Clip suy niệm Chúa nhật 8 TN A

 

{youtube}wPMLhH5HYRA{/youtube}

 

Với đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta được đặt trước một vấn đề nghiêm trọng nhất của cuộc sống Kitô hữu: chọn Chúa hay Tiền bạc.

Đây là một chọn lựa nghiêm trọng mà gần như không mấy khi chúng ta để ý. Chúa Giêsu nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ… vừa làm tôi Chúa vừa làm tôi tiền bạc”. Nói như thế, dường như Chúa Giêsu đặt tiền bạc ngang hàng với Thiên Chúa, như một đối thủ của Thiên Chúa, đang lúc đó nó chỉ là một tạo vật như mọi tạo vật khác. Chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến quyền lực của tiền bạc mãnh liệt như thế nào.

Đúng thế, đồng tiền hôm nay đang bá chủ hoàn cầu, chế ngự thế giới. Nó có mặt trong mọi lãnh vực của cuộc sống con người, cả trong những tu viện, cả trong nhà thờ. Trên những phương tiện truyền thông nó trở thành siêu sao, không lúc nào người ta không nói đến tiền bạc. Ai cũng nô nức chạy theo nó, thậm chí nhiều người và rất nhiều người tôn thờ nó như chúa tể. Thánh Phaolô xem việc ham mê tiền bạc, của cải là tôn thờ ngẫu tượng. Người nghèo thì ước muốn, người giàu thì muốn vơ vét thêm. Gần như nó trở thành trung tâm của vũ trụ, đang lúc nó chỉ là phương tiện. Nó như con bạch tuột khổng lồ, bám vào mọi vật, mọi người.

Không lạ gì người ta ham mê tiền bạc vì nó giúp người ta làm được mọi sự: xây cất dinh thự, mua sắm, hưởng thụ… Có tiền là có mọi sự. Nó giúp cho người ta thành công và được danh giá. Trong xã hội hôm nay, người giàu được tôn trọng, người nghèo bị loại trừ. Những người giàu khoe khoang sự giàu sang của mình trước những người nghèo khổ. Làm như không có nó người ta không thể sống nổi.

Chúa Giêsu biết mãnh lực của đồng tiền. Ngài cảnh báo chúng ta. Đồng tiền là một phương tiện, nhưng nó được tôn vinh như chúa tể. Khi đã chiếm được một con người, đồng tiền sẽ làm cho họ khô héo con tim và biến họ thành một thứ dã thú ghê tởm hơn dã thú trong rừng. Họ không còn biết gì khác ngoài nó, và dùng mọi phương tiện có thể để có tiền nhiều hơn. Những cảnh bóc lột dã man diễn ra hằng ngày trước mắt chúng ta, trong mọi lãnh vực. Cũng vì tiền mà thế giới này trở thành một chiến trường man rợ. Tại sao có chiến tranh? Chỉ vì lợi lộc, vì kinh tế. Không ai phủ nhận điều đó, nhưng cũng không ai ngăn cản được. Thế giới của chúng ta hôm nay đang tôn thờ đồng tiền. Chúng ta có thờ tiền không?

Chúa bảo chúng ta không thể làm tôi hai chủ, nhưng hình như chúng ta vẫn làm tôi hai chủ: thờ Chúa mà thờ cả tiền. Ai trong chúng ta cũng quả quyết rằng: “tôi thờ Chúa, tôi không thờ tiền”, nhưng không dễ dàng như thế đâu. Chúng ta không dứt khoát, cứ muốn bắt cá hai tay. Muốn chọn Chúa nhưng cũng muốn ôm tiền. Đó là vấn đề nan giải của chúng ta. Người Công giáo chúng ta khôn ngoan lắm vì đã được học giáo lý, biết cân nhắc hơn thiệt, tuy không khôn bằng con cái thế gian, nhưng cũng biết thủ. Cho thì đắn đo, cân nhắc. Có mấy người như bà góa nghèo trong Tin Mừng? Bà góa đó chính là gương mẫu tuyệt vời của chúng ta. Bà đã dứt khoát chọn Chúa, dám cho hết, không cần ngày mai, chỉ biết tin Chúa thôi. Ai trong chúng ta dám làm như bà?

Vũ trụ này chỉ có một ông chủ là Đấng tạo nên nó, nhưng có một ông chủ khác muốn chiếm đoạt tất cả đó là Tiền. Phải chọn một, Chúa Giêsu muốn chúng ta chọn một cách rõ ràng, không ởm ờ: Chúa hay tiền. Hai ông chủ này không thể đội trời chung.

Chúa Giêsu đặt chúng ta trước một chọn lựa gay go và quyết liệt. Phải có một quyết định rõ ràng. Chúa Giêsu không muốn chúng ta tránh né. Chúng ta nghĩ sao?

Giuđa đã chọn tiền và hậu quả chúng ta biết rồi. Thế giới này đang thờ tiền. Hậu quả đang diễn ra trước mắt chúng ta: tham tàn, bóc lột, chiến tranh, hận thù…

May thay cũng còn có một số người dám chọn Chúa, dám cho đi một cách quảng đại, nhưng vẫn còn quá ít. Thánh Phanxicô Assisi, buông bỏ tất cả gia sản và một cuộc sống giàu sang, chỉ một chiếc áo dính da. Thánh Bênêđictô Labơrơ cũng vậy, lang thang trên mọi nẻo đường, chỉ một chiếc áo dính da thôi và các tu sĩ trong các tu viện… Họ đã chọn phần nhất hảo là chính Chúa. Xin cho chúng ta là những kẻ tin, dám chọn Chúa một cách thành thật và quyết liệt. “Chúa là phần gia nghiệp của con”.

Tại sao chúng ta không dám chọn Chúa? Vì chúng ta không dám tin vào tình yêu của Chúa. Chúng ta tưởng rằng chính chúng ta làm ra sự nghiệp chứ không phải Chúa ban. Chúa Giêsu bảo chúng ta: “Anh em đừng lo ăn lo mặc…” Câu nói này đã gây thắc mắc cho nhiều người, nhất là những người nghèo. Họ lý luận: “Lo đêm lo ngày còn không đủ ăn, không lo làm sao sống được?”. Không có Chúa thì dù lo đêm lo ngày cũng không đủ ăn: “Nếu Chúa không xây nhà thì thợ cũng luống công”. Nếu Chúa không ban cho thì ai sẽ làm được gì?

Hơn nữa, Thiên Chúa là người Cha đầy tình âu yếm, luôn lo lắng yêu thương chúng ta mà chúng ta không biết. Chính Chúa nói qua miệng tiên tri Isaia: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta chẳng quên ngươi bao giờ”. Không phải chỉ một lần mà nhiều lần, qua các tiên tri, Chúa đã tỏ cho chúng ta biết, Chúa thương chúng ta như thế nào. Thế mà chúng ta vẫn không biết. Thật đáng buồn! Vì thế nhiều người đã trách Chúa, tại sao Chúa để con nghèo khổ, đói rách mà không thương con!

Chúa Giêsu cho chúng ta thấy, tình yêu của Chúa Cha không chỉ lo cho chúng ta mà lo cho cả những con chim nhỏ, những bông hoa ngoài đồng, và chính Chúa cũng nói: “Anh em chẳng quí giá hơn chúng sao?” Thế mà chúng ta cũng không hiểu. Chúng ta vẫn không thể tin vào tình thương của Cha trên trời! “Ôi! Những kẻ kém lòng tin!”

Thiên Chúa không tạo ra cái nghèo. Chính con người, vì lòng tham, đã khai thác anh em mình và đẻ ra cái nghèo. Những phương pháp của con người như kinh tế thị trường, toàn cầu hóa là những máy tinh vi sinh ra người nghèo. Chúng ta đừng vội trách Chúa mà phải thấy sự tàn ác của con người. Những nước giàu thì phung phí một cách vô ý thức, đang lúc đó lại chiếm tất cả những nguồn lợi của các nước nghèo. Vậy ai làm cho chúng ta nghèo? Chắc không phải là Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đòi buộc một điều kiện là tin vào tình thương của Cha trên trời. Nếu chúng ta thực sự tin vào Chúa thì không bao giờ chúng ta thất vọng, nhưng chúng ta không tin, cũng không cố gắng. Người nghèo thường trách Chúa, nhưng chính cuộc sống buông thả của họ làm cho họ khốn khổ. Nhiều người nghèo mà xài sang, không biết tiết kiệm, làm được đồng nào là nhậu nhẹt, làm sao có thể sống được? Gia đình chỉ sống bằng tiền nợ thì làm sao không khốn khổ?

Hơn nữa Chúa Giêsu đòi hỏi: “Trước tiên hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người”. Chúng ta có tìm Nước Thiên Chúa không? Nước Thiên Chúa là Nước Tình Yêu. Người giàu tìm Nước Thiên Chúa bằng chia sẻ, người nghèo tìm Nước Thiên Chúa bằng nếp sống siêng năng cần mẫn. Như thế, chúng ta sẽ tạo nên một thế giới hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc.

Nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta thấy gì? Ngài là chủ tể mọi loài, nhưng khi đến trần gian, mang lấy thân phận con người vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Ngài đã chọn cuộc sống nghèo. Sống với hai bàn tay trắng. Ngài hoàn toàn tự do đối với tiền bạc. Ngài chỉ sống theo ý Cha, chỉ tìm kiếm Nước Thiên Chúa thôi. Nhìn Ngài để sống và sống tự do. Hãy bẻ gãy xiếng xích của tiền bạc, chúng ta mới tự do thanh thoát.

Chúa Giêsu, Thiên Chúa nghèo. Ngài nghèo đến mức độ không còn gì để cho. Hôm nay Ngài càng nghèo hơn khi trở thành tấm bánh để nuôi chúng ta. Nhưng chính Ngài lại là hạnh phúc cho những ai dám sống như Ngài, chỉ sống vì yêu thương, và yêu thương đến tận cùng. Ăn lấy Ngài để yêu mến Ngài hơn, chúng ta mới có thể hạnh phúc. Vì bộ mặt thế gian này qua đi, nhưng Chúa luôn còn mãi, và chỉ có Chúa mới là sự giàu sang sung mãn thực sự, vì Ngài là Tình Yêu.

 

Lm Trầm Phúc

Nguồn: giaophanmytho.net

 

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072