Điều Răn Mới (19.5.2019 – Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh)

Điều Răn Mới  (19.5.2019 – Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh)

 
Gandhi được coi là bậc đại thánh của dân Ấn Ðộ.
Ông say mê Kinh Thánh, nhất là bài giảng trên núi.
Ông nghĩ rằng Kitô giáo sẽ là câu trả lời thích đáng
cho những xung đột giữa các giai cấp ở Ấn.
Một ngày nọ ông đến dự lễ tại một nhà thờ.
Nhưng người giữ cửa ngăn ông lại, và bảo ông
nên đến dự lễ ở một nhà thờ khác dành cho người da đen.
Ông đã bỏ đi và không bao giờ quay trở lại.
Có thể chúng ta đã mất một Kitô hữu tốt như Gandhi
chỉ vì có sự phân biệt màu da nơi nhà thờ.
Biết đâu thế giới này lại chẳng có nhiều Gandhi,
họ sống tinh thần Ðức Kitô còn hơn cả các Kitô hữu.
 
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới:
hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
Lời trăn trối của Ðức Giêsu vẫn làm chúng ta nhức nhối.
Ở đây Ngài không nhắc chúng ta yêu thương người ngoài,
nhưng Ngài đòi buộc các môn đệ Ngài yêu thương nhau.
Yêu thương nhau trở thành điều răn mới,
mới vì Ngài đòi họ phải yêu nhau như Ngài đã yêu họ.
Vấn đề cốt lõi là cảm nhận được tình yêu của Ngài.
Trước khi công bố điều răn mới này,
Ðức Giêsu đã rửa chân cho môn đệ, trong đó có Giuđa.
Ngài cúi xuống bên chân Giuđa để bày tỏ một tình yêu.
Sau đó Ngài còn chấm miếng bánh đầu tiên trao cho Giuđa
như đưa ra một vẫy gọi thân thương cuối cùng. (x. Ga 13,26)
Nhưng vô ích, Giuđa không đổi ý.
Anh vẫn ra đi để làm điều mình muốn (x. Ga 13,31)
Ðức Giêsu biết rõ số phận đang chờ mình.
Ngài sẽ yêu đến cùng bằng việc hiến mạng trên thập giá.
Ðức Giêsu đã yêu trước khi truyền cho ta yêu nhau.
Nếu ta không cảm nhận được tình yêu Ngài dành cho ta,
thì ta cũng chẳng thể yêu nhau như Ngài muốn.
Có nhiều dấu hiệu để người ta nhận ra một Kitô hữu:
 
đeo thánh giá nơi cổ, làm dấu thánh giá trước khi ăn…
Nhưng theo Ðức Giêsu, dấu hiệu đặc trưng của nhóm môn đệ
là tình yêu thương mà họ dành cho nhau:
cảm thông, tha thứ, cộng tác, hy sinh, chia sẻ, đối thoại…
Giữa các môn đệ, có bao dị biệt, bao hàng rào.
Nếu không vượt qua được những hàng rào dị biệt này
thì coi như việc truyền giáo bị đổ vỡ.
 
Tiếc thay, vẫn chưa có sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu
khác màu da, khác văn hoá, khác quan điểm chính trị…
Có bất đồng giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo ở Nga,
giữa người Công Giáo và người Tin Lành ở Bắc Ailen.
Ðến bao giờ mọi Kitô hữu có thể đọc chung kinh Lạy Cha,
mừng chung với nhau lễ Phục Sinh trong một ngày,
cử hành chung với nhau một phụng vụ.
Thế giới hôm nay như sa mạc thiếu vắng tình yêu.
Ước gì thế giới Kitô trở thành một ốc đảo xanh tươi
mời mọi người đặt chân tới.
 

Cầu nguyện:

 
Lạy Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
 
Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng và thiện chí của nhau.
 
Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
 
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
 
Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
 
Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.
 
 

Nguồn:  Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072