Phần 1 – Bài 28: Đức Kitô chết vì chúng ta
PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 28: ĐỨC KITÔ CHẾT VÌ CHÚNG TA
“Trước kia, hiện nay cũng như sau này, không có một ai mà Đức Kitô không chịu khổ nạn cho” (GLHTCG, số 605). Hội Thánh tuyên xưng như thế và đây là một yếu tố trung tâm của đức tin Kitô giáo. Đức Kitô đã không chết cách tình cờ, cái chết của Người không phải là một tai nạn bi thảm hoặc một sự kiện ngẫu nhiên. Cái chết đó thuộc về kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa. Ngài cho phép xảy ra những hành vi xuất phát từ sự mù quáng của con người để hoàn thành kế hoạch cứu độ của Ngài (số 600).
Chúng ta tin rằng động lực thúc đẩy Thiên Chúa sai Con của Ngài đến trần gian là “vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi”. Chúng ta tuyên xưng như thế trong Kinh Tin Kính. Chúa Giêsu đã không đến để sống cho bản thân Người. Thiên Chúa làm người “không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu được xác định bởi mục đích vĩ đại: cứu độ nhân loại. Đây là Phép Rửa mà Người khao khát (Lc 12,50): hiến dâng mạng sống để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa.
Không có cách giải thích nào khác về nỗi khát khao này ngoài tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu mà Chúa Giêsu coi như của chính Người: “Tình yêu cốt tại điều này: không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng chính Ngài yêu thương chúng ta trước và đã sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” (1 Ga 4,10)
Giao hòa, Cứu độ, Đền tội, Chuộc tội, tất cả những từ ngữ này trong Kinh Thánh đều xoay quanh mầu nhiệm vĩ đại này của đức tin, đó là “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Thánh Kinh” (1 Cr 15,3). Vào buổi chiều ngày trước khi chịu chết, Chúa Giêsu đã vén mở bí mật thâm sâu trong trái tim Người cho nhóm nhỏ các môn đệ thân tín. Trong bữa tiệc hôm ấy, Người bẻ bánh, trao cho họ và nói: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em.” Người cầm lấy chén rượu, trao cho họ và nói: “Này là Chén Máu Thầy, Máu Giao Ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội.” Như thế, Chúa Giêsu cho các môn đệ và tất cả chúng ta thấy Người tự nguyện tiến đến cái chết, Người trao ban chính Mình Người cho chúng ta. Bánh và rượu đã trở nên Mình và Máu Người. Điều Người thực hiện trên thập giá và qua cái chết của Người, đã diễn ra ngay tại Bữa Tiệc Ly, và kể từ lúc ấy, trong mọi cử hành Thánh Thể, Chúa Giêsu đều trao ban chính mình Người cho chúng ta.
Cái chết của Chúa Giêsu là một hy lễ, một hy lễ tuyệt hảo (số 613). Hy lễ ấy tuyệt hảo vì là hy lễ của tình yêu: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống cho bạn hữu.” (Ga 15,13) Chỉ có tình yêu mới có thể giao hòa thực sự. Bằng tình yêu vô tận, Chúa Giêsu đền thay cho “sự thiếu vắng tình yêu” trong mọi tội lỗi của chúng ta. Tình yêu vô tận ấy chỉ có được nơi Chúa Giêsu: “Không một ai, dù là người thánh thiện nhất, có khả năng mang lấy trên mình tội lỗi của mọi người và hiến mình làm hy lễ vì mọi người. Nơi Đức Kitô, sự hiện hữu của Ngôi Vị Chúa Con vừa vượt hẳn vừa bao gồm tất cả các nhân vị, khiến cho Đức Kitô là Đầu của toàn thể nhân loại, và làm cho hy tế của Người có giá trị cứu chuộc tất cả mọi người” (số 616).
ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn: WHĐ