Chính thống giáo Hy Lạp không muốn dự buổi cầu nguyện đại kết với Giáo hoàng

by Phanxicovn

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2021/12/chinh-thong-giao-696x305.jpg

cath.ch, I. Media, 2021-11-28

Tổng giám mục Theodore Kontidis, tòa giám mục la-tinh của A-ten giải thích lý do vì sao sẽ không có cử hành đại kết chung ở Hy Lạp – không giống như Síp – trong chuyến tông du của Đức Phanxicô từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 12 năm 2021.

Được bổ nhiệm làm tổng giám mục la-tinh của A-ten tháng 7 vừa qua, tổng giám mục Theodore Kontidis có cha mẹ là người Chính thống giáo và Công giáo, ngài nói về thiểu số Công giáo ở Hy Lạp (dưới 1%) giáo hoàng sẽ gặp ở đây.

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2021/12/mgrtheodore-kontidis-736x1440-432x480.jpg

Tổng giám mục Theodore Kontidis © Trang Facebook Thánh Gioan Tẩy giả, Cộng đồng Công giáo vùng nói tiếng Pháp Psychiko – A-ten

Giáo hoàng sẽ gặp tổng giám mục Chính thống giáo A-ten Hieronymus II. Nhưng vì sao không có cử hành chung như đã dự trù trong chuyến đi này?

Tổng giám mục Theodore Kontidis: Người Chính thống giáo không muốn điều này. Đó là đường hướng họ áp dụng ở Hy Lạp. Theo họ, cầu nguyện, cử hành Thánh Thể, biểu thị sự hiệp nhất hoàn toàn. Nhưng vì không có thỏa thuận về tất cả các điểm, họ cảm thấy không thể giả vờ như không có khác biệt tồn tại. Họ không muốn tham gia vào các buổi cầu nguyện chung. Tuy nhiên, sẽ có các đại diện của Chính thống giáo tham dự trong thánh lễ Đức Phanxicô cử hành ngày 5 tháng 12. Họ có thể tham dự nhưng không tham gia vào một lễ kỷ niệm chung.

Liệu chuyến đi này có thể thay đổi sự việc ở cấp độ này không?

Chuyến đi này là một bước đi tới việc đến gần nhau. Giáo hoàng bày tỏ sự gần gũi và quý trọng của ngài. Ngài có thái độ quan tâm đến người khác, đến gặp họ, biết họ, nghe họ.

Đâu là thực tế của Tổng giáo phận A-ten mà giáo hoàng thăm viếng?

Ở A-ten, đây là một bối cảnh đặc biệt vì giáo phận chúng tôi bao gồm toàn bộ cộng đồng người hải ngoại: Mười hai giáo xứ trải rộng, đây không phải là các giáo xứ của khu vực, một số giáo xứ cách thủ đô 150 km. Các gia đình rất phân tán trong một môi trường chính thống. Số giáo sĩ lên đến bốn mươi linh mục, gồm các tu sĩ. Chúng tôi cũng có các cộng đồng tôn giáo, học viện Công giáo, những tổ chức có lịch sử lâu đời ở đây.

Ở Hy Lạp, sự có mặt của người Công giáo tập trung ở một số vùng nhất định, trên các đảo, ở A-ten, ở Salonika. Một số khu vực không có người Công giáo trước khi có người di cư đến trong những năm gần đây.

Người công giáo ở Hy Lạp đến từ nhiều nguồn gốc và nền văn hóa khác nhau. Họ có gần nhau không?

Trên thực tế, người Công giáo gốc Hy Lạp chỉ là một thiểu số trong số người Công giáo Phi Luật Tân, Ba Lan, Albania và thậm chí cả Nigeria… Chúng tôi cũng có các cộng đồng theo nghi thức Byzantine và Armenia. Đây là một thách thức để tìm thấy sự thống nhất trong bối cảnh đa sắc dân này. Vượt lên các khó khăn, tôi xem đây là cơ hội để hiểu điều gắn bó chúng ta là đức tin. Chính yếu là đức tin nơi Chúa Giêsu, nền tảng của sự hiệp nhất, của tình huynh đệ chúng ta.

“Một số khu vực không có người Công giáo cho đến khi những người di cư đến trong những năm gần đây.”

Người Công giáo mong chờ giáo hoàng như thế nào?

Họ mong chờ ngài trong niềm vui. Sự hiện diện của ngài giữa chúng tôi là ngày lễ hội, là sự kiện phi thường ở một đất nước mà gần như toàn bộ dân số là người Chính thống giáo. Tôi hy vọng chuyến đi của ngài sẽ là lời kêu gọi đức tin cho những người gần gũi với Giáo hội, nhưng cũng là lời kêu gọi cho những người đã rời xa, và lời kêu gọi đoàn kết giữa người Công giáo. Chuyến đi này cũng là một cánh cửa mở ra với thế giới Kitô giáo. Có lẽ người Chính thống giáo và người Công giáo chưa hiểu đủ nhau và dịp này chúng ta khám phá chúng ta có cùng đức tin, cùng truyền thống.

Mối quan hệ với Chính thống giáo như thế nào?

Lịch sử đã tạo ra khác biệt, đôi khi là thù địch giữa người Công giáo và người Chính thống giáo. Một số ở lại với di sản này và rất tiêu cực, họ không muốn nhìn thấy người kia là người anh em trong đức tin, họ nói về một Giáo hội dị giáo, hoặc về những kẻ phân biệt, họ nghĩ rằng tốt hơn là không nên tiếp xúc với nhau. Thái độ cứng nhắc và khép kín đối với giáo phái khác hiện diện trong tất cả các Giáo hội, nhưng mạnh hơn trong Chính thống giáo hiện nay so với Công giáo sau Công đồng Vatican II. Là người con sinh trong một gia đình hỗn hợp, tôi biết cả hai bên đều có di sản phong phú và việc chia sẻ di sản này sẽ sinh ích cho Giáo hội Hoàn vũ rất nhiều.

“Người dân ở các nước theo Chính thống giáo dường như cũng cự lại được với thế tục hóa tốt hơn, họ gắn bó hơn với truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác.”

Hai Giáo hội có thể mang lại gì cho nhau?

Đối với chúng tôi, thật là phong phú khi thấy cách người Chính thống giáo sống đức tin của họ, cách họ cử hành các bí tích, cách họ chăm sóc người anh em. Ở cấp độ cấu trúc Giáo hội, họ nói nhiều về tính đồng nghị. Đó là lý do vì sao họ không muốn có giáo hoàng. Họ nghĩ điều này làm mất đi hoặc làm giảm đi sự tự do của các Giáo hội địa phương. Người dân ở các nước theo chính thống dường như cự lại được với thế tục hóa tốt hơn, họ gắn bó hơn với truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác

Mặt khác, người Công giáo thấy dễ dàng hơn trong việc tiếp tục cải cách khi hoàn cảnh xã hội hoặc lịch sử yêu cầu. Điều này có thể hay cho người Chính thống giáo để họ thấy Giáo hội Công giáo đã thể hiện các cải cách như thế nào. Nếu chúng ta hiểu nhau hơn, thì sẽ giúp chúng ta hiểu hơn điều gì là thiết yếu cho đức tin của chúng ta, và phân biệt điều gì là thiết yếu và điều gì không.

Giám mục Theodore Kontidis

Sinh ngày 11 tháng 3 năm 1956 tại Thessaloniki, Hy Lạp. Học triết học và sau đó là thần học tại Giáo hoàng Học viện Gregorian ở Rôma.

Ngày 3 tháng 10 năm 1983, ngài vào Dòng Tên và sau khi xong phần đào tạo thiêng liêng, ngài tiếp tục học thần học ở Louvain, Bỉ.

Ngày 9 tháng 10 năm 1988, ngài được tổng giám mục A-ten Nikólaos Fóskolos phong chức linh mục tại Nhà thờ Thánh Tâm A-ten. Ngài có chứng chỉ thần học ở Trung tâm Sèvres ở Paris.

Ngày 12 tháng 3 năm 1995, ngài khấn trọn ở Dòng Tên. Sau đó ngài lo mục vụ ơn gọi và Bề trên cộng đồng Dòng Tên ở A-ten.

Từ năm 2021, ngài là cha sở của giáo xứ Thánh Anrê ở Patras. Được bổ nhiệm làm tổng giám mục la-tinh của A-ten tháng 7 vừa qua và được tấn phong ngày 18 tháng 9.

Marta An Nguyễn dịch

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072