Clip suy niệm Chúa nhật Chúa thăng thiên năm A

 

{youtube}EHOg97cfIxU{/youtube}

 

Rồi cái gì cũng phải kết thúc, nhưng rồi tiếp nối bằng giai đoạn khác. Cuộc thăng thiên của Chúa Giêsu là một kết thúc để mở ra một giai đoạn mới: “Anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…” Một sứ mệnh, một công trình lớn lao không thể hiểu được. Ngài tin cậy vào một nhóm người không ra gì trước mặt thế gian, trao cho họ nối tiếp công trình vĩ đại của Ngài. Ngài nghĩ thế nào thì chúng ta không hiểu được, nhưng Ngài đã làm như thế.

Đối với chúng ta, những con người nhỏ bé và mong manh, sứ mệnh trao ban quá lớn lao, nhưng đối với Ngài, Ngài được trao toàn quyền trên trời dưới đất thì có gì là lạ? Ngài trao cho các môn đệ sứ mệnh, nhưng Ngài vẫn ở với họ mọi ngày cho đến tận thế. Ngài lại xin Cha ban cho họ Đấng Bảo Trợ để dạy dỗ nâng đỡ họ thì đó là bảo đảm. Những ai bi quan về tương lai của Giáo Hội là những người không thấy được sự hiện diện vô hình của Ngài trong Giáo Hội. Chỉ nên bi quan khi chính chúng ta là những người đã là môn đệ, không đủ trung thành, không đủ can đảm để dấn thân thôi.

Những lời hứa của Ngài đều được thực hiện. Ngài sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, làm cho mọi người trở thành môn đệ, nhưng họ không cô đơn, họ không chiến đấu một mình. Họ lại được ban toàn quyền như Ngài đã được. Họ tha tội, làm cho Chúa hiện diện trong Thánh Thể… “ Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em”. Đó là sứ mệnh của Giáo Hội cho đến tận thế.

Hôm nay, mừng mầu nhiệm Chúa lên trời, chúng ta trở về lại với các môn đệ, tìm hiểu phản ứng của họ và định hướng tâm hồn chúng ta.

Thánh Luca, trong đoạn đầu sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu đã chuẩn bị tất cả trước khi rời các ông mà lên trời. Ngài cho thấy Ngài vẫn sống sau khi đã chịu khổ nạn. Ngài hứa ban cho họ Thánh Thần, Ngài tiếp tục dạy dỗ họ về Nước Thiên Chúa. Chúng ta thấy rằng Ngài đã dự trù cho họ tất cả những gì cần thiết để bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn làm chứng cho Ngài. Nhưng hình như các ông vẫn chưa hiểu phải làm gì và thánh Luca nói là có một số còn chưa tin, một số khác thì mong Ngài khôi phục nước Itraen. Họ chưa cóThánh Thần. Họ đang đứng nhìn trời và hai người xuất hiện và bảo họ: “ Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời ?”

Nuối tiếc chăng?

Chắc hẳn là nuối tiếc vì khi có Thầy ở với họ, mọi sự đều yên vui, vững chắc, nhất là trong thời gian Thầy đã sống lại. Niềm vui đang rộn ràng trong lòng họ. Mộng ước của họ đã hoàn thành. Mặc dù Thầy không hiện diện bằng xương bằng thịt với họ nữa, nhưng họ không còn lo sợ mà hy vọng tràn trề. Họ vững tin.

Nhưng giờ đây, Thầy ra đi vĩnh viễn…Thầy không còn hiện diện để dạy dỗ, căn dặn, nâng đỡ nữa. Họ còn nhớ những lời hứa của Thầy: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em… Thầy đi, Thầy sẽ sai Thánh Thần đến với anh em…Đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian”. Thế nhưng,Thầy ra đi vẫn là một mất mát lớn. Thầy hiện diện như một bảo đảm, giờ đây phải đợi Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”. Thời gian nầy chính là sống trong chờ đợi, một sự chờ đợi tích cực: anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Không khoanh tay ngồi trông ngóng, mà ra đi. Cánh đồng lúa đã chín và phải ra tay.

Chúa Giêsu đã xuống để gánh tội trần gian. Ngài lên trời, không phải để bỏ trần gian mà để cứu vớt trần gian, mở rộng cửa Nước trời cho chúng ta. Từ nay con người có thể ngước nhìn lên trời và tin cậy. Cửa trời rộng mở. Con người có thể vượt thắng tội lỗi để bước vào hạnh pbúc đời đời.Hy vọng vẫn không tắt.

Các môn đệ đã giữ được ngọn lửa hy vọng đó và đã chấp nhận ra đi thực hiện lời Chúa nói với các ông: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp cá miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất”. Chúng ta có hiểu được những gì Chúa đang chờ đợi nơi chúng ta không? Chúng ta là nhân chứng của Ngài. Nhân chứng, chúng ta không cất giữ bằng chứng trong một chiếc hộp và cất kỷ trong tủ. Chúng ta mang nó trong chính con người chúng ta, qua từng hành động. Bằng chứng đó chính là tình yêu.

Chúa Giêsu đã yêu trần gian và đã chết cho trần gian, Ngài muốn chúng ta làm chứng cho Ngài cũng bằng tình yêu, và có thể đưa đến cái chết như Ngài. Các thánh tử đạo từ bao nhiêu thế kỷ đã trưng ra bằng chứng cụ thể bằng chính những đau khổ và cái chết của các ngài. Hôm nay, những cuộc bách hại đẫm máu trong khắp thế giới cho chúng ta thầy rằng, người kitô hữu vẫn kiên trung làm chứng cho Chúa trong khốn khổ, trong bách hại. Đó là một cách làm chứng cao cả nhất.

Nhưng chúng ta không được gọi để làm chứng bằng cái chết hay bằng khổ hình. Chúng ta làm chứng một cách cụ thể trong đời sống hằng ngày, bằng những việc làm thật nhỏ bé nhưng không kém anh hùng, đó là sống phục vụ yêu thương. Chúng ta đang sống trong một thế giới có thể nói là văn minh nhưng man rợ hơn bất cứ lúc nào. Con người càng tinh vi trong kỹ thuật thì càng tinh vi trong gian ác. Các nước giàu bóc lột những nước nghèo, những người giàu có khai thác mồ hôi nước mắt của người nghèo, tạo ra một thế giới vô cùng độc ác. Trong một thế giới không còn tình thương, Chúa muốn chúng ta, người công giáo, phải làm chứng cho tình yêu của Ngài bằng tình yêu thực sự, không giả dối. Đó là bằng chứng hùng hồn nhất mà Chúa muốn chúng ta thể hiện hằng ngày trong cuộc sống chúng ta.

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã nói và đã sống ơn gọi của chị bằng tình yêu: “ Ơn gọi của em là yêu thương”. Mẹ Têrêxa Calcutta cũng sống như thế giữa thế gian và đã tạo nên một làn sống yêu thương trên khắp thế giới. Đức Thánh Cha Phanxicô của chúng ta đang đi vào con đường chứng nhân đó qua hành động cụ thể của Ngài. Và biết bao nhiêu người vô danh hiện nay đang làm chứng cho Chúa trong âm thầm nhưng rất cụ thể: “Anh em hãy đi khắp thế gian…” Chúng ta không thể đi khắp thế gian, nhưng mỗi người chúng ta là một nhân chứng cho Chúa, thì lời Chúa sẽ được thực hiện mọi nơi, nơi nào có người dám sống cho tha nhân, dám yêu thương thực sự.

Chúa không đòi chúng ta làm những việc phi thường, nhưng những việc tầm thường nhất được thực hiện trong yêu thương vẫn là bằng chứng cụ thể cho Chúa chúng ta là Thiên Chúa Tình Yêu.

Chúa Giêsu thăng thiên đã hoàn tất công việc cứu chuộc của Ngài, và chúng ta là những kẻ tiếp nối công trình cứu chuộc đó.Và đó là sứ mệnh của mỗi kitô hữu, không trừ ai.

Cộng đoàn phụng vụ của chúng ta đang cử hành hiến tế tạ ơn là một cuộc tập hợp gia đình của những người đã được tái sinh trong Chúa Kitô, được sống lại trong tình yêu Chúa, được nuôi dưỡng bằng chính của ăn thần linh là Mình Máu Chúa Giêsu, phải là những nhân chứng đích thực của Chúa giữa thế gian, vì chính Chúa sống trong ta, hoạt động trong ta, chúng ta chỉ là bàn tay của Ngài. Hãy là những nhân chứng đích thực không dối trá. Hãy ra đi trong thế giới con người, mang cho họ niềm vui của Chúa, tình thương của Ngài, đưa họ về với Đấng đã chết và sống lại cho họ.

 

Lm Trầm Phúc

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072