Đây là Chiên Thiên Chúa (19.01.2020 – Chúa Nhật 2 TN, Năm A)

 
Chúa nhật tuần trước, chúng ta mới mừng lễ Đức Giêsu chịu phép rửa.
Chúng ta đã suy niệm bài Tin Mừng theo thánh Mátthêu.
Hôm nay, chúng ta lại suy niệm biến cố ấy dưới ngòi bút của thánh sử Gioan.
Thánh sử không kể lại chi tiết rõ ràng như các Tin Mừng Nhất Lãm,
Nhưng Ngài giúp chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm Chúa Con tỏ mình.
 
Khi thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, Gioan Tẩy giả đã giới thiệu:
“Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian.”
Một lời giới thiệu không dễ hiểu chút nào,
dù chiên là con vật không lạ gì với người Do-thái.
Người ta nuôi chiên trên các đồng cỏ, để ăn thịt, lấy lông.
Chiên để dâng lễ toàn thiêu, mỗi ngày hai con trong Đền thờ (Ds 28,3).
Chiên đóng vai trò quan trọng trong bữa tiệc Vượt Qua.
Người ta giết chiên tại Đền thờ từ buổi trưa trước lễ .
Một con chiên vô tỳ tích được nướng lên để cả nhà cùng ăn (Xh 12,5). 
 
Đức Giêsu là Con Chiên của Thiên Chúa, 
Nhưng Ngài là Con Chiên có khả năng xóa bỏ tội trần gian.
Đây là lời linh mục vẫn đọc trong trước khi hiệp lễ.
Xóa bỏ tội của cả trần gian là điều người phàm không ai làm được,
nhưng đây lại là sứ mạng của Con Chiên,
sứ mạng lớn lao bao trùm cả nhân loại.
Chiên Thiên Chúa không đến như một vị vua Mêsia, 
để giải phóng hay khôi phục nước Ítraen.
Ngài đến để đem ơn giải phóng cho vũ trụ loài người,
cứu họ khỏi ách tội khiên và giải hòa họ với Thiên Chúa.
 
Thiên Chúa Cha đóng vai trò quan trọng trong bài Tin Mừng này.
Ngài đã sai Con Một xuống thế làm người ở đất Ítraen (Ga 3,17).
Nay Ngài cần một người giới thiệu Người Con ấy.
Ngài đã sai Gioan Tẩy giả đi làm phép rửa trong nước (Ga 1,6.33),
để Người Con “được tỏ ra cho dân Ítraen” (Ga 1,31).
Gioan thú nhận mình không biết Người Con này là ai (Ga 1,31.33),
nên chính Thiên Chúa lại phải lên tiếng và cho ông một dấu hiệu:
“Khi nào ông thấy Thần Khí ngự xuống và ở lại trên ai, 
thì chính là Đấng ấy” (Ga 1,33).
Thiên Chúa đã sai Thần Khí xuống trên Đức Giêsu
khi Người chịu phép rửa trong nước bởi Gioan.
Ông đã thấy, nhờ đó ông có thể làm chứng cho toàn dân (Ga 1,34).
Để giúp chúng ta nhận ra Đức Giêsu là Con thật của Ngài.
Thiên Chúa Cha đã làm việc theo một chương trình bài bản.
Ngài cần sự cộng tác của con người. 
 
Gioan Tẩy giả đã thấy và đã làm chứng về Đức Giêsu (Ga 1,32.34).
Maria Mácđala đã làm chứng sau khi thấy Chúa phục sinh (Ga 20,18).
Các môn đệ đã làm chứng cho Tôma: Chúng tôi đã thấy Chúa (Ga 20,25). 
Muốn làm chứng một cách xác tín và mạnh mẽ, 
chúng ta cần có kinh nghiệm “thấy.”
Không phải thấy bằng mắt như các tông đồ xưa, 
nhưng thấy bằng cảm nhận trong tâm trí, bằng kinh nghiệm đức tin.
Hôm nay Chúa Cha vẫn cần các kitô hữu làm chứng cho Con của Ngài.
Ngài vẫn trò chuyện riêng tư với chúng ta như với Gioan,
và cho chúng ta dấu hiệu để nhận ra Chúa Giêsu,
Đấng vẫn đang đứng chung với tội nhân và những người nghèo khổ.
 
CẦU NGUYỆN
 
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
Xin dạy trái tim con biết cách tìm Chúa
Và biết tìm Chúa ở đâu,
Biết cách gặp Chúa
Và biết gặp Chúa ở đâu.
 
Lạy Chúa, 
Chúa là Chúa và là Thiên Chúa của con,
Tuy con chưa bao giờ thấy Chúa.
 
Chúa đã tạo ra con và đã tái tạo con,
Chúa đã ban cho con mọi điều tốt đẹp con đang có.
Vậy mà con vẫn không nhận biết Ngài.
Con vẫn chưa làm tròn điều Chúa muốn khi dựng nên con.
 
Xin dạy con tìm Chúa
Vì con không thể tìm Chúa, nếu Chúa không dạy con,
Con không thể gặp Chúa, nếu Chúa không tỏ mình cho con.
 
Xin cho con tìm Chúa trong ao ước của con,
Và cho con ao ước Chúa trong khi con tìm kiếm.
Xin cho con gặp được Chúa nhờ yêu Chúa,
Và xin cho con yêu Chúa khi con gặp Chúa. (Thánh Alselmô ở Canterbury)
 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072