Vì sao giáo hoàng chấp nhận đơn từ chức…
by Phanxicovn
Vì sao giáo hoàng chấp nhận đơn từ chức của tổng giám mục Michel Aupetit nhanh như vậy?
rcf.fr, 2021-12-03
Đơn xin từ chức của giám mục được chấp nhận trong một thời gian kỷ lục. Một tuần sau khi giao lại chức vụ của mình, giám mục Michel Aupetit đã được Tòa Thánh chấp thuận. Bây giờ giáo phận Paris sẽ “chữa lành vết thương” trong một Giáo hội của nước Pháp bị chao đảo kể từ khi báo cáo Sauvé được công bố. Bây giờ là lúc xem ai sẽ là người kế nhiệm giám mục Michel Aupetit. Phương tiện truyền thống đã nhắc đến một số tên.
Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit
Việc từ chức của giám mục Aupetit được chấp nhận trong một thời gian kỷ lục
Chỉ một tuần sau khi giao lại chức vụ của mình, Đức Phanxicô đã chấp nhận để giám mục Aupetit từ chức. Ngày thứ năm 2 tháng 12 tin được loan báo, quyết định được đưa ra trong một thời gian kỷ lục khi Đức Phanxicô đang trên máy bay đi Sýp và Hy Lạp. Theo nhà báo Jean-Marie Guénois, tổng biên tập về tôn giáo của báo Le Figaro thì Đức Phanxicô theo một “quy tắc bất thành văn của Vatican, cắt mọi sự, dù đúng hay sai, ngay cả trước khi biết chính xác liệu có tội hay không.” Mục đích là để tránh tạo xì-căng-đan cho dư luận và chấm dứt “một tình trạng có thể gây xáo trộn cho giáo dân và hình ảnh của Giáo hội”
Giáo hội Pháp trong cơn xoáy
Ông Jean-Marie Guénois mô tả: “Ở Rôma, người ta thấy rõ Giáo hội Pháp đang gặp sóng gió sau khi báo cáo Sauvé được công bố và không nên có một vấn đề nào khác thêm vào vấn đề này”. Tổng giám mục giáo phận Paris đã giao chức vụ của mình cho giáo hoàng vào tuần trước sau các tiết lộ của báo Le Point. Dưới tiêu đề “Tổng giám mục Paris: những bí ẩn của tổng giám mục Aupetit” bài báo đăng ngày 22 tháng 11, chỉ trích “những im lặng chói tai” của tổng giám mục Paris, đặc biệt là về báo cáo Sauvé về lạm dụng tình dục trong Giáo hội.
Nhưng trên hết, chính là sự quản lý tàn bạo của giám mục ở giáo phận đã bị chỉ trích rất nhiều. Điều này giải thích việc hai linh mục tổng đại diện Benoist de Sinety và Alexis Leproux từ chức chỉ cách nhau vài tháng. Bài báo kết thúc với giả định giám mục có quan hệ với một phụ nữ năm 2012, điều mà giám mục Michel Aupetit chính thức phủ nhận.
Vì thế để “giữ cho giáo phận khỏi bị chia rẽ”, giám mục Aupetit đã giao chức vụ của mình cho giáo hoàng định đoạt, một quyết định ngài công bố vào ngày thứ sáu 26 tháng 11. Theo linh mục Michel Gueguen, một trong các cha tổng đại diện của giám mục Aupetit kể từ tháng 9 thì: “Bức thư giám mục viết, theo quan điểm của tôi, là một bức thư rất hay, cho thấy, và chính ngài nói, ngài có bình tâm, thanh thản, nhất là hoàn toàn không có tinh thần phê phán”. Tổng giám mục Aupetit là tổng giám mục giáo phận Paris từ ngày 7 tháng 12 năm 2017. Sau khi ngài hành nghề bác sĩ và được chịu chức khi ngài 44 tuổi.
Ai sẽ kế nhiệm giám mục Michel Aupetit?
Linh mục Gueguen cho biết: “Vấn đề bây giờ là tạo sự hiệp nhất giữa giáo phận, chữa lành vết thương và hỗ trợ nhau trong giai đoạn thử thách này. Tổng giám mục danh dự Georges Pontier, giáo phận Marseille, được bổ nhiệm làm giám quản Tông tòa cho giáo phận Paris. Ngài đến như một người của hòa bình trong hoàn cảnh này.”
Ai sẽ là tân tổng giám mục của Paris?
Một giáo phận được xem là khó quản lý vì tính cách mạnh mẽ của hàng giáo sĩ trẻ và có tiềm năng cao. Theo nhà báo Jean-Marie Guénois, tổng giám mục tiếp theo của Paris có thể là Tổng giám mục Éric de Moulins-Beaufort, hiện là tổng giám mục giáo phận Reims và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) nhưng cũng có thể là tổng giám mục Jean-Marc Aveline, giáo phận Marseille hoặc tổng giám mục Dominique Lebrun, giáo phận Rouen.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch