Đế quốc Rôma tòng giáo

 

Theodosius-Ambrose.jpg

 

I. TỪ TỰ DO TÔN GIÁO ĐẾN QUỐC GIÁO (313-380)

1.1 Chiếu chỉ Milan 313

Từ năm 303, hệ thống chính trị của Dioclêtiano mất ổn định. Đế quốc có tới sáu hoàng đế tranh quyền chống nhau. Bên Tây, con trai của Constance Chlorus và nữ hoàng Helena (Công Giáo) là Constantin đã lần lượt hạ từng đối thủ. Cuộc nội chiến kết thúc khi Constantin thắng Maxentius tại cầu Milvius trên sông Tiber năm 312. Tương truyền hoàng đế thắng nhờ phép lạ. Trước đó, ông thấy cờ Thánh giá chiếu sáng trên trời với hàng chữ : “Với dấu này ngươi sẽ thắng”. Có thể ông muốn các tín hữu tin Chúa cho ông thắng. Ông ghi danh Chúa Kitô trên hiệu kỳ “Labarum”.

Tại Đông phương, Galerio lúc sắp chết vì bạo bệnh, đã ký sắc chỉ tha đạo năm 311, nhưng Maximiano Daia không thi hành. Năm 313, hoàng đế Constantin cùng với một hoàng đế Đông phương là Licinius, đã ký chiếu chỉ Milan về tự do tôn giáo nhân ngày cưới của Licinius với em gái hoàng đế.

Licinius trở về thống lĩnh vùng Đông phương. Được ít lâu, ông xung đột với Constantin và bách hại các Kitô hữu. Constantin liền đem quân chinh phạt và trở thành hoàng đế duy nhất của Đế quốc năm 324.

a/. Áp dụng chiếu chỉ Milan

Tuy chiếu chỉ Milan xác định tự do tôn giáo : “…ban phép cho tất cả Kitô hữu cũng như mọi người, quyền tự do và quyền theo tôn giáo mình chọn lựa…”. Sau đó là chỉ thị trao trả các tài sản tịch thu của Giáo Hội. Tuy nhiên, cán cân nghiêng về phía Kitô giáo, vì hoàng đế tự coi mình là kitô hữu. Năm 315, tiền của đế quốc được khắc mẫu tự viết tắt danh Chúa Kitô.

Hoàng đế tự nhận mình là “giám mục bên ngoài”, đem quân dẹp tan các nhóm lạc giáo Donatus ở Phi Châu và Ario tại Nicea. Với các tín hữu, việc chấm dứt bách hại quả là phi thường. Họ tưởng vương quốc Thiên Chúa đã khởi sự và coi Constantin như Maisen mới, như Đavít mới thay mặt Chúa làm thủ lãnh của dân Kitô giáo.

b/. Tôn giáo của Constantin (280-337)

Dù được Eusebio khen ngợi, Constantin chưa bao giờ là một kitô hữu gương mẫu. Chỉ trên giường hấp hối ông mới xin rửa tội. Những tội ác chứng tỏ ông còn khá xa với giáo lý của đạo : ngay trong gia đình, ông đã giết bố vợ ; anh vợ là Maxentius đã chết ông còn lôi xác lên chém đầu ; năm 324 ông giết em rể là Licinius ; năm 326 từ Đông phương trở về, thấy không được đón tiếp trọng thể, ông nghe Fausta xúi giục, đã giết con vợ trước là Crispus để đề phòng đảo chánh. Khi thái hậu Hêlena quở trách, ông giết luôn vợ trong buổng tắm. Có lẽ đó là lý do khiến ông hôỵ trợ cho hoàng thái hậu Hêlena đi tìm lại Thánh Giá bị chôn vùi ở Giêrusalem (327).

Ngày 11-5-330, hoàng đế dời thủ đô về thành phố Byzance, đặt tên là Constantinople. Ông không ngờ mình đã chia đôi đế quốc và chia rẽ hai nền văn hóa Hy – La. Ông nhường Roma cho Giáo Hội làm thủ đô ?

c/. Những đặc ân của hoàng đế

Nhiều kitô hữu coi hoàng đế như ân nhân. Ông xây dựng nhiều giáo đường và dâng tặng Giáo hội các đền đài. Ông cho xây cất những đại thánh đường ở Roma, nơi Mổ Thánh, tại Bêlem và Constantinople. Ông gởi quà tặng cho các Giám mục và giáo đoàn. Giáo sĩ được hưởng nhiều đặc quyền (miễn dịch, miễn thuế) và Tòa Giám mục có quyền tài phán ngang với những tổng trấn.

 

1,2. Tiến đến quốc giáo

Sau năm 313, tôn giáo cổ truyền vẫn còn bám rễ sâu nơi hai đầu chiếc thang xã hội, nghĩa là nơi nghị viện và dân chúng nông thôn. Thế nhưng, càng ngày luật pháp đế quốc càng bất lợi cho họ. Năm 319, Hoàng đế cấm thực hành ma thuật và bói ruột thú. Năm 356, Constantius cấm dâng lễ tế thần, tuy lệnh này chưa được áp dụng sít sao.

Hoàng đế Juliano (361-363) quen bị gọi là Bội-Giáo, luyến nhớ thời các hoàng đế xưa, phê phán Giáo Hội qua tác phẩm “Chống những người Galilê”. Ông cấm tín hữu thực hành một số nghề, cấm phổ biến sách đạo. Ông xây nhiều đền thờ các thần Roma. Dù sống khá đạo đức, Juliano không được lòng dân. Việc ông tử trận ở Ba-Tư bị coi như dấu Chúa trừng phạt. Giờ hấp hối ông hô lên : “Hỡi người Galilê, Ngài đã chiến thắng”.
Các hoàng đế sau Juliano ngày càng loại trừ các thần xưa cũ. Năm 379, Gratiano từ chối tước hiệu Giáo chủ Tối cao (Maximus Pontifex). Năm 380, hoàng đế Théodose tuyên bố Kitô giáo là quốc giáo : “Từ nay toàn dân phải liên kết với đức tin của thánh Phêrô truyền bá ở Roma”. Từ đây lạc giáo cũng bị truy nã như ngoại giáo. Năm 392, hoàng đế trưng thu các đền thờ ngoại giáo hoặc phá hủy. Năm 395, những ai theo lạc giáo đều bị tước quyền công dân. Sự tách rời chính quyền với tôn giáo chưa ai nghĩ đến. Đế quyền vẫn coi tôn giáo là nền tảng nối kết xã hội. So với những thế kỷ trước, cơ cấu não trạng vẫn là một, chỉ có tôn giáo được ủng hộ là thay đổi thôi.

Mặc dù việc giúp đỡ của chính quyền như trên được nhiều tín hữu ủng hộ, nhưng một số Giám mục vẫn tỏ ra thận trọng. Thánh Athanasio nói “lẫn lộn hai quyền là vi phạm Luật Chúa”. Giám mục Martino lên tiếng khi hai Giám mục Tây Ban Nha kiện nhau trước hoàng đế : “Thật là kỳ quái, việc Giáo Hội lại được xét xử bởi quan tòa đời”. Thánh Hilario cũng cảnh giác “Coi chừng kẻ bách hại quỉ quyệt không đập lưng mà vuốt bụng, không bỏ tù nhưng bắt làm nô lệ đền đài, không chặt đầu mà bóp cổ các linh hổn”.

 

II. ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

 

2,1. Tiến hóa của bí tích Rửa tội và Cáo giải

Tuy nghi lễ không có gì thay đổi, nhưng việc thực hành phép rửa và cáo giải có nhiều biến chuyển. Vì lý do sư phạm (nhiều người xin tòng giáo để tìm ưu đãi), tân tòng chỉ được học về các nhiệm tích trong tuần bát nhật sau rửa tội.

Việc thử thách các hối nhân rất khắt khe. Sau khi thú tội, họ bị tách rời khỏi bàn Tiệc Thánh, ăn mặc xấu xí, buộc giữ chay kiêng thịt, và bố thí trong nhiều tháng, có khi trong vài năm trời. Có người bị cấm một số nghề, cấm quan hệ vợ chổng… Thế mà, sau lần hòa giải duy nhất này họ lại phạm tội, họ chỉ còn trông đợi được rước lễ của ăn đàng trên giường hấp hối thôi.

Hậu quả tai hại của luật lệ khắt khe trên là nhiều dự tòng trì hoãn ngày rửa tội, còn tội nhân thì chờ sắp chết mới xưng tội. Việc giải tội trở thành công tác mục vụ cho người già và bệnh nhân. Dĩ nhiên, tín hữu nào tùng phục luật lệ này, tinh thần hy sinh khiêm hạ của họ thật tuyệt vời.

 

2,2. Sống đạo và năm Phụng Vụ

Qua tài liệu các giáo phụ ta thấy các tín hữu đào sâu Kinh Thánh hơn. Sự chú tâm đến các địa danh Thánh Kinh và cuộc đời Chúa Cứu Thế, đã đưa đến những phong trào hành hương thánh địa, hành hương mộ các Tông đổ và Tử đạo. Trên mộ các ngài, người ta xây những thánh đường nguy nga. Các thánh tích như gỗ thánh giá, xương thánh, đất thánh được phổ biến thái quá đôi khi thiếu kiểm chứng, được kèm với nhiều truyền tụng về phép lạ. Thánh lễ ngày càng trang trọng hơn : từ đền thờ trang phục, vật dụng, đến giảng đài và rước kiệu. Nhiều thánh đường có lễ Misa mỗi ngày.

Mùa chay 40 ngày phát xuất từ việc huấn luyện dự tòng mô phỏng 40 ngày Chúa Giêsu ở trong sa mạc. Cuối thế kỷ IV, xuất hiện lễ Hiện Xuống kết thúc ngũ tuần mừng Lễ Phục Sinh. Vùng Đông phương mừng chung Giáng Sinh, Lễ Quán Tẩy, vào lễ Hiển Linh ngày 06-01 (ngày người Ai Cập thờ Mặt trời). Bên Tây phương từ năm 330, Giáng Sinh được chọn vào ngày 25-12 (cũng thay thế lễ Mặt trời), vẫn giữ nguyên Lễ Hiển Linh.

 

2,3. Việc truyền bá Tin Mừng

 

 

Sau khi đa số dân thành phố đã theo đạo, các Giám mục mở rộng truyền giáo về nông thôn. Thời danh hơn cả là Giám mục Martino thành Tours, ngài cỡi lừa đi hết làng này qua làng khác, thay thế các đền thờ thần ngoại bằng nhà thờ. Có tài liệu nói ngài xây dựng đến 4.000 nhà thờ. Các xứ đạo thành hình, khá độc lập với Tòa Giám mục. Từ 313-400, số Tòa Giám mục Bắc Ý từ 6 lên 50 tòa, còn vùng Gallia từ 22 lên 70 tòa.

Bên ngoài đế quốc, nhiều Giáo Hội đi vào ổn định : Ba Tư với Công đổng Bagdad (năm 410), Armênie với thánh Mesrop (+441) cùng với Caucase với thánh nữ Nino. Riêng Giám mục Wulfila (+383) đưa dân Germains theo giáo lý của Ario.

 

2,4. Xã hội chuyển biến nhờ Tin Mừng

Từ năm 325, lịch Kitô giáo trở thành nhịp sống của xã hội dân chúng : nghỉ ngày Chúa nhật và dự các Đại lễ. Luật gia đình chịu ảnh hưởng của đạo : cấm ngoại tình với nữ tỳ, quyền ưng thuận trong hôn nhân, hạn chế việc ly dị. Chế độ nô lệ chưa bị đặt vấn đề nhưng được cải thiện : cấm chia rẽ gia đình của nô lệ, cấm đóng dấu trên mặt, việc rao phóng thích ở nhà thờ. Các tù nhân cũng được xử nhân đạo hơn : không bị chết đói, mỗi ngày được thấy mặt trời, các giáo sĩ được vào thăm, bãi bỏ tử hình thập giá…

Song song vào đó là việc từ thiện. Việc chia sẻ giúp đỡ này đã có truyền thống từ Tông đổ Công vụ. Các thánh Augustino, Hilario, Ambrosio từng bán chén lễ để chuộc nô lệ hay giúp người nghèo. Giám mục Basilio (+379) vùng Cêsarea đã nối kết khu nhà thờ với tu viện, nhà khách trọ và bệnh viện. Các đan sĩ thì rất tích cực với việc phục vụ khách hành hương, bệnh nhân và người nghèo. Giám mục Alexandria có một cơ sở với 500 y tá.

Dẫu sao việc Kitô hóa xã hội vẫn chỉ giới hạn, chưa loại bỏ được việc song dấu và các biện pháp độc tài, độc đoán. Công lý thường nhờ đến bạo lực. Giám mục Ambrosio đã phải cương quyết lắm để buộc hoàng đế Théodose, sau khi tàn sát 7.000 người ở Thessalonica, phải sám hối mới được vào thánh đường Milan dịp Noel năm 390.

 

III. ĐỜI TU THUỞ BAN ĐẦU

Ngay từ đầu các tín hữu thời sơ khai đã đề cao đời sống độc thân vì nước trời, theo gương và giáo huấn Đức Giêsu (Mt. 19,12) cũng như thánh Phaolô (I Cr 7,25t). Philip có bốn trinh nữ được ơn nói tiên tri (Cv 21,9). Thư Timôthêo thì nói đến nhóm quả phụ chuyên phục vụ cộng đoàn (5,9-10).

 

3,1. Các nhà khổ tu Ai Cập

Cuối thời bách hại, Giáo Hội tạm yên ổn. Một số tín hữu muốn phản ứng lại nếp sống đạo sa sút. Họ rời bỏ thế gian vào sa mạc để tìm kiếm sự hoàn thiện.

a/. Thánh Antôn (251-356),được coi là tổ phụ đời đan tu. Nghe tiếng Chúa (Lc 18,22), Antôn bán hết tài sản, đi tìm Chúa trong thanh vắng, đơn độc, hành xác và cầu nguyện. Chính trên hành trình tìm hoàn thiện cá nhân này, thánh nhân trở thành trung gian giữa Thiên Chúa và con người : ngoài hai lần trở về Alexandria nâng đỡ anh em trong cơn bách hại và làm chứng cho Chúa Giêsu ; thường xuyên ngài giúp các khách hành hương, nhất là những người xin ở lại làm môn đệ ngài. Số đồ đệ ấy có khi lên đến 5.000 người nhưng không cần lề luật nào cả, vì Antôn là hiện thân của lề luật. Sa mạc Thêbaiđa trở thành thiên đường thu hút nhiều tín hữu rời bỏ đô thị.

b/. Thánh Pacomia (+346)là vị sáng lập các đan viện sống cộng đoàn trong những khu tu trì có rào giậu. Một bề trên điều hành các đan sĩ lao động, học Kinh Thánh và đọc chung thần vụ. Thánh nhân lập được đến mười nhóm (từ 700 đến 1000 người) . Maria, em gái ngài cũng phỏng theo đó lập hai nữ đan viện.

c/. Thánh Basilio (+370) viết tu luật năm 350, nhằm điều chỉnh những thái quá, lệch lạc trong đời tu. Đan viện theo Ngài là một gia đình không đông quá, để bề trên có thể hướng dẫn từng người, không ai làm việc riêng lẻ. Lý tưởng của họ là cộng đoàn ở Giêrusalem. Hiện nay, có nhiều đan viện đông phương vẫn theo tu luật Basilio.

3,2. Các đan viện Tây phương

Sau quá trình tu luyện ở Tiểu Á, Thánh Hilario (+368) mở đan viện tại Trèves. Cuốn “Cuộc đời thánh Antôn”, được thánh Athanasio biên soạn đã tạo nên phong trào đan tu ở Roma. Thánh nữ Marcella qui tụ nhiều chị em tận hiến dưới sự hướng dẫn của thánh Giêrominô.

Thánh Giêrônimô (+419) khi qua Palestine, lập các đan viện chuyên chú học hỏi Kinh Thánh. Thánh Augustinô (+430) áp dụng những nét chính của đời tu cho hàng giáo sĩ địa phận. Ngài nối kết đời linh mục với đan tu, chọn các đan sĩ làm giáo sĩ. Tu luật thánh Augustino là tổng hợp những lời khuyên tổng quát cho đời tu. Thế kỷ sau, ta thấy Cassiodorus đề ra dạng thức đan viện học viện (năm 540) với những thư viện vĩ đại, cổ võ các đan sĩ nghiên cứu và sao chép.

Tuy nhiên danh xưng vĩ đại nhất trong nếp sống đan viện là thánh Biển Đức (480-547). Chán cảnh sa hoa của Roma anh vào rừng Subiacô. Dần dần lập được 12 cộng đoàn trước khi lập đan viện Casino (529) nơi ngài hoàn thành tu luật dòng mình. Các đan sĩ khấn vĩnh cư, hoán cải và vâng phục bề trên do mình bầu. Nếp sống được tổ chức quân bình giữa kinh nguyện, lao động, nghỉ ngơi và đọc sách (3 đến 4 giờ mỗi ngày). Mỗi đan viện là một đơn vị tự túc tiến dần đến phục vụ xã hội về nhiều mặt, từ kinh tế đến y tế, trường học và quán trọ.

Nhờ Đức Grêgorio cả (+604) dòng Biển Đức mở rộng khắp Âu châu, tham gia việc truyền giáo, lập các địa phận từ Anh, Đức, Hà Lan đến Đông Âu … Thánh Columban (+615) gốc Ái Nhĩ Lan cũng góp phần lập nhiều đan viện ; nhiệt tình trong việc tông đổ và khẩn hoang.

3,3. Ảnh hưởng các đan sĩ

Hạt lúa các vị khổ tu đầu tiên gieo trong sa mạc, đã dần dần đơm bông kết trái. Khởi từ ước muốn hoàn thiện, các vị rời trần gian, đã họp thành những xã hội mới của Nước Trời. Trong đan viện, không còn giai cấp, mọi người là anh em con một cha. Để từ đó, các đan sĩ sống liên đới với những người bần cùng nhất, đem lại giá trị cho lao động sáng tạo. Thái độ kính sợ được chuyển dần thành tình yêu xây dựng như một cách thế tôn thờ mới.

Ngay trong thẳm sâu đời sống thầm lặng của các đan viện, Thiên Chúa thực hiện công trình của Ngài. Qua thực tế lịch sử, những con người tưởng như chối bỏ trần gian ấy đã hoàn thành một vai trò vĩ đại với thế giới : sứ vụ lưu truyền kiến thức nhân loại, việc góp phần hình thành những đô thị lớn của Âu châu và đã ảnh hưởng sâu đậm trên nhân sinh quan cũng như văn hóa của trời Âu suốt thời Trung Cổ và còn ảnh hưởng đến ngày nay.

 

TOÁT YẾU

 

1/. Tiến đến quốc giáo : Sau khi chiến thắng, Constantin ban hành chiếu chỉ Milan (313) về tự do tôn giáo. Nhưng hoàng đế yểm trợ cách riêng kitô giáo, dù cuối đời ông mới theo đạo. Các hoàng đế sau, trừ Juliano (+363) loại dần các tôn giáo khác cho đến năm 380, Théodose kêu gọi toàn dân liên kết với đức tin của Roma.

2/. Đời sống Giáo Hội : Bí tích cáo giải và rửa tội có khuynh hướng khắt khe hơn trước. Người tín hữu đào sâu Kinh Thánh, nhiệt tình với việc hành hương và các thánh tích. Phụng vụ trang trọng hơn và ổn định chu kỳ Lễ Phục Sinh cũng như Giáng Sinh. Nhiều vùng nông thôn đón nhận Tin Mừng phát sinh các giáo xứ. Trong bối cảnh bình an, các tín hữu ý thức trách nhiệm với tha nhân qua những công trình từ thiện, chống lại bạo lực và cải thiện xã hội : bênh vực người yếu kém và thăng tiến phụ nữ.

3/. Dòng tu thuở ban đầu : Thánh Antôn (+356) được coi là tổ phụ đời đan tu, thu hút nhiều người rời đô thị vào sa mạc. Thánh Pacôme sáng lập lối cộng tu. Thánh Basilio viết thành tu luật. Tại Tây phương cuối thế kỷ IV mới có đời tu. Thánh Augustino nối kết đời tu linh mục với đan viện, lập một tu luật riêng. Thế nhưng, tổ phụ Biển Đức (+547) mới tạo thành nếp đan tu ổn định qua nhiều thế kỷ : đan sĩ khấn vĩnh cư, đan viện độc lập về kinh tế trở thành những trung tâm từ thiện, giáo dục lẫn kinh tế. Đó là vườn ươm giáo sĩ và là Dòng tu, gổm nhiều người, nhiều thế hệ, nối tiếp nhau hoàn thành những sự nghiệp lâu dài.

 

CÂU HỎI
1. Nội dung chiếu chỉ Milan ?
2. Thái độ Constantin với kitô giáo ?
3. Nhận định về việc các hoàng đế Roma chọn kitô giáo làm quốc giáo ?
4. Biến chuyển trong thực hành bí tích rửa tội và giải tội ?
5. Đời sống đạo của các tín hữu thế kỷ IV ?
6. Việc hình thành các giáo xứ ?
7. Xã hội Roma chuyển biến nhờ Tin Mừng ?
8. Những bước hình thành tu luật Biển Đức ?

BÀI ĐỌC THÊM

 

“CHIẾU CHỈ MILAN” 313

THƯ GỬI THỐNG ĐỐC BITHYNIE

Ta, Constantinus Augustus, và Ta, Licinius Augustus đã họp với nhau cách tốt đẹp tại Milan để thảo luận đến mọi vấn đề liên quan đến an ninh và công ích, chúng tôi xét thấy rằng giữa nhiều quy định khác, trước hết phải cứu xét đến những quy định tự bản chất chúng có mục đích bảo đảm quyền lợi của đa số, quy định này bao gồm lòng tôn kính thần linh, nghĩa là cho phép mỗi Kitô hữu, cũng như mọi người, quyền tự do có thể theo tôn giáo mình lựa chọn, để thần linh trên trời khoan dung và phù hộ cho chính chúng tôi, cũng như mọi người sống dưới quyền của chúng tôi.

Vì thế chúng tôi tin rằng, với một ý định tốt lành và rất ngay thẳng, chúng tôi cần phải quyết định không từ chối quyền này với bất cứ ai, để họ có thể gia nhập tôn giáo của các Kitô hữu hay một tôn giáo nào mà người đó thấy hợp với mình hơn, ngõ hầu Đấng tối cao, Đấng chúng tôi cũng tôn sùng cách tự nhiên có thể tỏ lòng khoan dung và che chở chúng tôi trong mọi việc như thường lệ.

Vì vậy, xin ngài thống đốc hiểu rằng chúng tôi đã quyết định hủy bỏ hoàn toàn những hạn chế ghi trong các văn kiện được gửi tới quý tỉnh trước đây liên quan đến danh xưng Kitô hữu, bãi bỏ những quy định xa lạ và lỗi thời với lòng khoan dung của chúng tôi, và từ nay trở đi, cho phép tất cả những ai quyết định theo Kitô giáo, được hoàn toàn tự do thực hành đạo, không bị quấy rối cũnh như bị làm khó dễ nữa (…)
(Lactante trích trong De la mort des persécuteurs, 48,
Bản dịch Sources Chrétiennes).

 

SINH HOẠT PHỤNG VỤ

PHÉP RỬA Ở THẾ KỶ II

Về phép rửa, hãy thực hiện như sau : Sau khi đã dạy những điều cần, hãy rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, hãy rửa trong dòng nước chảy. Nếu không có, thì rửa trong thứ nước khác ; nếu không có nước lạnh thì dùng nước nóng. Nếu không có cả hai, thì hãy đỗ nước trên đầu ba lần “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Trước phép rửa, người ban và người chịu phép rửa hãy ăn chay cùng với tất cả những người khác nếu có thể ; tối thiểu, hãy buộc người lãnh nhận phép rửa ăn chay một hai ngày trước.

DIDACHÈ, VII – JC. Để đọc LSGH I, p.54

PHÉP RỬA Ở THẾ KỶ III

Vào lúc gà gáy, trước tiên làm phép nước (…) các ứng viên cởi bỏ y phục, và người ta làm phép rửa, bắt đầu từ trẻ em. Ai có thể nói được thì tự nói. Ai không nói được thì cha mẹ hay người nhà nói thay. Tiếp đến rửa tội đàn ông và sau cùng là phụ nữ. Họ xõa tóc và tháo bỏ nữ trang vàng bạc đang mang. Đừng ai mang vật gì khác ngoài bản thân mình khi xuống nước.

Vào lúc đã định cử hành phép rửa, đức giám mục tạ ơn trên dầu để trong mình, đó là dầu tạ ơn. Ngài trừ tà một bình dầu khác gọi là dầu trừ tà. Một phó tế mang bình dầu trừ tà đặt bên trái vị linh mục và một phó tế khác mang một bình dầu tạ ơn đặt bên phải ngài.

… Khi thụ nhân đã xuống nước, người rửa đặt tay và hỏi : Con có tin Thiên Chúa là Cha toàn năng không ?” , thụ nhân đáp : “Tôi tin”. Người làm phép rửa đặt tay trên đầu thụ nhân và dìm xuống nước lần thứ nhất …
Hippolyte de Rome, La Tradition Apostolique
JC. Để đọc LSGH I, p.55

 

CONSTANTIN VỚI GIÁO HỘI

THƯ GỬI GIÁM MỤC CARTHAGO

Trẫm cho rằng, tất cả các tỉnh ở Châu Phi cần giúp đỡ những người đã được Giáo Hội thánh thiện chỉ định và được luật pháp công nhận, nên trẫm đã gửi thư cho Ursus đặc trách về tài vụ tài Phi Châu, lấy trong kho 3.000 đồng vàng để trao cho đức cha.

Vì trẫm cũng biết rằng, có những kẻ tư tưởng không vững muốn lôi kéo dân chúng xa rời Hội thánh để theo giáo lý sai lầm, nên xin báo cho đức cha biết, trẫm đã ra lệnh cho Anulius và Patricius, để họ quan tâm đúng mức về mọi vấn đề, nhất là trong chuyện này, không được sao lãng. Nếu đức cha thấy kẻ nào ngoan cố trong sự điên rổ, đừng ngại gởi nội vụ đến hai quan tòa nói trên. (Eusebio, LSGH X, 6)

THƯ GỬI ANULIUS

Tất cả các giáo sĩ thuộc phạm vi tỉnh của khanh, đang thi hành chức vụ trong giáo phận của giám mục Cecilianus, trẫm muốn họ được chuẩn miễn dứt khoát và hoàn toàn, những trách nhiệm công cộng, để họ đừng vì lầm lạc mà sao lãng việc phụng sự Chúa. Trẫm không muốn họ bị quấy rầy khi tuân thủ theo luật lệ riêng của họ. Nếu họ hết lòng phụng thờ Chúa, họ đã làm lợi rất nhiều cho việc chung.
(Eusebio, LSGH X, 7)

 

TỪ TỰ DO TÔN GIÁO ĐẾN QUỐC GIÁO

JC. Để đọc LSGH I, p79

Luật của Hoàng Đế Constantin năm 319

“Ta cấm những thầy bói ruột súc vật và những ai có thói quen làm việc ấy không được vào nhà riêng hay bước qua ngưỡng cữa nhà người khác, dù với lý do tình bạn. Kẻ nào vi phạm luật này, sẽ bị xử phạt. Nhưng nếu ai cho rằng việc đó có ích lợi cho mình, thì hãy đến những bàn thờ hay đền thờ riêng mà làm việc đó ; Ta không ngăn làm giữa ban ngày những nghi lễ đã có từ lâu (Bộ luật Theodose IX,16,2 )

Luật của Hoàng Đế Constance, năm 356

“Những kẻ có đủ bằng chứng là đã tham dự việc dâng cúng hay tôn thờ các ngẫu tượng sẽ bị tử hình “. (Bộ luật Theodose XVI, 10, 6 )

Sắc chỉ Thessalonica, năm 380

Ta muốn rằng tất cả dân chúng sống dưới quyền cai trị nhân từ của ta, đều sống trong niềm tin do thánh tông đồ Phêrô đã truyền lại cho các tín hữu Roma và được giảng dạy cho đến nay, và kế vị ngài là đức giáo hoàng Đamasô và giám mục Phêrô ở Alexandria, như mọi người biết, giống như chính thánh nhân đã giảng dạy (…) .

Ta ra lệnh rằng : ” Chỉ những ai giữ luật này, mới có quyền nói mình là người công giáo, còn tất cả những kẻ khác, là điên rổ, ngu ngốc, sẽ phải chuốc lấy sự hổ thẹn dành cho bọn lạc giáo. Chúng sẽ bị Chúa nghiêm trị trước, rồi sẽ bị ta trừng phạt sau, theo như quyết định mà Chúa đã soi sáng cho ta. (Bộ luật Theodose XVI, 1, 2)

Năm 392 :

Nếu ai dâng hương tôn kính các thần tượng do tay con người làm ra (…); ai kết triều thiên vải cho cây cối; ai dựng bàn thờ bằng đất (…) họ đã xúc phạm nặng nề và nghiêm trọng đến tôn giáo. Và vì xúc phạm đến đạo, kẻ đó sẽ bị tịch biên nhà ở hay tài sản, nơi y đã tỏ ra là nô lệ cho lòng mê tín ngoại đạo. (Bộ luật Theodose XVI, 12)

 

THÁNH AUGUSTINÔ – TỪ THUYẾT PHỤC ĐẾN VŨ LỰC

Thư số 23, năm 392 : Như vậy tôi làm cho thính giả của tôi hiểu rằng, mục đích của tôi không phải là ép buộc ai chấp nhận một sự hiệp thông nào đó, nhưng là giúp những người tìm kiếm cách hòa bình, được hiểu biết chân lý. Vậy nếu chúng tôi ngưng dùng quân đội can thiệp, thì các ông cũng hãy thôi đừng để nông dân vũ trang gây khủng bố. Chúng ta hãyđi ngay vào việc, hãy hành động với lý trí và với sức mạnh của Thánh Kinh, chúng ta hãy xin, hãy tìm, hãy gõ trong hòa bình và trật tự, để chúng ta tìm thấy cửa mở cho ta.

Thư 93, năm 408 : Các người đừng nhìn vào chính sự cưỡng ép, nhưng xem điều cưỡng ép đó tốt hay xấu. Có những người không thể tự mình trở nên tốt, nhưng do nỗi sợ phải chịu điều mình không muốn, sẽ từ bỏ được tính ương ngạnh, đi đến chỗ nhận ra chân lý mà anh ta chưa biết. Sau đó, sự sợ hãi sẽ làm y vứt bỏ điều sai trái anh ta từng bảo vệ để tìm kiếm và bảo vệ chân lý. Cuối cùng anh ta sẽ tự nguyện gắn bó với điều mà trước kia mình không muốn.

Thư 185, năm 417 : Có việc bách hại bất công của những kẻ ngoại đạo đối với Giáo hội Chúa Kitô; nhưng cũng có sự bách hại chính đáng, điều Giáo hội xử với những kẻ ngoại đạo…. Giáo hội cưỡng bách vì tình yêu, còn kẻ vô đạo bắt bớ do lòng độc ác…. Do quyền Thiên Chúa ban, nhờ các vị vua đạo đức và trung tín, nếu Giáo hội ép những kẻ ở ngoài đường vào lòng Giáo hội, kể cả những kẻ ly giáo và lạc giáo, thì mong họ đừng nghĩ đến việc bị ép buộc, mà hãy thấy nơi họ được đưa đến. Đó là yến tiệc của Chúa Kitô và sự hiệp nhất với nhiệm thể của Ngài

 

BÍ TÍCH THÁNH THỂ thế kỷ II

Vào ngày gọi là ngày mặt trời, tất cả mọi người từ thành thị đến thôn quê, tề tựu tại một nơi. Tùy thời gian cho phép, họ đọc sách do các tông đồ soạn và sách các tiên tri. Khi người đọc kết thú, vị chủ sự ban huấn tư để khuyến cáo và khích lệ mọi người sống theo những giáo huấn tốt đẹp đó. Tiếp đến, chúng tôi cùng đứng lên cầu nguyện lớn tiếng. Rồi (…) khi cầu nguyện xong, người ta mang bánh, rượu và nước đến. Vị chủ sự dâng lên những lời cầu nguyện và tạ ơn hết sức có thể, và dân chúng đáp lại bằng lời tung hô “AMEN”. Sau đó, họ phân phát và chia sẻ cho mọi người Lương Thực đã được thánh hiến và nhờ các phó tế đem phần dành cho những người vắng mặt.

Những người dư dật và muốn tự nguyện dâng cúng, được tự do gửi tặng những gì họ muốn, chúng sẽ được trao cho vị chủ sự, ngài sẽ dùng chúng để giúp đỡ các trẻ mổ côi, người góa bụa, đau yếu, tù nhân, tiếp đón khách vãng lai… Chúng tôi họp nhau vào tất cả các ngày mặt trời, vì đó là ngày thứ nhất, ngày mà Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ cõi u minh, và là ngày Đức Giê Su Kitô Đấng cúu độ chúng tôi đã sống lại từ trong cõi chết…

Chúng tôi gọi Lương Thực này là Thánh Thể, và những ai không tuyên xưng giáo lý chân thực, không chịu phép rửa tái sinh, không sống theo luật của Đức Kitô, thì không được thông phần của ăn đó. Vì chúng tôi không coi của ăn này là bánh rượu thông thường. Như Đức Kitô, Đấng cứu độ chúng tôi, đã lấy Mình Máu Ngài để cứu chuộc chúng tôi, thì cũng vậy, của ăn được Thánh hiến do lời cầu nguyện theo như lời Đức Kitô, chính là Mình Máu Ngôi Lời Nhập Thể nuôi dưỡng chúng tôi …
(Thư th. Justinô gửi hoàng đế Antoninô -Để đọc LSGH I, p.56)

 

LÃNH BÍ TÍCH GIẢI TỘI MỘT LẦN

Hermas trình bày vấn đề qua cuộc đối thoại giữa ông với Thiên Thần, tức vị mực tử :

Hermas : Tôi nghe một vài vị tiến sĩ nói rằng : ” Chẳng có phép tha tội nào khác ngoài phép tha tội được ban ngày chúng ta xuống nước rửa tội, ngày mà chúng ta nhận lãnh ơn tha thứ các tội đã phạm trước.
Mục tử : Anh đã nghe đúng, sự thực là thế. Người đã nhận lãnh ơn tha tội trong phép rửa không được phạm tội nữa, mà phải sống tinh tuyền (…) Nhưng Thiên Chúa, Đấng thấu suốt cõi lòng và biết trước mọi sự, đã thấy trước sự yếu hèn của con người và sự gian ác của ma quỉ (…) Do lòng từ bi lớn lao, Thiên Chúa xót thương tạo vật của Ngài và đã lập ra bí tích giải tội và ban cho tôi quyền tha tội. Vậy tôi xin tuyên bố cho anh biết : nếu sau cuộc xá tội cách trọng thể đó, ai đó bị ma quỉ cám dỗ và sa ngã, anh ta có thể được tha tội một lần nữa. Nhưng nếu anh ta lại phạm tội rồi ăn năn thì phép giải tội chẳng ích gì cho anh ta nữa …

Hermas, Sách “Mục Tử” 31,1-6 – Để đọc LSGH I, p.59

THỬ THÁCH DÀNH CHO HỐI NHÂN

Lần tha tội thứ hai và duy nhất này, càng phải hạn chế trao ban thì lại càng phải đòi hỏi một thử thách nặng nề chừng đó. Không chỉ là hành vi nội tâm mà còn phải được diễn tả bằng hành động. Hành động này (…) là lời thú nhận qua đó, chúng ta xưng thú tội mình với Chúa (…) Đó là kỷ luật dành cho các tội nhân, đòi anh ta phải phủ phục và tự hạ và chỉ định cho anh ta một lối sống đem lại cho anh ơn tha thứ. Về cơm ăn áo mặc, kỷ luật này đòi tội nhân ngủ trên bao bị và tro bụi, anh ta hãy mặc áo quần rách rưới và màu tối, hãy đau đớn trong lòng, hãy tu sửa tội lỗi quá khứ bằng những khổ chế nghiêm ngặt (…)
Hối nhân thường thêm vào lời cầu nguyện bằng ăn chay hãm mình, bằng than van khóc lóc, kêu cầu lên Chúa đêm ngày, phủ phục dưới chân các linh mục, quì gối trước các tôi tớ Chúa, để xin anh em mình góp sức khẩn cầu.
(Tertullien, traité de la pinétence )

 

CÁC THỪA TÁC VIÊN LƯU ĐỘNG

Các tông đồ, tiên tri và tiến sĩ đề cập đến trong đoạn này phải hiểu theo nghĩa của 1Cl 12,28t. Đoạn văn này có thể rất gần thời các tông đồ.

” Đối với những gì liên quan đến tông đồ và các tiên tri hãy hành động theo luật của Tin Mừng như sau : khi một tông đồ đến nhà, hãy đón tiếp ngài như đón tiếp Chúa. Nhưng vị đó sẽ chỉ ở lại một ngày, hay khi cần, chỉ ngày thứ hai. Nếu ở đến ba ngày, đó là tiên tri giả. Vị tông đồ ra đi sẽ không nhận gì cả, ngoại trừ lương thực đủ dùng để kiếm được chỗ trú chân. Nếu lại đòi tiền, đó là tiên tri giả

Mọi tiên tri thật, muốn ở lại nhà anh em thì đáng ăn công (Mt 10,10). Cũng vậy, vị tiến sĩ thật cũng xứng đáng hưởng của nuôi thân như người thợ (…)

Vậy anh em hãy bầu lên những giám mục và phó tế xứng đáng phục vụ Chúa, những người vô vị lợi, trung thực và được thử luyện, vì chính các ngài sẽ thực thi tác vụ tiên tri và tiến sĩ cho anh em. Đừng khinh thị các ngài, vì cùng với các tiên tri và tiến sĩ, các ngài là người đáng được anh em kính trọng.
( Didaché XI, XIII, XV – Để đọc LSGH I, p.63)

 

THÁNH ANTÔN – TỔ PHỤ CÁC ẨN SĨ

Thánh Antôn lui vào nơi cô tịch, sống ngày càng nhiệm ngặt hơn, ngài chịu đựng và chiến thắng cách anh hùng nhưng tấn công của ma quỉ…
Nhưng ma quỉ, kẻ thù của sự thiện và hay ganh ghét, không thể chịu nổi khi thấy một người trẻ tuổi sống tốt như thế… Trước hết nó cám dỗ ngài thôi sống hãm mình bằng cách gợi lại những kỷ niệm xưa về của cải, nỗi lo lắng về người em gái, những quan hệ gia đình, lòng yêu tiền bạc, lòng ham danh vọng, thú vui ăn uống và bao điều dễ chịu của cuộc sống, và cuối cùng nó gợi lên sự đắng cay của nhân đức với bao lao nhọc phải chịu (…)

Ban đêm quỉ hiện hình phụ nữ, bắt chước các điệu bộ để cám dỗ Antôn, nhưng Antôn, luôn mang Đức Kitô trong lòng, suy niệm về phẩm giá cao qúi Chúa ban và sự thiêng liêng của linh hồn đã dập tắt lửa dục tình lừa đảo của quỉ ma(…) Đêm đến, quỉ làm ổn ào rung chuyển cả nơi Antôn ở. Vách nhà như vỡ ra, ma quỉ dưới hình thú dữ, rắn rết tràn vào ; khắp nơi đầy dẫy bóng sư tử, gấu, beo, bò rừng, rắn rết, bò cạp, chó sói. Mỗi thú dữ một kiểu, đe dọa Antôn. Sư tử gầm lên như muốn tấn công ngài, bò rừng chừng như đưa sừng lao tới, rắn rết bò quanh nhưng không tới gần, chó sói lao đến nhưng bị giữ lại… tất cả gây ổn ào khủng khiếp và cảnh tượng thật dữ dằn (…)

Tinh thần trong sáng, ngài không bao giờ cau có vì phiền muộn, cũng chẳng lộ vẽ hoan lạc khi vui thú ; ngài không cười hay khóc, đám đông không làm ngài xao động, vạn kẻ cúi chào cũng chẳng khiến ngài quá mừng vui : ngài luôn bình lặng và tự chủ. Chúa đả dùng ngài chữa lành nhiều người đau bệnh trong thân xác và thanh luyện nhiều tâm hồn khỏi quỉ ma. Thánh Antôn được Chúa ban ơn biết an ủi người khổ sầu và hòa giải những xung đột. Ngài nói với họ đừng coi sự đời này trọng hơn Đức Kitô. Bắng cách khuyến khích nghĩ đến của cải mai sau, đến Tình yêu Thiên Chúa, đấng đã không dung tha chính Con mình, nhưng đã phó nộp Con vì chúng ta, ngài đã thuyết phục được nhiều kẻ sống tịnh liêu, và thế là các tu viện mọc lên trên các vùng đổi núi, và hoang mạc nay có đông đảo bóng dáng những nhà tu hành, những người đã từ bỏ mọi sự để ghi têm mình vào Thành thánh trên trời (…)
(JC. Để đọc LSGH I, p 89)

 

LUẬT BIỂN ĐỨC – VỀ TU VIỆN TRƯỞNG

Viện phụ là kẻ xứng đáng cai quản đan viện, phải không ngừng nhớ đến danh xưng mình mang và qua hành động, phải thực thi danh hiệu ấy. Thật vậy, người ta coi ngài giữ vai trò của Chúa trong tu viện, nên ngài mang danh hiệu dành cho Chúa (Abbé do chữ Abba là Cha) như lời thánh Tông đồ : Anh em nhận lấy Thần Khí nghĩa tử, Đấng kêu lên “Lạy Cha” (…)

Mỗi khi đan viện có điều gì quan trọng phải quyết định, viện phụ sẽ mời tất cả cộng đoàn và chính ngài sẽ trình bày vấn đề. Sau khi đã thu thập ý kiến anh em, ngài tự mình quyết định và làm điều gì ngài xét là lợi nhất. Lý do khiến chúng ta phải tham khảo ý kiến của anh em, chính là vì Thiên Chúa thường mạc khải những điều kỳ diệu nhất cho những kẻ bé mọn nhất (…)

 

Lm Phanxicô Xaviê Ðào Trung Hiệu OP
Hiệu đính tháng 9/2006

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072