Clip suy niệm lễ kính thánh Giuse năm A

 

 

{youtube}IB1Ah5LDzwM{/youtube}

 

Nói về thánh Giuse, chúng ta gần như không có gì để nói. Sách Kinh Thánh chỉ dành cho ngài một chỗ quá nhỏ, như một người đóng vai phụ, không đáng chú ý. Nhưng thật sự, ngài là một nhân vật quan trọng trong lịch sử của Chúa Giêsu, ít nữa là trong thời thơ ấu. Chính thánh nhân đã mang lại cho Chúa Giêsu nguồn gốc vương giả để Ngài có mặt hợp pháp trong xã hội loài người và thực hiện đúng như lời Kinh Thánh qua miệng tiên tri Nathan nói với vua Đavít: “Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi, một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ cho vương quyền của nó được vững bền”. Lời này chỉ Chúa Giêsu, Đấng sẽ sinh ra bởi dòng tộc Đavít.

Điều này không mấy quan trọng, không do công nghiệp của thánh Giuse, cuộc đời của ngài mới quan trọng.

Thánh Giuse đã đính hôn với Maria, nghĩa là hai người được hai họ chính thức chấp nhận là vợ chồng theo tục lệ Do Thái. Thánh Matthêu không ngại dùng từ “chồng bà Maria” khi hai người chưa chung sống với nhau. Thánh sử cũng không dài dòng khi nói đến gốc tích của Chúa Giêsu,có lẽ ngài không muốn nói nhiều đến điều đó.

Maria đã được đính hôn, nhưng lại có thai trước khi được rước về nhà chồng. Đây phải chăng là một việc tối quan trọng đối với người chồng? Theo luật Môsê, Giuse có quyền tố giác Maria và nàng sẽ bị ném đá.

Matthêu chỉ nói ngắn gọn: “Giuse là người công chính, không muốn tố giác bà”.

Đối với chúng ta, thuật ngữ “người công chính” không gây một âm vang nào trong trí chúng ta. Đối với người Do Thái nó mang một ý nghĩa rất rõ ràng. Người công chính là người tin Chúa chân thành, người kính sợ Thiên Chúa, là người giữ Luật Chúa thật chính chắn và không gì đáng trách trước mặt mọi người. Thánh Phaolô gọi ông Abraham là người công chính theo nghĩa này.

Vì là người công chính, tức là có lòng nhân ái, Giuse không muốn tố giác Maria, người bạn mà ông hết tình yêu mến, nhưng đã bạc tình.

Chúng ta thử đặt mình trong hoàn cảnh của Giuse, chúng ta sẽ cảm thấy thế nào? Chúng ta làm gì?

Chắc chắn chúng ta sẽ theo cơn giận và làm bất cứ cái gì để trả thù người đã chà đạp tình yêu của chúng ta. Trên mặt báo hôm nay, chúng ta đọc không biết bao nhiêu chuyện như thế.

Người công chính làm như thế nào?

Giuse tha thứ và không muốn gây phiền hà cho Maria và định tâm âm thầm bỏ xứ. Một giải pháp khôn ngoan. Giuse biến mất, không ai biết ở đâu. Sau này, khi đứa bé chào đời, người ta nghĩ đó là con của Giuse, vì theo tục lệ Do Thái thời bấy giờ, khi đã được đính hôn, hai người có thể sống với nhau như vợ chồng, tuy không mấy người chấp nhận chuyện này.

Giuse không biết nguồn gốc của bào thai. Làm sao ông biết được rằng đây là công trình sáng tạo của Thiên Chúa?

Đúng lúc Thiên Chúa can thiệp. Ngài cho Giuse biết vai trò quan trọng của ông và nguồn gốc thần linh của em bé mà vợ ông đang cưu mang. Đứa bé đó được ban cho nhờ quyền năng của Thánh Thần Chúa chứ không do nguồn gốc nhân loại nào.

Nhiệm vụ được trao cho ông là đặt tên cho đứa bé, nghĩa là làm cha nó. Tên của đứa bé cũng không do ông chọn mà chính Thiên Chúa đã chọn sẵn: Giêsu nghĩa là Chúa cứu.

“Khi tỉnh giấc, Giuse đã làm như lời sứ thần Chúa truyền”.

Giuse đã tin, vì thế ngài đã vâng phục trọn vẹn. Ngài đã ân cần bảo vệ dưỡng nuôi Chúa Giêsu và Đức Mẹ và lặng lẽ chìm vào quên lãng, không ai hay, không ai biết. Ngài không đòi hỏi “một chỗ đứng trong mặt trời”, ngài chỉ biết phục vụ và lặng lẽ ra đi. Ngài chỉ là một bác thợ mộc ở Nadaret, nhưng ngài đã được tôn làm bổn mạng Giáo hội. Ngày xưa, Ngài đã bảo vệ gia đình Nadaret, hai kho tàng quý báu nhất là Chúa Giêsu và Mẹ Maria, ngày nay, ngài bảo vệ gia đình Giáo hội.

Đức Mẹ đã nói: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao những người phận nhỏ”. Thánh Giuse đã làm người phục vụ, hôm nay Giáo hội tôn vinh Ngài là Đấng bảo trợ. Ngài tiếp tục sứ mệnh của ngài là bảo trợ Giáo hội giữa những cơn sóng gió trần gian.

Thánh Giuse đã được tôn là thánh cả, không phải vì ngài đã làm những việc phi thường, mà vì ngài đã trung thành đến cuối cùng, vâng phục thánh ý Chúa một cách trọn hảo.

Ngài trở nên cao cả vì ngài đã hoàn toàn sống cho Chúa Giêsu, yêu mến dạy dỗ Chúa.

Trong đời thường, chúng ta nghĩ thánh Giuse là người thế nào? Ngài là một con người đạo đức, hiền lành dễ mến, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi cần. Nhưng lắm lúc chúng ta nghĩ ngài là một con người nghiêm nghị… Không, ngài vẫn có thể sống vui tươi với mọi người. Con người đạo đức không phải là con người nghiêm nghị. Ngài là một ông chủ gia đình vui tươi, biết hòa mình với mọi người hàng xóm…

Nhìn vào thánh Giuse, chúng ta hãy nhìn lại bản thân chúng ta.

Chúng ta có thể được gọi là công chính như thánh Giuse chưa? Là Kitô hữu, chúng ta phải nên thánh. Thánh Giuse là một gương mẫu sáng chói trên con đường nên thánh. Nên thánh trong sự nhỏ bé khiêm nhu, nên thánh bằng sự trung thành giữ luật Chúa. Trong Hiến Chế Giáo hội của Công Đồng Vatican II, chương V, Giáo hội kêu gọi và nhắc nhở mọi tín hữu phải nên thánh: “Tất cả các tín hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và theo đuổi sự trọn lành của bậc sống mình” (số 42).

Thánh Giuse dạy chúng ta nên thánh trong cuộc sống hằng ngày với những công việc tầm thường mỗi ngày, chấp nhận một cách sẵn sàng nhưng khó khăn của cuộc sống mà không kêu ca than oán.

Thánh Giuse đã nên thánh cả bằng cách săn sóc yêu thương Chúa Giêsu. Chúng ta có thực sự yêu thương săn sóc Chúa Giêsu như thánh Giuse không? Khi chúng ta rước Chúa, Ngài ở trong chúng ta, làm một với chúng ta, chúng ta có yêu thương săn sóc Ngài không? Hay chúng ta bỏ mặc Ngài, không nhớ không thương?

Chúng ta gần gũi với Chúa Giêsu hơn cả thánh Giuse. Ngài ở trong chúng ta, thân cận gần gũi, chúng ta có nên “đồng hình đồng dạng với Ngài không?

 

Lm Trầm Phúc

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072