Bài giảng Chúa nhật 2 PS B
A. DẪN NHẬP.
Tuần trước chúng ta đã long trọng mừng lễ Chúa sống lại, một biến cố trọng đại đối với Hội thánh và niềm tin của chúng ta. Biến cố vô tiền khoáng hậu này đã được ghi trong các sách Tin mừng và trong sinh hoạt của Giáo hội, nhưng có nhiều người còn chưa tin, họ đưa ra những lý lẽ để bác bỏ việc Đức Giêsu sống lại từ cõi chết. Ngày nay không thiếu gì những người còn đòi bằng chứng việc phục sinh của Đức Giêsu, giống như trường hợp ông Tôma ngày xưa.
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta có thể có được tri thức là do kinh nghiệm, do suy luận và do người khác chỉ bảo cho. Nhưng tri thức của chúng ta phần lớn là do người khác chỉ bảo cho, có thể đến 80%. Chúng ta vẫn tin họ, nếu không thì cuộc sống sẽ không tiến bộ được.
Trong đời sống tôn giáo hay đời sống thiêng liêng, chúng ta không thể tự sức mình tìm ra được những chân lý cao sâu, tất cả phải do Chúa mạc khải và do Hội thánh truyền lại. Đức tin không phải là chấp nhận suông một số chân lý hay một giáo thuyết, mà là dấn thân tin theo Đức Kitô là “đường, là sự thật và là sự sống”(Ga 14,6). Đức tin ấy còn phải được trui rèn, thử thách và phải được diễn tả ra bằng việc làm, nhất là trong việc tuân theo thánh ý Chúa.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Cv 4,32-35.
Trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca nêu lên một điểm sáng ngời trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem : Tinh thần chia sẻ ! Mọi người đoàn kết thương yêu nhau, giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt. Họ chỉ có một lòng một ý đến nỗi để mọi sự làm của chung.
Đây là một việc làm tự nguyện chứ không có tính cách bắt buộc. Việc làm đặc biệt này khiến cho người ngoại giáo hết sức ngạc nhiên và thán phục. Các tín hữu bán những bất động sản như ruộng đất, nhà cửa rồi đem tiền giao cho Hội thánh giữ. Hội thánh phân phối lại cho các tín hữu theo nhu cầu của từng người. Họ không phân bì ghen tị nhau vì có người góp nhiều mà hưởng ít, và cũng có người góp ít mà hưởng nhiều. Do đó, không ai trong cộng đoàn phải thiếu thốn.
Nhưng điều thánh Luca muốn làm nổi bật lên, đó là tình liên đới sâu đậm giữa các Kitô hữu tiên khởi rập theo tinh thần Tin mừng, hợp với thánh vịnh mà họ cùng ca lên :
Anh em xum họp một nhà,
Bao là tốt đẹp, bao là thú vui.
(Tv 133,1)
+ Bài đọc 2 : 1Ga 5,1-6.
Thánh Gioan viết bức thư này có ý nói lên cái cốt lõi của đời sống Kitô hữu, đó là phải tin yêu : tin vào Đức Kitô sẽ thắng được thế gian. Kẻ tin vào Đức Kitô hằng sống sẽ được thông phần vào sự chiến thắng sự dữ của Đấng chịu đóng đinh. Tín hữu là người đã tin rằng Đức Giêsu là Kitô. Mà tin vào Đức Giêsu Kitô thì cũng phải yêu mến Đấng đã sinh ra Đức Giêsu Kitô, tức là Thiên Chúa.
Có đức tin chưa đủ, còn phải yêu mến điều mình tin, tức là yêu mến Thiên Chúa. Nhưng làm sao để biết mình yêu mến Thiên Chúa ? Thánh Gioan trả lời cho chúng ta : đó là thực hành các giới răn của Ngài. Đối với người Kitô hữu, các giới răn của Thiên Chúa không còn là những luật buộc nặng nề, chúng chỉ là lời đáp trả theo tiếng gọi của tình yêu.
+ Bài Tin mừng : Ga 20,119-30.
Đoạn kết Tin mừng của thánh Gioan (chương 21 được thêm vào sau này) là một mời gọi cuối cùng để hiểu đúng qui chế của đức tin. Đức Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ để nhằm hướng họ về tương lai và chứng tỏ giờ đây Ngài hiện diện bởi Thánh Thần trong sự phát triển công cuộc truyền giáo của Hội thánh.
Bài Tin mừng hôm nay thuật lại hai lần Chúa Phục sinh hiện ra với các Tông đồ tại nhà Tiệc ly : lần thứ nhất vào chiều phục sinh, ông Tôma vắng mặt; lần thứ hai vào 8 ngày sau và lần này có mặt ông Tôma. Sự cứng lòng tin của ông Tôma tạo cơ hội cho Ngài trình bầy cho các môn đệ thế nào là tin : phải hoàn toàn tín nhiệm vào Lời Ngài mà không đòi hỏi những dấu chứng cụ thể.
Tin vào Đấng Phục sinh và vào cách hiện diện của Ngài không thuộc lãnh vực thị giác : điều thánh Gioan muốn nhấn mạnh khi kể lại chuyện Tôma, là để tạo cơ hội đặt vào miệng Đức Giêsu những lời này:”Phúc thay những người không thấy mà tin”(Ga 20,29). Các dấu chỉ dành cho đức tin thì nhiều, nhưng chúng không hề là bằng chứng mà là để nói với chính đức tin. Và khi nói với người không là Kitô hữu, ta còn phải quan tâm để cho những dấu chỉ ấy nói lên.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Nên tin hay chối bỏ ?