Đức ái – nền tảng của hạnh phúc

 

Sinh ra và lớn lên ở thôn quê, tôi đã rất nhiều lần chứng kiến cảnh “lục đục” của gia đình hàng xóm. Chuyện chồng uống rượu say, về nhà đánh vợ doạ con xảy ra như cơm bữa. Tôi nhớ rất rõ những buổi chiều chạng vạng ấy, cái không khí chờ đợi, sự im lặng căng thẳng trước khi bão nổi: người vợ đang trò chuyện với hàng xóm lo tất tả chạy về nhà, càng tỏ ra bận rộn với công việc nấu nướng quét dọn càng tốt; mấy đứa con đang la ó đùa giỡn ngoài đường bị mẹ gọi vào nhà, con gái ngồi xuống giúp mẹ rửa rau, con trai ra giếng tắm, hay lẻn ra sau hè. Muốn đóng cổng lắm, để tiếng ồn giảm bớt, xấu hổ giảm bớt, nhưng “ổng” về tới nhà mà thấy cổng đóng thì càng thêm rắc rối!

Tôi nhớ rất rõ ánh mắt hoảng sợ của những đứa con khi chúng chạy qua nhà hàng xóm, theo lời dặn của mẹ, chờ đến khi yên lặng rồi hãy về.

Những cảnh bạo hành đó không chỉ xảy ra hôm qua, mà ngay hôm nay vẫn còn đó những cảnh ngược đãi của những người thân trong gia đình dành cho nhau.

Bạo hành trong gia đình được diễn ra dưới nhiều hình thức, bao gồm bạo hành về thể xác; khủng bố về tinh thần; nhục mạ, mắng chửi; kiểm soát kinh tế nhằm tạo lệ thuộc về mặt tài chính; lạm dụng tình dục; kiểm soát từ việc làm đến giao thiệp, thăm hỏi bạn bè, gia đình, họ hàng, v.v.

Nguyên nhân dẫn đến những tình trạng này là rượu. Cộng với rượu là nhiều tác nhân khác, như ghen tuông, cộc tính, thất nghiệp, v.v.

Đánh đập, mắng chửi, cô lập, và cưỡng ép tình dục chỉ là những biểu hiện chứ chưa đủ để định nghĩa bạo hành trong gia đình hay miêu tả đúng bản chất của nó. Bạo hành trong gia đình là một sự áp bức. Giống như bao sự áp bức khác, bạo hành trong gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng có cùng một mục đích: thiết lập quyền lực và gia tăng sự chế ngự của một người đối với người khác,

Bạo hành trong gia đình không bao giờ là một tai nạn hay một rủi ro nhất thời. Bạo hành trong gia đình là một quá trình biến chuyển dai dẳng, và nguyên nhân của bạo hành trong gia đình xét tận gốc rễ là tầng tầng lớp lớp những truyền thống và tiêu chuẩn đạo đức của một xã hội, đã được cá nhân hấp thu và biến chuyển. Người chồng có thể tự cho phép mình đánh đấm, mắng chửi, cô lập hay cưỡng ép tình dục vợ mình, không phải vì anh uống quá say, giận quá mất khôn, quá ghen tuông, hay quá thèm khát tình dục mà không kiềm chế được mình. Anh ta có thể cho phép mình làm những điều đó bởi vì anh tin rằng anh có quyền được uống say, giận, ghen, và quan hệ tình dục với vợ mình vào bất cứ lúc nào, vì anh là chồng, anh là một người đàn ông. Bất cứ ai, ít học hay có học, đều có thể tin rằng mình có quyền như vây.

Lý do tại sao nhiều phụ nữ bị bạo hành vẫn cắn răng chịu đựng thì đã được phân tích nhiều, và văn hoá luôn đóng một vai trò quan trọng. Người phụ nữ Việt Nam vốn tính cam chịu, bởi văn hoá Việt Nam vốn đề cao “một điều nhịn chín điều lành”, trong khi đa số đàn ông Việt Nam tính tình gia trưởng, độc đoán, muốn vợ luôn phải nghe lời mình. Chẳng phải ông bà ta ngày xưa từng dạy: “Chồng giận thì vợ làm lành/Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?” Người Việt Nam lại chú trọng nhiều đến thể diện, danh giá, nên muốn dấu chuyện gia đình, tránh “vạch áo cho người xem lưng”. Đa số phụ nữ Việt Nam luôn có tính hy sinh, chịu khó cho gia đình, và thường có tâm lý nhịn nhục để khỏi làm mất mặt cha mẹ.

Tuy vậy, xét văn hoá Việt Nam để hiểu thái độ của người Việt Nam đối với bạo hành trong gia đình là cần thiết nhưng chưa đủ. Có phụ nữ Việt Nam không cam chịu, và cũng có nam giới Việt Nam không gia trưởng. Bạo hành trong gia đình là một sự lựa chọn hoàn toàn tự chủ của một cá nhân, bất kể trình độ học vấn hay giàu nghèo. Cá nhân đó tin rằng mình có quyền quyết định cuộc sống của người bạn đời, con cái, người yêu, hay cả những người thân khác.

Ví thế, để tránh đi những bạo hành đáng tiếc cho gia đình, chúng ta hãy học hỏi đức ái Ky-tô giáo mà thánh Phao-lo đã dạy: ‘Đức ái thì bao dung, nhân hậu, không ghen tương. Đức ái thì nhẫn nại, thi hy sinh.. . ” Và ngài đúc kết rằng: “anh em đừng mắc nợ nhau điều gì “ngoài đức bác ái yêu thương”.

 

1. Đức ái là đón nhận nhau trong yêu thương tha thứ

Gia đình là cộng đoàn hợp nhất yêu thương. Vì chính tình yêu nam nữ làm nên tình nghĩa vợ chồng để cùng nhau xây dựng một mái ấm gia đình. Gia đình hạnh phúc là gia đình có tình yêu. Vì vậy:

Hãy đảm bảo cho mái nhà chúng ta đang sống, đừng còn một em nhỏ nào, một người lớn nào, dù nam hay nữ, cảm thấy không được đoái hoài hay không được yêu thương nơi chính gia đình của mình. Nhiều ông bố, nhiều bà mẹ, nhiều người con đã không muốn trở về nhà vì họ không được quan tâm, chăm sóc và cảm thông từ gia đình. Họ cảm thấy cuộc đời họ thật vô nghĩa khi ở với gia đình thiếu sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau.

Đặc biệt hãy chống lại tên phá hoại an bình kinh tởm. Nạn phá thai là tên phá hoại an bình kinh tởm nhất. Nó phá hoại tình yêu. Nó phá hủy hình ảnh Thiên Chúa. Nó phá hoại sự hiện diện của Thiên Chúa. Nó phá hủy lương tâm người mẹ (hổ dữ không ăn thịt con). (Có người hỏi rằng: “đặt vòng có tội không? Thưa có. Phá thai non)

Vì vậy, nơi gia đình mỗi người hãy học cho biết yêu thương. Vì yêu thương là nỗ lực không ngừng biến ác cảm thành thiện cảm. Biến hận thù thành tha thứ. Đây là lãnh vực cần chiến đấu nhiều hơn cả để chế ngự bản năng ganh ghét trong con người của mình, đế sống vị tha hơn giữa anh em.

Người xưa cũng nói rằng: Sống chung là một cuộc chiến đấu liên lỉ. Chén bát còn có khi xô xát, chứ vợ chồng sống chung với nhau lâu ngày, tránh sao cho khỏi những lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt? Vì bá nhân bá tính mà (mỗi người một tính khác nhau).

Ngọc nhìn lâu sẽ tìm thấy vết,

Hoa để gần sẽ hết mùi hương.
Thực tế cho thấy cuộc sống Hôn nhân không luôn phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Bao nhiêu sóng gió nổi lên vì cá tính dị biệt, anh thì chậm rãi nghiêm trang, chị lại mau chân lẹ miệng. Hoặc chồng thì hào hoa phong nhã,, vợ thì kín đáo, keo kiệt, anh mê tân nhạc, chị thích cải lương… Đấy là chưa kể đến vấn đề bất đồng quan điểm trong việc làm ăn, sống theo tôn giáo, dạy bảo con cái…
Nếu sự khác biệt này cứ tiếp diễn bằng sự xung khắc sẽ dẫn đến cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Thế nên chí có tình yêu mới hàn gắn lại những đổ vỡ do sự khác biệt gây nên. Vì
Thương nhau cau bảy bổ ba.
Ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười.

 

2. Đức ái đòi hỏi phải sống vì người khác

Khi tạo dựng con người, TC đã tạo dựng con người có đôi. Con người phải có tính xã hội, phải biết hoà mình trong số đông nhân loại vì: “Con người ở một mình không tốt” (St2,18)

Thực vậy, con người càng đi tìm chính mình, con người càng đánh mất chính mình. Càng co cụm trong vỏ ốc của mình, con người càng chết dần trong nỗi cô đơn của mình. Nỗi khát khao hạnh phúc của con người chỉ có thể lấp đầy khi đến với tha nhân mà thôi. Đó là chân lý nền tảng về con người.

Qua cuộc sống và cái chết của Ngài, Chúa Giêsu cũng khẳng định chân lý ấy. Ngài nói: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm thấy được sự sống muôn đời” (Mt10,39)

Đó là nghịch lý của Kitô giáo, nhưng đó cũng là chân lý của muôn đời. Thật thế, tất cả những ai miệt mài trong danh lợi, chức quyền, lạc thú của riêng mình cũng sẽ chuốc lấy đắng cay, chua xót, muộn phiền mà thôi. Trái lại, một cuộc sống tiêu hao vì người khác sẽ luôn là một cuộc sống tràn đầy, sung mãn. Chính trong phục vụ, con người mới tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Chính trong những nghĩa cử yêu thương, con người mới tìm được nguồn hạnh phúc đích thực.

Trong đời sống gia đình, điều này càng thể hiện rõ nét: chúng ta chỉ sở hữu hạnh phúc từ gia đình khi chúng ta cho đi tình yêu, sự sống, sự hy sinh quên mình là lúc chúng ta đón nhận niềm vui và hạnh phúc. Ngược lại, chúng ta chỉ nhận lãnh sự buồn tẻ, thất vọng, nếu chúng ta chỉ đòi người bạn cưng phụng chúng ta, thì chúng ta sẽ không có cơ hội nhận lãnh hạnh phúc.

 

3. Đức ái đòi phải chung thuỷ với nhau.

Có một lần trên chuyến xe, tôi đã được nghe mẩu tâm sự vụn giữa mấy bà mấy cô với nhau. Bà thì than rằng ông chồng của mình bê bối. Bà thì bực tức thấy ông nhà đèo bồng mà chẳng làm gì được. Nói ra thì xấu thiếp hổ chàng, còn để vậy thì ấm ức trong lòng. Sau cùng, có một bà đã kết luận: chỉ có mấy bà Công giáo là sướng. Đạo của họ cấm chỉ việc lang bang. Dù sao chăng nữa, thì họ cũng vẫn một lòng một dạ với nhau. Nghe mẩu tâm sự ấy, tôi cũng thấy mừng vì từ ngàn xưa và cho đến ngày hôm nay, sự chung thủy, một vợ một chồng vốn dĩ đã là một nét son của hôn nhân Công giáo.

Chính Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó, người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ để kết hiệp với vợ mình và cả hai sẽ trở nên một xương một thịt”. Và Ngài đã kết luận: “Vậy sự gì Thiên Chúa đã liên kết thì loài người không được phân ly”. Chính vì thế sự trung thành cùng nhau phải là một bổn phận chung của cả hai người: người chồng cũng như người vợ.

Đây là điều dễ hiểu bởi vì hôn nhân Công giáo là một khế ước song phương, nghĩa là được ký kết giữa hai người. Chúng ta đòi buộc người bạn đời phải tuyệt đối trung thành với chúng ta thế nào, thì chúng ta cũng có bổn phận phải tuyệt đối trung thành với người bạn đời như thế. Chúng ta không thể nào chấp nhận những chia sẻ vụng trộm của người bạn đời thì chính chúng ta cũng không được chia sẻ tình yêu một cách thầm lén cho kẻ khác không phải là người bạn đời của mình. Nếu như những hành vi thầm lén vụng trộm của chúng ta bị đổ bể, bởi vì đi đêm có ngày gặp ma……… thì lúc bấy giờ chắc chắn dư luận sẽ không buông tha chúng ta và gia đình chúng ta chắc chắn sẽ gặp phải nhiều sóng gió.

Quyết định đi đến hôn nhân là quyết định dứt khoát cho một sự chọn lựa. Mà chọn lựa thì trước hết có nghĩa là chấp nhận. Chúng ta phải chấp nhận người bạn đời với tất cả những sở trường và sở đoản. Bởi vì nhân vô thập toàn, ai cũng có những khuyết điểm của mình. Chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy được người yêu lý tưởng, đủ mọi tiêu chuẩn chúng ta đưa ra trên cõi đời này. Tiếp đến, chọn lựa còn có nghĩa là từ bỏ. Chúng ta phải từ bỏ những cuộc giao du, những cuộc gặp gỡ hay những lần tiếp xúc khả dĩ làm sứt mẻ, rạn vỡ tình yêu của chúng ta. Đó là trong hiện tại, còn trong dĩ vãng thì sao? Chúng ta cũng phải từ bỏ những hình ảnh, những kỷ niệm của một ngày xưa, cho dù đó là một ngày xưa “hoàng thị”, một ngày xưa đằm thắm, với những rạo rực của một thuở mới lớn, với những mộng mơ của những cuộc tình đầu. Nếu chúng ta cứ để cho dĩ vãng ám ảnh, và nhất là nếu chúng ta cứ luôn so sánh hiện tại với dĩ vãng, thì chắc chắn tình yêu của chúng ta sẽ bị giảm sút nghiêm trọng. Và biết đâu, đó cũng là một cách chúng ta ngoại tình trong tư tưởng rồi vậy.

 

Nguồn: gxnl

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072