Điều gì xảy ra khi một giám mục Anh giáo vào đạo Công giáo
by Phanxicovn
americamagazine.org, Doug Girardot, 2021-09-15
Giám mục Jonathan Goodall, trước đây là giám mục Anh giáo của giáo phận Ebbsfleet, (bên phải) cùng với Đức Bênêđictô XVI và Tổng giám mục Rowan Williams, giáo phận Canterbury năm 2010. (Ảnh CNS / L’Osservatore Romano qua Reuters)
Ngày 3 tháng 9, giám mục Anh giáo Jonathan Goodall bất ngờ thông báo ngài sẽ từ nhiệm chức vụ của mình để vào đạo Công giáo. Nhưng ngài không phải là một tân tòng bình thường: Ngài là giám mục giáo phận Ebbsfleet của Cộng đồng Anh giáo từ 8 năm nay, là thư ký và tuyên úy ủy ban đại kết của cựu tổng giám mục Rowan Williams, giáo phận Canterbury. Con đường của ngài là hiếm nhưng không phải là không có: Ngài theo bước chân của bốn giám mục Anh giáo khác, những người đã vào đạo Công giáo hơn một thập kỷ trước.
Nhiều tín hữu ở hai bờ sông Tibre (sông băng ngang Rôma) sẽ ngạc nhiên khi thấy một nhân vật cao cấp như vậy của Giáo hội Anh giáo lại bơi qua dòng sông này. Làm thế nào và tại sao một số giáo sĩ Anh giáo lại chọn thông hiệp trọn vẹn với Giáo hội Công giáo?
Lịch sử Anh giáo
Trước hết để hiểu mối quan hệ giữa Cộng đồng Anh giáo (hay Khối Hiệp thông Anh giáo, Anglican Communion) và Giáo hội Công giáo La-Mã, điều quan trọng là phải nhớ lại những gì đã dẫn đến sự rạn nứt giữa hai thể chế. Chúng ta ngược về gần 500 năm trước, năm 1534, khi vua Henry VIII ly khai Rôma và thành lập Cộng đồng Anh giáo độc lập; Trong số các lý do của nhà vua, có việc Giáo hoàng Clement VII từ chối hủy hôn của vua Henry với bà Catherine of Aragon.
Theo James Weiss, giáo sư lịch sử tôn giáo tại Đại học Boston và là linh mục thuộc Cộng đồng Anh giáo ở Hoa Kỳ, nhà vua chỉ muốn dùng đặc quyền hoàng gia trong các vấn đề tôn giáo như cách các nhà vua Âu châu khác đã làm. Các nhà cầm quyền của các quốc gia châu Âu, trước và sau vua Henry, đều có quyền bổ nhiệm các giám mục độc lập với giáo hoàng. Trên quan điểm này, giáo hoàng từ chối yêu cầu của nhà vua vì lý do chính trị hơn là vì có bất kỳ bất đồng nào về thần học.
Chỉ đến năm 1791, người Công giáo mới được hợp pháp thờ phượng lại, và phải đến năm 1829, người Công giáo mới có một ghế trong Quốc hội.
Qua năm tháng, vô số luật được thông qua làm cho việc giữ đạo Công giáo ở Anh là bất hợp pháp. Chỉ đến năm 1791, người Công giáo mới được hợp pháp thờ phượng lại, và phải đến năm 1829, người Công giáo mới có một ghế trong Quốc hội.
Cho đến ngày nay, việc nhà vua Anh là người Công giáo là điều vi hiến.
Làm rõ các thuật ngữ
Để hiểu về cơ bản quyết định của giám mục thì chúng ta cần xem lại các thuật ngữ để hiểu. Anh giáo quy chiếu truyền thống tôn giáo được Cộng đồng Anh giáo bắt đầu, nhưng nó không phải là một giáo hội thống nhất. Ngày nay có 41 Cộng đồng Anh giáo tự trị trên khắp thế giới, nhưng tất cả đều hiệp thông với ngai tòa Canterbury.
Dù chính thức cắt đứt với Rôma nhưng Anh giáo vẫn giữ nhiều điểm tương đồng với Giáo hội Công giáo. Dễ thấy nhất là các phụng vụ Anh giáo rất giống các phụng vụ Công giáo. Chẳng hạn các thánh lễ Chúa nhật của cả hai truyền thống đều có các bài đọc Cựu ước, các sách Phúc âm và các sách Tân ước khác; lời cầu nguyện Thánh Thể của Anh giáo cũng dùng ngôn ngữ gần giống với ngôn ngữ của người Công giáo. Trong hầu hết các giáo xứ, linh mục cũng mặc các loại lễ phục giống như các linh mục Công giáo.
Dù chính thức cắt đứt với Rôma nhưng Anh giáo vẫn giữ nhiều điểm tương đồng với Giáo hội Công giáo.
Cũng vậy, hệ thống cấp bậc của Cộng đồng Anh giáo gồm các giám mục, những người nắm phần lớn việc chăm sóc giáo phận như bên Công giáo. Về vấn đề tín lý, một đối thoại liên-giáo hội đã xác định, Anh giáo và Công giáo gần như hoàn toàn liên kết với nhau về thần học Bí tích Thánh Thể.
Tuy nhiên, vẫn có những xác tín, trong số các xác tín của Anh giáo, mâu thuẫn với quan điểm của Công giáo về khái niệm các thánh và lòng kính mến Đức Mẹ.
Dàn xếp mối quan hệ với Rôma
Sau khi Công đồng Vatican II kêu gọi mở ra với đại kết với các tín hữu Kitô khác, Giáo hội Công giáo đã có các cuộc thảo luận với Cộng đồng Anh giáo trong nỗ lực hòa giải những khác biệt lịch sử của các Giáo hội. Đức Phaolô VI có quan hệ nhiệt tình với tổng giám mục Michael Ramsey, giáo phận Canterbury và ngài đã thành lập một ủy ban đối thoại giữa hai Giáo hội. Cơ quan đạt được kết quả từ những nỗ lực này, Ủy ban Quốc tế Anh giáo – Công giáo Rôma hiện đang tham gia vào nhóm thảo luận kéo dài nhiều năm lần thứ ba của mình.
Mối quan hệ giữa hai bên cũng dẫn đến việc thành lập Trung tâm Anh giáo ở Rôma, đóng vai trò như một đại sứ quán Anh giáo tại Vatican.
Từ năm 2005 đến năm 2013, dưới triều giáo hoàng Bênêđictô XVI, một số tu sĩ Anh giáo đã quyết định vào đạo Công giáo do sự tiến triển trong nội bộ Anh giáo về các vấn đề xung quanh giới tính và tình dục. Kinh sĩ C. K. Robertson, nhà giáo luật Cộng đồng Anh giáo Mỹ cho biết, dù được nói lên, nhưng số người theo Công giáo rất ít, gần như không đáng kể.
Khi một số ít nhân vật Anh giáo nổi tiếng trở thành người Công giáo, đó chỉ là một triệu chứng của khó khăn mà các giáo phái Kitô phải đối diện khi đấu tranh chống cuộc cách mạng tình dục và các dư chấn của nó. Kể từ những năm 1970, một số giáo hội Anh giáo cho phép phụ nữ và sau đó là những người đồng tính nam công khai không độc thân trở thành linh mục và giám mục. Đáp lại một số mong muốn của những người Anh giáo muốn được nhận vào đạo Công giáo, năm 2009, Đức Bênêđictô XVI đã tạo sắc phong riêng cho Anh giáo. Các chức vụ trong Anh giáo kể cả các linh mục có thể được nhận vào Giáo hội Công giáo mà vẫn giữ một số yếu tố trong thờ phượng Anh giáo.
Dù có các khác biệt, Đức Phanxicô và Tổng Giám mục giáo phận Canterbury, Justin Welby, tuyên bố họ vẫn “không nản lòng” trong nỗ lực tìm kiếm điểm chung.
Một năm sau khi Đức Bênêđictô XVI thiết lập sắc phong, năm giám mục của Giáo hội Anh giáo vào đạo Công giáo, và cũng năm này có khoảng 100 giáo xứ thuộc Cộng đồng Anh giáo ở Hoa Kỳ – các linh mục, giáo dân và tất cả – cũng đã làm như vậy. Nhiều người trong Cộng đồng Anh giáo cho việc thành lập Chức vụ Bản quyền (Ordinariat) là xem thường; có vẻ như Giáo hội Công giáo đã từ bỏ việc cố gắng hòa giải với Anh giáo. Kinh sĩ Robertson nói, tuy nhiên, hầu hết các Giáo hội Anh giáo bên ngoài nước Anh đã không phật ý bao nhiêu.
Sau đó, năm 2016, Đức Phanxicô gặp tổng giám mục Justin Welby, tổng giám mục đương nhiệm của Canterbury. Trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo thừa nhận, cuộc tranh luận về việc phong chức cho phụ nữ và các vấn đề khác đã nảy sinh trong nửa thế kỷ qua “đã tạo những trở ngại nghiêm trọng cho sự thống nhất trọn vẹn của chúng ta.” Mặc dù vậy, họ vẫn hy vọng vào tương lai, cho rằng dù có các trở ngại cho việc hòa giải, hai nhà lãnh đạo vẫn “không nản lòng” trong nỗ lực tìm kiếm điểm chung.
Trên thực tế thì như thế nào
Ngày nay, trên thực tế khi một linh mục hoặc giám mục Anh giáo muốn vào đạo Công giáo thì sẽ như thế nào?
Để tín hữu Anh giáo – tu sĩ hay giáo dân – được tiếp nhận vào Giáo hội Công giáo qua Chức vụ Bản quyền, họ phải viết một thư nói lên mong muốn của mình. Nhưng họ không cần phải rửa tội lại: Giáo hội Công giáo công nhận phép rửa của Anh giáo, giống như bất kỳ giáo phái Kitô nào dùng nước, cầu xin Chúa Ba Ngôi và hoàn thiện bí tích với những lý do tương tự như trong đạo Công giáo.
Để được khai tâm đầy đủ, tín hữu Anh giáo muốn theo đạo Công giáo phải học giáo lý và phải chịu phép Thêm sức. Một số có thể chọn khóa học như những người có tôn giáo khác muốn vào đạo Công giáo, nhưng vì giáo lý Anh giáo trùng lặp với giáo lý Công giáo rất nhiều nên họ có thể chọn một khóa học ngắn hơn.
Khi hàng giáo sĩ Anh giáo vào Công giáo, họ không tự động xem như có đủ điều kiện cho chức thánh (hay giám mục). Giáo hội Công giáo không công nhận các phong chức của Anh giáo là hợp lệ. Theo quan điểm Công giáo, một tu sĩ Anh giáo muốn thành linh mục Công giáo phải được thụ phong dưới các nghi thức Công giáo.
Linh mục Công giáo Edward Tomlinson, của nhà thờ Thánh Anselm ở Pemsbury, nước Anh và là tác giả của quyển sách Hiểu về Chức vụ Bản quyền:Người Công giáo của Di sản Anh giáo (Understanding the Ordinariate: Catholics of the Anglican Patrimony) cho biết, tốt nhất nên nghĩ nó theo hình thức các tiền tệ khác nhau. Trong một e-mail ngài viết: “Không ai nghi ngờ tính hợp pháp của đồng bảng Anh, nhưng nó không hợp pháp ở Hoa Kỳ. Ở Mỹ phải dùng đô-la. Vì vậy, các chức thánh của Anh giáo có giá trị trong Anh giáo mà không có giá trị trong Công giáo.”
Thay vào đó, nếu họ muốn phục vụ với tư cách là giáo sĩ trong Giáo hội Công giáo, trước tiên các cựu linh mục Anh giáo phải qua quá trình kiểm tra lý lịch (cũng như bất kỳ ai muốn làm mục vụ chính thức trong Giáo hội Công giáo). Sau đó, nếu ứng viên nhận được sự chấp thuận của Chức vụ Bản quyền của họ và từ Vatican, họ phải qua chương trình đào tạo về học thuật và mục vụ – thường là học bán thời gian trong vòng hai năm ở một chủng viện. Và khi xong quy trình này, họ sẽ được một giám mục phong chức. Nhưng với các linh mục Anh giáo đã lập gia đình thì sao? Chẳng hạn giám mục Goodall đã có vợ và hai con. Trong điều có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người Công giáo, các linh mục Anh giáo đã lập gia đình có thể được phong chức linh mục Công giáo bằng cách theo quy trình nói trên. Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo nhấn mạnh, đây là một ngoại lệ, không phải là quy tắc: Các linh mục Anh giáo đã kết hôn phải được Vatican chấp thuận cho thụ phong trong từng trường hợp cụ thể, và vợ của linh mục phải đồng ý đi theo tiến trình này. Nếu linh mục Anh giáo chưa kết hôn thì khi thành linh mục Công giáo, linh mục này không được kết hôn sau đó, giống như bất kỳ linh mục Công giáo nào khác. Ở cấp bậc cao hơn, các cựu giám mục Anh giáo như giám mục Goodall không tự động trở thành giám mục trong Giáo hội Công giáo La-Mã. Cũng như với bất kỳ linh mục Công giáo nào khác, để trở thành giám mục đòi hỏi phải được giáo hoàng chấp thuận và được ít nhất một giám mục Công giáo phong chức.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch