Ăn – nói
Học ăn, học nói, đó là những “bài học” cơ bản. Chẳng vậy mà ông bà ta thường nói “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Cách ăn, cách nói thể hiện nhân cách, nếp sống, phẩm hạnh của mỗi cá nhân trong giao tiếp với mọi người. Xã hội càng văn minh phát triển thì cách ăn-nói ngày càng phải thể hiện giá trị của nó.
Trước hết là học ăn: Ăn là một nhu cầu không thể thiếu của con người để duy trì sự sống. Các sinh vật muốn tồn tại thì cũng vậy. Thế nhưng, nơi con người ngoài chức năng sống, ăn còn mang ý nghĩa tâm lý và đạo lý vì vậy mới có câu: Ăn để sống chứ không phải sống để ăn”.
Lớn lên được tiếp xúc với mọi người, việc ăn uống cần phải được học, không chỉ về tư thế, động tác ăn, mà còn phải thể hiện thái độ, ý tứ khi ăn, biết giữ mình khi ăn, phải ăn đúng chỗ, đúng lúc, không bạ gì ăn nấy, gặp đâu ăn đó. Ý thức được vì sao phải “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, lại phải biết ứng xử linh hoạt. Có trường hợp đang no cũng phải ăn, không ăn nhiều thì ăn ít; nhưng có những lúc đang đói, đang thèm, nhưng không được ăn, dứt khoát không ăn. Đúng là học ăn đâu phải chuyện đùa.
Nhìn vào cuộc sống hiện nay, ta thấy do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường nhiều người lo làm ăn mà quên “học ăn”. Những hiện tượng ăn tranh thủ, ăn hùng hục, vừa ăn vừa uống sì xụp, vừa nhai vừa nói, hối hả húp sồn sột chẳng cần vệ sinh bất chấp lịch sự đang phát triển khắp nơi trong nhà ngoài phố coi đó có phải là những “mốt ăn” tân tiến không? Nếu để ý một chút ta nhận thấy những thói hư tật xấu, tệ nạn, tội lỗi mà con người thường mắc phải đều bắt nguồn từ ăn, nên mới mang các tên như: ăn vụng, ăn trộm, ăn cướp, ăn hớt, ăn chặn, ăn chơi, ăn nhậu, ăn hối lộ… Những cách “ăn” này chung quy vẫn là hệ quả của sự “vô học về ăn”.
Tiếp đến là học nói: Học nói đòi hỏi sự nhạy cảm và tinh tế của trí tuệ lẫn tâm hồn. Học nói vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Cũng là cách nói nhưng có thể là nói to, nói nhỏ, nói nhẹ, nói ấp úng, nói đàng hoàng, nói dịu dàng, nói gay gắt, nói từ tốn, nói mỉa mai… cuộc sống giúp ta nhận thức đầy đủ hơn giá trị của “lời nói gói vàng”, biết thận trọng cân nhắc khi nói “sẩy chân với lại, sẩy miệng không đừng”, “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, muốn nói cho người khác nghe phải nghe người ta nói “đa ngôn đa quá, lời khôn nói lắm dù hay cũng nhàm” “biết thì thưa thốt không biết dựa cột mà nghe” “không nên nói hết những gì mình biết, nhưng phải biết hết những gì mình nói”.
Như vậy, nói là thước đo trình độ khôn ngoan của con người. Cuộc sống hôm nay tôi cảm nghiệm rằng: Lời nói càng ngày càng mất đi giá trị của nó. Người ta nói lấy được, nói nhiều hơn nghe, nói rồi không làm, vẫn tha hồ nói bậy, nói xấu, nói thô lỗ, cục cằn, nói không thành có. Lời nói vốn nó là tốt, là công cụ để xây dựng tình liên đới yêu thương, nhưng cũng có thể nó làm đổ vỡ tình người nếu ta không biết dùng đúng cách.
Là người tín hữu, chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng, nên phải biết dùng lời nói để ca tụng tôn vinh Ngài và biết nói những lời tốt đẹp như Ngài: “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (Lc 4,22). Xin cho chúng con biết dùng lời nói để an ủi, khích lệ, xây dựng, chia sẻ và cảm thông, đồng thời tránh những lời nói gây chia rẽ như thánh Phaolô đã dạy: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Eph 4,29).
Nguồn: gplongxuyen.net