Dịch bệnh làm cho lòng người ra độc ác?
Gần đây nhất, sau hơn 2 tháng bùng phát, dịch SARS-CoV-2 đã gây ra một bầu không khí hoang mang, lo sợ và hỗn loạn bao trùm lên toàn nhân loại. Đáng buồn thay, bên cạnh những con người sẵn sàng đứng ở đầu chiến tuyến, thậm chí phải hy sinh để bảo vệ đồng loại, thì vẫn có đó những con người sống ích kỷ, nhẫn tâm trước sự đau khổ của người khác. Phải chăng, dịch bệnh đã làm cho lòng người ra độc ác?
Trong những ngày qua, không ít những tổ chức, cá nhân đã đầu cơ và tăng giá các mặt hàng thiết yếu như y tế, lương thực… Điều này khiến cho những mặt hàng ấy trở nên khan hiếm và đắt đỏ cách lạ thường. Chẳng hạn, giá khẩu trang y tế bình thường có giá 50 ngàn/1 hộp, thì nay giá tăng lên 300 ngàn, thậm chí có nơi bán 500 ngàn/1 hộp. Giá mì gói bình thường là 90 ngàn/1 thùng thì nay đã tăng lên 150-200 ngàn/1 thùng… Thậm chí có tiền cũng không chắc mua được những mặt hàng ấy. Chính vì thế mà dư luận đã dậy sóng với nhiều ý kiến trái chiều: người thì bày tỏ sự hoang mang, phẫn nộ; người khác lại cảm thấy quá đau lòng và thiếu niềm tin vào lẽ sống làm người. Thử hỏi, những hành vi tàn ác như vậy là do bởi dịch bệnh hay do sự tham lam, ích kỷ của con người mà ra?
Không những thế, đi đến đâu người ta cũng nghe thấy nạn kỳ thị và phân biệt đối xử xảy ra giữa cộng đồng nhân loại. Nếu là bạn, bạn có dám khẳng định rằng mình sẽ không bị “tổn thương” khi bạn đi ăn ở một nhà hàng tại New York và có ai đó đến hét bên tai bạn rằng: “hãy bảo thằng này biến khỏi đây đi!” Hoặc có một nhóm người tiến lại gần và quát lớn vào mặt bạn rằng “chúng tao không muốn thấy con vi-rút corona của chúng mày ở trong đất nước của chúng tao” khi bạn đang đi bộ trên đường ở Anh Quốc[2]. Ngay tại Nước Pháp hào hoa lãng mạn, một du học sinh cảm thấy bị sốc nặng khi cầm trên tay tờ báo Le Monde với bài viết có đề tựa “Hãy giữ chặt con virus của mày lại, loại Trung Quốc nhơ bẩn“[3]. Tất nhiên, còn vô vàn những trường hợp tương tự khác khiến chúng ta không khỏi “đắng lòng”. Thế mới thấy miệng lưỡi người đời sao mà “sắc bén tựa gươm đao”!
Đồng thời, khi đại dịch bùng phát, người ta có xu hướng “loại trừ” những người bệnh ra khỏi “thế giới an toàn” của mình, không chỉ bằng những ánh mắt, những lời nói như trên, nhưng còn bằng “vũ lực và sự cưỡng chế”. Như thế chẳng phải là dã man, chẳng phải là độc ác ư? Đành rằng sự “cách ly” là cần thiết để kiểm soát tình hình, nhưng có nhất thiết phải bằng những biện pháp “thô lỗ, vô nhân” như thế không? Tất nhiên, cũng phải làm sao thì người ta mới phải dùng đến “biện pháp” ấy. Nếu xã hội đủ nhân bản và đủ yêu thương, không ai có ý định “giết chết” đồng loại của mình cả. Khi ấy, không cần phải nhắc nhở, những người bệnh sẽ tự biết phải làm gì để đảm bảo sự an toàn cho những người thân cận.
Kế đến là vấn nạn ưu sinh dựa trên những nền tảng hết sức ‘CON người’: “ai còn khả dụng thì cứu chữa, ai vô dụng thì bỏ mặc”. Tại Ý, ngày 10/03, một người phụ nữ 68 tuổi đã đăng tải một bài xã luận dài trên website http://www.nonsolocarnia.info/ với nhan đề: “Bạn đã già và dương tính với vi-rút Corona? Tôi rất xin lỗi nhưng …”[4]. Tác giả bày tỏ sự buồn tủi và thất vọng trước một xã hội thực dụng với tư tưởng ưu tiên cứu người trẻ hơn người già, vì đơn giản, người trẻ thì dễ cứu hơn, và tương lai, họ sẽ tiếp tục đóng góp trở lại cho cộng đồng.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu người trẻ được “ưu tiên cứu” ấy sẽ trở thành một tên khủng bố khét tiếng, còn người già vốn đã bị “bỏ mặc cho thần chết” ấy lại trở thành một Chuck Feeney[5] thứ “n” của thế giới – một nhà tỷ phú 89 tuổi người Mỹ gốc Ireland, người sáng lập “Quỹ từ thiện Đại Tây Dương” – một trong những quỹ tư nhân lớn nhất thế giới. Như vậy việc ưu sinh cho người trẻ mặc dù có sự hợp lý của nó, nhưng đó chẳng phải là sự hợp lý đầy “ích kỷ, độc ác và phiến diện” trong việc đối xử giữa con người với nhau hay sao? Vì không ai trong chúng ta biết trước được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai cả!
Thi sĩ Nguyễn Du thật đã đúng khi nhận định rằng “Nẻo xa mới tỏ mặt người”, quả thật gian nan mới hiểu lòng người ra sao! Cơn đại dịch SARS-CoV-2 vẫn đang “oanh tạc” thế giới. Song song với đó, người ta cũng đang “oanh tạc” lẫn nhau bằng đủ các hình thức, chiêu trò buôn gian bán lận và thói kỳ thị, loại trừ người khác ra khỏi “vùng an toàn” của mình. Xin đừng như thế, vì nhân loại đã khổ cực lắm rồi! Quả thật, hiếm có những cơn thử thách lớn đối với nhân loại như thế này. Vì những thử thách thông thường chỉ gây tổn hại một vài khía cạnh nào đó của cuộc sống mà thôi. Nhưng đại dịch SARS-CoV-2 đã gây nên một tổn thất trầm trọng đến mọi chiều kích của nhân loại.
Thế nhưng, liệu có phải vì thế mà dịch bệnh là nguyên nhân khiến lòng người thành ra độc ác hay không? Hay chính bởi sự độc ác, ích kỷ của con người mà dịch bệnh đã đi đến chỗ mất kiểm soát? Chung quy lại, “cội nguồn cũng bởi lòng người mà ra” (Truyện Kiều). Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. (Mc 7, 21-22). Bạn và tôi hãy tự vấn và thức tỉnh!
Văn Tài, S.J.
(dongten.net 20.03.2020)