Phần 2 – Bài 42: Bí tích Xức dầu bệnh nhân
Bệnh tật và đau khổ là một phần của đời sống con người. Một đàng, chúng ta cố gắng chống lại, xa tránh và giảm bớt đau khổ, bệnh tật; đàng khác, chúng ta phải chấp nhận chúng. Mọi sự đau yếu đều nhắc nhớ rằng cái chết đang chờ đợi chúng ta (GLHTCG số 1500).
Thái độ của con người trước đau khổ và bệnh tật đã trải qua nhiều thay đổi, trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội. Ngày xưa, người hấp hối như được bao bọc bằng những lời kinh. Nhiều người công giáo Việt Nam vẫn còn thuộc những kinh cầu cho kẻ hấp hối. Ngày nay, người bệnh được đưa vào bệnh viện, ở đó chỉ có chữa trị phần xác chứ không có bầu khí thiêng liêng. Nhưng dù cố gắng chữa trị đến đâu, con người vẫn phải chấp nhận rằng sự chết là bước đi cuối cùng và thiết yếu mình phải bước trong đời.
Về cử hành phụng vụ, cũng có những thay đổi. Ngày xưa, các linh mục bị coi như những “thiên thần báo tử” và người ta cố gắng trì hoãn việc xức dầu muộn hết sức có thể. Ngày nay, khi Công đồng gọi tên bí tích này là “Xức dầu bệnh nhân”, Hội Thánh muốn nhấn mạnh đây là bí tích cho bệnh nhân chứ không chỉ cho người hấp hối (số 1499).
Mẫu mực của bí tích này là hành động chữa lành của Chúa Giêsu. Người luôn chạnh lòng thương khi nhìn thấy các bệnh nhân, và Người cho các môn đệ tham dự vào “thừa tác vụ cảm thương và chữa lành” (số 1506) của Người: “Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6, 12-13).
Ngay từ đầu, các Kitô hữu đã coi trọng việc chăm sóc bệnh nhân. Nơi người bệnh, chúng ta phục vụ chính Đức Kitô (Mt 25,36). Cầu nguyện cho bệnh nhân là một phần của tác vụ này. Chúng ta được kêu gọi làm việc đó cách ý thức và tự do. Trong những trường hợp bệnh nặng, khi “tín hữu bắt đầu lâm cơn nguy tử vì bệnh tật hay già yếu”, đó là lúc thích hợp để các linh mục xức dầu (số 1514¬1516).
Sách Giáo lý nói đến ba hiệu quả của bí tích này: (1) được Chúa Thánh Thần ban sức mạnh giữa những khó khăn vì bệnh tật hay già yếu; (2) ban ơn kết hợp đau khổ của mình với cuộc khổ nạn của Chúa, cách nào đó được thánh hiến để mang lại hoa trái cho công trình cứu độ của Chúa; (3) qua đau khổ được đón nhận bằng đức tin, góp phần mưu ích cho Dân Chúa. Chúng ta dễ dàng quên mất điều này là: nhờ ân sủng Đức Kitô, đón nhận bệnh tật là việc tông đồ ẩn kín và có hiệu quả sâu xa. Mẹ Têrêxa Calcutta nhấn mạnh rằng đàng sau công việc phục vụ của các chị em trong dòng, có một người nào đó đang trợ giúp việc tông đồ của các chị, bằng cách hiến dâng đau khổ họ phải chịu.
WHĐ