Học năng khiếu: Không nên ép buộc trẻ
Những “ngộ nhận” về năng khiếu
Chị Đặng Thị Ngà (Chùa Bộc – Hà Nội) đã phải “trả giá” vì những ngộ nhận về năng khiếu của con. Khi thấy bé Linh, 4 tuổi, con gái đầu của mình thường hay đứng trước gương nhảy múa, hát hò, chị cứ ngỡ con có năng khiếu nghệ thuật.
Hơn nữa, trong suy nghĩ của chị, con gái thì cũng nên biết hát múa để khi lớn lên dáng dấp, tính cách thêm mềm mại, uyển chuyển… Thế là vợ chồng chị tức tốc tìm bằng được lớp học hát, múa ở cung văn hóa thiếu nhi để con theo học. Thậm chí, chị Ngà còn cất công tìm thêm lớp luyện thanh với kinh phí vài trăm nghìn một buổi của những thầy cô đang dạy thanh nhạc tại các trường Đại học, Cao đẳng văn hóa nghệ thuật để gửi con.
Nhưng chưa đầy ba tháng sau, bé đã nằng nặc “không học hát, chẳng học múa nữa đâu” vì lý do đơn giản “con chán rồi và học hát múa khó lắm”. Vì cho rằng con “lười” nhất thời nên chị Ngà tiếp tục động viên và thậm chí “ép” con học hát, múa. Thế nhưng, những buổi học năng khiếu hát múa này hầu hết diễn ra trong căng thẳng, học hành đối phó, không hề có sự hứng khởi, say mê.
Trường hợp anh Hà, nhà ở Phan Đình Giót, Thanh Xuân cũng tương tự. Cậu con trai đang học lớp 5 của anh sau khi đến nhà bạn, được chứng kiến bạn chơi đàn piano điện đã thích “tít” mắt. Về nhà ngày nào cậu bé cũng hỏi han bố mẹ những thông tin xung quanh nhạc cụ này và mong muốn được theo học. Nhà vốn có điều kiện kinh tế, lại thấy con bỗng dưng “phát lộ” năng khiếu nghệ thuật, hơn nữa theo suy nghĩ của anh Hà, tìm một đứa trẻ học giỏi toán văn còn dễ gấp nhiều lần một đứa trẻ có năng khiếu nghệ thuật… thế là anh Hà đầu tư ngay cho con một cây đàn piano điện với giá gần 50 triệu.
Để học hành hiệu quả, anh còn mời cả thầy, cô giáo dạy đàn về nhà kèm thêm cho bé một tuần 2 buổi với giá 200 – 300 nghìn/buổi. Những ngày đầu còn tò mò, chưa thành thạo, bé tập quên ăn quên học văn hóa, ngày nào cũng ngồi tập luyện 1-2 tiếng đồng hồ. Song dần dần với giọng điệu “đau tay, mỏi cổ, phải dành thời gian học văn hóa…” cả tuần cu cậu ngồi đàn được 1-2 lần, mỗi lần 10-15 phút. Và sau 6 tháng mua đàn, đến giờ cây đàn mấy chục triệu chỉ có tác dụng để giữa phòng khách cho thêm “sang trọng”.
Câu chuyện về học năng khiếu còn cho thấy sự thiếu hiểu biết đến tai hại của nhiều bậc phụ huynh, dẫn tới việc nhồi nhét, làm khổ và lấy mất tuổi thơ của trẻ. Nhiều bà mẹ, đến cung thiếu nhi đăng ký liền một lúc mấy lớp học năng khiếu (múa, hát, đàn, nhạc…) để con phát triển toàn diện. Thậm chí, trong những dịp hè, nhiều bậc phụ huynh lấy học năng khiếu như một cách để giữ chân trẻ khi không biết gửi trẻ ở đâu. Các bé được đưa tới những lớp học năng khiếu trong sự ảo tưởng của cha mẹ cũng như sự ngộ nhận của bản thân các bé. Để rồi, việc học năng khiếu trở thành phong trào mà không hề có tác dụng.
Học thêm năng khiếu – Có cần thiết?
Cô Nguyễn Thị Nhung – một giáo viên dạy năng khiếu tại Cung Thiếu nhi Hà Nội cho biết, việc học năng khiếu chỉ thực sự cần thiết khi học sinh đó có năng khiếu thực sự và ít nhất từ 10 tuổi trở lên. Không nên ép buộc các cháu phải học những môn năng khiếu khi bản thân các cháu không có khả năng và không yêu thích. Việc ép buộc không thể giúp các cháu có thêm năng khiếu mà còn gây ra hiệu ứng ngược, khiến trẻ rất ghét học hoặc có học thì cũng chỉ là đối phó.
Các bậc phụ huynh cũng cần biết, với sự quá tải trong các lớp học năng khiếu dịp hè, mặc dù các giáo viên giảng dạy đều là giáo viên giỏi được tuyển chọn tại các trường nghệ thuật và có tấm lòng yêu trẻ nhưng không vì thế mà cháu nào theo học cũng có thể thành tài. Giáo viên có thể soạn giáo án và giảng dạy theo giáo án nhưng cứ thử hình dung, mỗi lớp có từ 30 – 35 học sinh theo quy định của từng môn (chưa kể các lớp đông hơn) với độ tuổi từ 5 – 14 tuổi, cô giáo phải vừa dạy vừa dỗ để các cháu giữ trật tự và tập trung vào học đã là việc khó. Đấy là chưa kể, học được một buổi, học sinh lại nghỉ đến vài buổi thì làm sao có thể tiếp thu đầy đủ và giảng dạy đúng giáo án?
Một giáo viên dạy dịp hè cho các cung thiếu nhi, nhà văn hoá đã thẳng thắn chia sẻ: “Chúng tôi luôn coi việc dạy năng khiếu cho các cháu trong hè như một hình thức để các cháu có chỗ sinh hoạt, vui chơi. Có chăng đây chỉ là nơi phát hiện năng khiếu ban đầu của các cháu. Đừng quá kỳ vọng các cháu sẽ thành tài ngay từ các lớp học năng khiếu trong hè”.
Rõ ràng, nếu muốn các con học thêm các môn năng khiếu trong hè thực sự có ích, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu những bộ môn cho phù hợp nhất với khả năng, sở thích của các con. Còn nếu chỉ để “gửi trẻ” trong các tháng hè cũng phải quan tâm đến mong muốn, nguyện vọng của con để con em mình có được một lịch học vừa phải, không quá tải.
Cha mẹ không nên ảo tưởng về năng khiếu của con
Năng khiếu cần phát triển đúng cách
Năng khiếu cần phân biệt với tài năng. Người tài năng như một bông hoa phát tiết, kết quả thơm ngọt, còn năng khiếu chỉ là cái nụ tiềm ẩn. Cái nụ có thành hoa thành trái không còn phụ thuộc vào việc phát hiện, bồi dưỡng và công sức lao động bỏ ra.
Vì vậy, theo chuyên gia tâm lý giáo dục Đinh Đoàn, cha mẹ không nên ảo tưởng về năng khiếu của con mình. Trẻ con lứa tuổi 3 – 4 thường thích vẽ, thích hát, đừng tưởng như thế là trẻ đã có năng khiếu về âm nhạc, hội họa. Khi xác định chính xác con mình có năng khiếu về lĩnh vực nhất định, cần tạo điều kiện cho trẻ được hoạt động nhiều trong lĩnh vực đó để trẻ có cơ hội bộc lộ bản thân.
Cần theo dõi một thời gian dài thiên hướng của trẻ. Mỗi lĩnh vực lại có những vấn đề chuyên sâu hơn. Cùng là năng khiếu nghệ thuật, nhưng trẻ này có khả năng cảm thụ, trẻ kia có khả năng thể hiện… Khi đã xác định được thiên hướng nổi trội của trẻ, hãy cho trẻ theo học một lớp hay khóa học chuyên nào đó. Mặt khác, cần bố trí thời gian học tập các môn học khác, thời gian nghỉ ngơi sao cho phù hợp để trẻ có thời gian dành cho học năng khiếu. Trẻ cần học nhiều thứ, cần phát triển toàn diện, cần có tuổi thơ để vui chơi chứ không chỉ có phát triển năng khiếu một cách lệch lạc.
Cha mẹ cũng đừng tỏ ra thất vọng nếu thấy con không phát triển năng khiếu như mình mong muốn. Bởi không phải năng khiếu nào cũng có thể phát triển thành tài năng. Thực tế đã ghi nhận, nhiều trẻ khi nhỏ có năng khiếu nhưng khi lớn lên lại rất bình thường, hay ngược lại có trẻ lúc nhỏ chưa hề thể hiện một năng khiếu gì nhưng lại là một tài năng sau này. (Chuyên gia tâm lý giáo dục Đinh Đoàn)
Theo gttd.vn