Metaverse, siêu vũ trụ ảo hứa hẹn cho tiến bộ hay suy thoái của nhân loại?

by Phanxicovn

Mũ cát cho thực tế ảo, một vật dụng thiết yếu của siêu vũ trụ ảo (REUTERS)

vaticannews.va, Manuella Affejee, Vatican, 2022-01-28

Được ví như tương lai của Internet, theo cách nói của các nhà thiết kế, metaverse, siêu vũ trụ ảo, được cho là “một giai đoạn mới của những trải nghiệm ảo được kết nối với nhau, như thực tế ảo và thực tế được tăng cường”. Viễn cảnh của vũ trụ hư cấu và song song này, nơi thời gian, khoảng cách và tính hữu hình sẽ bị xóa bỏ, không phải là không đặt ra những vấn đề nhân học và triết học.

Qua hình đại diện để tham gia vào một cuộc họp công việc, đi mua sắm ở Dubai, đi xem một buổi hòa nhạc ở Las Vegas hoặc lên không gian, đi du thuyền trên sông Nile, một chuyến đi săn ở Kenya, tất cả, bạn không cần rời khỏi căn phòng của mình, nhờ chiếc mũ cát thực tế ảo: đây là những hứa hẹn đầy tham vọng của siêu vũ trụ ảo, “mặt bằng công nghệ tương lai”, một vài năm trước đây, vẫn là khoa học viễn tưởng và các công ty lớn như Facebook, Apple và những người khác đã làm việc trong nhiều năm để hiện thực hóa nó. Công ty do Mark Zuckerberg sáng lập thông báo, trong 5 năm tới sẽ tạo ra khoảng 10.000 việc làm ở Liên minh châu Âu để đạt được mục tiêu này.

Ông Tugdual Derville là phát ngôn của hiệp hội Alliance Vita, Giao ước Sự sống, và là người đồng khởi xướng tổ chức Dòng đi cho một Hệ sinh thái Con người. Ông phân tích những tác động có thể xảy ra của dự án này, nơi mà thực và ảo sẽ khó sáng tỏ hơn bao giờ hết.

Phỏng vấn ông Tugdual Derville

Ông định nghĩa metaverse như thế nào?

Tugdual Derville: Đó là một loại vũ trụ vượt ra ngoài thực tế về cơ thể, về những cuộc gặp gỡ của chúng ta, và nhờ công nghệ kỹ thuật số, nó cho phép chúng ta có một dạng sống khác mà những người quảng bá nó tưởng tượng là phong phú, thoát khỏi tất cả các loại điều kiện liên kết với cơ thể chúng ta, khoảng cách địa lý, v.v. Đó là lời hứa của một vũ trụ ảo mà không phải là không có vấn đề về sự tiến bộ hoặc về sự suy thoái.

Theo một cách nào đó, chúng ta được hứa sống một “cuộc sống tốt đẹp hơn”, làm những điều mà trong “cuộc sống thực” không thể làm được. Làm thế nào để giải thích nhu cầu này mà đôi khi chúng ta cảm thấy muốn thoát khỏi “cuộc sống thực”?

Con người, và với tất cả phẩm giá và danh dự luôn cần vượt lên chính mình. Tâm hồn chúng ta luôn bồn chồn chừng nào chúng ta chưa đạt đến sự siêu việt này và đây là bản chất riêng của nhân loại chúng ta. Nếu sự siêu việt này bị lãng quên, chúng ta sẽ cố ẩn mình trong các hình thức tìm kiếm vượt lên khác, đây là huyền thoại Icarus liên tục được đổi mới (luôn muốn vươn lên cao). Do đó, chúng ta vừa có xung năng tuyệt đẹp hướng tới những gì chưa được thỏa mãn, một đặc tính riêng của con người, vì chúng ta cần vượt ra bên ngoài, nhưng chúng ta cũng có nguy cơ “bị rớt” vì vũ trụ giàu có vô tận được hứa cho chúng ta này, thực tế là một sự còi cọc. Kể từ thời điểm con người nghĩ đến việc giải phóng bản thân khỏi cơ thể mình, nó thoát ra khỏi những gì là nền tảng chính của con người và nó mất rất nhiều khả năng liên hệ.

“Thoát ra khỏi những ràng buộc thể lý, khỏi cơ thể mình”. Gần như chúng ta đứng trước sự thoát xác được xem như một giải phóng…

Chúng ta sẽ có thể nhìn mọi thứ một cách cân bằng. Trong lúc này khi chúng ta nói chuyện với nhau bằng các công cụ công nghệ cho phép truyền giọng nói của mình ra bên ngoài căn phòng mình ở. Chính Chúa, trên hồ Tibêria đã dùng âm vang để nói chuyện với hàng ngàn người. Vì thế hoan hô kỹ thuật và hoan hô kỹ thuật của con người!

Ngược lại chúng ta bị trượt khi chúng ta tưởng tượng nối kết các quan hệ phong phú khi giải phóng hoàn toàn bản thân khỏi cơ thể. Ở đó, chúng ta nói chuyện với nhau và người khác không thấy mặt chúng ta – đó là nhờ radio và nó có những ưu điểm khác – nhưng đó là sự nghèo nàn của mối quan hệ khi chỉ có tiếng nói.

Cơ thể của chúng ta rất đẹp và phong phú trong quan hệ qua lại với nhau, chúng ta không thể số hóa các mối quan hệ của mình. Nó sẽ làm các quan hệ nghèo đi. Chúng ta cần sự dịu dàng, cần thương xót thể xác, chúng ta cần trở về với thể xác nếu chúng ta muốn tiến bộ trong nhân loại.

Ông có thấy lý do nào khác ngoài lý do kinh tế chủ yếu trong việc tạo ra vũ trụ song song này không?

Chúng ta không ở quá xa với thuyết siêu việt hóa con người, từ ý tưởng giải thoát con người khỏi những giới hạn được biết của nó – cơ thể, thời gian, cái chết – những chuyện làm điều kiện hóa con người, làm cho người phàm chúng ta trở thành những con người muốn sống tốt hơn, bởi vì chúng ta biết có một ngày cái chết sẽ đến. Sự phủ nhận các giới hạn này là một xung năng kiểu Prometheus (https://vi.wikipedia.org/wiki/Prometheus), cực kỳ rủi ro trong sự sùng bái khoa học và công nghệ này, không còn được xem là phương tiện, nhưng là cứu cánh. Ở một khía cạnh nào đó, nó là sự khinh miệt đối với thể xác.

Đây có phải là một sự cắt đứt với nhân chủng học không?

Tôi nghĩ vậy. Trước ngoại giao đoàn, Đức Phanxicô đã nói về “cơn khủng hoảng nhân chủng học”; và người tiền nhiệm của ngài cũng đã khẳng định, trong Thông điệp Bác ái trong Chân lý, Caritas in veritate, rằng vấn đề xã hội đã “hoàn toàn trở thành nhân học”. Có nghĩa là: ai là con người? (…) Có một chiều kích kép nghịch lý ở đây: con người là cát bụi, đồng thời, con người được gọi để trở nên vĩ đại hơn chính mình. Đó là những gì đã ghi con người vào lịch sử.

Văn hóa siêu vũ trụ ảo thực chất là rất chủ nghĩa cá nhân; mọi người thực hiện ước mơ của mình, thế giới của mình, cắt đứt tình bạn của mình hoặc tạo ra tình bạn một cách giả tạo trong một vũ trụ mà họ không dấn thân, cơ thể họ không dấn thân. Điều này không tương ứng với thực tế, nó là một ảo tưởng, để không muốn nói đó là một ý thức hệ.

Liệu đức tin có thể tồn tại trong siêu vũ trụ ảo không?

Phải nói, chúng ta còn xa với tất cả những điều này, nó vẫn chưa phải là thực tế; đúng là Internet, nơi khởi đầu của siêu vũ trụ ảo là nơi chúng ta có thể truyền giáo, nơi chúng ta có thể khám phá ra Tin Mừng, nơi chúng ta có thể đối thoại và diễn tả. Vì thế chúng ta đừng vơ đũa cả nắm. Chính ý định mới là quan trọng.

Nhưng cũng đúng là tôi cầu nguyện với cơ thể của tôi; khi cầu nguyện, mỗi chúng ta có một tư thế. Chúng ta bắt đầu bằng cách đặt mình vào một nơi cụ thể, cụ thể là những gì chúng ta làm với ánh mắt hoặc cử chỉ của mình. Và do đó, ý tưởng về một chiều kích thiêng liêng xem thường thể xác là hoàn toàn trái ngược với những gì kitô giáo đưa ra, kitô giáo là tôn giáo nhập thể.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072