Ngoại giao của Giáo hội, hiện thực hay ngôn sứ

by Phanxicovn

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/04/ngoai-giao-cua-giao-hoi.jpg

revue-etudes.com, Loup Besmond de Senneville, 2022-04-09

Theo nhà báo Loup Besmond de Senneville: “Tuy không có các phương tiện quân sự hoặc kinh tế, hoạt động ngoại giao của Tòa thánh vẫn có một vai trò đáng kể.”

Chính sách ngoại giao của Tòa Thánh được nhiều người xem như công cụ chính có ảnh hưởng của một nước được cho là nhỏ nhất thế giới này. Vừa là công cụ tạo ảnh hưởng, vừa quảng bá các giá trị của mình, trên thực tế các mối quan hệ quốc tế được Vatican duy trì một cách đặc biệt. Với Vatican, một nước không có quân đội hay phương tiện tạo áp lực kinh tế nhưng lại truyền tải được tiếng nói của mình.

Không có vùng lãnh thổ nào để bảo vệ kể từ năm 1929, ngày của Hiệp định Lateran, chính sách ngoại giao của Tòa Thánh thường được các tác nhân và các đối tượng tương tác xem là lực thúc đẩy cho lợi ích chung, ngoài việc bảo vệ quyền lợi của người công giáo. Vì thế mục đích của Tòa Thánh là bảo vệ các giá trị, hơn là các lợi ích cụ thể.

“Một mạng lưới nổi tiếng trong số những mạng lưới thông tin của thế giới”

Tuy không có quân đội hay lãnh thổ, nhưng Tòa Thánh triển khai đầy đủ các cương vị ngoại giao mà thế giới đảm nhận, ngoại trừ các lệnh trừng phạt kinh tế. Khuyến khích các hành động mạnh mẽ như tổ chức các buổi họp tại Rôma giữa các lãnh đạo đối phương, đề nghị hòa giải, kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị làm việc theo lương tâm của họ. Do đó, các nhà ngoại giao của Tòa thánh đã có mặt tại Colombia, trong các cuộc thảo luận dẫn đến giải giáp cho FARC (Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia), cũng như ở Cuba, để dỡ bỏ các hạn chế. Tháng 4 năm 2019, Rôma tổ chức các cuộc gặp giữa các phe tham chiến ở Nam Sudan là một ví dụ rõ rệt. Không chỉ một buổi họp đơn giản, ngày làm việc có sự tham dự của Đức Phanxicô trên thực tế là ngày tĩnh tâm, cầu nguyện, do chính ngài chủ trì.

Vatican dựa trên mạng lưới nổi tiếng là một trong những mạng được cung cấp thông tin tốt nhất thế giới do 180 sứ thần trải rộng trên toàn cầu đảm trách. Chịu trách nhiệm chính trong việc bổ nhiệm các giám mục, đồng thời sứ thần là đại sứ thực sự của giáo hoàng. Dựa vào mạng lưới gồm các linh mục, nam nữ tu sĩ địa phương ở khắp nước, các sứ thần gởi thông tin về dân số và tình hình đất nước về cho Rôma.

Các nhà ngoại giao này dựa trên một số khái niệm mà Đức Phanxicô trân trọng: lòng thương xót, hòa bình, tố cáo “chiến tranh thế giới từng mảnh” và học thuyết hạt nhân. Nhưng tất cả đều bị căng thẳng, giữa chủ nghĩa lý tưởng của các nguyên tắc và giá trị, và chủ nghĩa hiện thực của lĩnh vực này. Đây là trường hợp của Trung Quốc, nơi mà Tòa thánh đã ký kết một hiệp ước bổ nhiệm các giám mục theo thỏa thuận với chế độ. Một văn bản bị những người chống chế độ Trung quốc chỉ trích mạnh mẽ, họ cáo buộc Vatican phục tùng quyền lực Trung Quốc. Nhưng Rôma tự bảo vệ mình, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ với quốc gia có hơn 12 triệu người công giáo sinh sống.

“Dung hòa giữa chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa hiện thực”

Các căng thẳng này cũng có với nước Nga như lập trường tế nhị của giáo hoàng trong những tuần vừa qua cho thấy: lên án cuộc chiến ở Ukraine nhưng không xác định kẻ xâm lược. Với Đức Phanxicô, vấn đề là phải luôn giữ cho cánh cửa đối thoại được rộng mở.

Đứng trước các mâu thuẫn rõ ràng này, thật tế nhị khi thấy, trong chính sách ngoại giao của mình, Tòa thánh đã luôn tính đến từ lâu. Vào thời hồng y Agostino Casaroli (1914-1998), ngài đã đưa ra lý thuyết về cái mà lúc đó ngài gọi là “sự tử đạo của lòng kiên nhẫn”, khi phải đối thoại với các chế độ cộng sản ở Đông Âu.

Và chính sách ngoại giao của các giáo hoàng có thói quen không bao giờ tỏ ra phản đối trực diện với một quốc gia. Đây là thái độ của Đức Phanxicô ngày nay với Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến việc tiếp quản Hồng Kông gần đây. Hay thậm chí với Nga, nước mà ngài không nêu tên là người khơi mào cho cuộc chiến ở Ukraine.

Khía cạnh thứ ba và là khía cạnh cuối cùng: tầm nhìn của Đức Phanxicô về thế giới. Từ nhiều năm nay, ngài đã phát triển khái niệm về toàn cầu hóa đa diện. Ngài giải thích: “Chúng ta có thể thấy toàn cầu hóa là một hiện tượng chính trị dưới dạng ‘bong bóng’ mà mỗi điểm đều cách đều với trung tâm. Tất cả các điểm đều giống nhau và đều nổi trội, đó là tính đồng nhất: chúng ta thấy rõ, kiểu toàn cầu hóa này phá hủy sự đa dạng”. Một cách để ngài giải quyết căng thẳng, và để chính sách ngoại giao của ngài tìm cách dung hòa giữa chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa hiện thực.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072