Bài 9: Giao tế lịch sự

BÀI 9: GIAO TẾ LỊCH SỰ

Lời nói của anh em hằng phải thanh nhã, mặn mà, ý nhị, biết đối đáp sao cho phải với mỗi một người.
(Cl 4, 6)

 

1/9: Hai người đang nói chuyện với nhau, mà ta muốn gặp một trong hai người đó, ta phải xin phép người kia.

 

2/9: Người trên phải ân cần lắng nghe khi người dưới muốn nói chuyện với mình, đừng tỏ ra hống hách, bất cần.

 

3/9: Nên gọi chính tên của mỗi người, chớ tự đặt biệt danh để gọi họ. Ví dụ: H. khùng, T.què…

 

4/9: Khi muốn thưa chuyện với người trên thì ta nên gọi chức vụ của họ. Ví dụ: Thưa ông chủ tịch, thưa bác sĩ…

 

5/9: Nói với người trên bao giờ cũng tỏ ra tôn kính, như: Dạ, vâng, thưa không, thưa biết; chứ đừng nói trống: Hả, ừ, biết, không, muốn…hoặc chỉ lắc, gật đầu!

 

6/9: Khi ngồi trên xe buýt, … ta thấy có người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người tàn tật, ta nên nhường chỗ ngay.

 

7/9: Khi thấy có người già, trẻ em cần qua đường, ta sẵn sàng giúp họ.

 

8/9: Ta phải ngả mũ (nón) khi chào hỏi ai, hoặc gặp quan tài ngang qua!

 

9/9: Không nên đùa giỡn, chọc ghẹo người khác mang tính chất hạ phẩm giá của họ. Ví dụ: “Chị quá khổ người thế này, sống chi cho chật đất, chật Thiên đàng.”

 

10/9: Không ưa ai, ta cũng không được gọi họ là thằng, nó, con mẹ đó… trái lại, luôn lịch sự dựa trên địa vị, tuổi tác người đó mà nói. Cụ thể: ông cụ X, chị Z, bà A, …
Cũng không đối thoại với ai bằng cách xưng hô mày tao, mà nên thân mật gọi nhau bằng anh, chị, em hoặc gọi tên nhau.

 

11/9: Muốn bắt tay ai, người dưới phải đợi người trên đưa tay ra trước.

 

12/9: Khi nói chuyện với ai, ta phải nhìn vào mặt người đang nói.

 

13/9: Phải tôn trọng nhau trước tập thể, dù ta quá quen thân với họ, nếu người ấy có chức vụ, ta phải tỏ ra tôn kính, chứ đừng tỏ cử chỉ suồng sã, kiểu cá mè một lứa.

 

Nguồn: gpcantho.com

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072