Định hướng và chương trình mục vụ của GHVN
1. Định hướng và chương trình mục vụ của Giáo Hội Việt Nam trong những năm tới là gì ?(x.TC. s. 2)
Là nỗ lực “Tân Phúc-Âm-hóa, để thông truyền đức tin Kitô giáo”.
2. Phúc-Âm-hóa là gì? (TC. s. 3)
Phúc-Âm-hóa là nỗ lực dẫn mọi người đến gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, trong Chúa Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Chúa Cha, để đời sống được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm.
Chú thích:
01/ * Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2013 viết: “Chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em về định hướng và chương trình mục vụ trong những năm tới. Trong ba năm qua (2010-2013), tất cả chúng ta đã cùng nhau học hỏi và sống ý nghĩa Giáo Hội: mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ. Định hướng đó và tinh thần của Năm Đức Tin cần được tiếp nối bằng nỗ lực “Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”, cũng là chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XIII, tại Rôma, từ ngày 7-28.10.2012” (Thư Chung HĐGMVN 2013, s.2).
* Các Thánh Tử đạo Việt Nam là những tấm gương “Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”:
+ Thánh Phaolô Đổng (1802-1862) bị quan quân dùng sắt nung đỏ khắc trên má 2 chữ ‘tả đạo’, có ý nói Đạo Chúa là đạo sai lạc. Không chấp nhận kiểu xúc phạm này, ngài đã cương quyết chịu đau đớn để xóa bỏ 2 chữ tả đạo, rồi lại chịu đau đớn khắc vào đó 2 chữ “Chính Đạo” để làm chứng rằng: Đạo Chúa là Đạo Thật!
+ Cha thánh Giuse Hiển (1769-1840), 71 tuổi, thế mà mỗi tối Cha vẫn cặm cụi vẽ trên vải những hình Thánh Giá, với những nét hoa văn thật đẹp, tặng cho những người vào thăm. Nhờ đó, nhiều người ăn năn trở lại. Từ trong tù, Cha đã gây được phong trào sùng kính Thánh Giá khắp nơi.
02/ Để thông truyền đức tin Kitô giáo, vì “Ánh sáng Đức Kitô chiếu tỏa trên khuôn mặt các Kitô hữu, và ánh sáng ấy phải lan đến những người khác, giống như từ ngọn nến phục sinh, vô vàn những ngọn nến khác được thắp lên trong Đêm Vọng Phục Sinh” (TC. s.2).
03/ Gặp gỡ cá vị (gặp riêng) với Đức Giêsu Kitô:
+ Vì Đức Giêsu Kitô đã nói: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy…” (Ga 14, 6).
+ Thư Mục Vụ Mùa Vọng – Giáng Sinh 2013 của Đức Giám Mục GP cho chúng ta thấy những phương cách gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô: “Mùa Vọng năm nay đến với chúng ta trong niềm hân hoan phấn khởi, vì Năm Đức tin đã đem lại nhiều ích lợi thiêng liêng cho toàn Giáo phận: chúng ta đã nỗ lực gặp gỡ Chúa Giêsu trong Lời Ngài, trong cácBí tích, trong Thánh lễ và kinh nguyện mỗi ngày”.
+ ĐTC Phanxicô mới viết trong Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm (s. 3):
“Tôi mời mọi Kitô hữu, ở bất cứ nơi nào và hoàn cảnh nào, ngay lúc này đổi mới cuộc gặp gỡ cá nhân của mình với Chúa Giêsu Kitô, hay ít ra, quyết định để cho Người gặp gỡ mình và không ngừng tìm kiếm Người mỗi ngày. Không có một lý do nào mà một người có thể nghĩ rằng lời mời gọi này không dành cho mình, bởi vì “không ai bị chối từ niềm vui mà Chúa mang đến”. Chúa không làm cho những ai dám thực hiện cuộc mạo hiểm này phải thất vọng, và khi một người nào bước một bước nhỏ về phía Chúa Giêsu, người ấy nhận ra rằng mình được Người chờ đợi với vòng tay rộng mở. Đây là thời điểm để thưa cùng Đức Chúa Giêsu Kitô: “Lạy Chúa, con đã để cho mình bị lừa dối; bằng ngàn cách con đã chạy trốn tình yêu Chúa, nhưng con đang ở đây một lần nữa để lặp lại giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin Chúa chuộc con lại một lần nữa. Lạy Chúa, xin một lần nữa đón nhận con trong vòng tay cứu độ của Chúa”. Điều này làm cho chúng ta cảm thấy sung sướng biết bao khi được trở lại với Người mỗi khi chúng ta đi lạc đường! Tôi nhấn mạnh một lần nữa: Thiên Chúa không bao giờ biết mệt khi tha thứ, chính chúng ta là kẻ cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin lòng thương xót của Người. Người là Đấng mời chúng ta tha thứ “bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22) và ban cho chúng ta một mẫu gương: Người tha thứ bảy mươi lần bảy. Hết lần này đến lần khác Người lại đến để vác chúng ta trên vai của Người. Không ai có thể lấy đi khỏi chúng ta phẩm giá mà tình yêu vô hạn và bền vững này đã ban cho chúng ta. Người cho phép chúng ta ngẩng cao đầu và bắt đầu lại một lần nữa, với một sự dịu dàng không bao giờ làm cho chúng ta thất vọng, nhưng luôn luôn đem lại cho chúng ta niềm vui. Chúng ta đừng chạy trốn sự Sống Lại của Chúa Giêsu, chúng ta đừng bao giờ bỏ cuộc, điều gì xảy đến sẽ đến. Không gì có thể hơn sự sống của Người là sức mạnh đẩy chúng ta tiến tới!
04/ Gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, trong Chúa Thánh Thần:
– Chúa Giêsu đã xác quyết: “Ta sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Bầu Chữa khác, để Ngài ở với các con luôn mãi…” (Ga 14, 16);“…khi nào Ngài đến, vì là Thần khí sự thật, Ngài sẽ đưa các con vào tất cả sự thật…”; “Thánh Thần Cha sẽ sai đến nhân danh Ta, chính Ngài sẽ dạy các con mọi sự, và sẽ nhắc cho con nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với các con”.
– Thánh Phaolô viết: “Không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3). “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Abba, Cha ơi!” (Gl 4,6).
– Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy: “Sự nhận biết của đức tin chỉ có được trong Chúa Thánh Thần. Để được hiệp thông với Đức Kitô, trước hết cần phải được Chúa Thánh Thần đánh động. Ngài đến với chúng ta trước và khơi dậy đức tin trong chúng ta. Nhờ Phép Rửa, là bí tích đầu tiên của đức tin, mà sự sống, vốn bắt nguồn nơi Chúa Cha và được ban cho chúng ta trong Chúa Con, được truyền thông một cách thân mật và cá vị bởi Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh” (x. Giáo Lý HTCG, s 683).
05/ ‘Gặp gỡ Chúa Cha’ trong Đức Tin:
Vì “Cửa đức tin” (x. Cv 14,27) dẫn vào đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và vào Giáo Hội vẫn luôn mở sẵn…
Hành trình này bắt đầu với bí tích Thánh tẩy (x. Rm 6, 4), nhờ đó chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha,… được tham dự cùng vinh quang của Ngài, nhờ hồng ân của Thánh Linh. Tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Ba Ngôi, Cha và Con và Thánh Linh, cũng có nghĩa là tin nơi một Thiên Chúa duy nhất là Tình Yêu (x. 1 Ga 4,8): Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến, khi thời gian viên mãn, để cứu độ chúng ta…” (x. Tông Thư Cửa Đức Tin, s.1).
06/ Biến đổi theo tinh thần Phúc Âm, được đúc kết trong tinh thần của Tám Mối Phúc Thật, được gọi là Hiến Chương Nước Trời, đặc biệt là ‘tinh thần nghèo khó’, qua cách chúng ta đối xử với những người nghèo:
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi chúng ta, qua Tông Huấn đầu tiên của Ngài “Niềm Vui Phúc Âm”:
“Hãy lên đường, hãy lên đường cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Kitô…Tôi muốn thấy một Giáo Hội bị bầm giập, tổn thương và lấm lem trên đường dấn thân, chứ không phải là một Giáo Hội ‘xanh xao vàng vọt’ vì sống đóng khung và bám víu vào chu vi hàng rào an toàn của riêng mình”…
“Tôi không muốn có một Giáo Hội chỉ lo cho mình phải là ‘cái rốn của vũ trụ’, và sau đó, kết thúc bằng việc bị giam cầm giữa một mạng lưới định kiến và thủ tục”; “…bao nhiêu người đang chết đói trước cửa nhà chúng ta, và Chúa Giêsu vẫn không mệt mỏi nhắc nhở chúng ta: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi” (x. Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, s.48.49).
Nguồn: gpcantho.com