Cùng Mẹ xác tín
“Lạy Chúa Giêsu Đấng Phục Sinh Khải Hoàn, để ngợi khen lòng thương xót của Chúa cho xứng đáng, chúng con xin được kết hiệp với Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, như vậy thì lời ca khen của chúng con làm đẹp lòng Chúa hơn, bởi vì Mẹ là Đấng đã được chọn giữa nhân loại và các thiên thần.
Qua Mẹ, là một tinh thể tinh khiết, lòng thương xót của Chúa đã được chuyển đến chúng con. Qua Mẹ, chúng con trở thành những con người làm đẹp lòng Thiên Chúa; Qua Mẹ, dòng ân sủng của Thiên Chúa tuôn trào trên chúng con.” – Thánh Nữ Faustina.
Lời nguyện trên là tâm tình và hình ảnh thiêng liêng mà Thánh Nữ Faustina đã dành cho Đức Trinh Nữ Maria. Đó là một ân sủng lớn lao mà Thiên Chúa đã ban tặng cho Thánh Nữ là được cảm nhận và thấy hồng ân mà Thiên Chúa dành cho nhân loại qua Mẹ. Thật vậy, hồng ân và hương hoa của Mẹ vượt trên các tầng mây, vượt trên tất cả các tạo vật kể cả các thiên thần. Qua Mẹ, chúng ta hãy cùng nhau xin ơn để được xác tín vào tình yêu vô biên mà Thiên Chúa dành cho con người – Đức Maria là một vẻ đẹp vượt trên tất cả mọi tạo vật, và vẻ đẹp của sự sáng tạo không có thể chứa đựng được vẻ đẹp mà Thiên Chúa dành cho Người Phụ Nữ Do Thái đơn sơ thánh thiện ấy, và đó cũng là vẻ đẹp của một tình yêu vô tận, lạ lùng mà Thiên Chúa dành cho con người qua sự Phục Sinh khải hoàn của Đấng Thánh.
Nếu chúng ta nhìn lại cuộc đời của Mẹ qua Kinh Thánh, từ một cô gái người Do Thái mới lớn cho đến khi Mẹ là một phụ nữ, Thiên Chúa đã thử thách Mẹ nhiều lần và Ngài cũng đã nhiều lần củng cố đức tin và lòng xác tín của Mẹ. Qua những thử thách và xác tín, Thiên Chúa đã tô đậm nét đẹp của người con mà Ngài đã chọn từ muôn thuở để rồi qua Mẹ, nhân loại được ơn cùng chết và sống lại với Đức Kitô. Nhưng còn chính bản thân Mẹ, Mẹ đã làm gì khi Thiên Chúa thử thách, và tâm hồn Mẹ cảm nhận được gì khi Ngài củng cố đức tin của Mẹ? Khi mới chịu thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần có lẽ Mẹ cũng đã trải qua những biến cố bên ngoài về việc xin vâng của mình, nhưng sau đó Mẹ cũng đã được xác tín khi gặp người chị họ Ê-li-sa-bét. Khi Mẹ và Thánh Giuse trải qua cảnh đi tìm một nơi để sinh hạ Con Một Thiên Chúa, thì Mẹ cũng đã được xác tín bởi tiếng hát của các thiên thần. Rồi trước khi gia đình Thánh Gia phải cực nhọc bỏ lại tất cả để đi lánh nạn ở Ai-Cập, Mẹ cũng đã được xác tín qua sự nhận ra Con Trẻ là ai của ba nhà thông thái. Cứ như vậy, mỗi lần thử thách Mẹ lại được một lần xác tín.
Có lẽ sự thử thách lớn lao nhất của một đời làm Nữ Tỳ của Mẹ là khi Mẹ ôm xác con Mẹ vào lòng và chôn Ngài trong ngôi huyệt, và cái đen tối lạnh lùng của những ngày con Mẹ nằm bất động trong ngôi huyệt ấy. Nhưng có lẽ đó cũng là sự xác tín lớn lao nhất của cuộc đời sống trọn hai tiếng Xin Vâng của Mẹ. Nếu chúng ta đọc lại Kinh Thánh, Mẹ đã không đi tìm Chúa Giêsu nơi huyệt mộ. Bốn thánh sử đều nhắc đến sự tìm kiếm Chúa Giêsu của những người phụ nữ và các tông đồ, mặc dầu cũng có thánh sử chỉ có nhắc đến tên Maria, nhưng chắc chắn đó không phải là Maria Mẹ của Chúa Giêsu. Cũng vậy, bốn thánh sử đều nói đến sự hiện ra của Chúa Giêsu cho các môn đệ, và những phụ nữ đi tìm kiếm Ngài, nhưng không thánh sử nào nhắc về việc Chúa Giêsu đến viếng thăm Đức Mẹ. Phải chăng, Mẹ đã được viếng thăm và xác tín rằng Con Một Thiên Chúa đã Phục Sinh trước khi tất cả mọi tạo vật dưới đất được viếng thăm và xác tín? Theo Thánh I-nhã, sau khi Ngài hoàn tất công việc cứu độ, Ngài “xuống ngục tổ tông và mang các người thánh lên”, và Mẹ là người mà Chúa Giêsu đến viếng thăm đầu tiên:
219. TIỀN NGUYỆN I: Lịch sử. Ở đây là sau khi Chúa Kitô tắt thở trên thập giá, xác Ngài ở trong tình trạng tách rời khỏi linh hồn, nhưng vẫn luôn kết hợp cùng bản tính Thiên Chúa, linh hồn đầy hạnh phúc của Người xuống ngục tổ tông, vẫn luôn kết hiệp cùng thiên tính. Người đưa linh hồn các thánh ra khỏi ngục, đoạn trở lại mồ, và khi đã sống lại, Người hiện ra cùng Mẹ diễm phúc của Người, bằng cả xác và hồn.
Một điểm khác nữa mà Kinh Thánh không nhắc đến là Mẹ đang ở đâu khi các môn đệ, kể cả người môn đệ Chúa yêu và các bà khác đi tìm xác Chúa Giêsu? Thánh Sử Gioan chỉ nhắc đến sự trăn trối của Chúa Giêsu cho người môn đệ Ngài yêu mến và người môn đệ ấy đã rước Mẹ về nhà mình, “Kể từ đó, người môn đệ rước người về nhà mình” (Ga 19:27). Như vậy thì có lẽ Mẹ cũng đang ở với các môn đệ khi rạng sáng Phục Sinh khi các ông bôn ba đi tìm xác Thầy Giêsu. Theo Thánh I-nhã, thì Mẹ đã được hưởng niềm vui ơn Phục Sinh, nhưng tại sao Mẹ lại không báo cho các môn đệ và những ai đang miệt mài theo Ngài? Hay là Mẹ đã báo nhưng vẫn để cho họ đi tìm gặp Đấng đã Phục Sinh để cả họ nữa cũng hưởng được niềm xác tín ấy cho trọn vẹn? Có lẽ đây là điều để chúng ta suy niệm và cầu nguyện.
Niềm vui Phục Sinh là niềm vui mà Thiên Chúa ban cho tất cả các thọ tạo, và trong niềm vui ấy Con Một Thiên Chúa sẽ đích thân đi gặp gỡ từng người mà Ngài đã được Thiên Chúa Cha giao phó như lời đã hứa, “Thế là ứng nghiệm lời Đức Giêsu đã nói: ‘Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai’” (Ga 18:9). Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã đi gặp những ai mong mỏi tìm kiếm Ngài, ngay cả Tôma, người môn đệ kém lòng tin. Qua sự gặp gỡ cá nhân đó, Chúa Giêsu cho ta hưởng trọn niềm vui ơn Phục Sinh như Ngài đã cho Đức Mẹ, các môn đệ, và những ai theo Ngài. Và cũng như các môn đệ xưa, để tìm gặp được Chúa Giêsu, chúng ta cũng cần bôn ba đi tìm Ngài và có sự khao khát để gặp được Ngài, vì nếu chúng ta không bôn ba đi tìm Ngài thì chúng ta cũng chẳng tìm thấy Ngài. Như người môn đệ Chúa yêu khi xưa, chúng ta cũng cần có con tim nhạy bén để nhận ra Ngài khi Ngài xuất hiện bên biển hồ Ti-bê-ri-a và thốt lên “Chúa đó” (Ga 21:7), vì Chúa Giêsu Phục Sinh là một Thiên Chúa biến hình.
Hành trình đi tìm Mầu Nhiệm Phục Sinh của mỗi người cũng sẽ chẳng khác gì hành trình đi tìm Mầu Nhiệm Phục Sinh của Mẹ, vì mỗi người chúng ta đều cần có những gặp gỡ cá nhân riêng tư, mặt đối mặt với mầu nhiệm ấy. Và đó cũng là một hành trình được thử thách để rồi được xác tín, được từ bỏ chính con người mình để được đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể, được làm trống rỗng (empty) để rồi được lấp đầy hồng ân, được nghèo khó để hưởng được sự phong phú nước trời. Ước gì chúng ta luôn biết đồng hành với Mẹ trong mùa Phục Sinh này trong lòng khao khát tìm kiếm Chúa Giêsu Phục Sinh và trong mọi thử thách hàng ngày để qua đó chúng ta được gặp gỡ Ngài và nhận ra Ngài khi Ngài đồng hành bên ta trên đường đời và nhất là khi Ngài bẻ bánh trong mỗi Thánh lễ và trong cuộc sống của ta (c.f. Lc 24:15,30).
Sưu tầm