Bằng tốt nghiệp để ngăn ngừa các lạm dụng trong Giáo hội

Kể từ tháng 9 năm 2022, Học viện Công giáo Paris mở khóa đào tạo có cấp chứng chỉ “lạm dụng và đối xử tốt” để các học viên nắm vững thế nào là lạm dụng và đối xử tốt. Khóa đầu tiên Học viện có 24 học viên, chương trình học gồm nhiều chủ đề khác nhau trong cuộc chiến chống lạm dụng trong Giáo hội.

Chung quanh chiếc bàn lớn trong căn phòng của Học viện Công giáo Paris (ICP), một nữ tu dòng Biển Đức nói chuyện với một nữ tu dòng Thánh Giuse, một cô trưởng ban giáo lý nói chuyện với một linh mục trẻ ngồi cạnh một bác sĩ về hưu và một nữ giáo dân thánh hiến của một Ngôi nhà Bác ái.

Họ chuyền tay nhau bánh dừa, bánh ngọt Breton. Bà Fabienne Serina-Karsky, giám đốc bộ phận giáo dục hội nhập tại Khoa giáo dục, và ông Joël Molinario, giáo sư tại Theologicum, cả hai đều thuộc Học viện Công giáo Paris cho biết: “Đây là tất cả sự đa dạng của thành phần học viên theo học đầu tiên của chúng tôi. Chúng tôi đào tạo để họ nắm vững thế nào là lạm dụng và đối xử tốt: lắng nghe, đồng hành, ngăn chặn.”

Cung cấp các nền tảng lành mạnh

Cùng nhau, họ lên chương trình thiết lập bằng đại học này sau khi Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp Ciase công bố bản báo cáo, trong đó ông Joël Molinario là thành viên, và theo yêu cầu của viện trưởng Học viện Công giáo Paris. Bà Fabienne Serina-Karsky giải thích: “Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp cơ sở vững chắc cho những người đồng hành cùng nạn nhân hoặc những người chịu trách nhiệm phòng ngừa trong sứ vụ làm việc của họ trong Giáo hội. Hiện nay điều quan trọng là cung cấp cho họ kiến thức đáng tin cậy để họ có thể có quan điểm về các tình huống gặp phải và các nguồn lực để phổ biến các thực hành tốt.”

Chương trình khóa học được phát triển với sự hợp tác của Hội đồng Giám mục Pháp, Hội đồng Nam nữ Tu sĩ Pháp cũng như hiệp hội các nạn nhân Nói và Sống lại (Parler et Revivre), tập thể giáo dân công giáo dấn thân đấu tranh chống lạm dụng, Hành động cho Giáo Hội chúng ta. 

Nhìn bà Frédérique, người sáng lập nhóm hỗ trợ các nạn nhân ở Lyon và là thành viên của nhóm lắng nghe của giáo phận, cười với sơ Sarah của cộng đồng Các Mối Phúc Thật, và bà Marie-Marthe, của nhóm quốc gia Con đường Mới thì khó hình dung đây là khóa học của những chủ đề gay go mà họ phải học. Trong nhiều năm, bà Frédérique đã tìm tòi để có thể thành lập một khóa đào tạo phù hợp với nhu cầu, bà giải thích: “Luật dân sự và giáo luật, tâm lý học, thần học, xã hội học của các tổ chức, tiếp nhận nạn nhân… chúng tôi đề cập đến mọi thứ, chuyên sâu nhưng không nặng nề. Phải có sự cân bằng giữa các môn học.” Đối thoại về các chuyên ngành để hiểu cách tiếp cận có hệ thống này đáp ứng được mong chờ của sơ Sarah: “Chúng tôi trình bày chi tiết các cơ chế thao túng, nó rất hữu ích.”

Cái nhìn phê phán nhưng mang tính xây dựng

Bà Marie-Marthe, được cộng đồng cử đến để trở thành người giới thiệu về chủ đề này cho biết: “Điểm mạnh của bằng tốt nghiệp này là có một cách tiếp cận rất rõ ràng, một cái nhìn phê phán nhưng mang tính xây dựng. Nó đã giúp tôi vạch ra những rủi ro trong tổ chức của chúng tôi xung quanh việc dạy giáo lý cho người trẻ, tôi hình dung rõ hơn về những tình huống mơ hồ có thể là nơi dễ xảy ra sự trượt dốc.”

Giám mục phụ tá giáo phận Fribourg Thụy Sĩ, Alain de Raemy cũng ngồi trên ghế sinh viên cho biết: “Nghe kinh nghiệm của những người  đã đối diện với lạm dụng giúp chúng tôi trưởng thành hơn khi đối diện với vấn đề nhức nhối này.” Bà Catherine, lãnh đạo quốc gia về Giáo dục Công giáo nhớ lại thời gian đầu: “Tất cả chúng tôi đều đi trên vỏ trứng. Sau đó lời của chúng tôi được giải thoát và trong vài buổi vào cuối khóa đào tạo, chúng tôi tiếp cận được tất cả chủ đề một cách rất thoải mái”. Người phụ nữ trẻ đánh giá cao mối quan hệ bạn bè đã phát triển giữa các sinh viên của “lớp học” đầu tiên này, mở đầu một mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau. Một người tham gia nói: “Chúng tôi đến để có công cụ làm thay đổi mọi thứ, điều này chỉ có thể mang lại hy vọng và vì thế đây là niềm vui.”

Marta An Nguyễn dịch

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072