Cầu nguyện – điều dễ khó làm

 

 

Cầu nguyện thật dễ dàng nhưng có rất nhiều người không thể làm. Họ đổ lỗi vì hoàn cảnh, lấy đủ mọi lí do để thoái thác việc cầu nguyện, nào là do bận đi làm suốt ngày nên không có thời gian cầu nguyện, khi về đến nhà mệt quá nên ngủ quên luôn, rồi sáng hôm sau phải thức dậy hối hả vừa lo cho con cái, vừa phải đi làm chẳng có thời gian cầu nguyện,v.v…. Thật nhiều lí do, không thể nào đếm xuể!

Vậy chúng ta cùng nhìn lại vài phút, xem việc cầu nguyện có thật sự khó khăn như chúng ta nghĩ không?

 

1.Cách thức cầu nguyện

 

a.Về hình thức

Trước hết cần phân biệt cầu nguyện và đọc kinh: Cầu nguyện là như đang nói chuyện – tâm sự cùng Chúa, xem Chúa như một người bạn của mình, nói ra những điều mình nghĩ –mình cảm nhận cho Chúa nghe, không cần điều gì làm khuôn mẫu. Còn đọc kinh là đọc các bản kinh nguyện của giáo hội, đọc các bản kinh cách rập khuôn về hình thức, kinh viết gì thì đọc đó, nhưng trong lòng cũng vẫn phải suy gẫm những mầu nhiệm trong kinh nguyện đó.

Hình thức cầu nguyện nên theo cách Chúa đã dạy, tức là vào phòng kín – yên tĩnh, âm thầm “tỏ tình” cùng Chúa. Đó là cách cầu nguyện rất tốt, nhưng thiết nghĩ, Chúa muốn chúng ta cầu nguyện cùng Ngài ở mọi nơi, chứ không phải khi nào có căn phòng yên tĩnh mới cầu nguyện được.

Có 1 hình thức cầu nguyện vô cùng đơn giản, không tốn thời gian, đó là cầu nguyện tắt. Bất cứ khi nào thực hiện cũng được. Ví dụ, thỉnh thoảng hướng lòng về Chúa và nói: “Lạy Chúa, con yêu Chúa”, “Lạy Chúa, xin tha tội cho con”, “Lạy Chúa, xin thương xót con”,… Đó là cách cầu nguyện vô cùng dễ thực hiện.

 

b.Về nội tâm

Cầu nguyện không phải là ngồi hàng giờ, lẩm bẩm cho thật nhiều để rồi chẳng chút lắng đọng nào, chẳng chút cảm nhận nào về Chúa qua lời cầu nguyện.

Có một câu chuyện thế này:

Có người nông dân kia, hàng ngày ra đồng làm việc luôn mang theo cuốn sách kinh cũ kỉ theo để đọc vào lúc nghĩ ngơi buổi trưa. Nhưng một hôm, ai đó đã ăn cắp cuốn sách kinh của ông khi nó được để trên bờ ruộng, ông không biết làm sao, kinh thì ông không thuộc lắm, chỉ nhớ lắp bắp vài chỗ. Ông chắp tay cầu nguyện với Chúa rằng: Chúa ơi! Con ngốc lắm, đọc kinh nhiều năm rồi mà con không thuộc kinh nào. Thôi bây giờ con nhớ gì đọc đó, còn thiếu chỗ nào Chúa tự điền vào chỗ trống nha!

Nghe lời cầu nguyện của ông, Chúa mĩm cười – quay sang một thiên thần bên cạnh và nói: Đây là lời cầu nguyện hay nhất, đẹp lòng ta nhất trong ngày hôm nay đấy! Vì nó chứa đựng đầy sự đơn sơ.

Vậy, cầu nguyện phải thật chậm rãi cùng với những điều bắt buộc, đó là: niềm tin, tình yêu, lòng khiêm nhượng và sự đơn sơ.

 

2.Thời gian cầu nguyện

Bất cứ khi nào cũng cầu nguyện cũng được cả: ngày lẫn đêm, khi vui như khi buồn, khi đi chợ hay đi học, khi ngoài đường hay trong nhà,…

Trong ngày, có rất nhiều khoảng thời gian ta có thể cầu nguyện được nhưng ta không biết tận dụng đó thôi. Khi dừng xe lại chờ đèn đỏ, khi đi lên cầu thang, trên đường đi làm, khi chờ kẹt xe, khi đi mua thứ gì đó – thì đã có thể đọc được 1 kinh Lạy Cha hay Kính Mừng rồi. Khi giặt đồ, xếp đồ, lau nhà, quét sân có thể lần được cả chuỗi Mân Côi, hay cả chuỗi Lòng Chúa thương xót ấy chứ!

 

Lời Chúa là lý thuyết, cầu nguyện – bác ái – hi sinh là thực hành. Thực hành không có lý thuyết dễ dẫn đến sai lầm, lý thuyết mà thiếu thực hành dễ hiểu sai, hiểu chưa tới. Hãy kết hợp thực hành và lý thuyết để trọn lời Chúa dạy.

Hoặc Chúa là người gieo hạt giống, hạt giống là đức tin, cầu nguyện là phân bó. Hạt giống mà không phân bón dễ bị chết đi, dễ bị còi cọc, không phát triển bình thường. Vì thế, hãy kết hợp hạt giống và phân bón để sinh hoa kết quả.

 

 

Phê-rô Nguyễn Kim Tân

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072