Bốn thực hành tốt để đấu tranh chống lại lạm dụng trong Giáo hội
by Phanxicovn
Những hành vi thói quen nào trong Giáo hội tạo môi trường sinh sôi nẩy nở cho lạm dụng? Xét mình như vậy là đặt câu hỏi về những điểm mù của đời sống giáo hội mà Satan, Cha của sự dối trá quen làm.
lalibre.be, linh mục Eric de Beukelaer, 2021-10-22
Trong báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (Ciase) đưa ra – ngoài các khuyến nghị để xóa bỏ tai họa và mang lại công lý cho các nạn nhân – một lời kêu gọi xem lại khía cạnh “hệ thống” của vụ tai tiếng. Nhưng những hành vi thói quen nào trong Giáo hội tạo môi trường sinh sôi nẩy nở cho lạm dụng? Xét mình như vậy là đặt câu hỏi về những điểm mù của đời sống giáo hội mà Satan, Cha của sự dối trá quen làm.
Một số người cho rằng những sai lệch mang tính hệ thống này chỉ có thể sửa chữa qua một cuộc cách mạng giáo hội, được làm bởi một Công đồng mới. Tương lai vẫn còn được viết ra, nhưng việc thực hiện đơn giản các giáo huấn của Công đồng Vatican II đã và đang có nhiều tiến bộ. Những cách thực hành tốt hiện nay mở ra một con đường. Tôi xin liệt kê ra đây bốn con đường mà tiến trình đồng nghị Đức Phanxicô đề xuất có thể sinh lợi nhiều hơn nữa:
1- Phá vỡ văn hóa đẳng cấp. Trong nông nghiệp, độc canh làm đất không còn phì nhiêu. Chỉ đa canh mới giúp khai thác bền vững và tôn trọng môi trường. Trong Giáo hội cũng vậy. Con số các hội đồng cố vấn giám mục (hội đồng quản trị giám mục) hiện nay được thành lập theo cách cân bằng hơn giữa nam và nữ, giáo sĩ và giáo dân, những người độc thân và những người đã kết hôn. Mục tiêu của sự phát triển như vậy không phải là để đưa ra những cam kết về “chủ nghĩa tiến bộ” hay “chủ nghĩa nữ quyền” nhưng để giúp sự phân định trong giáo hội có những cái nhìn từ các bậc gọi khác nhau. Đây cũng là lý do vì sao bây giờ các cha xứ có nhóm quản trị gồm nhiều người đồng trách nhiệm.
2- Ngăn chặn việc tiếm quyền. Trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu đã để lại hai dấu chỉ: Bí tích Thánh Thể và rửa chân. Chúng ta đừng tách ra những gì Chúa Kitô đã kết hiệp. Nếu không có tính hợp pháp về mặt thiêng liêng để cử hành hoặc sống Bí tích Thánh Thể, thì giáo sĩ hay giáo dân sẽ không có tinh thần phục vụ đích thực. Đây là một trong những lý do, các bổ nhiệm trong Giáo hội ngày càng có nhiệm kỳ. Hôm nay là người có trách nhiệm. Ngày mai khi nhiệm kỳ hết hạn, chúng ta trở thành người bình thường lại. Nguyên tắc này chưa khái quát hóa khắp mọi nơi, nhưng lô-gích của nó đầy khôn ngoan: ai gánh vác trách nhiệm không có thời hạn sẽ dễ bị cám dỗ để thấy mình là người nắm hào quang thiêng liêng, trong khi họ chỉ là người phục vụ một thánh chỉ vượt quá họ, Tin Mừng được Chúa Thánh Thần thổi.
3- Vạch trần loại tính dục ấu trĩ. Tính dục là một chiều kích cấu thành của toàn nhân loại, kể cả với những người độc thân dấn thân khiết tịnh vì Nước Trời. Trong một thời gian dài, tính dục là vấn đề bị kìm nén, chỉ là những lời thì thầm ngượng ngùng. May mắn là trong quá trình đào tạo ở các chủng viện và tập viện, từ nay tính dục được hiểu rõ nhằm tiến đến một sự trưởng thành thiêng liêng và nhập thể.
4- Tránh loại văn hóa giữ bí mật không lành mạnh. Giáo hội phân định các thành viên của mình qua hành động của họ. Điều này cần thiết để trao nhiệm vụ, nhưng có một nguy cơ là nuôi dưỡng bí mật không lành mạnh. Giữ thông tin một cách vô ích cho bản thân mình, dù các thông tin vô hại, không thông báo cho người liên quan, là giữ cho mình quyền lực. Khuyến khích phát triển – tôi đã chứng kiến điều này ở giáo phận Liège – sự hợp tác với các chuyên gia trong ngành khoa học nhân văn (nhân viên xã hội, nhà tâm lý học, v.v.) giúp chống lại cám dỗ này. Vì vậy, khi giáo dân phàn nàn về một giáo sĩ (hoặc ngược lại), thì cả hai bên đều phải được nghe, cả bên khiếu nại cũng như bên bị khiếu nại. Cuộc đối đầu đôi khi gay go, nhưng nó cho phép chúng ta nói những điều trong lương tâm và trong Giáo hội. “Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng.” (Ga 3, 21)
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Anne-Marie Pelletier: “Chúng ta phải nhận thức đạo Công giáo một cách khác”