Bối cảnh phát sinh Chính Thống giáo

 

1054.jpg

 

I. GIÁO HỘI THỜI PHONG KIẾN TÂY ÂU

1,1. Sự tan rã của đế quốc Carolo

Qua hòa ước Verdun năm 843, đế quốc Charlemagne bị chia ba cho ba người con trai của vua Louis Mộ Đạo. Phần của vua Charles le Chauve sau là nước Pháp, phần của Louis sau là nước Đức, còn vùng Lotharingie của Lothaire trải dài từ Bắc xuống Nam Ý. Chế độ chư hầu được thay bằng chế độ phong kiến cát cứ. Nhà vua không có thực quyền trên đất các lãnh chúa khác. Mỗi ông hoàng làm chủ một khu vực với toàn quyền xây dựng, tổ chức quân đội, để tự bảo vệ đất của mình và bành trướng ảnh hưởng khi có thể.

Đã thế, Tây Âu còn gặp những cuộc xâm lăng mới. Phía Bắc, dân Normand tràn xuống. Phía Đông, dân Magyar và Hungare lấn chiếm đến tận Bourgogne và lập ra nước Hungari (906). Mạn nam nhóm Sarrasins (Hồi Giáo) làm chủ tình hình bờ biển Italia và tỉnh Provence gần một thế kỷ (888-975), từng bắt cóc đan viện phụ Maieul dòng Cluny để làm con tin.

Đức Gioan VIII (872-882) nỗ lực củng cố vương quyền cho vua Pháp (875) nhưng Charles le Chauve chỉ làm hoàng đế được hai năm, còn Charles le Gros thì bất lực trước các cuộc xâm lăng. Từ nay, ngôi Giáo hoàng bị giới quí tộc Roma chi phối cho đến khi thành lập đế quốc La-Đức năm 962.

1,2. Sự lộng hành của quí tộc Roma

Cuối thế kỷ IX, ngôi Giáo hoàng bị ông hoàng xứ Spoleta quấy nhiễu. Vì đức Formoso (+896) trao vương miện cho Arnulf người Đức thay vì Lambert người Spoleta, ông vu cáo ngài lên ngôi bất hợp pháp. Đức Stephano VI bị ép lập tòa xử. Nạn nhân bị đào mồ, đưa ra tòa xử, bị tuyên án truất chức và thả xác trôi sông. Chưa đầy hai năm (896-898) Giáo hội có đến sáu giáo hoàng. Về sau đức Formoso được đức Gioan IX (898-900) phục hồi lại danh dự.

Đầu thế kỷ X, giáo triều bị chi phối bởi hai mẹ con bà Theodora và Marozia, là vợ và con gái Theophilaco, người nắm toàn quyền hành chánh lẫn quân sự ở Roma từ năm 900-915, Marozia tư tình và có con với Sergio III (+911). Chính bà đã cho thủ tiêu Gioan X (914-928) vì ngài chống bà, rồi đưa lên ngôi hai giáo hoàng ngắn hạn. Năm 931, bà cho con ngoại hôn với Sergio lên ngôi giáo hoàng là Gioan XI. Chồng bà, Albêric (+932) cũng là quan toàn quyền. Khi bà tái hôn lần thứ ba, con trai bà là Albêric II nổi dậy, bắt giam mẹ và Gioan XI vào ngục tối. (Một vài sử gia đặt ra chuyện nữ Giáo hoàng Gioanna vào thời kỳ này, nhưng không có bằng chứng đầy đủ).

Albêric II (+955) đưa lên ngôi giáo hoàng năm vị. Ông có công cộng tác với đức Lêo VII và thánh Odon để mở mang dòng Cluny. Nhưng cuối cùng ông cho con trai là Octavian mới 18 tuổi lên chức vị giáo hoàng, lấy hiệu Gioan XII (955-964). Toàn thể Roma chán nản về đời tư của vị giáo hoàng bất xứng này. Dầu sao, đức Gioan XII cũng chấm dứt được giai đoạn “70 năm với 20 giáo hoàng” qua biến cố thành lập đế quốc La Đức.

1,3. Thánh đế quốc La Đức (962-1806)

Đế quốc La Đức khởi đầu bằng nghi thức phong vương cho Otton I (936-973). Tương tự thời Carolo, hoàng đế sẽ được Giáo hoàng đặt vương miện và được mọi người tuyên thệ trung thành. Việc bầu giáo hoàng phải được hoàng đế chấp thuận. Hoàng đế cũng nhận giải quyết những tranh chấp trong nội bộ Giáo hội. Tuy nhiên, đế quốc La Đức không có quyền hành tập trung như thời Charlemagne. Các vùng Anh, Pháp, Tây Ban Nha vẫn đứng ngoài đế quốc.

Từ 962-1056, đế quốc La-Đức được cai trị bởi những hoàng đế rất “đạo đức”. Các ông quan niệm hoàng đế và giáo hoàng phải chung lo hạnh phúc của người dân đời này lẫn đời sau. Dưới thời đức Sylvestrê II (999-1003), hoàng đế Otton III đã thiết lập một đế chế liên hiệp các dân tộc độc lập tự ý thống nhất dưới quyền giáo chủ Roma. Nước Hungari của vua Stêphano và Ba Lan của vua Boleslas vui vẻ sát nhập mà không bị lệ thuộc thế lực nào.

Trong bối cảnh được nâng đỡ đó, Giáo hội Đức bước vào thời hoàng kim với nhiều đại thánh đường, các dòng tu phát triển, đức tin lan rộng đến Ba Lan, Bohemia cũng như ở nhiều nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển … Thế nhưng giới quí tộc Ý vẫn còn chi phối ngôi giáo hoàng. Sau năm 962, dòng họ Theophilaco cũng có ba giáo hoàng (Benedicto VIII, Gioan XIX và Benedicto IX), ba giáo hoàng khác bị dân Ý ám sát là Benedictô VI, Gioan XIV và Damaso II. Mãi đến năm 1059, đức Nicolas II, theo đường hướng các vị tiền nhiệm, dành lại quyền bầu giáo hoàng cho Hồng y đoàn, sẽ là khúc ngoặt mới trong lịch sử Giáo hội.

1,4. Giáo hội thời phong kiến

Do tác động của xã hội, tổ chức của Giáo hội cũng pha mầu phong kiến : mỗi chức vụ thường kèm theo đất đai, bổng lộc, tước lãnh chúa (lớn hoặc nhỏ), quyền tài phán trong vùng và quyền lập quân đội. Vì thế, chức vụ Giáo hội trở thành món mồi hấp dẫn và việc tuyển chọn giáo sĩ phát sinh nhiều lạm dụng. Vì thường giám mục không có con thừa kế, nên khi ngài qua đời là có chuyện lộn xộn, tranh dành. Ông hoàng chịu trách nhiệm chọn giám mục mới ít khi dựa theo những tiêu chuẩn thuần túy tôn giáo.

Hậu quả của cơ chế trên thật tai hại. Có ông hoàng chỉ muốn có một giám mục là hiệp sĩ tài ba, có ông dành ghế giám mục cho con cháu thân thích, hoặc tệ hơn nữa, dành cho ai trả nhiều tiền hơn. Tội “mại thánh” gia tăng (Tội Simonie, Cv 8,20), kéo theo tình trạng phóng đãng ngay trong hàng giáo sĩ… Các giáo hoàng giữa thế kỷ XI sẽ phải dùng nhiều biện pháp để thoát ra khỏi tình trạng bi đát này.

Dầu sao Ánh Sáng của Phúc Âm vẫn không chịu để bị che khuất trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhiều viên chức Giáo hội đứng ra hòa giải các ông hoàng. Các ngài nhắc nhở giới quí tộc sống công bằng bác ái (thường được vâng lời, ít là theo nguyên tắc), bênh vực phụ nữ (chống ly dị, chống ngoại tình và quyền ưng thuận trong hôn nhân), cấm cho vay nặng lãi. Nếu Giáo hội do bối cảnh lịch sử, chấp nhận ba hạng người trong xã hội để “cầu nguyện, cầm gươm và lao động”, thì giới cùng đinh trong xã hội là các nông nô vẫn có quyền sở hữu và có gia đình riêng.

Đặc biệt để giảm bớt bạo lực của các vương hầu, Giáo hội đã có nhiều sáng kiến hòa bình qua việc kêu gọi :
* Hòa bình Thiên Chúa: tha cho kẻ đầu hàng, yếu thế, hạn chế việc đánh lén.
* Ngày hưu chiến (từ 1017) : cấm chiến tranh một số ngày trong tuần và trong các đại lễ.
* Tinh thần hiệp sĩ : bằng các nghi thức tôn giáo để thánh hiến, người hiệp sĩ tuyên thệ trừ gian, diệt bạo, bênh vực kẻ cô thế cô thân …

 

II. TỪ KHÁC BIỆT ĐẾN CHÍNH THỐNG GIÁO

Việc xuất hiện Chính Thống Giáo năm 1054, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân xa và gần. Ngoài những dị biệt về tín-lý còn có vấn đề văn hóa, quyền hành lẫn với chính trị.

2,1. Những nguyên nhân làm xa nhau

Hố ngăn cách giữa hai Giáo hội Đông-Tây không ngừng được đào thêm từ biến cố Roma sụp đổ năm 476, việc sử dụng hai ngôn ngữ khác biệt (Hy Lạp – La Tinh) và việc thiếu giao lưu văn hóa khiến hai bên càng ngày càng khó hiểu nhau hơn.

a. Nhìn từ phía Đông phương :

Giáo hội Hy Lạp gắn bó hơn với Constantinople, thủ đô còn lại của đế quốc Roma. Họ không thích Roma can thiệp vào nội bộ. Họ coi dân Tây Phương là man di, vô đạo, thô kệch. Họ phản đối việc các giáo hoàng ủng hộ đế quốc Carolo và La Đức. Đông Phương duy trì phụng vụ của Giáo hội thuở xưa, phản đối những kỷ luật mới do Roma lập ra như việc dùng La ngữ, luật giáo sĩ phải cạo râu … Giáo hoàng dưới mắt Đông Phương chỉ có ưu thế danh dự. Mỗi địa phương phải có quyền độc lập của mình. Thời phong kiến, họ càng coi thường Giáo hoàng, văn hóa và Hoàng đế Tây Phương hơn nữa.

b. Nhìn từ phía Tây phương :

Các giáo hoàng ngày càng được đề cao theo vai trò kế vị thánh Phêrô. Không thể chấp nhận các hoàng đế Đông phương, dù cho thiện ý, áp đặt giáo lý và kỷ luật cho Giáo hội. Tây phương qua đó nói Giáo hội Đông phương bị tục hóa theo tà đạo. Họ coi phía Hy Lạp đã mất gốc, yếu đuối lại hay “chẻ sợi tóc làm tư” tranh luận từ ngữ thần học. Việc thống nhất phụng vụ trong nghi lễ và ngôn ngữ là sự thống nhất của Giáo hội đã bị Đông phương coi thường, phản đối, gây chia rẽ.

2,2. Nhiều xung đột giai đoạn

Tất cả những lý do trên quyện lẫn vào nhau trong nhiều xung đột giai đoạn. Chúng ta chỉ lướt qua những biến cố chính :

a. Công đồng Constantinopoli II (553) :

Hoàng đế Juliano áp lực công đồng kết án BA ĐOẠN của ba thần học ở Công đồng Calcêdonia (Theodorus, Theodoret, Ibas) là theo lạc giáo Nestorio. Đức Vigilio bị ép buộc châu phê bản án, nhưng ngài vẫn cương quyết phạt vạ những ai chống công đồng Calcêdonia.

b. Công đồng Constantinopoli III (681) :

Công đồng lên án thuyết Đức Kitô “một ý chí, một hành động” của Sergius, giáo chủ Constantinople, chấm dứt 60 năm tranh luận. Thế nhưng, hoàng đế Constans II, trước đã kết án lưu đày chung thân đức Martinô I (+655) nay trong công đổng, lại gán cho đức Honorio I tội đồng lõa với Sergius.

c. Việc phá ảnh tượng (726-843)

Hoàng đế Lêo III, trước thái độ thờ kính ảnh tượng thái quá của dân chúng, ông cho hủy bức ảnh Đức Kitô trên cửa hoàng cung và cho lệnh hủy tất cả ảnh tượng. Thay vì kiên nhẫn giáo dục, ông rơi vào cực đoan khác là cấm đoán. Cũng có thể ông chịu ảnh hưởng Hồi Giáo cấm thờ tượng ảnh, hoặc muốn giảm bớt ảnh hưởng của các đan sĩ, những người bênh vực ảnh tượng.

Việc phá ảnh tượng tàn bạo nhất dưới thời hoàng đế Constantin V (741-775). Nhiều đan sĩ đã chịu bách hại và tra tấn. Năm 787, nữ hoàng Irenea triệu tậpCông đồng Nicêa II : chính thức cho phép tôn kính ảnh tượng. Thế nhưng cuộc bách hại tuy kém ác liệt hơn đã tái diễn từ năm 813 cho đến hội nghị Giám mục Constantinople năm 843 mới chấm dứt hẳn. Roma bắt tay với nhà Carolo trong giai đoạn này.

d. Giáo chủ Photius và vấn đề Bungari

Được hoàng đế Michael III đặt làm giáo chủ Constan-tinople, thay thế giáo chủ Ignatio vẫn đang sống, Photius (858-891) bị đức Nicolas I phủ nhận. Ông liền họp các giám mục đế đô năm 865 đòi cách chức Giáo hoàng, tuyên bố Giáo hội độc lập, bác bỏ nhiều tập tục Tây phương như vấn đề giữ chay, việc dâng lễ với bánh không men, luật độc thân giáo sĩ, việc thêm Filioque vào Kinh Tin Kính (Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra). Đến khi hoàng đế Basilio I lên ngôi, Đức Hadriano II triệu tập công đồng Constantinople IV. Theo lời xin của vua Boris, công đồng đặt Giáo hội Bungari trực thuộc Giáo chủ đế đô.

Ngoài ra Chính Thống còn khác Giáo hội Roma nhiều điểm như : Dâng lễ bằng tiếng địa phương ; Giữ Alleluia trong mùa chay, linh mục ban thêm sức cho trẻ em ngay khi rửa tội, giữ chay phải kiêng trứng và bơ, cấm ăn huyết thú vật, giáo sĩ để râu, cấm biểu tượng Chúa Kitô hình con chiên, và tin bánh trở nên Mình Chúa qua lời cầu xin Chúa Thánh Thần.

Sau khi Giáo chủ Ignatio qua đời, Photius được chính thức kế vị, được đức Gioan VIII nhìn nhận với điều kiện trả Bungari về quyền Roma. Phía Hy Lạp họp công đồng thứ tám của Chính Thống cũng gọi Constantinopoli IV (879-880), quyết định bỏ chữ Filioque trong kinh Tin Kính. Năm 886, hoàng đế mới là Leo VI hạ bệ và quản chế Photius trong một đan viện rồi đưa hoàng thân Stêphanô 16 tuổi lên làm giáo chủ. Vị này chính thức thiết lập tòa giáo chủ Bungari năm 918. Hơn một thế kỷ sau, Photius được di hài cốt cách trọng thể về đế đô, được đề cao như người bảo vệ quyền giáo chủ Hy Lạp và được kính như một vị thánh.

2,3. Cuộc đổ vỡ năm 1054

Giáo chủ Michael Cerularius nhận chức (1043-58), không báo cho Roma như thông lệ, lại còn mở chiến dịch đả kích các nghi lễ và kỷ luật Tây phương nữa. Thế nhưng vì hoàng đế Constantinus IX và đức Lêo IX đang cùng nỗ lực hòa giải hai phe Đông-Tây trước kẻ thù chung là Normand, nên Cerularius phải viết thư giao hảo với Roma. Mọi người đều thấy nhu cầu thống nhất về tôn giáo, tiếc rằng hai nhân vật đứng ra hòa giải không phải là mẫu người cần thiết.

Hồng y Humbertô dẫn đầu phái đoàn của Roma đến Constantinople vào tháng 3-1054 và ở lại bốn tháng để tranh cãi, sửa bảo và phê bình. Ngày 16-7-1054 tại thánh đường Sophia hồng y đặt lên bàn thờ bản vạ tuyệt thông M. Cerularius, rồi phủi bụi chân ra đi ngay hôm sau. Bản văn của Humberto chứng tỏ sự thiếu hiểu biết của tác giả. Nhiều điều kết án không có nền tảng, gán cho đối phương đủ thứ tội như mại thánh, Nicolaism, Manikeism … Tác giả không hiểu nổi “Maranatha” là Lạy Chúa xin hãy đến, ông xử dụng như lời chúc dữ (Có lẽ Humberto căn cứ theo ICr. 16,22 : “nếu ai không yêu mến Chúa, kẻ ấy bị nguyền rủa, Maranatha”). Hơn nữa hồng y Humberto không có thực quyền đại diện vì đức Lêo IX đã băng hà ngày 19-4.

M. Cerularius liền chộp lấy thời cơ. Dân chúng Byzantin sẵn sàng bênh vực giáo chủ mình. Bản sao tờ vạ tuyệt thông được đem đốt (cất lại bản chính). Ngày 24-7, Cerularius và 12 giám mục Đông phương họp công đồng kết án Giáo hội Roma, tuyên bố Giáo hội Chính Thống là Giáo hội qui tụ quanh hoàng đế và Giáo chủ Constantinople. Thế nhưng, năm 1058, hoàng đế Isaac e ngại uy thế của Giáo chủ đã ra lệnh bắt giam và kết án lưu đày. Ngài qua đời trước khi bản án thi hành.

2,4. Những nỗ lực hòa giải

Không ai ngờ, 1054 trở thành thời điểm phân chia dứt khoát Đông-Tây. Các cuộc Binh Thánh Giá sẽ mở rộng thêm hố sâu chia rẽ. Những công đồng Lyon II (1274) và Florencia (1438) chỉ là những thỏa ước nặng về chính trị, thiếu bền vững, và vì thiếu chuẩn bị dư luận nên bị các tín hữu đông phương tẩy chay. Việc Hồi quân chiếm Constantinople năm 1453 lại càng tô đậm nét ranh giới phân rẽ hơn nữa.

Thế nhưng, giáo huấn Tin Mừng không cho phép để tình trạng xa nhau mãi như vậy. Nhiều nỗ lực mới của cả hai phía nhắm đến việc đại kết. Bản tuyên bố chung của đức Phaolô VI và giáo chủ Athenagoras sát ngày bế mạc công đồng Vatican II (7-12-1965), tỏ ra tiếc về biến cố 1054 và những thái quá trong dĩ vãng, đã khai mở một giai đoạn mới trên con đường đại kết này.

 

TOÁT YẾU

1. Giáo hội thời phong kiến Tây Âu :

Sau hòa ước Verdun 843, đế quốc Carolo bị chia ba rồi tan rã do các cuộc xâm lăng mới. Thời phong kiến cát cứ bắt đầu. Từ đó, ngôi giáo hoàng bị chi phối bởi giới quí tộc Roma : họ ủng hộ vị này, kết án và lật đổ vị khác. Từ 896-965 có đến 20 vị giáo hoàng.

Năm 962, Gioan XII phong vương cho Otton I, khởi sự đế quốc La Đức. Hoàng đế La Đức ủng hộ Giáo hội nhưng cũng hay xen vào nội bộ Giáo hội, cho đến năm 1059 đức Nicolas II mới dành lại được quyền bầu Giáo hoàng cho hồng y đoàn.

Trong bối cảnh phong kiến đó, nhiều chức vụ Giáo hội bị tranh giành, mua bán và bị lệ thuộc vào các ông hoàng. Tuy nhiên Giáo hội vẫn góp phần không nhỏ trong việc Phúc Âm hóa môi trường, đặc biệt qua luật Hòa Bình Thiên Chúa, việc kêu gọi hưu chiến và cổ võ tinh thần hiệp sĩ, phục vụ công lý của Chúa, trừ gian diệt bạo.

2.. Từ khác biệt đến Chính Thống Giáo

Ngoài dị biệt về ngôn ngữ Hy-La, hai Giáo hội Đông-Tây còn chịu nhiều tác động khác như :

* Xung đột giữa Byzantin với hoàng đế Carolo và La-Đức
* Khuynh hướng độc lập hay thống nhất về nghi thức
* Sự sa sút văn hóa Tây Âu thế kỷ IX – X
* Sự can thiệp của thế quyền vào ngôi Giáo Hoàng
* Quan niệm khác nhau về quyền Giáo hoàng.

Những khác biệt ấy đã làm nảy sinh nhiều xung đột giữa Đông và Tây : qua việc kết án Ba Đoạn (553), những tranh luận về thuyết Đức Kitô một ý chí (681), việc phá tượng ảnh kéo dài hơn một thế kỷ, việc đặt Giáo chủ Photius và quyền độc lập hai bên của Giáo hội Hungari.

Cuối cùng năm 1054, đúng lúc hai bên muốn hòa giải, thái độ của hồng y Humberto và giáo chủ Cerularius đã dẫn đến ly giáo dứt khoát. Đến năm 1965, Đức Phaolô VI và giáo chủ Athenagoras đã hủy bỏ hết các vạ tuyệt thông trước đây. Cánh cửa đại kết hiện đang mở rộng.

CÂU HỎI
1. Phân biệt chế độ chư hầu và phong kiến.
2. Những khó khăn của Roma thế kỷ X ?
3. Mối quan hệ giữa giáo hoàng và hoàng đế La-Đức ?
4. Những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của phong kiến vào Giáo hội ?
5. Khác biệt chính giữa hai Giáo hội Đông-Tây về tín lý phụng vụ và kỷ luật ?
6. Nhận định về việc phá ảnh tượng thế kỷ VIII – IX ?
7. Ai chịu trách nhiệm về cuộc ly giáo 1054 ?
8. Quan điểm cá nhân bạn đối với anh em Chính Thống ?

 

BÀI ĐỌC THÊM

CHƯ HẦU VÀ PHONG KIẾN

* Chế độ chư hầu : Vị chủ tướng, sau khi chiến thắng, thường chia đất cho các tướng lãnh của mình. Những vị này hoàn toàn chỉ là chư hầu : Cuộc cải cách Bênêficium của Charlemagne xác định họ không có quyền trao đất cho con cái mình, họ phải tuyên thệ trung thành, hứa dự các hội nghị khi được triệu tập và đóng góp quân lính khi được yêu cầu.

* Chế độ phong kiến : Các chức vị được phân ra nhiều cấp như công, hầu, bá, tử, nam. Một hiệp sĩ chẳng hạn, khi tuyên thệ trung thành với một bá tước, anh chỉ vâng lời ông ta, không cần để ý đến ai khác dù là người có chức vị cao hơn.

Một người có lãnh thổ riêng, quen được gọi là lãnh chúa. Ông có toàn quyền về kinh tế, chính trị, tôn giáo, là chủ cả ao hổ, núi rừng. Ông có quyền đánh thuế chợ, thuế đánh cá, thuế chăn nuôi… Khi chết ông có quyền chia đất thừa kế cho con cháu

 

HỒNG Y ĐOÀN THẾ KỈ X

Thực chất hồng y đoàn thế kỷ X chỉ là hàng giáo sĩ Roma khoảng 40 vị : 7 hồng y giám mục, 7 hồng y phó tế, còn lại là các hồng y linh mục. Ngày 13.4.1059 thời đức Nicolas II, các vị xác định văn bản sau:
“Chúng tôi quyết định, khi giáo hoàng qua đời, các hồng y lo tìm người kế vị rồi mới thông báo cho mọi người (và hoàng đế) biết. Sẽ chọn người ở Roma, nếu không ai có khả năng mới chọn người ở vùng khác”

 

BA GIAI CẤP XÃ HỘI PHONG KIẾN

Xã hội tín hữu chỉ có một hạng người, nhưng trong quốc gia thì có đến ba. Vì trong luật khác, luật của con người, được phân chia thêm hai hạng người khác nữa : qúy tộc và nông nô không cùng chung một quy chế. Hai nhân vật đứng trên hết : đó là vua và hoàng đế; nhờ sự cai quản của các vị mà quốc gia được bảo đảm bền vững. Có những người khác có địa vị đặc biệt, đến nỗi họ không bị bất cứ quyền lực nào chi phối, miễn là họ tránh các tội phạm. Đó là các chiến sĩ, những người bảo vệ Giáo hội; họ là những người bảo vệ dân, cả lớn lẫn nhỏ, tất cả, đồng thời bảo vệ an toàn bản thân.

Giai cấp khác nữa là hạng nông nô : những kẻ khốn khổ này chỉ có những gì do công sức lao động đem lại. Ai có thể dùng bảng cộng mà đếm nỗi bao lo toan của họ, bao chặng đường dài, bao công việc vất vả ? Tiền bạc, quần áo, thức ăn, đều do nung nô cung cấp cho mọi người ; không một người tự do nào có thể sống nếu không có hạng nông nô.

Nhà Chúa, mọi người đều tin là chỉ có một, nhưng được chia làm ba : người này cầu nguyện, kẻ khác chiến đấu, kẻ khác nữa lao động. Ba thành phần cùng sống chung này không thể tách rời nhau được ; công việc của thành phần này là điều kiện để hai thành phần còn lại hoạt động; mỗi thành phần theo lượt mình có nhiệm vụ nâng đỡ toàn thể. Như thế cộng thành ba thành phần này không thể thiếu một ; chính nhờ đó luật pháp được tôn trọng và thế giới an hưởng thái bình”.
(Adalbéron, Poème au Roi, l’An Mille, p224 – JC. Để đọc LSGH I tr. 136)

 

CHUYỆN GIÁM MỤC Ở MANS THẾ KỈ X

Lãnh Chúa Mainard giám mục (951-971) thuộc hàng quí tộc, anh em với tử tước thành Mans. Sống giữa đời ông có nhiều con trai và con gái. Không ai coi ông là giáo sĩ mà chỉ là một giáo dân thường. Thế nhưng, vì thành phố đã lâu thiếu giám mục và vì nhiều người muốn bỏ tiền ra mua chức vị, nên vị tử tước liền chọn điều yếu đuối để quật ngã kẻ mạnh, chọn Mainard làm giám mục, dù biết rõ ông mù chữ và dốt nát, để hợp như lời kinh thánh : quê mùa mà khiêm tốn giá trị hơn hiểu biết mà kiêu ngạo. Với sự đồng ý của nhà vua và hàng giáo sĩ Ông được chọn làm giám mục vì sự khiêm tốn và đơn sơ
Sau khi giám mục Mainard qua đời, ông Sifroi, kẻ có đời tư đáng trách về mọi mặt đã chiếm tòa giám mục. Ông làm tiêu tan những gì vị tiền nhiệm đã xây dựng. Mà thực ra, ông đã phá giáo phận từ trước khi thụ phong. Ông tặng cho bá tước Foulques thành Anjou một phần đất của giáo phận, để nhờ vị này can thiệp với vua Pháp cho ông làm giám mục !

Đến sau, khi nhận thức những lỗi lầm của mình, ông tỏ ra khóc than về tội mình. Nhưng than ôi ! Ông lại phạm tội nặng hơn nữa khi quan hệ với một phụ nữ … Bà cho ông một cậu con trai tên là Aubri, khi cậu đã trưởng thành, ông trao cho cậu toàn bộ tài sản của địa phận.
(Xc Latouche, Le film de l’histoire médiévale. JC, Để đọc LSGH I,p.135)

 

ĐÓNG GÓP CỦA GIÁO HỘI THỜI PHONG KIẾN

1/ Chính sách hòa bình : Với đề nghị của nhiều giám mục, các lãnh chúa nhiều nơi chấp nhận quyền nhận hay không nhận lời thách đấu của các thành phố hoặc hiệp sĩ; cấm đánh lén và phải báo trước để đối phương chuẩn bị.

2/ Ngày hưu chiến : Đức Gioan XV là người đầu tiên đưara sáng kiến về ngày hưu chiến trong cuộc chiến giữa vua Anh và ông hoàng Normandie. Tuy khi đó thất bại, nhưng ngài đã mở ra một truyền thống mới

– Công đồng Elne 1017 buộc ngưng chiến từ 9 giờ sáng thứ bảy đến 1 giờ sáng thứ hai để mừng Chúa sống lại

– Công đồng Nice 1041 : buộc ngưng chiến từ chiều thứ tư đến rạng sáng thứ hai.
– Công đồng Narbonne kêu gọi ngưng chiến thêm mùa vọng, mùa chay, các tuần bát nhật và các đại lễ kính Chúa hoặc Đức Mẹ.

Tuy luật hưu chiến thường bị vi phạm, nhưng cũng góp phần ảnh hưởng không nhỏ giúp người chiến sĩ nhận thấy sự phi lý của chiến tranh.

3/ Phong trào hiệp sĩ : Từ thế kỷ XI, các hiệp sĩ đều được hướng dẫn sử dụng năng lực của mình để cứu nhân độ thế. Để gia nhập hàng ngũ hiệp sĩ, các chàng trai thường phải qua nhiều cuộc thử nghiệm năng lực và đức tính . Rồi sau một đêm canh thức cầu nguyện, anh sẽ có một nghi thức long trọng thánh hiến, được trao kiếm và áo giáp. Anh sẽ tuyên thệ bênh vực những người cô thế cô thân, cô nhi quả phụ, tuyên thệ góp phần trừ gian diệt bạo. Tinh thần hiệp sĩ tạo nên một lớp người “quân tử – võ sĩ đạo” tại thế giới Âu Châu.

 

ĐAN SĨ NICÉTAS PHÊ BÌNH PHÍA LATINH

Những ai ăn bánh không men là vẫn sống dưới bóng luật cũ, là ăn tiệc Do thái chứ không phải dùng lương thực thiêng thánh của Đức Kitô (…). Làm sao các bạn hiệp thông với đức Kitô, Đấng hằng sống khi ăn bánh không men của Cựu ước, chứ không phải là men mới của Tân ước (..) Ai dám dạy người ta cắt đứt hôn nhân của linh mục (…).

Vậy thưa các bạn, các bạn hãy phân xét kỹ lưỡng vấn đề, xem chúng có theo nguồn mạch Do thái không ? Tôi muốn nói đến các cơn dịch cần loại bỏ là : ăn bánh không men, giữ chay thứ bảy và buộc linh mục độc thân.
(JC. Để đọc LSGH I, p.138)

 

BẢN KẾT ÁN CHÍNH THỐNG

Do Hồng y Humbertô soạn năm 1054

… Còn về Michael, kẻ tiếm quyền giáo chủ và những kẻ thông đồng với cơn điên rổ của y, quả là đầu mối gieo rắc mỗi ngày các thứ lạc thuyết tại Constantinople. Như kẻ mại thánh, họ buôn bán ơn Chúa… Như nhóm Nicolaisme, họ cho các thừa tác viên bàn thánh cưới vợ… Như nhóm chống lại Thánh Linh, họ chối Thánh Linh nhiệm xuất bởi Chúa Con. Như bè Manikê, họ tuyên bố bánh có men mới có sinh khí … Hơn nữa họ cho linh mục để tóc để râu, từ chối hiệp thông với thói quen tại Roma cạo râu và hớt tóc.

Vì thế, không thể chịu nỗi những sỉ nhục vô lý đối với đệ nhất tông tòa … chúng tôi ký bản vạ tuyệt thông cho Michael và đồng đảng. Vạ do thánh giáo hoàng tuyên bố chống lại họ, nếu họ không hối cải, rằng : Michael, kẻ chiếm nhậm chức vị giáo chủ…và những ai theo y trong các tội kể trên đều bị vạ tuyệt thông, maranatha (?) với bọn mại thánh. Amen. Amen. Amen.
(JC,Để đọc LSGH I,p139. – Theo Jugie, Le chisme Byzantin)

 

TUYÊN NGÔN CHUNG Đ.PHAOLÔ VI VÀ Đ.ATHENAGORAS
07.12.1965

“Giữa những trở ngại cho việc phát triển tình liên đới huynh đệ, lòng tín nhiệm và quý mến giữa Công giáo và Chính thống, có bóng dáng những kỉ niệm buồn, những quyết định và văn bản năm 1054, các bản vạ tuyệt thông.

Đức giáo chủ Phaolô VI và giáo chủ Athenagoras trong hội nghị đã cùng nói lên ước muốn được nhau cùng phục vụ công lý và hợp nhất đức ái các tín hữu của mình, đã nhắc lại lời của Chúa :”Khi con đến bàn thờ dâng lễ vật …” (Mt 5,23t), hai vị cùng tuyên bố như sau :

“a. Hối tiếc về những lời xúc phạm, những lời trách cứ thiếu nền tảng và những hành vi đáng lên án của cả hai phía, trong và sau những biến cố đáng buồn đó.

b. Hối tiếc và xin xóa đi trong ký ức những bản vạ tuyệt thông lẫn nhau. Nó vốn đang là trở ngại chính cho việc xích lại gần nhau trong đức ái, chớ gì chúng được quên đi.

c. Hối tiếc về những điều đáng buồn trước đó và những biến cố sau này, chịu tác động bởi nhiều nguyên cớ, nhất là vì thiếu hiểu biết và coi thường lẫn nhau đã đưa đến việc cắt đứt mối hiệp thông của Giáo hội.”

Qua việc công khai tha thứ cho nhau, đức Phaolô VI, thượng phụ Athenagoras và hội nghị đều ý thức rằng chưa đủ để chấm dứt những dị biệt xưa và mới đây. Nhưng dưới tác động của Thánh Linh, những dị biệt ấy phải được vượt qua, nhờ sự thanh luyện tâm hồn; nhờ ý thức những sai lầm lịch sử và nhờ ước vọng được hiểu biết và diễn tả chính xác hơn niềm tin các tông đồ.”
(JC,Để đọc LSGH I,p.140)

 

THỜI ĐIỂM 1054

Thời điểm 1054 là dấu nối đặc biệt giữa hai giai đoạn Trung cổ. Phía đông phương, triều đại huy hoàng của các vua Macêđoan vừa sụp đỗ, đồng thời Chính thống giáo được dứt khoát thành lập. Ngược lại bên tây phương, sau sáu thế kỷ mò mẫm, một giai đoạn mới của văn minh tây âu được hình thành.

1054 : chấm dứt thời cảm hóa man dân, các chủng tộc xa lạ như Goth, German, Vandal … trở thành anh em, hầu hết các nước Âu châu đã được Kitô hóa.

1054 : Thời đại phong kiến hỗn độn đang chuyển dần sang hệ thống tập trung quyền hành vào một số vị vua Anh, Pháp, Đức, TBNha…

1054 : Các chủng tộc định cư bắt đầu bước vào thời xây dựng, chấm dứt thời đại đen tối, khởi sự thời hoàng kim mà Justiano và Charlemagne đã từng mơ ước nhưng thất bại.

1054 : Cũng là chuyển đoạn trong lòng Giáo hội, các giáo hoàng thoát ly quyền bảo hộ của các hoàng đế, công cuộc đổi mới các dòng tu và giáo sĩ đưa đến việc cải tổ toàn diện.

1054 : Công cuộc truyền giảng Tin Mừng của Giáo hội sinh hoa kết trái, tạo ra nền văn minh Kitô giáo cho xã hội mới là Nước Kitô.

Sáu thế kỷ đã trôi qua, công trình của Giáo hội là kết quả của sự kiên nhẫn lâu dài

Trong bão tố xâm lăng vẫn không thất vọng, tin tưởng vào sức mạnh của tin mừng, yêu thương những anh em đô hộ và thu phục họ cho Đức Kitô.

Cách âm thầm nhưng kiến hiệu, Giáo hội đã rửa tội cho từng khu vực, nhân bản hóa các tục lệ phong kiến, tạo thế quân bình giữa các thế lực, cổ võ nền luân lý lành mạnh của Phúc âm và duy trì các kho tàng văn hóa cổ thời.

Cộng tác với thế quyền, tuy cũng có một số điều đáng tiếc, Giáo hội phục vụ hạnh phúc của con người.
Và như vậy, suốt sáu thế kỷ, cả những lúc bi thảm nhất, khi bị giới quí tộc Lamã chi phối, Giáo hội vẫn không hề thất vọng, biết vận dụng mọi cơ may nhân loại trên một mục đích duy nhất là “Nguyện Nước Cha trị đến”.

Dù man dân xâm lấn, dù nhiều đứa con của ánh sáng đôi khi đồng lõa với bóng tối, dù có những đại diện tối cao của Giáo hội không đáp ứng nỗi những đòi hỏi của thời đại, thì hạt cải nước trời vẫn lớn lên cho muông chim đến ẩn náu. Sự phát triển của Giáo hội không chỉ dựa trên những tiêu chuẩn phàm nhân mà dựa vào những tiêu chuẩn của đức tin và đức cậy.

Sáu thế kỷ nhìn lại, Giáo hội không phát triển do chính sách khôn khéo của những con người mà do chính Thiên Chúa nâng đỡ . Tuy không thiếu những nhân vật tài ba, nhưng sức mạnh của Giáo hội vốn ở những vị thánh như Antôn, các giáo phụ, Biển đức, Bonifacio… những con người nhận Đức Kitô là đường là sự thật và là sự sống làm thủ lãnh, và đã quảng đại dấn thân không mệt mỏi để giúp tha nhân nhận ra điều ấy.

 

(JC. Để đọc LSGH I, p 91) Lm Phanxicô Xaviê Ðào Trung Hiệu OP
Hiệu đính tháng 9/2006

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072