Đi Cộng hòa Dân chủ Congo, Đức Phanxicô đi trên bãi mìn
Ngày thứ ba 31 tháng 1, Đức Phanxicô sẽ đi Kinshasa, thủ đô Congo trong ba ngày, sau đó ngài sẽ đi Juba, thủ đô của Nam Sudan trong hai ngày.
Chuyến tông du lần thứ bảy của Đức Phanxicô đến châu Phi chắc chắn là chuyến đi quan trọng nhất. Vì nếu có một pháo đài của Giáo hội châu Phi thì đây là pháo đài này (có lẽ là pháo đài cuối cùng): Cộng hòa Dân chủ Congo, đất nước có khoảng 35 triệu giáo dân, con số này chiếm 1/5 tổng số người châu Phi theo đạo công giáo.
Những điểm va chạm
Vì thế đây là đối thủ nặng ký, gần như một Quốc gia trong một Quốc gia, tự lập về tài chính nhờ di sản đất đai và bất động sản, trang trại, doanh nghiệp, mạng lưới trường học, các trường đại học và các bệnh viện rộng lớn. Và cũng là nơi có sức cự lại trước sự gia tăng của các đối thủ truyền giáo mà sức mạnh tấn công của các phương tiện truyền thông có nguy cơ nhận chìm kitô giáo châu Phi và những người tuyển dụng bằng mọi giá, ở mọi nơi, từ khu ổ chuột đến các khu dân cư cao cấp. Và cuối cùng một thế lực đối kháng đã từ lâu làm chúng ta quên, cho đến năm 1960, kitô giáo là cánh tay tinh thần của chế độ thuộc địa Bỉ, thường xuyên trực diện chống lại các chế độ tại chỗ, dưới sự lãnh đạo của các hồng y chiến đấu: Joseph-Albert Malula chống lại Mobutu, Laurent Monsengwo chiến đấu với cha con Kabila, Fridolin Ambongo chiến đấu với Tshisekedi.
Dù mối quan hệ giữa dinh tổng thống và tổng giáo phận Kinshasa có phần nào bớt gay go để có đồng thuận cho chuyến đi của giáo hoàng, thì giữa hai bên cũng khó có được sự tin tưởng lẫn nhau. Một bên là nguyên thủ quốc gia mà hội đồng giám mục đã mất nhiều thời gian để công nhận cuộc bầu cử tháng 12 năm 2018; thêm nữa một giám chức cấp cao vẫn chưa nuốt xong việc áp đặt lên người đứng đầu ủy ban bầu cử quốc gia trách nhiệm trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo một ứng cử viên không phải người của họ.
Tập trung vào lòng trắc ẩn
Đức Phanxicô đặt điều kiện cho chuyến đi của ngài là Congo phải có một nền dân chủ xen kẽ, hiện đã có được cách đây bốn năm, vì thế ngài rơi vào tình thế trơn trượt. Thậm chí như dẫm mìn nếu tính đến bối cảnh cực kỳ nhạy cảm của cuộc khủng hoảng an ninh đang ảnh hưởng đến phía đông của quốc gia-lục địa này. Về vấn đề nhức nhối này, Giáo hội công giáo Congo đang ngược gió, họ lướt trên làn sóng dân tộc chủ nghĩa, ái quốc và chống Rwanda.
Trong cuộc tuần hành ngày 4 tháng 12 do Hội đồng Giám mục Congo tổ chức tại Kinshasa, các bài thánh ca hòa với các khẩu hiệu ủng hộ quân đội và khẩu hiệu thù địch với tổng thống Rwanda Paul Kagame. Trong một tài liệu có tựa đề “Đất nước chúng ta đang gặp nguy hiểm”, với những lời lẽ không che giấu, hội đồng giám mục kêu gọi Cộng hòa Dân chủ Congo không tham dự Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, rút quốc gia ra khỏi cộng đồng đông-Phi, sự ra đi của Lực lượng Gìn giữ Hòa bình khỏi Monusco và việc thành lập một tòa án quốc tế để xét xử các “tội ác chiến tranh” của M23 và của những người bảo vệ Rwanda.
Không nghi ngờ gì, đây là điểm hội tụ duy nhất giữa Giáo hội và quyền lực. Cả hai đều mong với chuyến tông du sẽ được hàng trăm nhà báo nước ngoài đưa tin và theo dõi, một tác động tập trung trắc ẩn tối thiểu cho các nạn nhân của cuộc xung đột ở miền Đông. Mặt khác, người ta có thể dễ dàng hình dung lời của Đức Phanxicô sẽ được lắng nghe với sự cảnh giác cao độ ở thủ đô Kigali, Rwanda, nơi mà mọi người mong họ không có phản đối nào khi nhận thông điệp của Vatican, mà thái độ trước và trong cuộc diệt chủng người Tutsis năm 1994 phần lớn đồng nghĩa với thỏa hiệp. Bất kỳ hòa giải nào từ phía Vatican với hai anh em kẻ thù là không thể, vì thế giáo hoàng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào một Giáo hội Congo đã chọn phe của mình một cách rõ ràng. Hành động cân bằng hứa hẹn sẽ rất gai góc.
Chuyến đi hơn 72 giờ này, giáo hoàng sẽ gặp khó khăn lớn khi ngăn chặn việc chủ nhà lợi dụng cách nghiêm trọng cho các mục đích trước bầu cử. Sau đó ngài sẽ đi chuyến đi ngắn hơn đến Juba, thủ đô Nam Sudan, là một trong năm quốc gia châu Phi ở cuối bảng xếp hạng thế giới về Chỉ số Phát triển Nhân bản. Một quốc gia mong manh và đổ máu, bị tàn phá qua ba đợt nội chiến kể từ năm 1956, và chỉ mới được yên bình bấp bênh ba năm trước đây. Ở đây, Giáo hội nghèo nàn và sống nhờ Vatican, dưới cái bóng vĩnh cửu của Tổng thống Salva Kiir, người Stetson, một cựu hầu tước 71 tuổi, đạo công giáo.
Nếu Đức Phanxicô muốn đến thăm đất nước của Thánh Bakhita, vị thánh nô lệ được phong năm 2000, thì đó là để tôn trọng lời hứa ngài đưa ra năm 2019 khi kết thúc cuộc hòa giải duy nhất mà ngài thực sự đã thành công – cuộc hòa giải đã chấm dứt xung đột giữa tổng thống Salva Kiir và đối thủ truyền kiếp của ông là ông Riek Machar, họ về Vatican để dự ngày tĩnh tâm được tổ chức cho họ.
Các vụ tai tiếng tình dục
Chữa lành vết thương bên bờ sông Congo, củng cố hòa bình dân sự trên sông Bahr el-Ghazal: Đức Phanxicô sẽ có nhiều việc phải làm để tìm thời gian thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến quản trị và học thuyết trực tiếp liên quan đến Giáo hội công giáo châu Phi. Dù họ đã không (hoặc chưa?) đo lường được các vụ tai tiếng tình dục đã tàn phá các đồng môn của họ ở Bắc bán cầu, các vụ tội phạm ấu dâm – đặc biệt được Hiệp hội Giới trẻ Phi châu (Jeune Afrique) đưa ra ở Gabon và Congo – đang bắt đầu đi ra khỏi luật im lặng lâu dài do hàng giáo phẩm áp đặt. Chắc chắn trong việc này, họ không để yên các mục tử săn mồi, các giáo sĩ hồi giáo hiếp dâm sẽ không là hoang tưởng của một chủ nghĩa ghét người hồi giáo. Nhưng vì công giáo là một trong những tôn giáo hiếm hoi (cùng với phật giáo) buộc giáo sĩ phải sống độc thân và khiết tịnh, nên việc vi phạm tính gương mẫu này càng gây sốc hơn cho giáo dân.
Nếu chúng ta thường nhắm mắt làm ngơ việc linh mục là cha gia đình ở nhiều nước châu Phi, thì việc hãm hiếp trẻ vị thành niên là không thể dung thứ. Liệu giáo hoàng có dám dỡ bỏ điều cấm kỵ này và nhân danh Giáo hội bày tỏ sự ăn năn của ngài, một nguy cơ gây ra cơn sóng thần cảm xúc, phẫn nộ, thậm chí là khó hiểu không? Không có gì chắc chắn. Thêm nữa với giáo hoàng cải cách này, như ngài biết, ngài phải đối diện với một Giáo hội châu Phi phần lớn rất bảo thủ về mặt đạo đức và giá trị, sẽ không đồng ý với ngài về những chủ đề nhạy cảm như phá thai và quyền của người LGBT – hoặc, ít nhất, cảm thấy cực kỳ khó khăn để theo ngài. Thêm nữa bây giờ, phần lớn các giám mục Phi châu thấy mình có cùng quan điểm cực kỳ khắt khe của hồng y Robert Sarah người Guinea, thân cận với cố giáo hoàng Bênêđictô XVI và bị Đức Phanxicô bỏ rơi, hồng y công kích “người đồng tính, công kích việc thờ thần tượng phương Tây, hệ tư tưởng phá thai và chủ nghĩa cuồng tín hồi giáo”, dưới mắt hồng y có thể so sánh những chuyện này với chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa cộng sản.
Đảm bảo không bị trừng phạt
Về cơ bản, chuyến đi này của Đức Phanxicô sẽ thu hút hàng trăm ngàn tín hữu đến Kinshasa trong hai thánh lễ lớn, ở sân bay Ndolo và ở sân vận động Các Thánh Tử Đạo, đó là dịp để Giáo hội công giáo châu Phi tự hỏi mình câu hỏi hiện sinh: làm thế nào để duy trì vị trí lãnh đạo tâm linh và qua đó, chinh phục, liên tục thu hút những tín đồ mới mà vẫn là người bảo đảm đạo đức của xã hội? Đức Phanxicô biết điều này: như nhà văn Pháp Alphonse Karr (1808-1890) đã nói, “tương lai thuộc về Giáo hội nào có những cánh cửa rộng nhất”, thì chuỗi các nhà nguyện Ngũ Tuần ca ngợi “tái sinh” có những vương cung thánh đường với những mái hiên rộng lớn mở ra đón mọi luồng gió. Nghèo đói, thất nghiệp, bất công xã hội, tuyệt vọng đang thúc đẩy ngày càng nhiều người châu Phi ở đô thị hướng tới những Giáo hội hoạt động kỳ diệu tưởng tượng này, họ xem Chúa như câu trả lời tối cao cho mọi vấn đề hiện sinh và vật chất. Các linh mục công giáo cầu nguyện với một Chúa mà họ không nghe thấy. Các mục sư của các Nhà thờ Phục hưng đảm bảo với giáo dân, Chúa nói và trả lời thông qua họ và phải có thù lao – phải sống và thịnh vượng – họ có thể khai thác tiền và tha thứ mọi thứ.
Sự đảm bảo không bị trừng phạt này là một trong những lý do vì sao nhiều chính trị gia, đặc biệt ở Nigeria và Trung Phi đi theo các Giáo hội mới này, vốn thiên về vật chất hơn là tinh thần. Họ cho phép các người này xin Chúa bảo đảm quyền lực và ban phước cho sự giàu có của họ, đồng thời nhận được sự tha thứ của Ngài cho những cách thức và phương tiện vô đạo đức mà họ đã dùng để xây dựng quyền lực và tài sản của mình.
Đối diện với cách giữ đạo sôi sục này, dân chúng tỏ ra nhạy cảm vì nó trùng với cuộc khủng hoảng căn tính sâu đậm được nuôi dưỡng bởi những lo lắng đè nặng lên họ, Giáo hội công giáo đã gặp khó khăn lớn trong việc đáp ứng với thực tế này. Nếu muốn duy trì mức độ tăng trưởng trên lục địa, Vatican không còn cách nào khác ngoài việc đặt cược vào đức hạnh và làm gương. Đình chỉ chức thánh của các linh mục sống một cuộc sống hai mặt không nhất thiết phải là ưu tiên hàng đầu. Loại trừ những người này – kể cả giám mục – những người thờ Bò Vàng và sống huy hoàng như các vua pharaô Ai-cập là điều cần thiết. Đức Phanxicô nói: “Tôi muốn có một Giáo hội nghèo cho người nghèo. Trước tiên, vẫn cần phải quét các sân trước của các nhà thờ chính tòa.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch