Dạy con biết cảm ơn
Biết cảm ơn là một cách ứng xử văn minh. Bất cứ bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình khi lớn lên sẽ trở thành người có văn hóa trong xã hội. Vậy khi nào có thể dạy và dạy bằng cách gì để tốt nhất và hiệu quả nhất cho con ?
Trước hết, lòng biết ơn không đến một cách tự nhiên. Nó là kết quả của một quá trình dạy dỗ hoặc ít nhất cũng là một lần giác ngộ. Các nhà giáo dục cho rằng một đứa bé khi biết thích thú với đồ chơi, biết tỏ ra có một nhu cầu gì riêng cho bản thân đã là có thể hiểu được thế nào là cho và nhận. Bé sẽ vui mừng khi mẹ đưa cho món đồ chơi yêu thích và lời cảm ơn vô hình, vô âm là nụ cười rạng rỡ của con trẻ. Người mẹ coi điều đó là đủ. Nhưng cứ để như vậy thì không bao giờ bé biết nói cảm ơn dù là khi đã trưởng thành. Nếu một khi đứa trẻ không biết tri ân những điều mà mình nhận được thì nguyên nhân có thể là:
1. Quan niệm mới về hưởng thụ trong cuộc sống
Ngày nay, các bậc cha mẹ thường cho rằng mình đã vất vả, tất cả cũng chỉ vì con. Những đồ chơi mới, băng đĩa, phim ảnh… đều dành cho lũ trẻ. Gia đình càng khá giả thì sự chu cấp đó càng đủ đầy. Ngày càng nhiều bé cho rằng chúng nghiễm nhiên được hưởng, đó là điều tất nhiên, không phải cảm ơn gì hết. Không có gì ngạc nhiên nếu nhiều đứa bé không biết gì về những vất vả cha mẹ gặp phải trong công việc và những thành quả cha mẹ đạt được sau bao nhiêu mồ hôi và nước mắt.
2. Người thân, những người sống xung quanh không có thói quen cảm ơn người khác
Quả là dễ hiểu khi nhắc đến câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” trong trường hợp này. Môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, lối sống của các cá nhân. Bố, mẹ hay anh chị không bao giờ biết nói câu cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ thì đứa bé cũng có nhiều khả năng không biết thốt ra câu nói đơn giản này, bởi vì người lớn chính là tấm gương để trẻ noi theo.
3. Không được rèn luyện
Cũng có một câu “Trăm hay không bằng tay quen” – bé vẫn được dạy nhưng không có cơ hội ứng dụng vào thực tế thì cũng rất khó để nói là bé đó có lòng biết ơn hay không. Hãy cho bé những khung cảnh cụ thể, con người cụ thể, sự vật cụ thể trước và làm mẫu thì đầu tiên, bé sẽ biết cách “bắt chước” rồi dần dần thành thói quen và biết áp dụng vào nhiều trường hợp khác. Khi cha mang về một đồ chơi, hãy biết cảm ơn. Hay khi chị gái giúp một tay làm thủ công, cũng nên biết cách cảm ơn… Đó là những hạt giống được gieo mầm, mỗi ngày, con trẻ sẽ biết thêm được lòng biết ơn có giá trị thế nào.
Một câu hỏi đặt ra là có nhất thiết lúc nào cũng phải dạy con nói câu “cảm ơn” để bày tỏ sự tri ân ? Các nhà giáo dục cho rằng trong cuộc sống có rất nhiều cách để bày tỏ lòng biết ơn với người khác. Một nụ cười, một ánh mắt cũng có thể toát lên ý nghĩa của lời cảm ơn. Tuy nhiên, vấn đề khó hơn là làm thế nào để con biết đáp ơn và tri ân người từng giúp đỡ, từng đối xử tốt với mình và đối xử tốt với những người xung quanh. Và làm thế nào để chúng tin vào lòng tốt còn tồn tại và nhân rộng nó ra ? Trước hết, đó là trách nhiệm thuộc về cha mẹ.
Nguồn: tinmung.net