Có thể chứng minh Thiên Chúa tồn tại không?

by Phanxico.vn

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2021/07/co-the-chung-minh-thien-chua-ton-tai-khong-640x480.jpg

Ronald Rolheiser, 2021-07-26

Tôi viết luận án tiến sĩ của tôi về giá trị của các tranh luận triết học khác nhau cố chứng minh sự tồn tại của Thiên Chúa. Liệu có thể có bằng chứng không? Các triết gia lỗi lạc, từ Anselm, đến Tôma Aquinô, Descartes, hay các triết gia đương thời như Charles Hartshorne, cho rằng có thể chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa qua lập luận lý tính. Trừ việc, phần nhiều dựa vào việc chúng ta định nghĩa “chứng minh” là gì. Chúng ta chứng minh gì đó bằng cách nào?

Có một giai thoại về thánh Christopher thích hợp để làm minh họa ở đây. Christopher là người đầy thiên tư mọi mặt, trừ đức tin. Ngài mạnh mẽ về thể chất, uy lực, nhân hậu, nhẹ nhàng và được yêu mến. Ngài cũng quảng đại, dùng sức mạnh cơ bắp của mình để giúp người, nhưng dù muốn, ngài vẫn thấy khó mà tin vào Thiên Chúa. Với ngài, cái thể lý vật chất mới là thật, còn mọi thứ khác đều không thực. Do đó, ngài sống cuộc đời theo chủ nghĩa bất khả tri, không thể thật sự tin vào bất kỳ điều gì vượt ngoài những gì ngài có thể thấy, cảm nhận và sờ vào một cách thể lý.

Tuy nhiên, điều này không ngăn cản ngài dùng những thiên tư của mình, nhất là sức mạnh thể lý, để phục vụ tha nhân. Đây chính là điểm tựa, lòng quảng đại và phục vụ của ngài. Ngài dành cả đời để giúp người dân trong vùng vượt qua con sông nguy hiểm. Một đêm nọ, trong cơn bão, con thuyền bị lật úp và Christopher đã lao xuống vùng nước tối tăm để cứu một đứa trẻ. Khi đưa đứa trẻ đó lên bờ, ngài nhìn vào mặt đứa trẻ và thấy đó là khuôn mặt Chúa Kitô. Sau đó, ngài đã tin vì đã thấy dung nhan Chúa Kitô.

Giai thoại này là bài học sâu sắc cho chúng ta. Nó thay đổi quan điểm của chúng ta về vấn đề làm cách nào để cố “chứng minh” sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nỗ lực của chúng ta để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa phải thực tế, hiện sinh và hiện thể hơn là chỉ thuần trí tuệ. Làm sao chúng ta chuyển từ chỉ tin vào những cái vật chất, chỉ tin vào hiện thực chúng ta có thể thấy, cảm nhận, sờ, nếm và ngửi, sang tin vào sự hiện hữu của những hiện thực tâm linh, thâm sâu hơn?

Trong câu chuyện của thánh Christopher có một bài học. Sống một cách chính trực và đáng trọng hết sức có thể và dùng thiên tư của mình để giúp người khác. Thì Thiên Chúa sẽ xuất hiện. Thiên Chúa không có ở kết luận của một tam đoạn luận triết học, nhưng có ở một lối sống nhào đó. Hơn nữa, đức tin không phải là câu hỏi về cảm giác cho bằng là việc phục vụ quên mình.

Trong đoạn Kinh Thánh về thánh tông đồ Tôma và những hoài nghi của ngài về việc Chúa sống lại còn có một bài học sâu xa hơn nữa. Thánh Tôma nói: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Hãy nhớ Chúa Giêsu không phản đối hay khiển trách gì trước sự hoài nghi của Tôma. Thay vào đó, Ngài dùng lại chính lời của Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Thầy đây, có phải ma đâu”.

Đấy là thách thức cho tất cả chúng ta. “Hãy tự xem đi, Chúa có thật, đâu phải là ma!” Tuy nhiên, thách thức đó không thiên về trí tuệ cho bằng tinh thần, một thách thức rằng chúng ta phải thành thật và quảng đại.

Chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa bất khả tri, thậm chí là chủ nghĩa vô thần, không phải là vấn đề, miễn họ thành thực, không biện luận, không dối trá, sẵn sàng chấp nhận hiện thực, và quảng đại trao cả cuộc đời mình để phục vụ. Nếu có những điều kiện đó, thì Thiên Chúa, Đấng tạo thành và là nguồn của mọi hiện thực, cuối cùng sẽ trở nên đủ thật, kể cả với những người cần có bằng chứng thể lý. Câu chuyện về thánh Christopher và thánh tông đồ Tôma dạy chúng ta như thế và bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa không nổi giận cũng không bị đe dọa bởi một người theo thuyết bất khả tri thành thực.

Đức tin không bao giờ là điều chắc chắn. Và đức tin cũng không phải cảm giác chắc chắn rằng Thiên Chúa hiện hữu. Ngược lại, không có đức tin đâu phải là thấy hoang mang khi không có cảm giác chắc chắn rằng Thiên Chúa tồn tại. Với tất cả mọi người, sẽ có những đêm tăm tối tâm hồn, những lúc cảm thấy Thiên Chúa thinh lặng, những lúc cô đơn, hoài nghi, những lúc không thể dùng ý thức mà nắm bắt hay nhận ra hiện thực của Thiên Chúa. Lịch sử đức tin, như chúng ta đã thấy trong cuộc đời Chúa Giêsu và cuộc đời các thánh, cho thấy Thiên Chúa thường có vẻ đã chết, và những lúc như thế, hiện thực của thế giới theo chủ nghĩa kinh nghiệm có thể chiếm lấy chúng ta và không gì có thật ngoài những gì chúng ta có thể thấy, cảm nhận ngay lúc đó, kể cả nỗi đau của chính chúng ta.

Bất kỳ lúc nào chúng ta gặp những chuyện như thế, thì như thánh Tôma và thánh Christopher, chúng ta cần trở nên những người bất khả tri thành thật dùng sự tốt lành và sức mạnh mà Chúa ban để đưa những người khác vượt qua dòng sông khó khăn cuộc đời. Thiên Chúa không yêu cầu chúng ta có một đức tin chắc chắn, nhưng yêu cầu chúng ta phục vụ quảng đại và lâu dài. Chúng ta có sự bảo đảm, nếu chúng ta trung thành giúp nâng đỡ người khác, thì đến một ngày chúng ta sẽ thấy mình đứng trước hiện thực của Thiên Chúa đang ở với chúng ta, rằng, “Hãy tự xem đi, Ta có thật, có phải là ma đâu”.

Chúng ta có thể chứng minh Thiên Chúa tồn tại không? Trong lý thuyết thì không, nhưng trong cuộc sống thì có.

J.B. Thái Hòa dịch

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072