Clip suy niệm lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm A

 

 

{youtube}BqUCAtSaz4o{/youtube}

 

Đạo Chúa là đạo tình yêu. Suốt quyển sách Kinh Thánh, chúng ta chỉ nghe thấy nói đến tình yêu. Và Kinh Thánh đã định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Tình yêu ấy đã được biểu lộ ra bằng muôn ngàn cách từ việc tạo dựng vũ trụ cho đến việc Chúa Giêsu xuống thế làm người, chết và sống lại…

 

Một em bé sáu tuổi đi nhà thờ với mẹ. Đứng trước tượng Thánh Tâm trong nhà thờ, em hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao trái tim Chúa ở ngoài vậy mẹ?” Bà mẹ đơn sơ đáp: “Để cho người ta nhớ rằng Chúa thương người ta”.

 

Hôm nay, Giáo Hội nhắc cho chúng ta nhớ đến Thánh Tâm Chúa Giêsu một cách đặc biệt vì có lẽ đúng như bà mẹ kia đã nói: vì người ta quên Chúa, quên tình yêu Chúa. Chúng ta cũng không sốt sắng gì hơn.

 

Nhiều người cho rằng tôn sùng Thánh Tâm là ủy mị, buồn chán, và bi thảm. Không thể như thế vì tình yêu Chúa là một tình yêu mãnh liệt hơn mọi tình yêu, quảng đại vô biên, là can đảm, vì dám chết cho bạn hữu. Một tình yêu như thế không thể gọi là ủy mị, mà là anh hùng. Có lẽ cũng có một số người nghiên về tình cảm, nhưng không vì thế mà cho là mềm yếu. Nếu chúng ta biết tội là gì, chúng ta mới hiểu được tình yêu Chúa Giêsu mạnh mẽ như thế nào. Nếu chúng ta biết tội lỗi đã tàn phá con người như thế nào chúng ta mới hiểu được tại sao Chúa phải đau đớn như thế. Vì Chúa là Tình Yêu, một linh hồn hư mất đối với Chúa là một đau đớn không thể hiểu nổi, vì thế Chúa đã dùng mọi phương cách để cứu vớt con người, kể cả cái chết đau đớn trên thánh giá. Chúng ta hãy nghĩ đến Chúa trong vườn Giếtxêmani, mướt mồ hôi máu thì có thể hình dung phần nào đau đớn tột cùng của Chúa, chưa nói chi đến cuộc tử nạn. Cảnh tượng đó cho chúng ta thấy, nỗi đau của Chúa Giêsu không là bên ngoài mà là một nỗi đau sâu thẳm từ bên trong, không thể hiểu nổi. Ngài chấp nhận những gì chúng ta phải chấp nhận vì tội lỗi chúng ta. Cầu xin cho chúng ta hiểu được tình yêu Chúa, để đáp lại một cách quảng đại; là từ chối tội lỗi bất cứ với giá nào và làm bất cứ điều gì để Chúa được yêu thương hơn.

 

Thánh lễ hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ đến tình thương vô bờ của Chúa. Tình thương ấy đến từ Chúa Cha là nguồn mọi tình yêu. Chúa Giêsu tỏ rõ điều đó vì “ Chúa Cha với Ngài là một”. Yêu mến Chúa Giêsu là yêu mến Chúa Cha. Chúng ta nhờ Chúa Giêsu để đến với Chúa Cha, vì Ngài không tự mình làm điều gì mà không thấy nơi Chúa Cha và do lệnh của Chúa Cha. Ngài đến là để mạc khải tình yêu của Chúa Cha và Chúa Cha cũng tỏ tình yêu của Ngài qua Chúa Con; như Chúa Giêsu vẫn thường nói với người Do thái. Vì thế, Chúa Giêsu tạ ơn Cha vì đã không mạc khải cho những người khôn ngoan theo thế gian mà chỉ mạc khải cho những kẻ bé mọn, những người khiêm tốn. Tình yêu của Chúa Cha là một mạc khải, và chính Chúa Con đã đến mạc khải cho chúng ta: “Cha tôi trao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ Người Con trừ Chúa Cha; cũng không ai biết rõ Chúa Cha trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho”. Chỉ những người khiêm tốn mới nhận được mạc khải đó. Những người khôn ngoan như những ông Pharisêu thì không thể biết được vì họ tưởng họ biết quá nhiều rồi. Chúng ta có phúc vì đã nhận được tình yêu của Cha trên trời khi tiếp nhận Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu là một mạc khải sống động, rõ nét nhưng không phải ai cũng nhận ra, chỉ có tâm hồn khiêm tốn mà thôi, “vì Cha đã muốn như vậy”.

 

Chúng ta có nhận được mạc khải đó chưa? Hay chúng ta vẫn dửng dưng như không có việc gì? Hay chúng ta quá tự mãn và không được nằm trong số người hèn mọn của Chúa?

Lãnh nhận mạc khải nầy, chúng ta mới hiểu được “chiều rộng cao sâu của tình yêu Chúa”, chúng ta mới hiểu được tình yêu Chúa vượt trên hết mọi tình yêu, chúng ta mới cảm thấy cần phải đền đáp hết sức mình, nếu không chúng ta chỉ dửng dưng thôi. Muốn thế, chúng ta phải lột bỏ tất cả những gì là kiêu căng, tự mãn. Điều mà không mấy ai có thể làm được. Đến với Người Con Một là Đấng “hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng” chúng ta mới có thể tìm theo Ngài, học với Ngài bài học quí báu nhất, có thể nói là bài học duy nhất đó. Tất cả đều tập trung nơi Người Con Một của Chúa Cha, vì “ Cha Ta trao phó mọi sự trong tay Ngài”.

 

Hãy đến với Ngài vì Ngài đang mời gọi chúng ta, những người đang mang gánh nặng trần gian. Ngài biết chúng ta phải đau khổ thế nào trên con đường về Nước Trời. Ngài sẽ cho chúng ta đủ can đảm để trung thành giữa một thế giới đầy tràn gian ác, hận thù. Ngài cho chúng ta một con tim mới để có thể yêu thương thực sự trong một xã hội vô cảm, không còn trái tim. Chỉ có Ngài mới giúp chúng ta vượt mọi cám dỗ sống ích kỷ hưởng thụ.

 

Chúa Giêsu đã chứng tỏ tình yêu của Ngài qua cuộc sống và cuộc khổ nạn, Ngài còn sai nhiều sứ giả đến với chúng ta, thông chuyển cho chúng ta sứ điệp tình yêu của Ngài. Chúng ta nhớ đến các thánh Magarita Maria Alacoque, chị Menendez, thánh Bêninha Consolata, thánh Faustina là những sứ giả của Thánh Tâm Chúa. Những lời mời gọi tha thiết của Chúa Giêsu gần như không mấy ai đã chú tâm lắng nghe. Ngài nói với chị Bêninha: “Hãy yêu mến Cha và con sẽ hạnh phúc, và càng yêu mến Cha, con càng hạnh phúc… Ngay khi tối tăm dầy đặc bao phủ lấy con, tình yêu Cha sẽ lan tỏa ánh sáng, sức mạnh và niềm vui trong con”.

 

Thánh Tâm Chúa Giêsu chính là lò lửa tình yêu không bao giờ suy tàn. Lòng thương xót Chúa không bao giờ vơi cạn. Chị Consolata khóc vì những yếu đuối của mình, Chúa nói với chị: “Con hãy kết hiệp với sức mạnh! Hãy ở lại trong tình yêu, con sẽ mạnh hơn mọi người”. Nơi khác Chúa nói với chị: “Ôi! Nếu người ta yêu mến Cha thì hạnh phúc sẽ tràn trề trên thế giới khốn khổ nầy”.

 

Phải, chỉ có một việc phải làm đó là yêu mến Chúa. Trái tim Chúa vẫn rộng mở đón chờ, nhưng chúng ta không nhiệt tình đến thì làm sao đạt được kết quả? Chúng ta yêu mến Chúa được bao nhiêu, đến mức độ nào? Hãy nhìn lại tâm hồn mình và trả lời với Chúa. Nhiều người ăn lấy Chúa mỗi ngày, nhưng thực sự có yêu mến Chúa chưa? Nhiều lúc chúng ta mơ mộng nhiều hơn là sống thật. Chúng ta mơ mộng yêu mến Chúa kỳ thực chỉ là mơ mộng, không có thực chất. Tình yêu chúng ta không sâu đậm mà chỉ là bề ngoài. Tình yêu đòi buộc đến chết.

 

Các thánh đã yêu Chúa đến mức độ dám hy sinh tất cả cho Chúa. Chúng ta hy sinh được gì? Tình yêu không phải là nói mà là sống. Hãy sống yêu thương hằng ngày, bằng những việc làm hằng ngày vì yêu, chúng ta mới có thể nói là đã yêu thương thực sự. ThánhTêrêxa Hài Đồng Giêsu, qua bao nhiêu thử thách, bao nhiêu năm khô lạnh, vẫn yêu đến cùng, yêu một cách anh hùng. Chúng ta hãy đi theo con đường đó. Chúa vẫn yêu thương và chúng ta hãy chìm vào tình yêu như thế.

Hãy hiến dâng, hiến dâng thực sự. trên bàn thờ hiến tế nầy, chúng ta hãy đặt quả tim chúng ta trên đĩa thánh và hãy ăn lấy Ngài để yêu thương trọn vẹn hơn, từng ngày, từng ngày…

 

Lm Trầm Phúc

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072