Câu chuyện: Đạo tại tâm
Cha xứ đi thăm mục vụ, ghé nhà một ông Công giáo. Một người đàn ông xồn xồn vaiu bắp thịt, mặt vuông chữ điền, đi đứng vững vàng như xe hủ lô. Ông xồn xồn vồn vã đón tiếp. Cha xứ mở lời:
– Cậu đi đâu mà lâu quá không gặp?
– Con chẳng đi đâu cả. Cứ đi làm rồi về nhà. Xong công tác ngoại vụ, thì ôm ngay công tác nội vụ, tiếp tay bà xã.
– Biết lo cho bà xã như cậu thì cậu quả là người chồng lý tưởng. Bà xã của cậu quả là một người đàn bà có phúc hơn mọi người nữ, trừ Đức Mẹ mà thôi.
– Vậy cha đề cử con là tín đồ gương mẫu của giáo xứ đi.
– Cậu mới là người chồng lý tưởng của đàn bà, nhưng chưa là người con tuyệt vời của Chúa?
– Tại sao vậy cha?
– Tôi chả thấy cậu đi lễ, kể cả Chúa Nhật.
– Đạo tại tâm mà cha. Con tin Chúa. Con thờ Chúa. Mà Chúa thì ở khắp mọi nơi.
– Cậu nói rất đúng: “Đạo tại tâm” nhưng chưa đúng hết.
– Ủa, tại sao rồi lại chưa đúng.
– Đạo tại tâm nhưng cái tâm mới chỉ là cái cốt yếu, chứ chưa phải là tất cả. Tâm là cái ruột, nhưng ruột phải được bảo trì bởi cái vỏ. Cái vỏ rồi sẽ nứt đi, nhưng nứt vỏ sớm quá thì ruột tiêu ma.
– Cha triết lý quá, con nghe không kịp.
– Rồi, ngồi xuống đi. Cho tôi một tách cà phê và một điếu Jet đã, tôi sẽ triết lý kiểu hai lúa cho mà nghe.
– Jet và cà phê là nghề của con. Có ngay. Hai cha con ngồi rỉ rả: chíp chíp cà phê nóng, phì phà điếu thuốc Jet. Hai vị đắng và cay quyện lấy nhau, xoắn lấy nhau. Thời gian như ngưng đọng, không gian như thu hẹp lại…châm hết một ấm nước trà đặc, cha xứ bắt đầu phun châu, nhả ngọc.
– Đạo của cậu là “Đạo tại tâm”. Đạo của cậu chỉ là cái tâm trần trụi. Cái tâm thì đẹp quá, mà vì trần trụi, nên mắc cỡ quá.
– Con chưa hiểu.
– Thì bây giờ hiểu. Đạo tại tâm có nghĩa rằng cái tâm là chánh. Nhưng cái chánh thì phải có cái phụ. Nhiều khi cái phụ lại rất cần thiết để gìn giữ cái chánh. Tôi đan cử một số ví dụ.
Ví dụ một:
Bà xã cậu đi chợ mua một chục hột vịt về để làm món omơlét. Trong trường hợp này thì lòng đỏ và lòng trắng là chánh, là cái tâm, còn vỏ trứng là cái phụ. Vỏ là cái phụ. Nhưng phải giữ cái vỏ mãi cho tới khi bà xã cậu đập trứng lấy tròng đỏ và tròng trắng để chiên. Cái vỏ lúc ấy hết nhiệm vụ, từ hữu ích trở thành vô dụng; từ thái độ giữ gìn cẩn trọng, thành coi thường và không thương tiếc. Bỏ vô sọt rác.
Ví dụ hai:
Nếu cậu mua một chục hột gà về để làm giống, thì mầm sống là cái chánh, là cái tâm.Vỏ là cái phụ. Nhưng cái phụ này không những cần thiết, mà còn là khẩn thiết, đến mức độ trở thành điều kiện “ắt có và đủ” để đạt mục đích là có một chục gà con ra chào đời. Khi con gà con thò đầu ra và chui ra khỏi cái vỏ, thì cái vỏ hết nhiệm vụ, trở thành vô dụng một cách đáng ghét. Gà mẹ phải kẹp cái vỏ bỏ ra ngoài ổ để cứu lấy đôi chân đỏ son, non nớt của bầy nhí dễ thương.
Ví dụ ba:
Cậu đi siêu thị mua một hộp bánh Bích Quy. Bánh là ruột, là cái tâm.Nhưng vẫn phải có cái vỏ. Vỏ là phụ gồm bọc nylông, bọc thuốc chống ẩm và cái hộp thiếc lòe loẹt. Những cái vỏ này vẫn phải đồng hành với cái ruột suốt thời gian chờ bạn đến chơi. Ăn bánh xong. Thưởng thứccái tâm xong, thì mới vứt cái phụ, cái vỏ đi. Không cần thương tiếc.
Ví dụ bốn:
Cậu lấy vợ, cậu yêu vợ. Yêu vợ là chánh,là cái tâm của tình nghĩa vợ chồng. Nhưng chỉ có thế thôi sao? Yêu vợ mà chỉ cócái tâm, nghĩa là không ve vuốt, không hôn hít, không “chắp cánh liền cành”. Như vậy là chỉ có cái chánh mà không có cái phụ; chỉ có cái ruột mà không có cái vỏ. Cậu cứ thử yêu vợ kiểu “Đạo tại tâm”đi, rồi cậu sẽ thấy nó sẽ đi về đâu? Từ chết đến chết.
Cha ngụy biện quá à! Đạo của Chúa là Thánh mà cha cứ lấy chuyện đời để so sánh. Chúa đã dạy rằng: “Từ nay người ta không thờ Thiên Chúa ở Giêrusalem, cũng không thờ ở Garidim, mà chỉ thờ Chúa trong tinh thần và chân lý”.
– Tôi thấy Đức Giêsu vẫn về thủ đô mừng Lễ Vượt Qua. Và trong Bữa Vượt Qua cuối cùng Người đã biến hóa bánh mì và rượu nho thành Thân Thể và Máu Người. Ngườibảo môn đệ ăn và uống, lại còn năn nỉ: “Anh em hãy làm việc này để nhớ Thầy”. Như vậy ta phải cử hành Thánh lễ và rước lễ để nhớ Chúa. Nhớ trong tâm mà thôi thì Chúa không hài lòng đâu.
– Thế tại sao Chúa lại bảo chỉ thờ Chúa trong tinh thần và chân lý?
– Anh phải hỏi Chúa tại sao lại hỏi tôi. Nhưng đây là ý kiến của tôi. Chúa nói vậy là muốn xóa bỏ cái tranh chấp giữa người Do Thái và người Samari. Do Thái thì cho rằng đền thờ ở Giêrusalem là chính thống; đền thờ ở Garidim là xé rào. Còn người Samari thì cho rằng thờ Giavê ở Garidim cũng là chính thống. Chúa không đồng ýsự tranh chấp như thế, vì cả hai đều thiếu cái tâm đối với Giavê, cả hai đều đầu cơ Giavê cho mình. Vả lại thời Cựu Ước đang nhường chỗ cho Tân Ước. Hiến tế bằng máu chiên bò chẳng còn ý nghĩa gì nữa, khi máu hiến tế của “Chiên Thiên Chúa ”đang lừng lững bước tới.
– Như vậy cha biểu con phải đi Lễ Chúa Nhật chứ gì?
– Chứ sao! Cậu vừa ở nhà để tin và thờ Chúa trong tinh thần, vừa đi lễ để nhớ Chúa,để hóa thân thành một với Chúa. Ngài có nhắc to tiếng với cậu đấy: “Ai không ăn Thịt Tôi và không uống Máu Tôi, thì không có sự sống đời đời”. Đạo có ruột mà cũng có vỏ, có cái chánh mà cũng có cái phụ. Cái ruột là cái niềm tin trong tinh thần của cậu. cái vỏ là nghi thức, là kinh sách, là sự có mặt để hiệp thông. Nó là cái vỏ, là cái phụ. Nhưng cần thiết và hữu ích lắm đấy. Bánh Bích Quy mà không có bao bì thì có nguy cơ mốc meo đấy. Trứng gà mà không có vỏ thì eo ôi đấy. Yêu vợ mà không biểu lộ tình cảm thì coi chừng mất vợ đấy…
Cha xứ, vợ chồng ông xồn xồn cùng cười hô hố. Họ bắt tay giã từ. Hai bàn tay xiết nhau, xoắn nhau như không muốn xa nhau.
– Đi Lễ Chúa Nhật nhá.
– Dạ.
Lm.Piô Ngô Phúc Hậu
Nguồn: nguoisamarinhanhau.com