Khái niệm về ơn gọi

by Phanxicovn

Ronald Rolheiser, 2021-11-15

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2021/11/khai-niem-ve-on-goi-696x289.jpg

Tôi lớn lên trong một thế hệ được dạy rằng Thiên Chúa cho mỗi một người chúng ta một ơn gọi để sống. Trong tâm thức tôn giáo thời đó, nhất là trong linh đạo của công giáo la-mã, chúng tôi tin rằng mình được đưa đến địa cầu với một kế hoạch thần thiêng, tin rằng Thiên Chúa cho mỗi người một ơn gọi đặc biệt để sống. Hơn nữa, dây không phải một thứ mà chúng ta được tự do chọn lựa, đó là ơn Thiên Chúa ban. Nhiệm vụ của chúng ta là phân định được ơn gọi và dốc mình theo ơn gọi đó, thậm chí với cái giá từ bỏ những ước mơ của mình. Chúng ta vẫn được tự do chấp nhận nó hoặc không, nhưng có cái giá. Không trung thành với ơn gọi của mình nghĩa là sống một cuộc sống lạc lối.

Quan niệm như thế có một sự thật quan trọng, dù vẫn thiếu một số nét trọng yếu khác. Trước hết, trong tinh thần đó, chúng ta nghĩ về ơn gọi theo một ý niệm rất hạn chế, vạch ra bốn ơn gọi căn bản là: linh mục, tu trì, hôn nhân và độc thân. Xa hơn nữa, chúng thường gây sức ép lên chọn lựa, cụ thể là nếu chọn sai là chúng ta đang đi ngược lại ơn gọi Chúa ban, và nó có thể gây hại cho ơn cứu rỗi đời đời của chúng ta. Và như thế là có những nỗi sợ không lành mạnh liên kết với việc chọn lựa.

Tôi đã chứng kiến tận mắt khi làm bề trên tỉnh dòng trong sáu năm. Một trong những việc của tôi là gởi đơn xin hoàn tục về Rôma. Tôi đã thấy nhiều người từ bỏ chức linh mục do trước đó đã chọn ơn gọi vì áp lực và nỗi sợ sai lầm. Lựa chọn của họ không tự do.

Thật đáng buồn là quan niệm cũ về ơn gọi về căn bản vẫn đúng và quá dễ thất lạc trong một thế giới và văn hóa thường đặt tự do cá nhân lên trên tất cả. Chúng ta cần học lại tầm quan trọng của việc tìm thấy ơn gọi và dốc trọn bản thân theo đó. Phải thừa nhận, ơn gọi cần được định nghĩa rộng hơn bốn chọn lựa căn bản: linh mục, tu trì, hôn nhân và độc thân. Thay vào đó, nó cần được xác định là một sự quy phục với những mệnh lệnh nội tại của linh hồn, những thiên tư, tài năng của chúng ta và một ủy lệnh không thể thương lượng thôi thúc chúng ta dốc mình phục vụ tha nhân và thế giới.

James Hollis, một bác sĩ tâm lý theo trường phái tâm lý gia Jung, đã viết từ quan điểm thuần thế tục, nêu bật rõ ràng điểm này. “Những khao khát thật sự và định mệnh của chúng ta không phải được chọn lựa bởi bản ngã của chúng ta, nhưng bởi bản tính của chúng ta và “trời” … Trong chúng ta có một cái gì đó biết điều gì là đúng đắn cho chúng ta và việc nó nhất quyết muốn thể hiện ra chính là cái giữ chúng ta tỉnh thức trong màn đêm, thúc đẩy chúng ta từ nội tại trong những giờ phút bận rộn nhất hoặc khiến chúng ta ghen tỵ với người khác. Ơn gọi là những lời hiệu triệu của linh hồn. … Nó như thể là chúng ta được sai đến mảnh đất này với một ủy lệnh hoàng gia, và nếu chúng ta cứ dao động và quên lãng nhiệm vụ, thì chúng ta đã vi phạm nguyên do chúng chúng ta tồn tại ở đây”. Thật đúng.

Nhà báo David Brooks, cũng nói từ quan điểm thế tục, đã mạnh mẽ ủng hộ điều này. Ông viết rằng, ơn gọi là một yếu tố phi lý mà trong đó chúng ta nghe một tiếng nói nội tâm quá mạnh mẽ đến nỗi không thể nào ngoảnh mặt lại với nó, chúng ta trực cảm biết, không có chọn lựa nào ngoài tự hỏi chính mình: trách nhiệm của tôi là gì? Cũng vậy, những lời kêu gọi chúng ta theo ơn gọi, chính là lời thánh thiêng, một cái gì đó thần nghiệm, một tiếng gọi từ thâm sâu. Do đó, phân định ơn gọi không phải là chuyện hỏi xem mình kỳ vọng những gì từ cuộc đời, nhưng đúng hơn là cuộc đời kỳ vọng những gì nơi mình.

Chúa Giêsu sẽ nói gì về chuyện này? Như chúng ta biết, Chúa Giêsu thích dạy bằng dụ ngôn, và dụ ngôn của ngài về nén bạc (Matthêu chương 25 và Luca chương 19) là về sống trọn ơn gọi mà Thiên Chúa ban. Trong dụ ngôn đó, những ai dùng tài năng của mình thì ngày càng phát triển và được ban thêm tài năng. Ngược lại, những ai giấu tài năng của mình thì bị trừng phạt. Về căn bản, thông điệp là: Nếu chúng ta dùng tài năng Thiên Chúa ban, chúng ta sẽ tìm được ý nghĩa và ân phúc trong đời, ngược lại, nếu chúng ta không sử dụng tài năng của mình, thì những ơn đó trở ngược lại gây hại cho chúng ta, đầu độc hạnh phúc chúng ta và thường làm cho tinh thần chúng ta nên cay đắng. Hãy chỉ cho tôi một người cay đắng và ghen tỵ đi, hầu như đó luôn là người có tài, nhưng dù vô thức hay có ý thức, họ đang nản lòng vì đã không dùng tài năng hoặc dùng tài năng theo cách không phục vụ tha nhân. Cay đắng và ghen tỵ thường là thặng dư của việc không dùng hoặc dùng sai trí tuệ và tài năng của mình.

Trong chúng ta, có một tiếng nói phát xuất từ thâm sâu trong linh hồn lên tiếng vì những tài năng, tính khí, hoàn cảnh riêng biệt của chúng ta trong đời, những nhạy cảm tôn giáo và đạo đức, thậm chí là những tổn thương của chúng ta. Tiếng nói đó nhẹ nhàng nhưng cương quyết và không bao giờ ngơi mách bảo chúng ta, rằng chúng ta không được tự do làm bất kỳ điều gì mình muốn trong đời. Chúng ta cần quy phục trước một sự gì đó cao hơn chúng ta.

Và thật sự là nếu không lắng nghe nó sẽ gây ra những nguy cơ, dù có thể không hại đến ơn cứu rỗi đời đời, nhưng cũng có thể tác hại đến hạnh phúc và sự sinh sôi của chúng ta ở đời này.

J.B. Thái Hòa dịch

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072