Nhận biết về bệnh trầm cảm

depression.jpg

 

Trầm cảm đang là một trong những căn bệnh được thế giới quan tâm, nó gây nên cơn sốt trong thời đại mới bởi những hậu quả khôn lường mà người bị bệnh cũng như những người thân của bệnh nhân phải gánh chịu.

Vậy, đâu là nguyên nhân, giải pháp phòng tránh và phương pháp trị liệu căn bệnh này? Để giải đáp những vấn nạn trên, Chuyên đề số 198 của Chương trình Chuyên đề Giáo Dục đã tổ chức vào chiều ngày 03/05/2014 tại Trung tâm Mục vụ, với chủ đề: “Trầm cảm – căn bệnh của thời đại”. Buổi thuyết trình do bác sĩ Trương Trọng Hoàng, Phó trưởng bộ môn y đức và khoa học hành vi, trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trình bày, đã đem đến cho người tham dự những câu trả lời thỏa đáng về căn bệnh thế kỷ này.

 

Hiện nay, các phương tiện truyền thông đại chúng đang không ngừng đưa tin về căn bệnh trầm cảm, nó được mệnh danh dưới nhiều tên gọi như: “sát thủ giấu mặt”, “gánh nặng tiềm ẩn”, …Song, số đông trong chúng ta đều hiểu rất “khiêm tốn” về cách phòng tránh và chữa trị căn bệnh này.

 

Khái niệm:

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khái niệm: “Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, đặc trưng bởi sự buồn rầu, mất sự thích thú hoặc khoái cảm, cảm giác tội lỗi hoặc giá trị bản thân thấp, rối loạn giấc ngủ hoặc ăn uống và kém tập trung”.

 

“Trầm cảm có thể kéo dài hoặc tái phát, làm suy giảm đáng kể khả năng làm việc, học tập hoặc đương đầu với cuộc sống hằng ngày của một cá nhân. Ở dạng nặng nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử. Nếu nhẹ, người bị trầm cảm có thể được chữa trị không cần dùng thuốc.”

 

Thực trạng:

Hiện nay, có hơn 350 triệu người trên toàn thế giới ở mọi lứa tuổi bị trầm cảm. Trầm cảm là nguyên nhân dẫn đầu của tàn tật trên thế giới, là yếu tố góp phần chủ yếu trong gánh nặng toàn cầu về bệnh tật. Theo nghiên cứu thì phụ nữ bị trầm cảm nhiều hơn nam giới.

 

Tổ chức Y tế thế giới nhận định: Nếu bệnh vừa hoặc nặng, người bị trầm cảm có thể cần thuốc và điều trị qua việc trò chuyện.

 

Trầm cảm là một rối loạn có thể được chẩn đoán và điều trị bởi những thầy thuốc không chuyên khoa như là một phần của hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu.

 

Bác sĩ chuyên khoa chỉ cần cho một tỉ lệ nhỏ người bị trầm cảm có biến chứng hoặc không đáp ứng với điều trị bước một.

 

Trầm cảm là căn bệnh đã có từ thời cổ đại, nhưng cái mới với chúng ta chính là sự nhận thức, vì cho đến bây giờ, bệnh đang bùng phát ở mọi nơi, đặc biệt các nước đang phát triển, và con người đang phải đương đầu với những hậu quả của nó. Bệnh trầm cảm là một bệnh rất phổ biến. Cứ 100 người có đến 10 người bị bệnh này và xác suất bị bệnh này trong đời người (lifetime prevalence) có thể đến 15%.

WHO tiên đoán rằng đến năm 2020 thì bệnh trầm cảm sẽ trở thành căn bệnh thứ nhì dẫn đến tàn tật (disability) trên toàn thế giới và căn bệnh thứ nhất dẫn đến tàn tật ở những nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, theo số liệu tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương, năm 2000, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm là 2,47% dân số tương đương khoảng 1,9 triệu người. Nhưng đến nay đã tăng lên gần 3%, tương đương khoảng 2,2 triệu người (riêng TPHCM là 5% dân số). Trong đó chỉ 25% được điều trị kịp thời và đúng phương pháp.

 

Làm thế nào để nhận biết trầm cảm?

Theo hệ thống phân loại bệnh DSM-IV, người bệnh được chẩn đoán là Trầm cảm khi:

• Có trạng thái trầm uất hoặc mất hứng thú đối với những hoạt động trong đời sống trong ít nhất 2 tuần
• Có tối thiểu 5 trong 9 triệu chứng sau đây:

1. Trạng thái trầm uất gần như cả ngày
2. Giảm hứng thú trong tất cả hoặc đa số hoạt động
3. Giảm hoặc tăng cân đáng kể ngoài ý muốn
4. Mất ngủ hoặc ngủ quá mức
5. Kích động hoặc chậm chạp mà người khác chú ý thấy được
6. Mệt mỏi hoặc mất năng lượng
7. Cảm giác vô giá trị và sự mặc cảm quá mức
8. Giảm khả năng suy nghĩ hoặc tập trung, hoặc không quyết định được
9. Những ý nghĩ về cái chết lặp đi lặp lại.

 

Những thông tin chủ chốt:

Trầm cảm có thể kèm hay không kèm hưng cảm. Trong đó, trầm cảm được phân chia thành 2 loại:

– Trầm cảm đơn cực (Unipolar depression): Chỉ có cảm giác trầm uất, mất hứng thú trong công việc và giao tiếp.

 

– Rối loạn khí sắc lưỡng cực (Bipolar mood disorder): Quan sát người bệnh ta sẽ thấy họ có lúc quá hứng khởi, vui quá mức, nhưng sau đó lại rơi vào tình trạng trầm lắng quá mức, họ trở nên buồn chán, thất vọng và sống thu mình lại. Chính bản thân người bệnh cũng cảm thấy khó hiểu mình vì bỗng chốc lại vui vẻ, hứng khởi vài ngày, ngay sau đó, lại rơi vào vực thẳm của sự buồn chán.

 

Phân loại trầm cảm theo ICD-10:

– F32.0 Trầm cảm nhẹ: sinh hoạt bình thường
Loại 00 không có hội chứng thể chất.
Loại 01 có hội chứng thể chất.

– F32.1 Trầm cảm vừa: không đảm nhiệm nổi công việc và việc nhà mà trước đây làm được

Loại 00 không có hội chứng thể chất.
Loại 01 có hội chứng thể chất.

– F32.2 Trầm cảm nặng không có triệu chứng loạn thần.

– F32.3 Trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm:

Do sự tác động qua lại giữa các yếu tố bên ngoài (văn hoá, tình huống xã hội, quan hệ xã hội…) với các yếu tố bên trong (thái độ, những tổn thương não, di truyền…) hoặc yếu tố xã hội, tâm lý, sinh học,

Trầm cảm đến lượt nó lại dẫn đến stress nhiều hơn và các rối loạn làm xấu đi cuộc sống của người bệnh và làm trầm cảm nặng thêm.

 

Những yếu tố nguy cơ của trầm cảm bao gồm:

– Sự cô đơn,
– Không có sự nâng đỡ về xã hội,
– Gặp phải những sự kiện gây stress trong cuộc sống,
– Tiền sử gia đình có người bị trầm cảm,
– Có những vấn đề về hôn nhân hoặc những mối quan hệ khác trong gia đình, bạn bè…
– Bị lạm dụng hoặc gặp phải những sang chấn từ tuổi thơ,
– Nghiện rượu hoặc nghiện chất,
– Thất nghiệp hoặc bị lạm dụng sức lao động quá mức,
– Có những vấn đề về sức khỏe hoặc những bệnh lý đau mạn tính.

Giải pháp cho bệnh trầm cảm:

Chúng ta sẽ làm gì khi nghi ngờ mình bị bệnh trầm cảm?
Trước hết, chúng ta cần đi khám sức khỏe tâm thần để loại trừ những bệnh thực thể và có hướng điều trị phù hợp. Nếu trầm cảm mức độ nhẹ thì chỉ cần dùng các phương pháp trị liệu tâm lý-xã hội như đối thoại, tập thể thao, thư giãn, nghỉ ngơi.
Nếu trầm cảm mức độ vừa hoặc nặng thì kết hợp dùng thuốc và các phương pháp trị liệu tâm lý-xã hội.
Lưu ý: Điều trị trầm cảm thường kéo dài vài tháng đến cả năm, và điều quan trọng không phải là thuốc mà chính là ở nội lực của người bệnh. Đối với người bệnh, sự nâng đỡ, cảm thông và chia sẻ của người thân, gia đình, bạn bè là phương thuốc tốt giúp họ vượt lên căn bệnh.
Đối với trẻ em thì không dùng thuốc, còn đối với trẻ vị thành niên thì thuốc cũng không phải là điều trị ưu tiên.

Phòng tránh bệnh trầm cảm:

Ở góc độ xã hội: Cần có các chương trình cộng đồng như: Phòng chống lạm dụng trẻ em, hướng dẫn cho phụ huynh kỹ năng giáo dục trẻ con đặc biệt là trẻ có rối loạn hành vi cho cả phụ huynh lẫn trẻ em, hướng dẫn cho mọi người kỹ năng đương đầu với stress, các chương trình sinh hoạt cho người cao tuổi.

3 bí quyết để phòng tránh trầm cảm:

1. Giữ một thái độ sống tích cực: Biết đón nhận cuộc sống và tự tin để vươn lên.
2. Buông xả hơn là níu giữ
3. Chia sẻ với bạn bè

Có thể nói trầm cảm không chỉ là một bệnh mà còn là một cơ hội để chúng ta nhận thức về hiện trạng của chính mình và là bước khởi đầu để chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn. Trầm cảm không phải là căn bệnh của riêng ai, bất kể người nào cũng có thể mắc phải. Đó chính là những lời tâm huyết của bác sĩ Trương Trọng Hoàng, diễn giả trong buổi chuyên đề nói về bệnh trầm cảm. Bài giảng của bác sĩ đã để lại nhiều bài học ý nghĩa, sâu sắc cho người tham dự. Khán giả rất ước mong sẽ có một chuyên đề về cách phòng tránh – xả Stress, và bác sĩ Hoàng sẽ là diễn giả.

 

Nguồn: Thanh Hương

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072