được gọi là “Thập giới” hay “Mười điều răn”. Đối với họ “mười điều răn” là cách đọc được ý muốn của chính Thiên Chúa ngõ hầu sống hiệp thông với Ngài. Đó chính là điểm cốt lõi, cho dầu phần lớn các điều răn còn được thấy ở những nơi khác ngoài Israel.
Thập giới không phải là xiềng xích nặng nề, kìm hãm tự do con người, nhưng là luật chỉ đạo của Thiên Chúa để hướng dẫn và bảo đảm bước đường tiến tới tự do và hạnh phúc. Thiên Chúa đòi Israel phải tuyệt đối trung thành và tuân giữ các điều răn của Ngài. Có như vậy, Ngài mới là Chúa của Israel và Israel là dân riêng của Ngài. Ngày nay, chúng ta là dân riêng của Ngài. Điều mà Ngài đòi hỏi Israel cũng là điều Ngài đòi hỏi chúng ta ngày nay.
2. Bài đọc 2 : 1Cr 1,22-25.
Thánh Phaolô rao giảng Đức Kitô bị đóng đinh. Theo Ngài, nhờ thập giá Đức Kitô, chúng ta đến được với Chúa Cha, nhưng thập giá lại là điều ô nhục đối với người Do thái và là sự điên rồ đối với người Hy lạp. Người Do thái mong đợi Đấng Cứu thế quyền năng chứ không hèn yếu ; người Hy lạp trông một sự can thiệp của Thiên Chúa phù hợp với sự khôn ngoan của họ, và đối với Đấng ấy, cái chết không được phép chạm đến.
Nhưng thánh Phaolô lại quả quyết rằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa thể hiện rõ nhất nơi thập giá và sự khôn ngoan của Thiên Chúa trổi vượt hơn sự khôn ngoan của con người. Do đó, Ngài tự hào về sự khôn ngoan của thập giá bởi vì sức mạnh của Ngài tỏ lộ trong sự yếu đuối:”Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh”.
3. Bài Tin mừng : Ga 2,13-25.
Thánh Gioan thuật lại việc Đức Giêsu xua đuổi những kẻ buôn bán ở sân đền thờ Giêrusalem. Đền thờ là nơi dân Chúa thập phương tụ họp lại để tỏ lòng tôn thờ và dâng tiến lễ vật cho Thiên Chúa. Đền thờ phải là nơi trang nghiêm dành cho việc thờ phượng. Nhưng người ta vì ham lợi lộc đã biến Đền thờ thành nơi buôn bán, ồn ào nhộn nhịp. Đức Giêsu vì nhiệt thành với Thiên Chúa đã dám chấp nhận nguy hiểm dẫn đến cái chết khi nghĩ đến câu Thánh vịnh:”Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”(Tv 68,10).
Để trả lời cho những thách thức của họ, Đức Giêsu nói:”Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi. Nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”(Ga 2,21). Đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Ngài. Và “Nhà Cha” thực sự từ nay sẽ là “đền thờ thân thể Ngài”, và Ngài sẽ là vị tư tế duy nhất muôn đời. Nhưng nhân tính của Ngài sẽ chỉ giữ vai trò trên sau khi bị phá hủy và trỗi dậy (Ga 2,20).
4. Thực hành Lời Chúa.
Thanh tẩy tâm hồn.