Yêu thương là thế đó

 

 

Cao điểm của Phụng vụ Lời Chúa là dụ ngôn Người Cha nhân hậu, một trong những dụ ngôn đẹp nhất của Tin Mừng. Có thể gọi đó là “Tin Mừng” của Tin Mừng. Tin Mừng về một Thiên Chúa là cha giàu lòng nhân hậu yêu thương. Dụ ngôn hé mở cho chúng ta thấy 4 nét lớn của lòng nhân hậu yêu thương đó.

– Nét thứ nhất của lòng nhân hậu yêu thương là hoàn toàn tôn trọng tự do của con cái. Có người cho rằng người cha này quá dễ dãi. Dễ dãi vì khi người con đòi chia gia tài là ông đồng ý ngay. Tuy nhiên, việc người cha chia gia tài nói lên rằng ông đối xử với con không như với một đứa trẻ, mà như một người trưởng thành. Ông hoàn toàn tôn trọng tự do và quyết định của con, dẫu biết rằng rất có thể đứa con sẽ lạm dụng tự do để xúc phạm đến mình. Theo tập tục Do Thái, người ta chỉ chia gia tài khi cha mình đã qua đời. Đòi chia gia tài khi cha mình còn sống là một sự xúc phạm nặng nề. Rõ ràng ở đây, người con thứ đã làm một việc trái với luân thường đạo lý. Hơn nữa, khi được chia gia tài rồi, không phải anh đã dùng gia tài này để làm ăn buôn bán, đầu tư chứng khoán, gửi ngân hàng, hay làm từ thiện…, mà là để ăn chơi cho thoã chí tang bồng. Biết trước như thế, nhưng người cha vẫn tôn trọng quyết định của anh.

– Nét thứ hai của lòng nhân hậu yêu thương là kiên nhẫn đợi chờ. Chia gia tài cho con, không phải để nó đi cho rảnh nợ, cho khuất mắt là xong. Trái lại, khi con mình đi rồi, ông luôn thao thức, nhớ thương và ngóng trông con trở về. Ông không hề nhớ tới sự xúc phạm của con, mà chỉ nhớ thương con. Nhớ thương đến mỏi mòn. Ông trăn trở lo âu về số phận của con, nhất là khi có nạn đói xảy ra. Tâm trí ông luôn hướng về con khiến nhiều đêm ông không ngủ được. Chắc hẳn sự thương nhớ và trông mong phải nhiều lắm lắm thì ông mới có thể trực giác thấy con mình từ rất xa khi nó trở về, như Thánh Luca mô tả.

– Nét thứ ba của lòng nhân hậu yêu thương là bao dung tha thứ. Khi thấy con trở về, ông đã chạy ra ôm lấy cổ, không phải để vật nó xuống và đánh cho nó một trận cho bỏ ghét, hay ít ra lườm cho nó mấy cái, rồi chiến tranh lạnh…, nhưng là để “hôn lấy hôn để”. Rõ ràng ông không hề nghĩ tới hình phạt, mà chỉ muốn tha thứ và thứ tha. Tha thứ ngay khi đứa con xúc phạm vì đã đòi chia gia tài lúc mình con sống, thứ tha ngay khi nó phung phá hết tài sản mồ nước mắt mà mình đã tích luỹ một đời. Và khi người con trở về, dường như ông đã quên đi tất cả quá khứ tục luỵ của con, cũng chẳng để cho con xưng thú hết những lỗi phạm của mình. 

Bốn hành động xảy ra liên tiếp: chạy ra, ôm cổ, hôn lấy hôn để, sai gia nhân… “Chạy ra, ôm cổ” là những hành động diễn tả niềm vui được gặp lại con mình. Nếu không vui chắc chắn ông không hành động như thế. “Hôn” ở đây là một cử chỉ nói lên sự tha thứ hoàn toàn.

Đức cố Hồng y F.X. Nguyễn Văn Thuận có kể lại câu chuyện như sau: Một bà cụ nọ thường đến gõ cửa phòng Cha xứ, kể cho ngài nghe rằng đêm qua Chúa mới hiện ra với bà. Để làm bà nản lòng đừng đến quấy rầy nữa, Cha xứ bảo: “Lần sau, nếu Chúa có hiện ra, bà hãy hỏi Ngài ‘Cha xứ con có tội gì nặng nhất?’, sau đó tới nói cho tôi nghe nha.” Mấy ngày sau, bà cụ không đến nữa. Cha xứ mừng thầm vì bà đã trúng kế của ngài. Nhưng một tuần sau đó, bà cụ trở lại: 

– Thưa Cha, tối hôm qua Chúa lại hiện ra với con.

– Thế bà có hỏi Ngài không?

– Thưa có chứ.

Cha xứ bắt đầu hồi hộp:

– Bà hỏi thế nào?

– Thì con hỏi y như Cha đã bảo: “Cha xứ con có tội gì nặng nhất?”

Cha xứ càng hồi hộp thêm:

– Vậy Chúa có trả lời không?

– Có chứ.

Bây giờ thì cha xứ lo lắng thật sự:

– Chúa nói sao?

– Chúa nói: “Ta đã quên hết rồi.”

Cha xứ thở phào nhẹ nhỏm. 

Thiên Chúa “yêu thương là thế đó”! Ngài không bao giờ nhớ tội của ta. Ngài tha thứ cho ta cả trước khi ta xin lỗi. Ngài đi tìm ta trước khi ta trở về. Ngài yêu thương cả trước khi ta biết Ngài. Đó cũng là nét thứ 3 của lòng nhân hậu yêu thương.

– Nét thứ tư của lòng nhân hậu yêu thương là quảng đại cho đi không tính toán. Không chỉ dừng lại ở chỗ tha thứ, ông còn cho lại đứa con tất cả: một chiếc áo hàng hiệu mới, một chiếc nhẫn hạt xoàn mới, một đôi giày hiệu Nike mới và một bữa tiệc linh đình. Vinh dự còn lớn hơn cả trước khi ra đi. Ông cho đi nhiều đến độ có người muốn đặt tên cho dụ ngôn này là dụ ngôn “Người cha phung phí”. Phung phí của cải, nhất là phung phí tình thương và lòng nhân hậu đối với người con đi hoang. Lòng nhân hậu yêu thương ấy không chỉ được thể hiện đối với người con thứ mà còn đối với người con cả và cả đối với người làm công. Và đây chính động lực giúp cho người con thứ hoán cải ăn năn và quyết tâm trở về.

Vâng, người cha ấy không ai khác hơn chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Quả vậy, Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại chúng ta bằng một tình yêu nhân hậu vô biên. Ngài yêu thương tôn trọng tự do của con người, dẫu biết con người có thể lạm dụng tự do ấy để làm những điều xấu, ngay cả việc chống lại Ngài. Rồi khi con người “đi hoang”, Ngài kiên nhẫn chờ đợi và làm mọi cách để đưa con người lầm lạc trở về, kể cả việc hy sinh chính Con Một của mình: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống.” (Ed 18,23). Và một khi con người biết hoán cải trở về, Ngài còn phục hồi cho họ gấp ngàn lần hơn: danh dự, địa vị, phẩm giá, tự do,…

Vậy sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta trước hết hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, vì lòng nhân hậu yêu thương hải hà mà Ngài đã dành cho chúng ta, là những đứa con hoang đàng ngỗ nghịch của Ngài. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi sống như Ngài, nghĩa là biết quảng đại bao dung tha thứ cho những lỗi lầm của anh em mình, và trên cả sự tha thứ là biết vui mừng đón nhận những người lầm lỗi sa ngã trở về, và sẵn sàng giúp họ hoà nhập với cộng đoàn, thay vì loại trừ hay xa lánh họ. Có như thế chúng ta mới ngày một trở nên hoàn thiện như Chúa Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Amen.

 

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

 

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072