Đánh mất chính mình
Mỗi người chúng ta được Thiên Chúa ban cho một trong những món quà cao quý nhất là tự do. Sự tự do khả dĩ giúp con người bay cao và sáng tạo nhưng cũng khiến bản thân tuột dốc thảm hại trong hành trình làm người. Đó là điều thánh Phaolô cảnh báo mỗi người khi nói: Có điều là đừng lợi dụng tự do mà sống theo tính xác thịt.
Một khi lợi dụng tự do mà sống sa đà, ra khỏi ý muốn ban đầu của Đấng Tạo Hóa, chúng ta trở thành một kẻ đánh mất chính mình. Mà ý muốn của Ngài là chúng ta được tự do chọn Chúa, đồng thời yêu mến và tôn vinh Ngài. Có thể nói, một khi ra khỏi “định luật” này, chúng ta tự đánh mất chính mình. Tuy nhiên, cuộc đánh mất này thuộc giá trị tinh thần nên không phải ai cũng có khả năng nhận ra tình trạng của mình. Ý thức được sự nguy hại của thực trạng này, chúng ta cần xem xét dưới nhiều góc cạnh và mức độ khác nhau hầu có thể khắc phục phần nào những mặt trái mà con người đã lạm dụng tự do của mình cách quá đáng.
Trong triết học trước đây, người ta thường dùng hạn từ: vong thân; chúng được lấy lại từ thuật ngữ trong triết học của K. Marx nhưng một khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, đồng thời, những quốc gia có liên hệ cũng bị tàn lụi, vong thân về mặt kinh tế của ông cũng bị “phá sản”. Dù vậy, ông cũng đã có công để lại cho chúng ta một khái niệm về vong thân khi suy tư mọi chiều kích khác liên hệ đến đời sống con người. Ngày nay, chúng ta thường nghe nói đến hạn từ đánh mất chính mình. Có thể nói, thuật ngữ này “thoát thai” từ quan niệm trên, hơn nữa, chúng được hiểu theo nhãn quan rộng lớn hơn, nghĩa là không dừng lại ở thái độ thụ động như vong thân nhưng gồm tóm cả tính chủ động của con người với tất cả tự do.
Chúng ta biết rằng đời sống con người là một hành trình, nghĩa là được hiểu như một sự năng động, trong đó, mọi sự luôn biến dịch và thay đổi nhưng một khi biến đổi xa rời với chính mình thì đó là một sự vong thân hay đánh mất chính mình thực chất và thực tế nhất.
Danh
Chữ này bao gồm tất cả những gì liên quan đến ước muốn, khát vọng sâu xa nhất của con người mà ai cũng tìm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu chính đáng này. Tuy nhiên, điều đáng tiếc xảy ra do con người không lường được mức độ ảnh hưởng của nó mà lắm kẻ lạm dụng tự do hòng đánh mất chính mình.
Con người là một hữu thể mang tính xã hội, ai cũng có nhu cầu được nhìn nhận và ước muốn mọi người biết đến như một nhân vị độc đáo. Nhưng thay vì tận dụng những mặt mạnh của mình để lôi kéo sự chú ý của người khác, họ lại tìm cách “đi cửa sau” như một cách van xin sự trọng vọng của người khác, vô tình họ tự đánh mất chính mình trong những mưu đồ bất chính.
Mối nguy hiểm và nguy hại của những hạng người này là lấy danh tiếng làm cứu cánh và mục đích đời mình.
Quan sát thực tế cuộc sống, chúng ta cũng dễ nhận ra những người nổi tiếng, có danh phận gì đó với núi sông, thế mà, họ lại trở nên xa lạ với chính mình (tha hóa) khiến người thân và những người khác cũng thốt lên: Ôi, cô ấy thay đổi nhiều quá ! Nói thế, họ có ý châm biếm đương sự và như thế, đồng nghĩa với việc danh tiếng đã lấy đi bản chất đích thực của con người cô, tắt một lời, cô tự đánh mất chính mình giữa cộng đồng hâm mô. Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo, nhưng khi đến tuổi trưởng thành, cô lọt vào mặt xanh của một “tay làng chơi”, từ đó, cô bước dần lên đài vinh quang, đồng nghĩa với việc cô bắt đầu sống với đẳng cấp khác. Điều này chẳng có gì đáng trách; tuy nhiên, chỉ khi cô tìm mọi cách chối bỏ quá khứ nghèo khổ của mình mà cô đã đánh mất bản thân. Có thể nói, chối bỏ hay khước từ quá khứ đã từng nhạo nặn nên con người của mình mà cô đã đánh mất chính mình trong hiện tại. Ngày nào được nhiều người khen ngợi, trang mạng cá nhân có nhiều cái “like” thì cô ngủ ngon; bằng không, cô sẽ bị giày vò đến mất ngủ khi bị người khác chỉ chích. Rồi dẫn đến tình trạng trầm cảm, cô cần đến một chuyên gia tâm lý để giúp bản thân đối diện với những vấn đề của mình. Khi có tham vọng làm hài lòng tất cả mọi người, cô ấy lại không hài lòng với mình và dần đánh mất chính mình.
Cũng có những người thần tượng ngôi sao này, cầu thủ kia, rồi thay đổi trong cách ăn mặc, đi đứng và mọi sinh hoạt của mình sao cho giống thần tượng, thế là, họ đánh mất chính mình trong một thế giới đa sắc màu như hiện nay. Vô hình trung, họ đánh mất đi bản sắc riêng, tính nhân vị độc đáo của mình. Đó là điều tác giả John Mason đã cảnh báo khi nói: Sinh ra là một bản thể, đừng chết đi như một bản sao.
Ngoài ra, có những người mang mặc cảm tự ti cách nào đó, họ hòa vào đám đông ô hợp như một cách để xóa mình khỏi cái nhìn soi mói của người khác. Họ đứng ngồi không yên, ăn ngủ thất thường vì phát hiện một ánh mắt nhìn thiếu thiện cảm của ai đó nhưng thật ra, chính họ đã đánh mất lòng tự trọng của mình mà rao bán cho một ai đó có khả năng sai khiến họ. Họ chỉ cảm thấy mình có giá trị khi hoàn thành những công việc được giao mặc cho hậu quả của hành động đó có thể gây tổn hại và tổn thương đến những người vô tội miễn là mang lại lợi ích cho phe nhóm. Những kẻ bị mua chuộc như thế đã đánh mất chính mình trong một tổ chức bất chính, mà thật ra, họ đâu có cái gì riêng của mình để đánh mất. Chung cục, cả một bè lũ bị tẩy não khi đánh mất chính mình trong một thể chế chính trị bị biến chất.
Ở đây, chúng ta cũng cần bàn đến những người sống chết cho một lý tưởng. Nếu như có những kẻ sẵn sàng hiến mình để phục vụ cho một chế độ nhất thời nào đó thì đây là một bất hạnh cho kẻ vong thân; còn nếu ai đó sẵn sàng chấp nhận đánh đổi tính mạng của mình để giữ gìn cho một tổ quốc vì tương lai tươi đẹp và bền vững thì đây lại là một hành vi đáng trân trọng. Như thế, sự khác biệt giữa một kẻ đánh mất chính mình vì chính thể và một người hiến mạng chính mình vì tổ quốc hệ tại ở việc họ nhân danh chân lý xác thực mà hành động. Đây là cuộc đánh mất chính mình theo nghĩa triệt để nhất của từ ngữ mà ai cũng cần nhắm đến khi đã xác định mục đích và lý tưởng đời mình. Chính ở điểm này mà một người chết vì lý tưởng cũng được trân trọng như các vị thánh tử đạo. Tuy nhiên, những người này chết đi nhưng trong lòng vẫn căm hận kẻ thù ngoại xâm, còn các thánh tử đạo luôn tha thứ cho những ai bách hại mình và còn thầm cảm ơn họ vì đã cho bản thân có cơ hội chứng minh lòng yêu Chúa. Bởi đó, các thánh tử đạo đã sống triệt để tinh thần “đánh mất chính mình” mà chúng ta vẫn thường cho rằng các ngài đã thực hiện một cuộc từ bỏ chính mình vì Chúa, một cách đúng nghĩa nhất, tức là cả thể xác và tinh thần xả thân vì Danh Ngài.
Tưởng cũng cần nhắc đến những đối tượng trong tù. Người ta thường cho rằng nhà tù là nơi tước đoạt phẩm giá con người nguy hại nhất. Trong đó, danh tính của mỗi người bị tước đoạt và được thay thế bằng những con số vô hồn. Trong đó, tù nhân được khoác lên trên mình một chiếc áo đồng phục như thể hiện sự đồng nhất trong một ý hướng và hành động cho một chủ trương vô nhân đạo nào đó. Xét cho cùng, họ bị tước đoạt sự tự do, là cơ sở duy nhất còn lại thẩm định quyền được tôn trọng như một phẩm giá con người.
Lợi
Chúa Giêsu đã cảnh báo rằng: Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất mạng sống mình thì được ích gì. Thế mà, có lắm kẻ “bán thân” để đổi lấy lợi lộc trần gian.
Thật ra, mọi sự trong thế gian này đều là dụng cụ và phương tiện nhằm phục vụ cho lợi ích trước mắt và cứu cánh đích thực của con người. Chỉ có điều rằng con người đã dừng lại nơi sự hưởng thụ chóng qua mà không giục lòng ngưỡng vọng trời cao. Khi đó, lợi lộc sẽ trói buộc và làm mờ mắt con người khiến họ không thể nhìn sự vật vượt qua những gì là hữu hạn và hữu hình. Thiên Chúa đã đặt để một khát vọng sâu xa trong lòng con người như lời quả quyết của thánh Augustinô: Thiên Chúa dựng nên con và lòng con hằng khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa, thế mà, con người đã thần thánh hóa vật chất cho nó quyền chi phối mọi khoảnh khắc đời sống của mình khiến con người đánh mất chính mình trong thụ tạo của Chúa.
Có thể nói, mọi ước muốn chiếm hữu đều làm cho con người trở nên tha hóa, xa lạ với chính mình. Quả thật, vì những gì con người chiếm hữu được không đồng nghĩa với việc chúng giúp con người là chính mình hơn. Chúng ta cần có sự khôn ngoan của năm trinh nữ trong Tin Mừng luôn tỉnh thức sẵn sàng để đón Chúa là Tân lang, vào trong cuộc đời của mình. Có bao giờ chúng ta hỏi tại sao năm cô khờ dại sau khi ra ngoài mua dầu trở về rồi gõ cửa lại bị chàng rễ từ chối và nói rằng: Ta không biết các ngươi. Thưa vì những “thứ dầu” các cô ra ngoài mua là những thứ “vay mượn”, chúng không làm cho các cô thật sự là chính mình. Và một khi các cô tự đánh mất chính mình thì Tân lang là Chúa Giêsu không còn nhận ra các cô nữa. Không một kẻ nào đánh mất chính mình lại đương nhiên được thừa hưởng Nước Trời đâu !
Truyện kể rằng có một người phụ nữ được phép hỏi Chúa: con được phép sống trên trần gian bao nhiều năm nữa. Chúa trả lời: hai mươi năm nữa. Cô vui mừng ra về, và quyết định dồn tiền để thực hiện một cuộc giải phẫu thẩm mỹ, vừa ra khỏi đó lòng còn phấn khởi bởi tự tin hơn nhờ sắc đẹp vừa được sửa sang, bỗng nhiên, cô bị một chiếc xe tông ngang, chết ngay tại chỗ. Lên gặp Chúa, cô chặn lại hỏi: Tại sao Chúa bảo rằng hai mươi năm nữa con mới chết, mà sao Chúa lại kéo con về sớm thế. Chúa trả lời: Ta đâu có nhận ra ngươi. Hóa ra những thứ trên thế gian này đã cướp đi bộ mặt thật của con người.
Hay có người đàn ông chủ trương rằng: Hy sinh đời bố, củng cố đời con. Thế nên, ông ra sức làm việc ngày đêm để có đủ chỉ tiêu: 1 vợ, 2 con, 3 tấm (nhà), 4 bánh (xe), 5 châu (du lịch). Cuối cùng, thời gian sau nhìn lại, ông chẳng được bao nhiêu, lại mất cả vợ con trong một tai nạn, thế là ông đã đánh mất chính mình trong tình yêu vợ con.
Như thế, để thực sự là chính mình, con người cần cởi bỏ bớt những gì thuộc về thế gian, và sống thanh thoát ung dung trong cuộc đời tự tại an nhiên này. Lão tử thật chí lý khi khẳng định rằng: Đạo là bớt, và bớt cho đến khi nào không bớt được nữa !
Thú
Có thú vui lành mạnh trong mức độ nào đó sẽ giúp con người đến gần Chúa hơn thì cũng có những thú vui lại làm tăng phần “thú tính” trong con người, nghĩa là làm lạc xa Chúa, bởi con người đã đánh mất chính mình trong cuộc chơi.
Thú vui của xác thịt chỉ làm thỏa mãn những gì thuộc xác thịt. Mà lắm khi con người coi tình dục là đỉnh cao của một cuộc chơi đúng nghĩa. Sự sành điệu và đẳng cấp không thể được đánh giá bằng cuộc đánh đổi một số tiền nào đó với việc mua vui trên thân xác người khác. Không chỉ liên quan đến tình dục mà một khi con người trở thành phương tiện phục vụ cho con người dưới bất cứ hình thức nào đều bị coi là tha hóa. Dù chủ động hay bị động, con người đều là nạn nhân đáng thương. Sự đánh mất chính mình ở đây, được hiểu là cuộc phá sản các giá trị tinh thần. Trong khi đó, con người là một hữu thể, được coi là: Nhân linh ư vạn vật. Nếu như tình dục ngoài hôn nhân bị coi là một hình thức đánh mất chính mình thì trong hôn nhân, chúng lại trở thành phương tiện giúp hai người “đánh mất chính mình” để thuộc về nhau, từ đó, làm thăng hoa tình yêu vợ chồng và có thể phát sinh mầm sống mới hầu tham dự vào vai trò đồng sáng tạo với Thiên Chúa. Đây quả là một cuộc “đánh mất chính mình” đáng ước ao vì nó làm cho đại sự được triển nở và định hình trong ý muốn tốt lành của Thiên Chúa.
***
Có thể nói, tội lỗi đã khiến con người đánh mất chính mình một cách nguy hại nhất. Khi ấy con người mất tình nghĩa và xa lìa Thiên Chúa, đồng thời, trở nên xa lạ và phản bội với chính mình.
Như thế, chúng ta có thể khẳng định rằng đã là người, ai cũng đã hơn một lần đánh mất chính mình cách nào đó vì sự yếu đuối và bất toàn của bản thân. Nhưng chúng ta hơn nhau ở điểm này, sớm nhận ra tình trạng của mình mà trở về bằng cách đổi mới cách tiếp cận vấn đề nhờ khám phá ra mặt trái và mặt phải của ba mối thị dục: Danh, lợi và thú trong con người mình. Đồng thời, chúng ta cần xác lập lại giới hạn nào cần thiết giúp bản thân lớn lên và mức độ nào có nguy cơ dẫn đến đánh mất chính mình. Khám phá ra tính phong phú của thực tại đời sống mà chúng ta nhận ra vai trò quan trọng của việc nhận thức đúng đắn và lành mạnh. Có thế, chúng ta sẽ sử dụng tự do của mình để giúp hoàn thiện bản thân và tiến dần đến Thiên Chúa.
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.