Clip suy niệm Chúa nhật 2 MC A

 

{youtube}FDK6UCddiUg{/youtube}

 

Các tông đồ không ngừng ngạc nhiên về Thầy của họ. Hằng ngày họ vẫn sống với Thầy, nghe Thầy giảng dạy, thân tình và bình thường, nhưng hôm nay, họ khám phá ra nơi Thầy của họ một chiều kích bất ngờ và thật thú vị.

Ngài dẫn ba người Ngài chọn lên núi với Thầy. Ba người này sẽ có mặt trong vườn cây dầu, và sẽ chứng kiến một chiều kích khác nữa của Ngài, là con người thống khổ tột độ, van xin họ thức với Thầy một giờ.

Thầy trò lên núi cao, vắng lặng, xa tất cả mọi người, xa những ồn ào của những ngày bị đám đông bao vây. Và trong nơi thanh vắng đó, họ khám phá ra Thầy trong khuôn mặt tuyệt vời: dung nhan Người chói lọi như mặt trời… Họ được đưa vào trong một thế giới khác, thế giới của riêng Thầy, của vinh quang khôn tả của Người Con Một, đầy ân sủng và chân lý.

Chúng ta tin Chúa, nhưng chưa bao giờ chúng ta khám phá được khuôn mặt thật của Ngài. Chúng ta chỉ nhìn thấy những dấu hiệu, và chỉ biết Ngài sơ sài, nông cạn. Làm sao khám phá ra khuôn mặt thật của Thầy?

Chúng ta hãy lên núi cao, nơi vắng lặng, nơi mà chỉ có riêng một mình Thầy với ta. Núi cao hôm nay của chúng ta không phải là ngọn núi nào, mà trong một nơi không còn tiếng ồn ào náo nhiệt của tivi, điện thoại, con người, công việc… Một góc nhà thờ, một bờ sông, một căn phòng im lặng… Chúng ta sẽ thấy được dung nhan Ngài. Ngài sẽ tỏ cho chúng ta thấy khuôn mặt đáng yêu của Ngài. Ngài sẽ nói với chúng ta như đã nói với tiên tri Hôsê: “Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình… Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu… Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa”. (Biết ở đây có nghĩa là yêu).

Có những lời nào ngọt ngào hơn nữa không? Có những lời nào đầy ắp tình yêu như thế không?

Đó là khuôn mặt thật của Chúa chúng ta, Thiên Chúa Tình Yêu. Chúng ta cần khám phá ra khuôn mặt đáng yêu đó, chúng ta mới nếm được sự êm dịu ngọt ngào của Thiên Chúa. Đức tin của chúng ta sẽ ấm lên trong ta. Chúng ta sẽ thấy muốn ở lại với Ngài mãi, như Phêrô: “Thưa Thầy, ở đây thật tuyệt vời! Xin Thầy cho chúng con dựng ba lều…” Chúng ta muốn nếm được sự êm dịu đó không? Hãy can đảm đi vào vắng lặng, chỉ chú tâm đến một mình Chúa thôi.

Phêrô, khi khám phá khuôn mặt vinh quang của Chúa, ông đã muốn ở lại với Thầy mãi, không muốn trở về với cuộc sống hằng ngày nữa. Ông muốn kéo dài, vui hưởng hạnh phúc với Thầy mãi. Ông đã sống những giây phút tuyệt dịu với Thầy, ông không còn muốn điều gì khác. Nhưng đây chỉ là một dấu chỉ, một nếm trước mà thôi. Còn nhiều việc phải làm, còn nhiều giai đoạn phải trải qua. Thị kiến đã hết, bây giờ phải xuống núi, phải bước vào giai đoạn quyết liệt: “Con Người sẽ bị nộp, sẽ chết… và ngày thứ ba, sống lại”.

Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể vẫn đang rất gần chúng ta, nhưng chúng ta quá xa Ngài. Hãy đến, hãy ở lại với Ngài như Ngài vẫn nài nỉ chúng ta: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Thiên Chúa phải nài nỉ chúng ta như thế sao? Có cái gì mà Ngài không làm để chứng tỏ tình thương của Ngài, nhưng chúng ta có chú ý đến Ngài đâu! Chúng ta chạy theo đủ các thứ thần tượng trần thế: minh tinh màn bạc, siêu sao bóng đá, ca sĩ ăn khách… Ngài là ai đối với chúng ta?

Các thánh đã say mê Chúa Giêsu, quỳ lâu giờ dưới chân Chúa, thâu đêm như Cha Charles de Foucauld và rất nhiều thánh khác. Sao chúng ta không thử ở lại với Chúa một vài phút sau khi ăn lấy Chúa? Sao chúng ta không mang Chúa vào cuộc sống, làm việc với Chúa, lao động với Chúa, phục vụ mọi người với Chúa. Biết bao nhiêu cách để gần gũi với Ngài.

Có lẽ chúng ta nói rằng, các tông đồ được diễm phúc hơn chúng ta, được thấy Ngài, còn chúng ta, chúng ta chỉ thấy dấu hiệu. Phải, nếu chúng ta chỉ thấy dấu hiệu, thì cũng đủ để chúng ta thấy Ngài. Nhưng chúng ta có ở lại với Ngài đâu! Chúng ta bận bịu đến nỗi không còn một giây phút nào để ở với Ngài. Chúng ta đủ lý do để từ chối Ngài. Chỉ vì chúng ta không yêu Ngài. Những người yêu nhau không bao giờ cảm thấy đủ thời giờ ở bên nhau. Đối với họ, thời giờ sao quá nhanh. Còn chúng ta, chúng ta cứ thấy thời gian quá dài khi đến với Chúa. Tình yêu của chúng ta là như thế sao? Những người yêu nhau , dù bận bịu thế nào, cũng tìm cách liên lạc với nhau. Vắng là nhớ là thương. Họ tìm mọi cách để gặp nhau, để chuyện trò, không cách này thì cách khác, phải nói với nhau cái gì đó… nhắn tin, điện thoại, thư từ… Một tiếng nói yêu thương thôi cũng đủ. Chúa Giêsu, bất cứ lúc nào cũng có thể gặp được, không cần điện thoại hay một phương tiện nào, sao chúng ta không tìm cách liên lạc với Ngài? Sao chúng ta không nói với Ngài những tiếng nói yêu thương? Ngài xa lạ lắm sao?

Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể vẫn là Chúa Giêsu trên đỉnh núi, vẫn là Chúa Giêsu sáng chói như mặt trời, vẫn là Chúa Giêsu được Chúa Cha công nhận: “Này là Con yêu dấu của Ta, các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Chúng ta tưởng hôm nay, Ngài chỉ là tấm bánh nhỏ thôi sao? Ngài vẫn là Đấng tràn đầy ân sủng, tràn đầy chân lý. Ngài vẫn là Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi trở nên một tấm bánh nhỏ vì chúng ta, để nuôi dưỡng những con người li ti nhỏ hèn là chúng ta, thế mà chúng ta đã đối xử tệ với Ngài, không chú ý đến Ngài, và vô tình lạnh nhạt một cách có thể nói là tàn nhẫn. Chúng ta có đạo không? Chúng ta có tin không? Chúng ta hà tiện một tiếng nói, một ánh nhìn sao?

Trên đỉnh núi đó, Môsê và Êlia xuất hiện, đàm đạo với Ngài. Hai tổ phụ quan trọng đó đại diện cho Lề Luật và tiên tri đã đến, điều đó chứng tỏ Chúa Giêsu gồm tóm nơi Ngài cả hai nền tảng của Cựu Ước. Ngài kiện toàn Lề Luật và thực hiện những gì các tiên tri đã báo trước. Ngài là điểm quy tụ của cả hai dòng lịch sử, Ngài là trung tâm của mọi hồng ân, của ơn cứu rỗi. Vì thế Chúa Cha đã bảo chúng ta: “Hãy lắng nghe lời Ngài”.

Chúng ta có nghe lời Người Con Yêu Dấu của Chúa không? Nghe như thế nào? Nghe với tất cả tình yêu hay lơ đảng, chán buồn?

Lời Chúa là ánh sáng. Hãy để cho ánh sáng thần linh đó rọi chiếu vào trong u tối của chúng ta, cuộc sống chúng ta sẽ trở nên rực sáng niềm vui và can đảm. Ngài đã tỏ vinh quang phục sinh trước khi Ngài bước vào cuộc tử nạn tăm tối, nhờ đó, khi nhục nhã phủ đầy, các tông đồ mới nhận ra khuôn mặt đau thương của Ngài, Đấng xóa tội trần gian, người đầy tớ của Thiên Chúa, chết cho muôn người, mà tiên tri Isaia đã báo trước. Vì thế, khi xuống núi, Ngài căn dặn các môn đệ, đừng nói cho ai biết về thị kiến kẻo gây hiểu lầm. vì giờ của Ngài chưa đến.

Hôm nay, tham dự vào hiến tế này, chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu với cái nhìn của các tông đồ trên đỉnh núi, một cái nhìn say mê, và hãy ước mong sống với Ngài mãi mãi, dù cuộc sống chúng ta không dễ dàng, dù mọi sự đều trở nên thập giá. Hãy như Phêrô, xin cất ba lều để chúng ta không tách rời Ngài ra khỏi cuộc sống trần gian của chúng ta. Liên kết bền chặt với Ngài vì chính Ngài đã liên kết chúng ta trước.

 

 

Lm Trầm Phúc

Nguồn: giaophanmytho.net

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072