Về nguồn gốc vũ trụ, Chúa Giêsu và Big Bang
By phanxicovn – 06/01/2022
—
Ronald Rolheiser, 2022-01-03
Gần đây Cơ quan Không gian Mỹ NASA phóng Viễn vọng kính Không gian James Webb, viễn vọng kính lớn nhất và có chi phí cao nhất chưa từng được chế tạo. Nó mất sáu tháng để đi hơn triệu cây số từ trái đất, tìm một chỗ cố định trong không gian rồi bắt đầu truyền hình ảnh về trái đất. Những tấm ảnh mà trước đây chúng ta chưa hề thấy. Hy vọng chúng sẽ cho chúng ta nhìn xa hơn vào vũ trụ, lý tưởng nhất là đến tận cùng của vũ trụ đang phát triển của chúng ta, đến tận những hạt vật chất đầu tiên phát xuất từ vụ nổ nguyên thủy, Big Bang, đã mở đầu thời gian và vũ trụ chúng ta.
Các nhà khoa học ước tính vũ trụ của chúng ta đã 13,7 tỷ năm tuổi. Theo kiến thức chúng ta biết hiện nay, trước đó, không có gì hiện hữu, trừ Thiên Chúa. Rồi từ hư không đó, có vụ nổ Big Bang, từ đó phát sinh mọi sự trong vũ trụ bao gồm hành tinh trái đất của chúng ta. Như với bất kỳ vụ nổ nào, những phần gắn chặt nhất với lực nổ là những phần bị bắn đi xa nhất. Do đó, khi các nhà điều tra cố xác định nguyên nhân vụ nổ, họ đặc biệt chú ý tìm kiếm và xem xét những mảnh gắn chặt nhất với lực gốc của vụ nổ, và thường đó cũng là những mảnh bị bắn đi xa nhất.
Lực của vụ nổ Big Bang vẫn đang diễn ra và những phần vũ trụ của chúng ta gắn kết chặt nhất với điểm khởi đầu của nó vẫn đang bị đẩy đi ngày một xa hơn trong không gian. Nhà khoa học là những nhà điều tra đang tìm hiểu về vụ nổ nguyên thủy đó. Kính viễn vọng Không gian James Webb hy vọng sẽ giúp chúng ta thấy được những phần nguyên gốc của vụ nổ không thể nào hình dung nổi đã khai sinh vũ trụ vì những phần này đã hiện hữu từ ban đầu, ở nguồn gốc của mọi sự đang tồn tại. Khi thấy và xem xét chúng, khoa học mong hiểu rõ hơn về nguồn gốc vũ trụ chúng ta.
Nhìn các nhà khoa học phấn khích và hy vọng kính viễn vọng này sẽ cho chúng ta thấy ảnh của những hạt có từ thời điểm khởi thủy có thể giúp chúng ta hiểu tại sao thánh Gioan, tác giả phúc âm, không thể kìm nổi sự sốt mến nồng nhiệt khi nói về Chúa Giêsu trong thư thứ nhất của mình. Thánh Gioan háo hức về Chúa Giêsu, bởi vì Chúa đã có đó ngay từ khởi thủy của vũ trụ và sự thật là, Ngài là khởi thủy của vạn vật. Với thánh Gioan, Chúa Giêsu là kính viễn vọng thần nhiệm qua đó chúng ta có thể thấy vụ nổ nguyên thủy đã tạo nên vũ trụ, vì Chúa Giêsu đã hiện diện khi nó xảy ra.
Xin cho phép tôi mạo muội diễn dịch đoạn mở đầu Thư thứ nhất của thánh Gioan (1, 1-4) theo kiểu viết cho thế hệ chúng ta tò mò muốn biết về nguồn gốc của vũ trụ.
Anh chị em cần hiểu tôi nói về ai hay sự gì:
Đức Giêsu không chỉ là con người phi thường làm nhiều phép lạ hay thậm chí là con người sống lại từ cõi chết.
Chúng ta đang nói về Đấng đã hiện hữu ở nguồn gốc tận cùng của sự tạo dựng,
Đấng là nền tảng cho sự tạo dựng đó,
Đấng ở cùng Thiên Chúa khi Big Bang xảy ra,
và thậm chí là từ trước đó nữa.
Thế mà chúng tôi được thấy Ngài trong xác thịt bằng mắt phàm,
Thiên Chúa tạo ra Big Bang đang bước đi giữa chúng ta!
Chúng tôi thật sự đã chạm đến thân thể Ngài.
Chúng tôi thật sự đã nói chuyện với Ngài và nghe Ngài nói,
mà Ngài là Đấng đã hiện hữu ở nguồn gốc của vũ trụ chúng ta,
khi Big Bang xảy ra!
Quả thật, Ngài là Đấng đã mở đầu cho tiến trình đó,
với kế hoạch cho nó, một kế hoạch bao gồm cả chúng ta.
Anh chị em có muốn tìm hiểu sâu hơn về những gì xảy ra ở thời điểm khởi nguồn của chúng ta không?
Đức Giêsu là kính viễn vọng thần nhiệm để chúng ta nhìn qua.
Xét tận cùng, Ngài đã hiện hữu ngay từ khởi thủy
và thế mà chúng tôi lại được thấy, nghe và chạm đến Ngài!
Xin lượng thứ vì tôi quá hồ hởi, nhưng chúng tôi đã cùng đi và trò chuyện với Đấng đã hiện hữu từ thời điểm khởi đầu của thời gian.
Có nhiều loại kiến thức khác nhau và nhiều loại khôn ngoan khác nhau, cùng với đó là nhiều con đường khác nhau để tìm hiểu. Khoa học là một trong những con đường đó, một con đường quan trọng. Lâu nay, thần học và tôn giáo không xem khoa học là bạn. Đấy đã và đang là một sai lầm tai hại vì khoa học cũng có cùng điểm khởi đầu và ý định như thần học và tôn giáo. Thần học và tôn giáo sai mỗi khi cố hạ tầm quan trọng của khoa học hay khẳng định chỉ mình nắm giữ sự thật. Đáng buồn thay, khoa học cũng thường đáp trả và xem thần học, tôn giáo là địch thủ hơn là đồng sự. Hai bên cần nhau, không chỉ trong việc tìm hiểu nguồn gốc và dự định của vũ trụ này.
Làm sao chúng ta hiểu được nguồn gốc và dự định của vũ trụ này đây? Khoa học và Chúa Giêsu. Khoa học đang tìm hiểu những nguồn gốc này để nói cho chúng ta biết cách nó diễn ra, còn Chúa Giêsu, đã hiện diện khi nó xảy ra, thì muốn nói cho chúng ta biết tại sao nó xảy ra và nó có ý nghĩa gì.
J.B. Thái Hòa dịch